Cán bộ Hải quan nhận phong bì khủng chỉ là “sự cố đáng tiếc”?

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, vụ cán bộ Hải quan nhận phong bì tiền tỷ là “sự cố đáng tiếc”.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chiều 18/1, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, số tiền thu hồi chỉ bằng một nửa so với giá trị thiệt hại từ các vụ tham nhũng trong ngành gây ra.

Hải quan, thuế, kho bạc đều phát hiện tham nhũng

Hội nghị chiều qua được hâm “nóng” khi mới đây cơ quan an ninh bắt giữ Nguyễn Tường Duy (48 tuổi), nguyên cán bộ Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP HCM để điều tra với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Khám xét nhà Duy, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài liệu, giấy tờ, hàng chục phong bì có gần 1 tỷ đồng… được cho là tang vật của vụ án. Theo cáo buộc ban đầu, Duy với nhiệm vụ là kiểm soát hàng hóa đã gây khó khăn trong quá trình kiểm soát để gợi ý chi tiền từ 2-15 triệu đồng nếu muốn hàng hóa được thông quan. Nếu không, các doanh nghiệp phải để những loại hàng hóa được đánh giá là “nhạy cảm” chờ kiểm tra và mất chi phí kho bãi.

Cán bộ tài chính nộp lại hơn 322 triệu đồng tiền quà tặng

Bộ Tài chính cho biết, về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, nhất là trong các dịp lễ, Tết, các đơn vị của Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, thực hiện báo cáo thống kê kịp thời, đầy đủ tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định. Cụ thể, từ năm 2007 – 2015, các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính đã kê khai, nộp lại quà biếu, quà tặng đã nhận theo quy định, gồm 322 triệu đồng, 1 bộ máy vi tính; 15 bức tranh thêu; 1 lọ hoa; 1 bộ sách và đĩa hát.

Trước vụ việc này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thừa nhận, đây là “sự cố đáng tiếc”. Theo ông Cẩn, nhiều trường hợp thoái hóa biến chất khác cũng đã “dính” vào các hành vi liên quan tới nhũng nhiễu, tham nhũng. Theo đó, đa phần là hành vi lợi dụng chính sách xuất khẩu để khai khống và được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào… “Dù đã thanh, kiểm tra nhưng cũng không phát hiện được nhiều vụ việc vi phạm. Chỉ tới khi tiến hành điều tra sâu, chúng tôi mới bắt quả tang, đồng thời xử lý nhiều cán bộ trong ngành”, ông Nguyễn Văn Cẩn cho hay. Lý giải về tình trạng nhiều cán bộ hải quan “nhúng chàm”, vị Phó Tổng cục trưởng cho rằng, một phần cũng do đặc thù của ngành. “Cán bộ hải quan là công chức và tham gia trực tiếp vào quy trình nghiệp vụ sâu trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm như về thuế giá trị gia tăng, buôn lậu…”, ông Cẩn nói.

Tại cuộc họp, lãnh đạo ngành Kho bạc Nhà nước cũng thông tin, thời gian qua đã phát hiện các vụ tham ô, tham nhũng và đã tiến hành xử phạt tập thể, cá nhân theo quy định.

Đối với ngành Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho hay, trong 10 năm qua, bên cạnh việc chấn chỉnh cán bộ, thực hiện quản lý công việc tới từng cán bộ và hàng năm rà soát, luân phiên 93.310 lượng công chức, tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ việc xảy ra. Ông Nam liệt kê, năm 2013 ngành có 241 cán bộ vi phạm, năm 2014 có 250 cán bộ vi phạm, năm 2015 có 159 cán bộ vi phạm kỷ luật bị xử lý. Mặc dù Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng vì số cán bộ vi phạm bị xử lý năm sau thấp hơn năm trước nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại cho rằng, ngành Thuế “vẫn phải thận trọng vì có nhiều trường hợp không phát hiện ra”.

Thu hồi hơn 30 tỷ đồng tiền tham nhũng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, thời gian qua, đường dây nóng của cơ quan thuế và hải quan liên tục nhận được nhiều thông tin phản ánh về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ. Trong quá trình xử lý vi phạm, bà Mai thừa nhận, người đứng đầu tại đơn vị nhiều khi còn chưa nghiêm.

Được biết, trong 10 năm qua, Bộ Tài chính đã thực hiện xử lý đối với 27 tập thể, cá nhân có vi phạm bằng các hình thức như: Không khen thưởng, hạ thi đua, hạ bậc lương, giáng chức, khiển trách, cảnh cáo… Cụ thể, ngành Thuế có 19 trường hợp; hệ thống Kho bạc Nhà nước có 3 trường hợp người đứng đầu đơn vị bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; Ngành Hải quan có 5 trường hợp người đứng đầu đơn vị bị xử lý hình sự do có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng tại đơn vị.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2006-2015, Bộ Tài chính đã phát hiện 125 vụ việc tham nhũng, trong đó phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ là 102 vụ việc, qua công tác thanh tra là 16 vụ việc, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo là 7 vụ việc; Số đối tượng có hành vi tham nhũng bị phát hiện là 134 người. Bộ cũng phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố 34 vụ việc tham nhũng, truy tố 7 vụ án tham nhũng. Số vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử là 42 vụ với 66 đối tượng bị kết án tham nhũng; số vụ việc tham nhũng đã được xử lý hành chính là 113 vụ với 121 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, đang được xem xét xử lý là 5 vụ với 5 đối tượng.

