Gần 200.000 xe ô tô nhập khẩu qua cảng Hải Phòng

Theo Phòng Kế hoạch pháp chế – Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, sau 5 năm kể từ khi Cảng Hải Phòng khai thác tàu RORO, tổng số lượng xe ôtô qua Cảng đã đạt 196.540 xe, đóng góp nguồn thu lớn cho thành phố.

Ô tô nhập khẩu qua cảng Hải Phòng tăng mạnh (ảnh Cảng Hải Phòng)

Tháng 9, thị trường khu vực Hải Phòng tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19 và tình hình cạnh tranh diễn ra gay gắt cả về giá cước và thị phần hàng hóa. Tổng sản lượng hàng hóa qua khu vực giảm 6,5% so với tháng 8/2021 (trong đó hàng container tăng 0,6% và hàng ngoài container giảm 23,5%). Tuy nhiên quý III/2021, sản lượng khu vực Hải Phòng vẫn tăng nhẹ 0,6% và lũy kế 9 tháng tăng trưởng 10,3% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020.

Từ tháng 7, sản lượng hàng ngoài container thông qua cảng giảm khá sâu do tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Hàng container nội địa có dấu hiệu chững lại và giảm dần. Tuy nhiên sản lượng lũy kế 9 tháng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Container xuất nhập khẩu quý III và 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự tăng trưởng khá cao, đặc biệt là mặt hàng ôtô. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng ôtô tăng 72,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sau 5 năm kể từ khi Cảng Hải Phòng khai thác tàu RORO, tổng số lượng xe ôtô qua Cảng đã đạt 196.540 xe, đóng góp nguồn thu lớn cho thành phố.

Cảng Hải Phòng đã tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp trong các mặt công tác trọng tâm như công tác tiếp thị khách hàng, đầu tư, quản lý, thực hành tiết kiệm… Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh Công ty trong 9 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng của Cảng Hải Phòng tăng 8,1%, doanh thu tăng 14,3% và lợi nhuận trước thuế tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó lợi nhuận SXKD chính tăng 14,6%). Toàn Cảng đón và xếp dỡ 1597 lượt tàu, trong đó 902 lượt tàu container. Trật tự trị an, an toàn vệ sinh lao động tại Công ty được giữ vững. Thu nhập, đời sống của người lao động được nâng cao. Dự kiến thu nhập bình quân của CBCNV toàn Công ty 9 tháng đầu năm 2021 tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cảng hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn, cạnh tranh thị phần gay gắt, với những nỗ lực trong công tác khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, Cảng Hải Phòng tiếp thị thành công hai tuyến dịch vụ mới khai thác tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ, tiếp thị thêm các tàu container adhoc để tăng sản lượng và doanh thu.

Theo Vietnam Logistics Review

Mô hình AHP: Giải pháp cho chuỗi cung ứng mùa dịch

Bảo đảm chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân các khu vực giãn cách mùa dịch là bài toán khó. Áp dụng mô hình AHP có thể là một gợi ý cho những nhà hoạch định hoặc tư vấn chính sách để giải bài toán đó.

Mô hình AHP là gì?

Phương pháp phân tích thứ bậc (Analytic Hierarchy Process – AHP) là một trong những phương pháp ra quyết định đa mục tiêu, được đề xuất bởi Thomas L. Saaty – một nhà toán học người gốc Iraq. AHP là một phương pháp định lượng, dùng để sắp xếp các phương án quyết định và chọn một phương án thỏa mãn các tiêu chí cho trước. Dựa trên nguyên tắc so sánh cặp, phương pháp AHP có thể được mô tả với 3 nguyên tắc chính là phân tích, đánh giá và tổng hợp.

Có thể tóm tắt một số bước triển khai phương pháp này như sau. Đầu tiên, AHP phân tích một vấn đề phức tạp, đa tiêu chí theo cấu trúc thứ bậc. Sơ đồ cấu trúc thứ bậc bắt đầu với vấn đề cần ra quyết định (gọi là mục tiêu), được phân tích dựa trên nhiều tiêu chí lớn và các tiêu chí thành phần, cấp bậc cuối cùng thường bao gồm các phương án có thể đưa vào.

