Mô hình AHP: Giải pháp cho chuỗi cung ứng mùa dịch

Bảo đảm chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân các khu vực giãn cách mùa dịch là bài toán khó. Áp dụng mô hình AHP có thể là một gợi ý cho những nhà hoạch định hoặc tư vấn chính sách để giải bài toán đó.

Mô hình AHP là gì?

Phương pháp phân tích thứ bậc (Analytic Hierarchy Process – AHP) là một trong những phương pháp ra quyết định đa mục tiêu, được đề xuất bởi Thomas L. Saaty – một nhà toán học người gốc Iraq. AHP là một phương pháp định lượng, dùng để sắp xếp các phương án quyết định và chọn một phương án thỏa mãn các tiêu chí cho trước. Dựa trên nguyên tắc so sánh cặp, phương pháp AHP có thể được mô tả với 3 nguyên tắc chính là phân tích, đánh giá và tổng hợp.

Có thể tóm tắt một số bước triển khai phương pháp này như sau. Đầu tiên, AHP phân tích một vấn đề phức tạp, đa tiêu chí theo cấu trúc thứ bậc. Sơ đồ cấu trúc thứ bậc bắt đầu với vấn đề cần ra quyết định (gọi là mục tiêu), được phân tích dựa trên nhiều tiêu chí lớn và các tiêu chí thành phần, cấp bậc cuối cùng thường bao gồm các phương án có thể đưa vào.

Sau đó, xác định mức độ ưu tiên cho các tiêu chí, thường theo thang điểm từ 1 đến 9, bằng cách lập ma trận mức độ ưu tiên các tiêu chí thông qua so sánh cặp. Bước tiếp theo, tính toán trọng số cho các tiêu chí. Tiếp đến, tính độ ưu tiên của các phương án theo từng tiêu chí, đồng thời tiến hành kiểm tra tỷ số nhất quán để bảo đảm kết quả thu được có độ tin cậy phù hợp. Cuối cùng, tính điểm cho các phương án và lựa chọn, tất cả các trọng số được tổng hợp lại để đưa ra quyết định tốt nhất.

Phương pháp AHP từng được đề xuất sử dụng khá rộng rãi để giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và thiết kế kỹ thuật, chẳng hạn lựa chọn mẫu kiến trúc, xây dựng chiến lược giá, chiến lược marketing, lựa chọn công nghệ.

Trong lĩnh vực quản trị, nó cũng là một công cụ lập kế hoạch, giải quyết xung đột, phân tích lợi ích/ chi phí và phân bổ nguồn lực.

Áp dụng AHP trong quản lý chuỗi cung ứng hiện nay

Việc thực hiện giãn cách theo quy mô một địa phương hay khu vực thời đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến hệ quả bất cập, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm, hoặc hàng hóa thiết yếu cho người dân. Để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, nhiều khi các địa phương buộc phải đưa ra các quyết định hạn chế sự đi lại, có thể dẫn đến tình trạng hệ thống chợ và siêu thị hết hàng, hoặc còn hàng nhưng không đến được người tiêu thụ, nhu cầu người dân không được đáp ứng kịp thời, trong khi nông dân và người sản xuất không bán được hàng.

AHP từng được áp dụng rộng rãi trong quyết định lựa chọn nhà cung ứng tốt nhất. Ngoài các chỉ tiêu thông dụng như giá, chất lượng, thời gian giao hàng, độ linh hoạt, người ta còn phân tích các yếu tố môi trường, rủi ro và logistics.

Trong quản lý chuỗi cung ứng, AHP từng được áp dụng rộng rãi trong quyết định lựa chọn nhà cung ứng tốt nhất. Ngoài các chỉ tiêu thông dụng như giá, chất lượng, thời gian giao hàng, độ linh hoạt, người ta còn phân tích các yếu tố môi trường, rủi ro và logistics. AHP cũng được sử dụng trong phân phối nhằm xác định vị trí một kho hàng (liên quan đến việc tối thiểu hóa các khoản chi phí bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, nguyên vật liệu, lao động, tồn trữ trong khi tối đa hóa các lợi ích do vị trí mang lại) và nhiều kho hàng (quan tâm đến mạng lưới sản xuất – phân phối sao cho chi phí vận chuyển thấp nhất, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu đặc biệt của khách hàng).

Trong bối cánh hiện nay, có thể đặt ra mục tiêu kép bảo đảm chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân, trong khi vẫn bảo đảm các biện pháp giãn cách để kiểm soát dịch bệnh. Để bảo đảm mục tiêu đó, cần xác định các tiêu chí liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, công nghệ – môi trường… trên cơ sở phân tích thực trạng và mức độ kỳ vọng của các thành phần. Chẳng hạn, các tiêu chí có thể liên quan đến vận tải liên tỉnh; cân đối cung – cầu; mức độ mở cửa các chợ, cửa hàng, siêu thị; shipper; các giải pháp công nghệ; bình ổn giá… Các phương án giải quyết có thể được dự kiến dựa trên mức độ “mở” hay “siết” của các nhóm giải pháp liên quan chuỗi cung ứng. Việc tiến hành chi tiết các bước này, cùng với các bước tiếp theo trong việc áp dụng AHP như so sánh cặp các tiêu chí và xác định trọng số cho các tiêu chí, so sánh cặp các phương án và xác định trọng số của phương án để lựa chọn phương án tối ưu, thuộc về công việc chuyên môn của các chuyên gia tư vấn, không nằm trong nội dung bài viết này.

Trên đây chỉ là một gợi ý minh họa cho một bài toán lựa chọn, ra quyết định đơn giản với số lượng ít các tiêu chí. Khi có nhiều tiêu chí so sánh, có thể sử dụng phần mềm chuyên dụng như Expert Choice hoặc kết hợp với phương pháp khác như phương pháp phân tích mạng (Analytical Network Process- ANP). Quá trình phân tích theo AHP có thể mất nhiều công sức vì phải tiến hành theo nguyên tắc so sánh cặp và kiểm tra hệ số nhất quán. Khi hệ số nhất quán vượt quá giới hạn, cần phải xem xét và điều chỉnh lại bảng đánh giá. Vì vậy, các yếu tố nên được trình bày trong nhóm các chuyên gia để loại bỏ các yếu tố kém quan trọng trước khi áp dụng AHP.

Theo Vietnam Logictics Review

Bookmark the permalink.

Comments are closed.