Cũng theo Thứ trưởng Mai, giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng là 66.594 triệu đồng, trong khi số tiền đã được thu hồi, bồi thường là 30.194 triệu đồng. “Sắp tới, về việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, cần phải có quy định niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng chứ không chờ đến khi đã kết án về hành vi tham nhũng”, bà Mai kiến nghị. Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, nên sửa đổi quy định pháp luật theo hướng khi xác định hình phạt, việc hoàn trả tài sản cần được xem là một tình tiết bắt buộc chứ không phải tình tiết giảm nhẹ.

Theo báo Giao thông.

 

Hải quan TP.HCM tỷ lệ kiểm tra hàng hóa xuống dưới 6%

Theo Cục Hải quan TP.HCM, qua công tác quản lý rủi ro, tỉ lệ hàng hóa phải kiểm tra thực tế tại đơn vị ngày một giảm, nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm từ hàng hóa phải kiểm tra thực tế tăng lên.

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, Cục Hải quan TP.HCM thường xuyên thu thập, cập nhật các tiêu chí quản lý rủi ro, kịp thời phân luồng và đánh giá tình hình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

Bình quân cả năm 2015, tổng số tờ khai làm thủ tục thông quan qua hệ thống VNACCS/VCIS là 2.339.741 tờ khai. Trong đó, tờ khai miễn kiểm tra thực tế hàng hóa – luồng Xanh là 1.163.483 tờ khai (chiếm 49,73%); tờ khai kiểm tra hồ sơ- luồng Vàng là 966.026 tờ khai (chiếm 41,29%) và tờ khai kiểm tra thực tế hàng hóa- luồng Đỏ là 210.232 tờ khai (chiếm 8,98%). Tỷ lệ phát hiện vi phạm trong thực tế kiểm tra hàng hóa (luồng Đỏ) là 1,087%.

Đáng chú ý, riêng trong tháng 12-2015, luồng Xanh có 116.490 tờ khai (chiếm 51,75%); luồng Vàng 96.122 tờ khai (chiếm 42,71%) và luồng  Đỏ 12.469 tờ khai (chiếm 5,54%). Đặc biệt tỷ lệ vi phạm phát hiện từ các tờ khai luồng Đỏ tăng lên mức 1,15%.

Qua dữ liệu nhận thấy công tác phân luồng QLRR ngày càng chặt chẽ hơn, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa giảm từ 16% (năm 2014) xuống còn 5,54%, nhưng phát hiện vi phạm tăng từ 0,23% (năm 2014) lên 1,15%.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Cục Hải quan TP.HCM vào cuối tuần qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc chỉ đạo, trong thời gian tới Cục Hải quan TP.HCM phấn đấu duy trì tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa dưới 6%, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động XNK, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ, giữ vững an ninh kinh tế, an ninh quốc gia…/.

Theo báo Hải Quan.

 

Hải quan TP.HCM: Soi chiếu gần 21.000 container hàng hóa

Theo Cục Hải quan TP.HCM, năm 2015 toàn cục đã thực hiện soi chiếu 20.700 container hàng hóa XNK, tăng gần 2.200 container so với  năm 2014.

Trong số container chuyển soi chiếu, Cục Hải quan TP.HCM thực hiện soi trước và sau thông quan 1.559 container, với hình thức chọn soi ngẫu nhiên. Việc soi ngẫu nhiên trên cơ sở sử dụng thông tin (liên quan đến lô hàng được cập nhật trên hệ thống của cảng: trọng lượng, thời điểm hạ bãi …) và thông tin rủi ro để thực hiện soi ngẫu nhiên.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, trước đây đối với hàng xuất khẩu miễn kiểm tra (luồng Xanh, luồng Vàng) sau khi được thông quan tập kết tại cửa khẩu xuất chỉ chờ xếp dỡ lên tàu, xét thấy vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về buôn lậu và gian lận thương mại, như: xuất khống, xuất sai khai báo…

Để khắc phục tình trạng trên lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo xây dựng phương án kiểm soát đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Từ  tháng 6-2015, đơn vị triển khai thí điểm mở rộng đối tượng kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container. Theo đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện việc soi sau hàng xuất khẩu (sau thông quan) và soi trước hàng nhập khẩu (trước thông quan).

Việc thí điểm soi chiếu ngẫu nhiên đối với hàng nhập khẩu bước đầu đã có kết quả phát hiện nhiều vụ vi phạm trong việc XNK hàng hóa. Thực hiện việc soi ngẫu nhiên hàng hóa XNK để ngăn chăn buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng không ảnh hưởng đến thời gian thông quan.

Theo báo Hải Quan.

WB: Khu vực tư nhân nên đầu tư mạnh vào logistics

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ nên cộng tác chặt hơn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và vận tải tư nhân để cải tiến dịch vụ kho vận (logistics).

Báo cáo mới của WB chỉ ra rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các bên liên quan trong khu vực kinh tế tư nhân chính là đối tượng sử dụng cuối cùng hạ tầng giao thông vận tải. Đồng thời, đây cũng là đối tượng sẽ hưởng lợi chính của các chính sách công hướng tới thuận lợi hoá thương mại và giảm chi phí kho vận.

