Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá các loại phụ phí vận tải biển có mức tăng theo từng năm, trung bình khoảng 20%/năm. Nhiều loại phụ phí hết sức vô lý đã được chủ tàu nước ngoài “bày” ra để tận thu của DN. Đây là “vấn nạn” tồn tại từ lâu, đang cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý và phải áp dụng hiệu quả văn bản pháp luật mà Nhà nước đã ban hành để giải quyết triệt để.
Sẽ lập tổ công tác về phụ phí
Theo đại diện Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam (Visaba), vấn đề phụ phí hiện nay đã có những biến tướng khi mà mức phí cao hơn mức cước, có những tuyến vận tải mức cước bằng 0, còn phí lên đến vài trăm USD. Các khoản phụ phí này được thu tại Việt Nam, chủ hàng Việt Nam phải trả, không chịu sự quản lý hay kiểm soát của các cơ quan chức năng nên các chủ tàu nước ngoài hưởng lợi nhuận lớn.
Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC) cho biết, cước vận tải biển đang ẩn chứa nhiều dưới dạng các phụ phí khiến chi phí tăng lên. Đặc biệt, hiện phụ phí chưa có sự kiểm soát nên rất “hỗn loạn”, các DN thậm chí còn không hiểu cơ chế áp dụng như thế nào, chủ tàu thu thì cứ nộp.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương), vấn đề phụ phí cần đến vai trò điều tiết của Nhà nước, ở đây là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để xác định mức thu bao nhiêu. Bên cạnh đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cần vào cuộc để ngăn chặn hiện tượng lạm dụng phí độc quyền, tự ý nâng hoặc hạ giá để cạnh tranh.
Chính vì thế, trong cuộc hội nghị về việc các hãng tàu biển nước ngoài thu phụ phí đối với hàng hóa XNK của Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Cục đã nhận được nhiều đơn thư kiến nghị của DN. Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Hàng hải thay mặt Bộ khảo sát vấn đề này. Tuy nhiên, thực chất cơ quan nào đứng ra xử lý vẫn chưa rõ ràng, “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam hay Cục Hàng hải Việt Nam?”, ông Nhật nói.
Tại cuộc họp này đại diện Cục Hàng hải Việt Nam đã đứng lên nhận trách nhiệm giải quyết bằng việc thành lập ngay Tổ công tác bao gồm: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), VCCI, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam và đội ngũ chuyên gia.
Ông Nguyễn Nhật cho biết, đây là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của DN. Chính vì thế, việc thành lập Tổ công tác về phụ phí sẽ xác định phí nào cần loại bỏ hoặc có những điều chỉnh hợp lý hơn. Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ rà soát cụ thể việc thu và nộp các loại phí tại 3 khu vực: Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, từ đó so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tiêu chí cụ thể cho từng loại phí để các hãng tàu và DN làm căn cứ để thu và nộp phí.
Cần “chiếc gậy” quản lý
Bên cạnh việc xác định được cơ quan chịu trách nhiệm, theo Luật sư Võ Nhật Thăng, thành viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, có những loại phụ phí chỉ Việt Nam mới có, Nhà nước nắm trong tay Luật Hàng hải, là “chiếc gậy” rất quan trọng để xử lý nhưng lại chưa biết vận dụng hiệu quả. Trước mắt, các đơn vị phải đi nắm bắt thực tế, sau đó nên có sự trao đổi lại với đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để có phương án xử lý quyết liệt.
Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nước ta chưa vận dụng tốt luật của mình vì e ngại vi phạm quy định khi gia nhập WTO, chính vì thế, các DN kêu nhiều về vấn đề phụ phí mà không có cơ sở bảo vệ mình. Về vấn đề này, ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhận định, nếu làm đúng theo luật thì chỉ khoảng 3-6 tháng là các DN có thể yên tâm về vấn đề phụ phí vận tải biển.
Cùng với các phương án quản lý đang được đề xuất và bàn bạc, từ tháng 7-2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã thí điểm áp giá sàn (46 USD/container 20 feet) tại khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải trong thời gian 2 năm và sẽ tiến tới áp dụng tại các cảng khu vực khác trên cả nước. Tán thành phương án này, ông Nguyễn Duy Dũng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa cho hay, việc áp giá sàn là rất cần thiết để các DN có thể dựa vào đấy đưa ra những kiến nghị và cơ quan quản lý dùng để so sánh, làm cơ sở để xử lý các hãng tàu có hành vi tăng giá, thu thêm phụ phí không cần thiết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đưa ra một số ý kiến đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ hơn các hãng tàu trong và ngoài nước. Bởi theo ông Nguyễn Nhật, năng lực vận tải của chủ tàu nội địa còn kém, chưa thể đi những chuyến hàng xa khiến các hãng tàu nước ngoài nắm thế “độc quyền”. Bên cạnh đó, các chủ tàu cả trong và ngoài nước đều có sự liên minh “ngầm” với nhau để đề ra phụ phí, Luật sư Võ Nhật Thăng cho biết thêm.
Hơn nữa, theo đại diện Visaba, Nhà nước cần cân đối lại lượng tàu, điều tiết lượng hàng hóa giữa các cảng để có sự quản lý thuận lợi hơn, tránh những phiền phức không đáng có cho DN.