Sau đó, xác định mức độ ưu tiên cho các tiêu chí, thường theo thang điểm từ 1 đến 9, bằng cách lập ma trận mức độ ưu tiên các tiêu chí thông qua so sánh cặp. Bước tiếp theo, tính toán trọng số cho các tiêu chí. Tiếp đến, tính độ ưu tiên của các phương án theo từng tiêu chí, đồng thời tiến hành kiểm tra tỷ số nhất quán để bảo đảm kết quả thu được có độ tin cậy phù hợp. Cuối cùng, tính điểm cho các phương án và lựa chọn, tất cả các trọng số được tổng hợp lại để đưa ra quyết định tốt nhất.

Phương pháp AHP từng được đề xuất sử dụng khá rộng rãi để giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và thiết kế kỹ thuật, chẳng hạn lựa chọn mẫu kiến trúc, xây dựng chiến lược giá, chiến lược marketing, lựa chọn công nghệ.

Trong lĩnh vực quản trị, nó cũng là một công cụ lập kế hoạch, giải quyết xung đột, phân tích lợi ích/ chi phí và phân bổ nguồn lực.

Áp dụng AHP trong quản lý chuỗi cung ứng hiện nay

Việc thực hiện giãn cách theo quy mô một địa phương hay khu vực thời đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến hệ quả bất cập, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm, hoặc hàng hóa thiết yếu cho người dân. Để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, nhiều khi các địa phương buộc phải đưa ra các quyết định hạn chế sự đi lại, có thể dẫn đến tình trạng hệ thống chợ và siêu thị hết hàng, hoặc còn hàng nhưng không đến được người tiêu thụ, nhu cầu người dân không được đáp ứng kịp thời, trong khi nông dân và người sản xuất không bán được hàng.

AHP từng được áp dụng rộng rãi trong quyết định lựa chọn nhà cung ứng tốt nhất. Ngoài các chỉ tiêu thông dụng như giá, chất lượng, thời gian giao hàng, độ linh hoạt, người ta còn phân tích các yếu tố môi trường, rủi ro và logistics.

Trong quản lý chuỗi cung ứng, AHP từng được áp dụng rộng rãi trong quyết định lựa chọn nhà cung ứng tốt nhất. Ngoài các chỉ tiêu thông dụng như giá, chất lượng, thời gian giao hàng, độ linh hoạt, người ta còn phân tích các yếu tố môi trường, rủi ro và logistics. AHP cũng được sử dụng trong phân phối nhằm xác định vị trí một kho hàng (liên quan đến việc tối thiểu hóa các khoản chi phí bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, nguyên vật liệu, lao động, tồn trữ trong khi tối đa hóa các lợi ích do vị trí mang lại) và nhiều kho hàng (quan tâm đến mạng lưới sản xuất – phân phối sao cho chi phí vận chuyển thấp nhất, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu đặc biệt của khách hàng).

Trong bối cánh hiện nay, có thể đặt ra mục tiêu kép bảo đảm chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân, trong khi vẫn bảo đảm các biện pháp giãn cách để kiểm soát dịch bệnh. Để bảo đảm mục tiêu đó, cần xác định các tiêu chí liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, công nghệ – môi trường… trên cơ sở phân tích thực trạng và mức độ kỳ vọng của các thành phần. Chẳng hạn, các tiêu chí có thể liên quan đến vận tải liên tỉnh; cân đối cung – cầu; mức độ mở cửa các chợ, cửa hàng, siêu thị; shipper; các giải pháp công nghệ; bình ổn giá… Các phương án giải quyết có thể được dự kiến dựa trên mức độ “mở” hay “siết” của các nhóm giải pháp liên quan chuỗi cung ứng. Việc tiến hành chi tiết các bước này, cùng với các bước tiếp theo trong việc áp dụng AHP như so sánh cặp các tiêu chí và xác định trọng số cho các tiêu chí, so sánh cặp các phương án và xác định trọng số của phương án để lựa chọn phương án tối ưu, thuộc về công việc chuyên môn của các chuyên gia tư vấn, không nằm trong nội dung bài viết này.