Chúng cũng sẽ cung cấp thông tin phản hồi tốt về quan hệ cung cầu, giúp cải thiện công tác hoạch định chính sách công trong ngành logistics.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức độ sử dụng các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Ông Luis C. Blancas, Chuyên gia cao cấp về Giao thông của WB cho rằng, nếu các cơ quan trung ương và địa phương như Bộ, Sở Giao thông Vận tải hợp tác với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nội địa và chuỗi xuất-nhập khẩu tốt hơn thì Việt Nam sẽ xây dựng được một hệ thống kho vận tốt hơn trong quá trình chuyển tiếp sang một giai đoạn tăng cường năng lực cạnh tranh kho vận mới của một nước thu nhập trung bình.

Kinh nghiệm thế giới như Malaysia, Thái Lan, Mỹ và Anh đã có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng là những nước hàng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số thành tích kho vận của WB.

Ngoài ra, báo cáo cũng kêu gọi lôi kéo sự tham gia của khu vực tư nhân trong toàn bộ quá trình lập kế hoạch và chính sách thay vì chỉ trong một vài công đoạn nào đó và đây sẽ là biện pháp giúp duy trì sự tham gia lâu dài.

Báo cáo được soạn dựa trên một cuộc khảo sát các doanh nghiệp vận tải tư nhân tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy cần lôi kéo khu vực tư nhân tham gia hơn nữa và quá trình kế hoạch hoá và hoạch định chính sách kho vận nhưng hiện nay đòi hỏi này vẫn chưa được thoả mãn. Những người được phỏng vấn rất mong muốn tạo ra một cơ chế đối thoại và hợp tác theo thông lệ quốc tế.

Theo new.zing.vn

 

Lạng Sơn: Tồn đọng gần 200 container hàng tại cửa khẩu phụ Bình Nghi

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hải quan tại cửa khẩu phụ Bình Nghi, hiện tại khu vực cửa khẩu đang tồn đọng khoảng 200 container, chủ yếu hàng đông lạnh và nông sản.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Bình Nghi (Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, khoảng hơn 1 tháng nay, phía Trung Quốc ít nhận hàng từ các DN Việt Nam nên lượng hàng hóa tồn đọng tại cửa khẩu ngày càng tăng.

“Số hàng này chủ yếu là hàng tái xuất nên khi không xuất được hàng các DN sẽ chủ động chuyển hàng hóa của mình tới các cửa khẩu khác để xuất theo yêu cầu của phía chủ hàng Trung Quốc”, ông Phúc cho biết.

Ông Phúc nhấn mạnh, điều này đã làm tăng chi phí và thời gian của DN. Do đó, để hỗ trợ DN trong việc giảm thiểu hàng hóa bị hư hại, Đội Nghiệp vụ Bình Nghi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong việc tái xuất hàng hóa.

Theo báo Hải Quan.

 

75 thị phần logistics rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài

Doanh nghiệp dịch vụ vận tải (Logistics) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nói riêng. Khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, ngành logistics nước ta không chỉ có cơ hội phát triển mạnh mà còn tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải của thế giới. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội thì ngành logistics đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.Hội nhập là cơ hội lớn để ngành logistic nước ta phát triển, tuy nhiên thị phần của ngành này chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo thống kê của Hiệp hội Logistics, hiện cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là ngành kinh tế non trẻ và chỉ thực sự phát triển sôi động từ khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Quy mô của ngành logistics ước tính vào khoảng 20 – 22 tỷ USD với mức tăng trưởng bình quân từ 16-20%/năm.

Mặc dù ngành logistics tăng trưởng nhanh trong thời gian qua nhưng mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, mạnh về số lượng nhưng yếu về thị phần. Đa số các doanh nghiệp dịch vụ logistics là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất như kho tàng, bến bãi, công nghệ thông tin, phương tiện vận chuyển nên chỉ hoạt động trong một phân khúc nhỏ của ngành như dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan… Sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics.. đã phần nào cản trở sự phát triển của toàn ngành.

Ông Nguyễn Lê Chung, chuyên viên marketing Công ty cổ phần Logistic Hàng không cho rằng, hiện tại quy mô cũng như các hoạt động của các doanh nghiệp logistic Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với các doanh nghiệp khác.

“Việc này đến từ phương thức hoạt động và mô hình tổ chức, bộ máy tổ chức còn hơi cồng kềnh về thủ tục. Nếu muốn tăng mức độ cạnh tranh với các công ty logistic khác trên thế giới thì cần phải tối ưu hóa được các hoạt động. Thứ 2 là có thể mở rộng thêm các sản phẩm dịch vụ, các chuỗi cung ứng trong lĩnh vực logistic”, ông Chung cho biết.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hội nhập là cơ hội lớn để ngành logistic nước ta phát triển, tuy nhiên thị phần chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài, với khoảng 75%. Bên cạnh đó, hiệu suất thấp cùng với quy trình hải quan kéo dài và cơ sở hạ tầng kém phát triển dẫn tới chi phí vận tải chiếm gần 25% GDP cả nước, cao hơn nhiều so với các nước như Mỹ, Trung Quốc hay Thái Lan.

Một trong những yếu tố gây cản trở sự phát triển của ngành logistics, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đó là sự bất hợp lý trong việc vận hành hệ thống cảng tại Việt Nam, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng lên nhiều lần. Cùng với đó là sự bất cập về cơ sở hạ tầng, vận chuyển quốc tế và phụ phí vận chuyển quốc tế trong mùa cao điểm thường bị các hãng tàu tăng cao. 

