Đồng hành tạo “sức sống mới” cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đều đánh giá cao xu hướng cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương, nhờ những cách làm sáng tạo, vì lợi ích cộng đồng doanh nghiệp.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) giám sát hàng hóa xuất khẩu qua Lối mở cầu phao Km3+4.  Ảnh: Thái Bình
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) giám sát hàng hóa xuất khẩu qua Lối mở cầu phao Km3+4. Ảnh: Thái Bình

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 27/4, Quảng Ninh tiếp tục được “gọi tên” ở vị trí đứng đầu năm thứ 5 liên tiếp.

Chia sẻ về những kinh nghiệm của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đạt kết quả này là một quá trình kiên trì nỗ lực, liên tục, bền bỉ có kế thừa, đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo phục vụ. “Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển, từ đó giữ vững cam kết giữ vững niềm tin, đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề ra phương châm “năm thật” để các cơ quan nhà nước và cán bộ trong tỉnh thực hiện, đó là phải ứng xử chân thành để doanh nghiệp suy nghĩ thật – doanh nghiệp nói thật – chính quyền hành động thật – các nỗ lực của tỉnh có kết quả thật – và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật. Bên cạnh sáng kiến xây dựng Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở – ban – ngành và địa phương (DDCI) vài năm trước, trong năm 2021, tỉnh cũng đã thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Tổ Investor Care) để nắm bắt vướng mắc mà nhà đầu tư gặp phải và tích cực tháo gỡ khó khăn.

Báo cáo PCI 2021 đã nêu 7 đặc điểm đáng chú ý về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương. Cụ thể là: Các chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân; chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính có cải thiện nhưng vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cải cách; cần tiếp tục giảm gánh nặng tuân thủ với các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện; tiếp cận đất đai còn nhiều trở ngại cần đẩy mạnh khắc phục; luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tác động khá khiêm tốn trong hỗ trợ doanh nghiệp; công tác phổ biến thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế cần tiếp tục đẩy mạnh để phát huy hiệu quả.

Đánh giá về những nỗ lực này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, những phương thức cải cách của tỉnh đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn có sự đổi mới qua từng năm, lãnh đạo tỉnh cũng liên tục có các chương trình gặp gỡ doanh ghiệp, để vướng đến đâu tháo gỡ đến đó.

Đặc biệt, trong bảng xếp hạng PCI 2021, TP Hải Phòng đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 – vị trí cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân nhờ những nỗ lực tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua đối thoại trực tiếp hằng tháng giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành chức năng.

TP Hải Phòng cũng đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch làm đầu mối theo mô hình “một cửa” cho các hoạt động đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Nhờ vậy, trong năm 2021, thành phố không chỉ thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong nước mà còn vươn lên dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với địa phương “bền vững” về chất lượng môi trường kinh doanh như Đồng Tháp (14 năm nằm trong top 5 địa phương đứng đầu), không chỉ tiếp tục phát huy sáng kiến “Cà phê doanh nhân”, lãnh đạo tỉnh còn mở rộng thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và nâng cao năng lực quản trị của các hộ kinh doanh. Tương tự, TP Nẵng đã thành lập thêm Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng.

Nhận xét về nỗ lực cải thiện của tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh cho hay, chính quyền địa phương đã nỗ lực cải thiện những vấn đề liên quan đến các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục cải thiện về chỉ số gia nhập thị trường, phải coi là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là trụ cột chính của cải cách hành chính.

Trong nhóm các địa phương xếp thứ hạng cuối, tỉnh Đắk Nông đã có sự nỗ lực vượt bậc khi vươn dần từ vị trí cuối cùng từ năm 2018 lên vị trí 52 năm 2021. Ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ, tỉnh đã xác định 3 trụ cột cho phát triển kinh tế gồm: công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, để từ đó đưa ra các chính sách và giải pháp kích cầu doanh nghiệp phát triển cũng như thu hút đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tập trung cho công tác giáo dục, dạy nghề để giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển.

Nhận xét về sự cải thiện của các địa phương, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho hay, trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các cấp đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp “vượt bão”. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách thể chế, đặc biệt là cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh cho hoạt động của doanh nghiệp cần phải là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

Ông Phạm Tấn Công cũng khuyến nghị, chính quyền các cấp cần triển khai kịp thời, thực chất và hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn còn có hiệu quả khiêm tốn trên thực tiễn. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần được tiếp cận thông tin thuận lợi hơn và được hướng dẫn đầy đủ hơn về tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do.

“2022 là năm vượt khó và cũng là năm “giữ lửa” cải cách, tiếp tục khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh hơn. Sự hợp tác và nỗ lực của tất cả các bên sẽ tạo nên “sức sống mới” cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng”, Chủ tịch VCCI nói.

Theo Báo Hải Quan.

Bookmark the permalink.

Comments are closed.