Trên đây chỉ là một gợi ý minh họa cho một bài toán lựa chọn, ra quyết định đơn giản với số lượng ít các tiêu chí. Khi có nhiều tiêu chí so sánh, có thể sử dụng phần mềm chuyên dụng như Expert Choice hoặc kết hợp với phương pháp khác như phương pháp phân tích mạng (Analytical Network Process- ANP). Quá trình phân tích theo AHP có thể mất nhiều công sức vì phải tiến hành theo nguyên tắc so sánh cặp và kiểm tra hệ số nhất quán. Khi hệ số nhất quán vượt quá giới hạn, cần phải xem xét và điều chỉnh lại bảng đánh giá. Vì vậy, các yếu tố nên được trình bày trong nhóm các chuyên gia để loại bỏ các yếu tố kém quan trọng trước khi áp dụng AHP.

Theo Vietnam Logictics Review

Xuất xứ hàng hoá – rào cản lớn đối với thuỷ sản xuất vào EU theo EVFTA

Tiêu chí xuất xứ thuần túy đối với thủy sản trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang là thách thức đáng kể đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.Thủy sản xuất khẩu nói chung và tôm xuất khẩu nói riêng của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế quan, có thể điều chỉnh giá cạnh tranh hơn tại thị trường EU trong thời gian sắp tới

Thủy sản xuất khẩu nói chung và tôm xuất khẩu nói riêng của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế quan, có thể điều chỉnh giá cạnh tranh hơn tại thị trường EU trong thời gian sắp tới

Thuế suất thuế nhập khẩu đối với thuỷ sản vào thị trường EU – thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm – hiện tương đối cao, từ 5% – 20% đối với thuỷ sản thô, sơ chế và từ 5,5%-26% đối với thuỷ sản chế biến.

Trong Hiệp định EVFTA, ngoại trừ cá ngừ đóng hộp và chả cá surimi EU áp dụng hạn ngạch thuế quan (lần lượt là 11,5 nghìn tấn và 500 tấn), các mặt hàng thuỷ sản còn lại được EU cam kết xoá bỏ thuế quan với lộ trình dài nhất là 7 năm.

Như vậy, cơ hội để ngành thuỷ sản Việt Nam mở rộng thị trường tại EU thông qua việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA là rất lớn.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, thuỷ sản của Việt Nam phải đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định này và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 theo EVFTA.

Hiện nay, Bộ Công Thương uỷ quyền cho 20 cơ quan, tổ chức (bao gồm 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước và Sở Công Thương TP Hải Phòng) được cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA.

Theo thống kê mới đây của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU được các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA đạt xấp xỉ 336,9 triệu USD, chiếm khoảng 69,5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU (đạt trên 485,3 triệu USD). Trong đó, thuỷ sản thô, sơ chế chiếm 65,3% và thuỷ sản chế biến chiếm 34,7%.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu thuỷ sản sử dụng C/O mẫu EUR.1, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các thị trường xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tại EU sử dụng C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy và Pháp.

Đây đều là những thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn của Việt Nam trong khối này với các sản phẩm nhập khẩu chính là tôm và cá ngừ.

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, khoảng 69,5% trị giá thủy sản xuất khẩu sang EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong nửa đầu năm nay là kết quả tương đối khả quan đối với ngành thủy sản khi Việt Nam mới thực hiện EVFTA chưa đầy một năm.

Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ đối với thủy sản trong Hiệp định này vẫn đang là một thách thức đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Hiệp định EVFTA yêu cầu sản phẩm thủy sản phải có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ EU. Điều này có nghĩa là nguyên liệu thủy sản dùng cho thủy sản sơ chế hoặc chế biến phải được nuôi dưỡng, thu hoạch hoặc đánh bắt tại Việt Nam hoặc nhập khẩu có xuất xứ từ EU.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cho thủy sản chế biến hiện nay của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là tôm. EU lại không phải là thị trường nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất xuất khẩu trong nước.