Ông Bùi Hồng Minh, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển đang tạo ra sự tắc nghẽn dòng dịch chuyển logistics, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành logistics toàn diện trên phạm vi cả nước. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải.

Ông Minh cho rằng, để ngành vận tải phát triển mạnh trong thời gian tới, cần cải cách thể chế ở tầm vĩ mô, tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và tạo cạnh tranh với các quốc gia khác.

“Cần có một số doanh nghiệp đầu đàn, đầu tàu để kéo sự phát triển của các doanh nghiệp logistic, có thể có sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới mà hiện nay chúng ta đang rất thiếu. Trước mắt các doanh nghiệp cần phải có mô hình hoạt động phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay. Thứ 2 là cần phải có tiềm lực tài chính mạnh để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới”, ông Minh nói.

Theo báo cáo cập nhật về ngành logistics của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt mới đây, ngành logistics hiện đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%/năm và được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong khoảng từ 5 – 10 năm tới. Đặc biệt, khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương chính thức được ký kết với nhiều dòng thuế về 0%, các hoạt động xuất nhập khẩu phát triển sôi động, sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics bùng nổ. Việt Nam hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Để có thể tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do mang lại, ông Nguyễn Tương, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, cần phải liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp cung cấp logistic. Đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp tốt hơn, tăng năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải.

“Logistics là ngành rất quan trọng trong đời sống, kinh tế và đặc biệt quan trọng cho xuất nhập khẩu vì nó là ngành làm tăng giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xuất nhập khẩu. Từ đây bản thân ngành dịch vụ logistic phải nâng cao được năng lực của mình về mọi mặt, trước hết phải mở rộng quy mô của các doanh nghiệp, thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ, thứ 3 là đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xuất nhập khẩu và đồng thời ngành logistic phải kết hợp với các ngành công thương, kết hợp chặt chẽ với các nhà xuất nhập khẩu”, ông Tương nêu rõ.

Để có thể hội nhập sâu rộng với thế giới, các doanh nghiệp logistics cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tăng hiệu suất và chất lượng dịch vụ, hình thành các chuỗi liên kết đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài./.

Theo VOV

Hải quan TP.HCM sẽ triển khai điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung

Ngày 10-12, tại TP.HCM, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã chủ trì Hội  nghị với các đơn vị quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp kinh doanh cảng… để triển khai Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Tham dự buổi làm việc có các đơn vị quản lý chuyên ngành, gồm: Viện Y tế Công cộng TP.HCM, Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP.HCM, cơ quan Thú y vùng 6, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3; Các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi…gồm: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất TCS, Công ty SCSC, Công ty TECS; và Hải quan TP.HCM.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, thực hiện Nghị Quyết 19 của Chính phủ về giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã xây dựng  Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (Đề án)  và ngày 17-11-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026 phê duyệt Đề án này. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất tại thời điểm hiện nay để thực hiện Đề án.

Sau khi triển khai tại cảng Hải Phòng, ngành Hải quan sẽ triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại TP.HCM sau đó sẽ mở rộng ra 5 cục Hải quan địa phương khác. Đối với TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM đã lựa chọn triển khai tại 2 đơn vị: trước mắt triển khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, sau đó sẽ triển khai tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Với mục tiêu triển khai tại TP.HCM là triển khai nhanh, đáp ứng đúng yêu cầu: người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi đầu tiên, sau đó đến các cơ quan quản lý quản lý chuyên ngành, cơ quan kinh doanh cảng và cơ quan Hải quan cũng sẽ hưởng lợi từ chương trình này.

Báo cáo về thực trạng kiểm tra chuyên ngành tại một số cửa khẩu lớn tại TP.HCM, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho rằng, thực trạng kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK là vấn đề nóng, làm kéo dài thời gian thông quan, gây nhiều bức xúc cho DN. Năm 2014, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 có 141.712/263.532 tờ khai nhập khẩu (chiếm 53,76%) phải kiểm tra chuyên ngành. Số tờ khai phát hiện vi phạm gần 300 bộ tờ khai, chiếm tỷ lệ 0,0722%; từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-11-2015 có 84.626/260.791 tờ khai nhập khẩu, chiếm 32,45% tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành. Số tờ khai vi phạm 139 tờ, chiếm tỷ lệ 0,0338%.

Từ thực trạng trên, Cục Hải quan TP.HCM cũng đưa ra một số giải pháp để triển khai Đề án trong đó quy định chi tiết giải pháp đối với cơ quan kinh doanh cảng; cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan Hải quan. Các giải pháp này đã được các đơn vị tham gia cơ bản nhất trí cao.

Tại hội nghị, các cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan kinh doanh cảng đều phát biểu ý kiến đóng góp thực hiện đề án. Hầu hết các ý kiến đều rất đồng thuận khi Cục Hải quan TP.HCM triển khai đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Các doanh nghiệp kinh cảng sẵn sàng hỗ trợ, bố trí văn phòng làm việc ngay tại cảng cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành. Hiện nay, một số cơ quan quản lý chuyên ngành đã bố trí văn phòng tại cảng biển và sân bay.

