Tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải biển

(Vietnam Logistics Review) “Vận tải biển và cảng biển đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Thế nhưng hiện nay cả hai lĩnh vực này còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước”. Đây là thông tin được nêu lên trong hội nghị đối thoại trực tuyến với các DN vận tải biển, cảng biển năm 2014 vừa được Bộ GTVT tổ chức vào sáng ngày 5.8.2014.

ĐỘI TÀU ĐÔNG, THỊ PHẦN ÍT

Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, tính đến hết ngày 30.6.2014, đội tàu mang cờ quốc tịch VN có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích 4,3 triệu GT. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì đội tàu của VN khá hùng hậu. Tuy nhiên, hiện nay đội tàu trong nước đang tồn tại nhiều bất cập khiến cho năng lực phục vụ các chủ hàng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trước hết, về cơ cấu đội tàu hiện nay đang bất hợp lý khi đội tàu hàng rời và hàng tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, đội tàu chuyên dụng và tàu container chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít, không đáp ứng được nhu cầu. Trong số 1.700 tàu mà VN hiện có, đội tàu container chỉ có 28 chiếc và 9 tàu chở khí hóa lỏng. Còn lại có tới 172 chiếc tàu chở hàng rời và hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở dầu hóa chất.

Thẳng thắn chỉ ra bất cập trong cơ cấu đội tàu của VN hiện nay, ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết hiện nay nhiều loại hàng chuyên dùng như xi măng, khí hóa lỏng đang có nhu cầu vận chuyển rất lớn nhưng đội tàu trong nước lại không đáp ứng được. Do không có tàu của các DN trong nước nên buộc Bộ GTVT phải cấp phép cho tàu nước ngoài tham gia chuyên chở. Trong khi đó lại dư thừa tải trọng đối với tàu tải trong nhỏ chở hàng rời khô.

Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết thêm trong 4 năm gần đây, tốc độ phát triển tàu container của thế giới đạt trung bình 6,8%.năm nhưng tốc độ phát triển tàu container của VN chỉ đạt 1%. Không những vậy, hiện nay đội tàu VN chỉ có khoảng 400 tàu chạy tuyến quốc tế, đa phần trong số đó chỉ hoạt động trong các tuyến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc. Chính điều này đã khiến cho thị phần của đội tàu biển VN rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng hàng hóa XNK. Còn lại gần 90% lượng hàng hóa phải phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.

Ông Đỗ xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN cho rằng thị trường cước phí vận tải biển trong thời gian qua giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi là nguyên nhân chính khiến cho hầu hết chủ tàu đều đang gặp khó khăn. Các DN đang phải khai thác dưới giá thành nên dẫn đến hệ quả không chỉ thiếu vốn lưu động để sản xuất kinh doanh mà còn thiếu luôn cả vốn để duy trì đội tàu. Do đó, trong thời gian tới Chính phủ cần có chính sách ưu đãi để các DN vận tải biển vượt qua khó khăn.

CẢNG BIỂN TỰ DÌM NHAU

Không chỉ trong lĩnh vực vận tải biển mà ngay cả lĩnh vực cảng biển cũng đang tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tính đến nay VN đã xây dựng được 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III với gần 43,6km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải. Trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển VN đạt 176,1 triệu tấn, tăng 13,86% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng lượng hàng container đạt 4,77 triệu Teus, tăng 19,46% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, tình trạng mất cân đối cung cầu cảng biển ngày càng trầm trọng dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu cảng. Không những vậy, các DN cảng biển hiện nay đang tự dìm chết lẫn nhau bằng cách hạ giá cước dịch vụ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến sự phát triển chiến lược phát triển kinh tế biển.

Để chấm dứt tình trạng hạ giá cước và cạnh tranh không lành mạnh, ông Ngô Minh Thuấn – Phó Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo ban hành giá sàn dịch vụ vận tải biển cho các cảng TP.HCM và Hải Phòng. Theo đó, mức giá sàn đề xuất áp dụng cho khu vực TP.HCM được nâng từ 35-42 USD/container 20 feet có hàng hiện nay được tăng lên 46 USD; container 40 feet có hàng từ 58-62 tăng lên 68 USD, container 20 feet rỗng tăng từ 18-24 USD lên 29 USD; container 40 feet rỗng tăng từ 28-34 USD tăng lên 43 USD. Đối với khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, ông Thuấn đề nghị tiếp tục áp dụng giá sàn sau khi quyết định 1661 ngày 15.7.2013 của Bộ Tài chính hết hiệu lực vào 30.6.2015 và mức giá sàn mới tại cụm cảng này phải cao hơn khu vực TPHCM ít nhất là 5%.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Glenn Kong – Tổng giám đốc Cảng container Quốc tế VN (VICT) cũng cho rằng, cần nhanh chóng ban hành chính sách giá sàn với ít nhất hai mức để phù hợp với tình hình thực tế tại các cảng ở khu vực TP.HCM. Đây là yêu cầu rất cấp thiết nhằm bình ổn thị trường và đòi hỏi các cảng đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ mà không phải cạnh tranh bằng việc hạ giá như rất nhiều năm nay.

Đánh giá cao các kiến nghị của các DN, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết ngay trong thời gian tới Bộ sẽ cho rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển cảng biển trong cả nước để báo cáo Chính phủ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầu tư kết nội hạ tầng cảng biển với đường sắt, đường bộ, đường thủy… để nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Đồng thời hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bookmark the permalink.

Comments are closed.