Do vậy, năng lực sản xuất, kinh doanh, nguồn hàng nguyên liệu cho sản xuất của ngành thủy sản Việt Nam trong ngắn hạn chưa thể đáp ứng hoàn toàn tiêu chí xuất xứ thuần túy của Hiệp định EVFTA.

Với cam kết giảm thuế về 0% cho các mặt hàng thủy sản (trong đó có tôm) của EU dành cho Việt Nam trong Hiệp định EVFTA, thủy sản xuất khẩu nói chung và tôm xuất khẩu nói riêng của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế quan, có thể điều chỉnh giá cạnh tranh hơn trong thời gian sắp tới.

Một số chuyên gia nông nghiệp lưu ý, việc mở rộng và duy trì nguồn cung nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của Covid-19, là yếu tố then chốt để ngành thủy sản của Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường EU nhờ “cú huých” từ EVFTA.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các mặt hàng thuỷ sản có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 cao bao gồm: Tôm sơ chế (HS 0306.17), tôm chế biến (HS 1605.21 và 1605.29), cá phi lê đông lạnh (HS 0304.62, 0304.87 và 0304.99), mực đông lạnh (HS 0307.43), cá ngừ chế biến (HS 1604.14) và ngao, sò chế biến (HS 1605.56). Những mặt hàng thuỷ sản có kim ngạch sử dụng C/O mẫu EUR.1 đều là những mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu truyền thống và chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU.

Theo Báo Hải quan

Bộ GTVT lập tổ công tác kiểm tra cước vận tải, giá dịch vụ cảng biển

Các tổ công tác của Bộ GTVT sẽ làm việc với các doanh nghiệp, rà soát các loại giá dịch vụ hàng hải đang được áp dụng…

Các tổ công tác sẽ rà soát, kiểm tra các loại giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng hải tập trung tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, TP.HCM, cảng Lạch Huyện, Đình Vũ - Ảnh minh họa

Các tổ công tác sẽ rà soát, kiểm tra các loại giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng hải tập trung tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, TP.HCM, cảng Lạch Huyện, Đình Vũ – Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa quyết định thành lập 2 tổ công tác thực hiện kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM.

Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh do gồm các thành viên đến từ Cục Hàng hải; Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế (Bộ GTVT; lãnh đạo cảng vụ hàng hải Hải Phòng, Quảng Ninh… do ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN làm tổ trưởng.

Tổ công tác kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM gồm các thành viên đến từ Cục Hàng hải Việt Nam; Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế (Bộ GTVT; lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM… do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Đình Việt làm tổ trưởng.

“Hai tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị liên quan để thực hiện kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực Vũng Tàu (Cái Mép – Thị Vải); TP.HCM; khu vực Hải Phòng (đặc biệt khu vực Cảng Lạch Huyện, Đình Vũ, Chùa Vẽ) và Quảng Ninh”, Bộ GTVT yêu cầu.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc thành lập các tổ công tác rà soát, kiểm tra việc áp dụng giá dịch vụ trong hoạt động hàng hải được thực hiện trong bối cảnh giá cước vận tải container toàn cầu trên các tuyến đi châu Âu, Mỹ liên tục gia tăng từ cuối năm 2020 và chưa có dấu hiệu giảm.

Đơn cử, chặng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Việt Nam qua cảng biển khu vực New York (Mỹ), nếu trước tháng 9/2020, giá cước cho mỗi container 40 feet chỉ ở mức 2.800 – 3.000 USD/container thì đến tháng 9/2021, giá cước một số hãng tàu áp dụng đã lên đến 14.000 USD/container. Đối với chủ hàng không có hợp đồng dài hạn với hãng tàu, phải đặt chỗ thông qua đại lý giao nhận với giá giao ngay cùng chặng có thể đến gần 20.000 USD/container.

Việc rà soát, kiểm tra giá cước được thực hiện nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh minh họa

Việc rà soát, kiểm tra giá cước được thực hiện nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh minh họa

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN đã có văn bản đề nghị các cảng vụ quản lý hoạt động tàu container yêu cầu các hãng tàu vận tải container cung cấp và cập nhật thông tin giá cước, phụ thu giá vận tải container quốc tế và nội địa bằng đường biển trên các tuyến vận tải container xuất phát từ khu vực cảng biển do cảng vụ quản lý.