Các cơ quan quản lý chuyên ngành cho rằng, đầu tư vào văn phòng tại cảng nhưng phải tính đến hiệu quả kinh doanh. Đồng thời nêu một số vướng mắc như con dấu, xem xét lại cơ chế chính sách về kiểm tra chuyên ngành…

Cơ quan kiểm tra giám định hàng NK ngay tại cảng Hiệp Phước. Ảnh: T.H

Kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, các đơn vị nhất trí hoàn toàn về chủ trương của Nhà nước về triển khai quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án và đồng thuận các giải pháp để triển khai thực hiện. Tại 2 cửa khẩu cảng Cát Lái và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã chủ động bố trí địa điểm làm việc cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành. Qua số liệu thống kê cho thấy, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đang có xu hướng giảm, việc bố trí địa điểm cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đã phát huy tác dụng.

Để giảm thời gian và chi phí, đòi hỏi rất nhiều yếu tố trong đó có liên quan đến doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý cấp bộ ngành. Vì vậy, cần phải làm việc với các doanh nghiệp để tuyên truyền, cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải sắp xếp lại nhân lực, máy móc thiết bị kiểm tra…

Sau cuộc họp này, Cục Hải quan TP.HCM sẽ rà soát lại quy chế phối hợp giữa đơn vị và 10 đơn vị kiểm tra chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đặt trong mối quan hệ tổng thể giữa các đơn vị có liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời bàn giải pháp khắc phục các vướng mắc về sử dụng con dấu trên giấy đăng kí kiểm tra chuyên ngành, địa điểm lấy mẫu kiểm tra… Lộ trình triển khai, sẽ thực hiện tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 hoàn thành trước ngày 31-12-2015. Sau đó triển khai tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối quý I-2016. Ngoài ra, các đơn vị khác có số tờ khai kiểm tra chuyên ngành lớn sẽ khuyến khích triển khai bố trí cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Theo báo Hải Quan.

 

Lênh đênh như vận tải biển

Các hãng tàu vận tải biển của Việt Nam không cứu vãn được bức tranh kinh doanh thua lỗ triền miên trong nhiều năm liền. Với những hạn chế đó, các doanh nghiệp trong ngành này đang chìm sâu trong biển “nợ”.

Các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển dường như đang chia thành hai phe: “đỏ” và “đen”. Các đội tàu biển ở “phe đen” đang phải gồng mình gánh mức chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu rất cao, phần lớn sử dụng vốn vay ngân hàng, trong khi thị trường ế ẩm nên đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh.

Kẻ chìm…

Nếu nhìn vào hoạt động kinh doanh của Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) có thể thấy phần nào sự khó khăn không lối thoát của ngành vận tải biển Việt Nam. Theo báo cáo quý III/2015, VST đã kết thúc với con số lỗ hơn 68 tỷ đồng. Đây đã là quý thứ 15 liên tiếp VST báo lỗ. Nhiều năm qua, các khoản lỗ được hấp thụ một phần nhờ vào việc bán tàu hơn là cải thiện hoạt động kinh doanh. Trong quý IV/2015, VST đang nỗ lực chấm dứt những ngày kinh doanh lận đận bằng việc đưa ra kế hoạch lợi nhuận khoảng 60 tỷ đồng, nhờ vào việc trả lại tàu cho ngân hàng để cấn trừ nợ. Nhưng điều này cũng không giúp kết quả kinh doanh cả năm của VST thoát cảnh lỗ nặng mà chỉ nhằm đưa mức lỗ về đúng kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 106 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 hiện nay của VST là 165 tỷ đồng. Cổ phiếu VST cũng vừa bị bắt buộc chuyển từ sàn HOSE sang sàn UPCoM do thua lỗ ba năm liên tiếp từ năm 2012-2014.

Các đội tàu biển Việt Nam ở trong tình cảnh ế ẩm nên kết quả kinh doanh đều không khả quan

Trên thực tế, VST không phải là doanh nghiệp duy nhất chịu tình cảnh lỗ triền miên. Công ty Vận tải biển Vinaship (VNA) kết thúc quý III/2015 cũng lỗ hơn 20 tỷ đồng, khoản lỗ có giảm nhẹ so với cùng kỳ 2014 là 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm lỗ cũng là nhờ vào thanh lý tàu. Với kết quả của quý III/2015 thì VNA đã ghi nhận 10 quý liên tiếp chưa tìm thấy khoản lợi nhuận nào, mặc dù năm nào VNA cũng bán tàu bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại các khoản vay dài hạn tại các tổ chức tín dụng để giảm bớt áp lực trả nợ ngắn hạn. Nguy hiểm hơn, đội tàu của VNA đã giảm từ trên 20 chiếc đến nay chỉ còn 10 chiếc. Câu chuyện lỗ của VNA cũng không nằm ngoài lý do nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường biển vẫn chưa tăng, ngành vận tải biển ở trong tình trạng cung vượt quá cầu, giá cước chở thuê thấp. Mặc dù giá nhiên liệu giảm, nhưng cũng không đủ bù đắp các chi phí phát sinh, đặc biệt là chi phí lãi vay cao làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của đội tàu.

Tương tự, Công ty Vận tải biển Việt Nam Vosco (VOS) sau khi có lợi nhuận vào năm 2014 là 70 tỷ đồng (trước đó vào năm 2012 và 2013 lần lượt lỗ 34 và 193 tỷ đồng) đã lại quay trở lại tình cảnh lỗ liên tiếp 3 quý trong năm 2015 và lỗ lũy kế 9 tháng năm 2015 đã là 275 tỷ đồng. Vosco giải thích, việc thua lỗ nằm ở nguyên nhân phân khúc tàu công ty đang khai thác hầu như không có sự biến động nên doanh thu không được cải thiện nhiều. Mặc dù VOS có tổng doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2015 là 1.230 tỷ đồng, nhưng giá vốn cũng đã lên đến mức 1.219 tỷ đồng, ngoài ra còn gánh chi phí lãi vay 107 tỷ đồng nên việc thua lỗ là khó tránh khỏi. Hay nói cách khác, đội tàu biển Việt Nam gánh chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu cao, lại sử dụng phần lớn vốn vay ngân hàng lớn, trong khi thị trường ế ẩm nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Nối dài danh sách thua lỗ còn có Công ty cổ phần Container Phía Nam (UPCoM: VSG). Đây là doanh nghiệp đã báo lỗ 5 năm liền kể từ 2010-2014. VSG tiếp tục báo lỗ hơn 8 tỷ đồng vào quý I/2015. Hay trường hợp của Công ty cổ phần Vận tải biển Bắc (NOS) từ năm 2012-2014 liên tục báo lỗ và lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2015 là 300 tỷ đồng.

…Người nổi

Hầu hết các công ty vận tải biển thua lỗ đều khai thác phân khúc vận tải hàng rời, khô, xá. Trong khi ở cùng lĩnh vực này, các doanh nghiệp chọn những mặt hàng khác để kinh doanh lại sống khỏe. Chuyên kinh doanh vận tải mặt hàng xăng dầu, Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco (VIP) đã thu lãi đều đặn ngay cả trong những thời điểm giá cước tàu suy giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, VIP lãi ròng 30 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VIP có lợi thế khi 60% năng lực vận tải là chuyên chở hàng hóa cho khách hàng quen thuộc của công ty là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Đây là lĩnh vực hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất với doanh thu bình quân chiếm khoảng 50% tổng doanh thu cho VIP.

Tương tự, đội tàu của Tổng công ty Vận tải dầu khí (PVT) đảm nhận chuyên chở chính dầu thô, xăng dầu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như vận chuyển dầu thô từ Mỏ Chim Sáo, Mỏ Đại Hùng hay các sản phẩm đầu ra của Nhà máy Dung Quất, phân đạm cho Nhà máy Phú Mỹ. Với đặc quyền vận tải cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên không có gì quá khó hiểu, PVT vẫn duy trì lãi đều đặn qua từng năm. Tính trong 9 tháng đầu năm 2015, lãi ròng lũy kế của PVT là 196 tỷ đồng.

Mặc dù Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO) không có lợi thế đặc quyền như VIP và PVT, nhưng chọn chuyên chở cùng mặt hàng xăng dầu tương tự hai đơn vị trên, từ khi thành lập vào năm 2005 đến nay, VTO chưa bao giờ rơi vào tình trạng thua lỗ. Tính đến tháng 9/2015, VTO có lãi ròng lũy kế là 30 tỷ đồng.

Nổi bật nhất phải kể đến Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG), chuyên vận chuyển hành khách tuyến Kiên Giang – Phú Quốc. Doanh nghiệp này đã duy trì mức lãi hàng năm khá tốt. Đặc biệt, năm 2014 SKG đã có sự gia tăng lãi ròng một cách mạnh mẽ, đạt 103 tỷ đồng so với năm 2012 và 2013 lần lượt là 55 và 58 tỷ đồng. Hiện mức lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 của SKG đã đạt hơn 137 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.

 

Đầu tư hạ tầng hiện đại, làm “bệ phóng” DN phát triển

Cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả đóng vai trò then chốt góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Nhận định trên được nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường niên 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN để hội nhập quốc tế”.

Đẩy mạnh hợp tác công – tư phát triển cơ sở hạ tầng

Diễn đàn là cơ chế đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam, cộng đồng DN trong và ngoài nước nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Tại diễn đàn, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận những vấn đề còn tồn tại với cộng đồng DN và môi trường kinh doanh tại Việt Nam như: Năng suất lao động thấp, thực thi công cuộc cải cách hành chính còn bất cập, khó khăn trong cải thiện môi trường kinh doanh.Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào các khối kinh tế lớn như cộng đồng ASEAN, liên minh châu Âu EU, TPP… Việt Nam đang có nhiều cơ hội và cả những áp lực phải hoàn thiện cơ chế hỗ trợ DN không bị tụt hậu.

Doanh nghiệp tư nhân vẫn “cô đơn”

Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, khu vực kinh tế tư nhân vẫn “cô đơn” khi chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này chưa đủ mạnh, chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương cũng như kết nối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). VCCI đang trao đổi, thống nhất với các Phòng thương mại công nghiệp, Hiệp hội DN trong và ngoài nước hình thành các liên minh DN để thúc đẩy sự tham gia của các DN tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia và các FDI.

Cộng đồng DN và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đưa ra đề xuất với các Bộ, ngành về tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các DN, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng, đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa cải cách về môi trường đầu tư để giảm thiểu chi phí không chính thức.

Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đặt vấn đề: Chính phủ cần tăng cường thu hút vốn từ nhiều nguồn, trong đó có hình thức hợp tác công tư PPP. Cụ thể, ông Tomaso Andreatta phân tích: Cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả đóng vai trò then chốt góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và đô thị hóa đang đẩy cao nhu cầu đối với công trình, đường sá, điện, cảng, bệnh viện… cơ sở hạ tầng khác dành cho hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu về cơ sở hạ tầng Việt Nam (khoảng 170 tỷ USD) từ năm 2011 – 2020. Vì vậy, ngân sách cần đến từ các nguồn khác bao gồm đầu tư tư nhân trong hình thức hợp tác công – tư (PPP).