Đồng thời, đăng tải bảng thông tin giá cước công khai trên trang thông tin điện tử của cảng vụ hàng hải, gửi đường dẫn đăng tải bảng giá về Cục Hàng hải VN để thực hiện kết nối trực tiếp với trang thông tin điện tử của Cục từ ngày 15/9.

Theo lãnh đạo Cục Hàng hải, tính đến thời điểm hiện tại, việc cập nhật giá cước này đã được các hãng tàu thực hiện tương đối nghiêm túc, song, số lượng các đại lý giao nhận/forwarder thực hiện vẫn tương đối ít.

“Từ ngày 1/10 tới đây, Cục Hàng hải sẽ đẩy mạnh kiểm tra việc niêm yết, cập nhật giá cước của các đại lý giao nhận và xử nghiêm những trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu của Bộ GTVT, giúp thị trường vận tải biển tại Việt Nam ngày càng minh bạch”, đại diện này cho hay.

Theo Báo Giao thông

Đến năm 2025: 80% hoạt động kiểm tra Hải quan sẽ thực hiện trên môi trường số

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu tới năm 2025, ngành Hải quan sẽ cơ bản hoàn thành hải quan số, 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan xử lý trên môi trường mạng, 80% hoạt động kiểm tra Hải quan thực hiện trên môi trường số.Kế hoạch đến năm 2025, 80% hoạt động kiểm tra Hải quan sẽ thực hiện trên môi trường số

Kế hoạch đến năm 2025, 80% hoạt động kiểm tra Hải quan sẽ thực hiện trên môi trường số

Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030 trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Theo đó, kế hoạch đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành Hải quan số. Bên cạnh đó, sẽ hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong ngành Hải quan, hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý nhà nước về hải quan thông qua việc đẩy mạnh sử dụng chữ ký số đảm bảo 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan.

Tới năm 2030, có 100% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang điện tử, tiến tới số hóa. Tất cả cảng, cửa khẩu hải quan quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống giám sát hàng hoá tự động. Tất cả hàng hóa rủi ro chở bằng container được giám sát hải quan bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại. Phấn đấu mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đạt 95% trở lên.

Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đặt ra yêu cầu ngành hải quan nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin Hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan.

Điểm nổi bật trong Dự thảo chiến lược là đặt ra mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hải quan 3 cấp, gồm cấp tổng cục, vùng và chi cục nhằm tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý nghiệp vụ hải quan tập trung thông minh.

Tổ chức hoạt động mỗi hải quan vùng chỉ 1 địa chỉ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, giám sát sản xuất và gia công hàng hóa của doanh nghiệp do chi cục hải quan cửa khẩu, hoặc chi cục hải quan địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện…

Cùng đó, kiện toàn bộ máy làm kiểm định hải quan để triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đấu mối thực hiện đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.

Theo doanhnhanvn.vn

8 tháng, xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì ở mức cao

Trong tháng 8 năm 2021, dịch COVID-19 lần thứ tư vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đà tăng mạnh những tháng trước đó giúp kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì ở mức cao sau 8 tháng.Xuất khẩu gặp khó khăn do COVID-19

Xuất khẩu gặp khó khăn do COVID-19

Xuất nhập khẩu ảnh hưởng mạnh do dịch bệnh

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng trước đó nên tính chung 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Đơn cử, trong nhóm hàng nông thủy sản, trong tháng 8, gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự kim ngạch xuất khẩu chè cũng giảm 6% về lượng và 1,6% về trị giá so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê và hạt tiêu giảm về lượng nhưng vẫn tăng về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, hạt điều, sắn và sản phẩm sắn, cao su là 3 mặt hàng duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Với nhóm công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong nhóm này biến động trái chiều. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; sắt thép các loại tăng cao. Ngược lại, nhiều mặt hàng có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt và may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại… Mặc dù giảm trong tháng 8 nhưng tính chung trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chính của nhóm này đều tăng.