Giá sàn xếp dỡ tại cảng?

Liên quan tới lĩnh vực hạ tầng và cảng biển, tại diễn đàn, Tiểu nhóm Hạ tầng cảng và vận tải biển cho biết, cơ chế mức giá tối thiểu đang áp dụng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải không thể áp dụng tương tự cho các cảng biển trên cả nước, do điều kiện tại các cảng biển rất khác nhau. Nhóm cho rằng, việc mở rộng áp dụng cơ chế đó cho các cảng trên toàn quốc là chưa có cơ sở và không có lợi cho các nhà xuất nhập khẩu.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cũng cho biết, hiện nay, mức giá dịch vụ bốc dỡ container tại TP HCM và Hải Phòng chỉ bằng 30 – 40% mức giá hãng tàu thu của chủ hàng và thấp nhất so với các cảng biển nước ngoài trong khu vực với quy mô và đầu tư trang thiết bị tương tự. Ông Cường cho rằng, như vậy, giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam đang ở mức bất thường. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến ổn định KT – XH của hai khu vực kinh tế trọng điểm nhất cả nước là TP HCM và Hải Phòng.

Để khắc phục bất cập kể trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, sau khi lấy ý kiến góp ý của các DN và các bên liên quan, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ Dự thảo Nghị định về công bố giá cước và phụ cước vận tải biển, đồng thời yêu cầu công khai giá và phụ phí vận chuyển bằng đường biển để DN chủ động. Theo đó, Nghị định khi được ban hành sẽ có hiệu lực cùng với Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2016. Thứ trưởng cũng cho biết, hàng quý, Bộ GTVT sẽ tổ chức đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Theo báo Giao thông.

 

Logistics Việt Nam: Khi nào mới lớn mạnh?

Liệu trong bối cảnh hội nhập gần như toàn diện, chiếc bánh logistics tuy lớn nhưng chúng ta sẽ được hưởng bao nhiêu ngay trên đất nước mình?

Nhìn vào bản đồ hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam tuy là một nước nhỏ nhưng lại tham gia vào nhiều khu vực kinh tế lớn trong một cố gắng đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Đó là Cộng đồng ASEAN (AEC) chiếm 4,3% GDP và 8,6% dân số thế giới, bắt đầu vận hành vào cuối năm nay; Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước trong đó có Mỹ, chiếm 40% GDP và 11,4% dân số thế giới, có thể được khởi động vào năm sau; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 10 nước, chiếm 38% GDP và 48% dân số thế giới, trong đó có hai nền kinh tế lớn Trung Quốc và Nhật Bản đang trong giai đoạn đàm phán.

Trước cánh cửa hội nhập kinh tế toàn cầu như vậy, chúng ta thường nói về những cơ hội và thách thức, nhất là đối với các ngành hoạt động non trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, trong đó logistics được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh.

Có đúng như vậy không, khi mà lâu nay trên nhiều diễn đàn bàn chuyện làm ăn thời kỳ hội nhập, ngành này chưa bao giờ được xem là ưu thế dù được đánh giá là nhiều tiềm năng?

Thực trạng

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics đang hoạt động, trong đó 20% là công ty nhà nước, 70% là công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân là 10%.

Tham gia thị trường logistics còn có 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức.

Số lượng lao động bình quân tại doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ khoảng 30 – 40 người và các doanh nghiệp lớn có từ 100 lao động trở lên. Trong đó, chỉ khoảng 5 – 7% số lao động là có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, số còn lại xuất phát từ nhiều nguồn và 85% doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, không ít doanh nghiệp nhiều ngành nghề thua lỗ hoặc ngưng hoạt động thì có đến 80% doanh nghiệp logistics kinh doanh đạt và vượt kế hoạch, 70% doanh nghiệp làm ăn có lãi, theo khảo sát của VLA, cho thấy đây là ngành có nhiều tiềm năng phát triển.

Doanh nghiệp logistics Việt Nam dù còn khá non trẻ nhưng phát triển nhanh, đi từ các hoạt động truyền thống như vận chuyển, kho bãi… và đang phát triển các dịch vụ tích hợp, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang chiếm thị phần nhỏ.

Cũng theo khảo sát của VLA, có tới gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam không có tài sản và chỉ 16% đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải; 4% đầu tư vào kho bãi, cảng… còn lại phải thuê ngoài.

Ông Đào Xuân Quang – Chủ tịch VLA cho rằng, ngành logistics đã bước đầu phát triển, các dịch vụ có giá trị gia tăng, song năng lực không đồng đều, còn thiếu chuyên nghiệp, dịch vụ đơn giản rời rạc, hoạt động còn phân tán, thiếu kết nối.

Hiện nay một số tập đoàn sản xuất ngành công nghiệp chế biến của nước ta đều tổ chức những công ty con làm dịch vụ logistics mang tính chuyên nghiệp không kém các doanh nghiệp logistics độc lập.

Là một ngành kinh tế quan trọng và đang tăng trưởng khá nhanh, nhưng cho đến nay logistics Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một chiến lược dài hạn. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém dẫn đến chi phí logistics Việt Nam còn cao. Hệ thống vận tải đường biển, đường sông, hàng không, đường bộ, đường sắt còn nhiều bất cập, dẫn đến tốc độ lưu chuyển hàng hóa chậm chạp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành này.