Về thị trường xuất khẩu, 8 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tập trung chủ yếu vào nhóm hàng nhập khẩu, chiếm đến 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa đã và đang được tập trung tháo gỡ quyết liệt; tuy nhiên tại một số địa phương, công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn cứng nhắc, ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các cơ quan trung ương. Các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ tháng 7 đến nay. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam buộc phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn. Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến”… Không những vậy, việc lao động về quê tránh dịch cũng dẫn đến nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử… Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Do đó, từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Theo Báo Công Thương

Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tỉnh Hà Tĩnh vượt 5.000 tỷ đồng

Theo thông tin từ Cục Hải quan Hà Tĩnh, tính đến hết ngày 18/8, đơn vị đã mở 9.826 tờ khai (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.525,75 triệu USD (tăng 95,1% so với cùng kỳ năm 2020).Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Nhật Minh

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh – Ảnh: Nhật Minh

Qua đó, Cục Hải quan Hà Tĩnh đã thu về hơn 5.292,99 tỷ đồng từ hoạt động xuất, nhập khẩu, đạt 102,18% dự toán thu ngân sách năm 2021 do Bộ Tài chính giao (5.180 tỷ đồng) và tăng 86,99% với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, thu từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Vũng Áng đạt 4.970,73 tỷ đồng, thu từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đạt 306,18 tỷ đồng, còn lại là thu từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Xuân Hải và bộ phận kiểm tra sau thông quan của Phòng Nghiệp vụ.

Theo Cục Hải quan Hà Tĩnh, nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng đột biến thời gian qua là nhờ sự phát triển nhanh của kinh tế tỉnh, đặc biệt là sự phát triển năng động của Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Đi kèm với đó là khối lượng thiết bị máy móc, vật tư cực lớn được nhà đầu tư nhập khẩu để xây dựng…

Bên cạnh đó, Hải quan Hà Tĩnh cũng đã triển khai quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt là triển khai hệ thống hải quan điện tử và thông quan điện tử để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động và đóng nộp ngân sách nhà nước.

Trong hành trình 30 năm tái lập tỉnh, hoạt động thu ngân sách đã trở thành một dấu ấn nổi bật. Thành tựu này thể hiện sự phát triển vượt bậc về KT-XH của tỉnh nhà, đưa Hà Tĩnh sánh vai với các tỉnh, thành có số thu nộp ngân sách khá của cả nước.

Theo Vietnam Logistics Review

6 giải pháp cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp logistics

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đang chịu áp lực từ nhiều phía giữa việc đảm bảo an toàn chống dịch và duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất cho nền kinh tế. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics đang phải chịu sức ép của nhiều quy định phòng dịch như lái xe phải có xét nghiệm, xe vận chuyển phải có mã QR nhận diện luồng xanh, hàng hóa phải thuộc diện thiết yếu theo quy định của Bộ Công Thương và các chốt phòng dịch của địa phương…

Sáng 08/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã gây ra những tổn thất, đảo lộn của toàn ngành kinh tế. Trong đó, ngành logistics – “mắc xích” quan trọng của toàn ngành kinh tế đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng của các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước.

Từ thực tế này, Hiệp Hội VLA đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Thứ nhất, VLA đề nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất tại Công văn số 4482/BCT-TTTN của Bộ Công thương về việc ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả, VLA đề nghị lãnh đạo Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ban hành nhằm được tuân thủ, áp dụng thống nhất trong cả nước qua đó tránh gây khó khăn cho Doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.

Thứ hai, VLA đề nghị các UBND tỉnh, thành phố nơi có các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường hàng không phải ưu tiên phân “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kết nối với các chuyến tàu, máy bay đã đặt lịch, hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.

Thứ ba, VLA đề nghị Chính phủ và các địa phương xem xét ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho các lao động trực tiếp làm dịch vụ logistics ở các cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, làm các thủ tục xếp dỡ hàng hóa để đảm bảo hoạt động logistics được liên tục trong chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng đặc biệt tại các cảng quốc tế.

Thứ tư, theo báo cáo về tình trạng ùn tắc, quá tải của cảng Cát Lái do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn điều hành, quản lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, logistics, VLA ủng hộ các biện pháp mà Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra và đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để cho phép giải phóng hàng nghìn container hàng “vô chủ” đang bỏ lại tại cảng Cát Lái và một số cảng chính hiện nay đã quá hạn trên 60 ngày, theo quy định tại Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Khoản 4, Điều 167.

Đồng thời, thực hiện giải pháp cần thiết để điều tiết các hãng tàu container về khu vực cảng đã được đầu tư xây dựng và phù hợp với quy hoạch vẫn đang còn dư công suất tại khu vực Quận 7, Hiệp Phước, như SGHP, Tân Thuận, Bến Nghé, VICT, SPCT hay Cảng GML, SP-PSA tại Cai Mép-Thị Vải.

Qua sự việc xảy ra với Cảng Cát Lái trong thời gian qua (cũng như đã xảy ra vào đầu năm 2019), VLA nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Cục hàng hải cần phát huy vai trò điều tiết giữa các khu vực cảng biển để đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận lợi trong bối cảnh năng lực/công suất của các cảng trong khu vực TP. HCM và lân cận còn chưa khai thác hết.

Đồng thời đề xuất thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hóa thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của Hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu – Bắc Mỹ sẽ làm giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ (vì hiện nay đã áp dụng khai báo điện tử 1 cửa trên phần mềm thống nhất VASSVM).

VLA đề nghị Chính phủ có chính sách khống chế lượng hàng hóa trong thành phố, đưa về các nơi quy hoạch mới. Nạo vét luồng để các cảng khu vực Hiệp Phước phát huy công năng, giảm bớt sức ép cho cảng Cát Lái, đảm bảo hiệu quả khai thác cho các cảng hiện hữu (tối thiểu 75% công suất); duy trì hoạt động chung của chuỗi logistics ổn định trong mọi tình huống.Hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics đang phải chịu sức ép của nhiều quy định gây khó khăn cho duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất cho nền kinh tế

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics đang phải chịu sức ép của nhiều quy định gây khó khăn cho duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất cho nền kinh tế

Thứ năm, về vấn đề giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, VLA đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP. HCM từ 01/10 và giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng.

Về giải quyết khó khăn trong việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu, VLA đề nghị các Hiệp hội ngành hang, VLA và Hiệp hội Đại lý Môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cùng với VCCI có sự phối hợp, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp thành viên trong việc trao đổi thông tin về tình hình thị trường giá cước, container rỗng và hoạt động nghiệp vụ để cùng là đối tác giải quyết với các Hãng vận chuyển trong việc lưu cước, giá cước, và giảm phụ phí hàng hải.

Đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nội vụ nhanh chóng củng cố Hiệp hội Chủ hàng đủ mạnh để đại diện cho các chủ hàng trong việc đấu tranh với các hãng vận chuyển về giá cước, lưu cước tàu…trong cơ chế thị trường hiện nay. Đây là một yêu cầu cấp bách.

Đề nghị các Bộ, ngành quản lý như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài và hạn chế việc tăng cước vận chuyển vô kiềm tỏa (thiếu kiểm soát) như hiện nay. Đồng thời, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển cao như hiện nay. Đây là một vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta đang yêu cầu được giải quyết. Đề nghị Bộ Công Thương vào cuộc cho điều tra, xem xét việc chống độc quyền của các Hãng liên minh vận chuyển liên quan theo Luật cạnh tranh của Việt Nam.

Đề nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa như châu Mỹ, châu Âu, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, như đề xuất của Hiệp hội VLA.

Thứ sáu, VLA đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong việc chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nhất là phát triển Thương mại điện tử xuyên biên giới.

Những giải pháp trên được Hiệp hội VLA đưa ra sẽ phần nào gỡ khó cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logitics hiện nay, vừa đảm bảo công tác chống dịch hiệu quả vừa duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, giữ vững vai trò là mắc xích quan trọng của toàn ngành kinh tế.