Những hạn chế

Với bờ biển dài khoảng 3.260km trải dài từ Bắc đến Nam, ở trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Thế nhưng vì sao sau bao nhiêu năm phát triển, ngành logistic Việt Nam vẫn không mấy khởi sắc?

Theo đánh giá của Tập đoàn Frost & Sullivan, chi phí logistics tại Việt Nam gần như gấp đôi, gấp ba so với các nước công nghiệp khác, xuất phát từ việc thiếu thốn về hạ tầng và yếu kém về năng lực vận tải.

Việc giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa một quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chưa tạo ra sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng trung bình hai con số hằng năm, nhưng chi phí logistics chiếm tới 20 – 25% GDP cả nước, dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực. Trong khi đó, chi phí này ở các nước phát triển chỉ khoảng 10 – 13% và các nước đang phát triển cũng chỉ ở mức 15 – 20%…

Các dịch vụ trong ngành logistics (từ vận chuyển, kho bãi, giao nhận, thủ tục hải quan, bảo hiểm…) ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, là chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý và thời gian giao hàng nhanh.

Ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam thừa nhận, dù có hơn 1.300 doanh nghiệp trong nước hoạt động về logistics, nhưng các hoạt động chủ yếu dừng lại ở giao nhận (đại lý vận tải trong và ngoài nước), vận tải, các dịch vụ kho bãi, cảng biển xếp dỡ, kho phân phối… Năng lực giữa các doanh nghiệp không đồng đều, thiếu chuyên nghiệp, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng nâng cao thuê ngoài dịch vụ logistics.

Kết quả là “chiếc bánh ngon” logistics, với quy mô lên tới khoảng 40 tỷ USD, đang chủ yếu thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Hiện số lượng doanh nghiệp ngoại hoạt động trong ngành logistics Việt Nam chỉ có khoảng 25 đơn vị, nhưng chiếm tới hơn 75% thị phần của chiếc bánh này.

Hướng về tương lai

Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng rộng thì ngành logistics đang đóng vai trò rất quan trọng. Sắp tới, với các cam kết mà Việt Nam đã ký trong các hiệp định thương mại tự do, nội dung mở cửa thị trường trong cả ngành logistics sẽ càng tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động. Chẳng hạn, dịch vụ xếp dỡ hàng hóa sẽ phải cho liên doanh lên tới 49% hoặc các dịch vụ khác như lưu kho bãi… cũng mở cửa cho doanh nghiệp ngoại nhằm thúc đẩy ngành logistics phát triển. Đây sẽ đồng thời là thách thức cho doanh nghiệp trong nước.

Làm sao trong 5 – 10 năm tới có doanh nghiệp logistics Việt Nam mang thương hiệu toàn cầu? Liệu ước mơ này có thành hiện được không, bởi nếu không có những con chim đầu đàn chúng ta không thể cạnh tranh được với nước ngoài.

Ước tính, tổng số 140 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam có khoảng 4.000 nhân viên chuyên nghiệp và 5.000 nhân viên bán chuyên nghiệp, nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, trong khi dự báo ba năm tới các doanh nghiệp logistics cần thêm 18.000 lao động.

Để tận dụng những cơ hội từ tự do hóa dịch vụ logistics theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định khu vực, Nhà nước và các doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng thực trạng phát triển của ngành thời gian qua để từ đó xác định hướng phát triển thị trường logistics một cách bền vững.

Xét ở góc độ nào đó thì Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải với đường bờ biển dài, nằm ở vị trí chiến lược trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tốc độ cập nhật ngành logistics Việt Nam còn chậm so với một số nước. Xét về mặt bằng chung trong khu vực, Việt Nam có thể tự hào là không thua kém gì Indonesia, Philippines, thậm chí nhỉnh hơn. Nhưng chúng ta đang thua Thái Lan, đặc biệt là Singapore – quốc gia có tốc độ cập nhật logistics rất nhanh.

Thị trường logistics không đơn giản là bài toán được – mất. Việc phân chia thị phần cũng là tất yếu bởi nó là sự kết nối toàn cầu. Chi phí vận tải chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt đối với vận tải quốc tế. Do vậy, thị phần cần đặt trong bối cảnh là thị phần nào đáng phải có.

Có một thực tế phải thừa nhận là có nhiều lĩnh vực hiện nay doanh nghiệp Việt chưa bước vào được. Chẳng hạn như lĩnh vực hàng không mới có hai hãng lớn là Vietnam Airlines và Vietjet Air, trong khi thế giới đã có hàng trăm hãng hàng không. Đối với vận tải biển, chúng ta cũng gần như bị tê liệt khi không có hãng vận tải quốc gia nào…

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu nhiều đề án, dự án hỗ trợ thể chế nhằm nâng cao hiệu quả vận tải đa phương thức và logistics. Theo Bộ Giao thông Vận tải, dịch vụ logistics chỉ thực sự phát triển khi Việt Nam có nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc, coi cảng biển là đầu mối tập trung, kết nối tất cả các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và đường ống.

Như vậy, bức tranh thị trường phản ánh hiện nay là trung thực và cân đối với năng lực cũng như vốn đầu tư mà doanh nghiệp Việt đã bỏ ra. Để giành lại phần lớn trong “chiếc bánh ngon” logistics, doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường đầu tư, đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ.

Theo Doanh nhân Sài Gòn.