Theo Vietnam Logistics Review

Thương mại Việt – Mỹ vượt 50 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Mỹ có mức tăng trưởng khá và đạt hơn 50 tỷ USD.Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tăng trưởng tốt

Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tăng trưởng tốt

Cụ thể, hết tháng 6, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 45,58 tỷ USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 28,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Nhóm hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ là dệt may. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt kim ngạch đạt 7,61 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 49,7% xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Ngoài ra, Mỹ cũng nhập khẩu điện thoại, máy vi tính, nông sản, giày dép, gỗ, thủy sản… từ Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, hết tháng 6, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đạt 7,63 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 4,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Mỹ. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Mỹ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông, đậu tương, phế liệu sắt thép…

Như vậy, 6 tháng đầu năm, thương mại Việt Nam và Mỹ đạt 53,21 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 38 tỷ USD.

Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD) và hai nước cùng cùng hướng tới con số 100 tỷ USD vào năm 2021.

Tính chung giai đoạn 2016 – 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Cơ hội gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai bên rất rộng mở trong thời gian tới khi mới đây, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vừa chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.

Theo đó, trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong thời gian qua, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Mỹ (TIFA), Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các Bộ ngành Việt Nam đã thúc đẩy hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA đạt được nhiều kết quả thực chất. Kể từ sau cuộc họp cấp Chủ tịch vào tháng 10/2019, dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ ngành của Việt Nam đã phối hợp tích cực với phía Mỹ nỗ lực xử lý nhiều vấn đề, đem lại kết quả cụ thể, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại song phương.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Mỹ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.

Theo Báo Công Thương

Bắc Ninh, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19 tỷ USD

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 nhưng vượt lên khó khăn, Bắc Ninh vẫn duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, từng bước thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.Công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Quang Định

Công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh – Ảnh: Quang Định

Tính đến hết tháng 6/2021, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ước đạt 61.115 tỷ đồng (tăng 7,45% so cùng kỳ). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,59%; công nghiệp – xây dựng tăng 8,86%; dịch vụ tăng 2,61%; thuế sản phẩm tăng 3,29%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng: Khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 76,19%; dịch vụ chiếm 16,49%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,49%; thuế sản phẩm chiếm 3,84%. Sản xuất công nghiệp vẫn giữ vai trò đầu tầu của nền kinh tế và đạt mức tăng trưởng cao.

Nhờ tận dụng tốt các cơ hội của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và sự dịch chuyển của nền kinh tế toàn cầu nên sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có sự phục hồi và phát triển mạnh trong 4 tháng đầu năm.

Sang tháng 5 và 6, tuy dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát mạnh, song với quyết tâm không để gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy nền kinh tế, Bắc Ninh đã nhanh chóng, kịp thời, sáng tạo triển khai nhiều giải pháp “chưa từng có tiền lệ” để bảo vệ sản xuất. Điển hình là hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn triển khai cho người lao động ở, ăn và làm việc tại nhà máy, vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy cũng như trong cộng đồng. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn được duy trì, đạt tăng trưởng tốt. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng vẫn tăng 10,88% so cùng kỳ; GRDP khu vực công nghiệp tăng 9,84%…

Các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm tốt nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Bắc Ninh vẫn tăng cao, ước đạt 35,2 tỷ USD (tăng 27,5%). Trong đó, xuất khẩu ước 19 tỷ USD, tăng 29,5%.

Thêm nữa, nhờ tạo lập một môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bắc Ninh vẫn là điểm tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính riêng thu hút đầu tư trong nước 6 tháng đã cấp mới đăng ký đầu tư tăng 17,4% về số lượng dự án và gấp 5,14 lần quy mô vốn đầu tư so với cùng kỳ. Đối với đầu tư nước ngoài đã cấp mới 63 dự án, tổng vốn 397,4 triệu USD (tuy giảm 35% số lượng dự án nhưng tăng gấp 2 quy mô vốn so với cùng kỳ); Lũy kế, hiện có 1.674 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn 20 tỷ 136,8 triệu USD. Đặc biệt, toàn tỉnh đã thành lập mới 1.120 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 13.008 tỷ đồng và 368 đơn vị trực thuộc (tăng 1% về số lượt thành lập mới, tăng 45% về số vốn so cùng kỳ)…

Theo Vietnam Logistics Review.