(Vietnam Logistics Review) Những lợi ích từ các loại hình vận tải đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của ngành
logistics. Thực tế sau khi đi vào hoạt động, tuyến vận tải biển ven bờ ở VN đang chứng minh được lợi ích vượt trội của nó.
CƯỚC PHÍ RẺ
Với đặc điểm địa lý có đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam tạo thành thế mạnh của vận tải đường thủy, khả năng lưu thông hàng hóa trên trục đường vận tải ven biển là rất lớn: chỉ cần một xà lan biển hoặc một tàu pha sông biển có trọng tải 1.000 tấn đã tương đương với một đoàn xe tải hạng nặng 50 chiếc xếp hàng dài chạy trên đường; còn nếu dùng một tàu 30.000 tấn trọng tải sẽ tương đương với sức chở của 1.500 xe tải hạng nặng. Vận tải ven bờ được xem là ưu điểm giảm tải cho đường bộ hiện đang được
nghiên cứu đầu tư mở rộng.
Thực tế thời gian qua đã có sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu vận tải hàng hóa giữa các phương thức, ảnh hưởng xấu đến thị trường vận tải, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, DN và nền kinh tế. Hiện nay, việc trên 70% hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ đã khiến phí vận chuyển cao, cá biệt có những mặt hàng cao hơn 10 lần so với vận tải đường biển tuyến Bắc – Nam. Cùng với việc “quá tải”, mật độ lưu lượng giao thông luôn ở tình trạng báo động, tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải ảnh hưởng an toàn giao thông, gây hư hỏng, giảm tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, và gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng.
Trong khi với bờ biển dài việc vận tải ven bờ từ Bắc vào Nam trở nên dễ dàng và ít gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đang bị xuống cấp, mà cước phí lại thấp hơn đến 60%. Tổng cục Thống kê cho biết để xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ 1km có đoạn mất khoảng vài trăm tỷ thì chi phí nạo vét lòng sông chỉ mất khoảng vài tỷ. Và giá vận chuyển 1 container đường thủy chỉ bằng 1/3 giá cước vận chuyển bằng đường bộ.
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT đã công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, đồng thời sắp tới triển khai tuyến vận tải ven bờ tuyến Bình Thuận đến Kiên Giang và tuyến Quảng Bình – Đà Nẵng, việc mở thêm tuyến luồng vận tải ven biển sẽ tạo điều kiện giảm tải cho đường bộ, phát triển kinh tế… Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: “Lâu nay chúng ta đầu tư lệch cho đường bộ quá nhiều mà ít quan tâm đến các lĩnh vực vận tải khác. Vận tải thủy nội địa vừa có lợi thế về địa lý, đầu tư ít, giá cước rẻ thì không có lý gì không phát triển”.
LỢI ÍCH THỰC TẾ
TS. Trương Đình Hiển, chuyên gia về vật lý hải dương và công trình thềm lục địa, cho biết, trục đường ven bờ có khả năng vận chuyển là khổng lồ nhưng chi phí xây dựng lại ít tốn kém. Theo tính toán của ông, nếu xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc cần hơn 50 tỉ USD thì chỉ cần 1/10 số tiền xây dựng đường sắt cao tốc là đủ để xây dựng hệ thống hải cảng cho vận tải biển ven bờ. Đặc biệt là sức vận chuyển của nó có thể gấp 100 lần sức vận tải của đường sắt cao tốc hoặc đường bộ cao tốc.
Thực tế, tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình sau khi đưa vào hoạt động đã mang lại những lợi ích đáng kể, với khối lượng hàng hóa khổng lồ trong tháng đầu tiên lên đến khoảng 50.000 tấn hàng. Theo báo cáo của các DN gửi về Cục Hàng hải, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 feet vào khoảng 10 đến 12 triệu đồng; đi Nghệ An – Hà Tĩnh khoảng 18 đến 20 triệu đồng. Trong khi vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An – Hà Tĩnh khoảng 3 đến 3,2 triệu đồng.
Sau khi tuyến Quảng Ninh – Quảng Bình đi vào hoạt động ổn định, Cục Hàng hải sẽ tiếp tục triển khai thêm hai tuyến vận tải ven biển nữa. Trước hết sẽ là tuyến Bình Thuận – Kiên Giang, theo nghiên cứu thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải này là rất lớn. Chỉ tính riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt khoảng 51,5 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu vận chuyển hơn 2,1 triệu tấn vật tư, bê tông, để cung ứng cho dự án thi công luồng tàu biển vào sông Hậu và các công trình phụ trợ được đúc tại bãi ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Còn tại Bình Thuận, nhu cầu vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân cũng như thi công các công trình bến cảng chuyên dùng Vĩnh Tân cũng rất lớn. Chính vì vậy, việc mở tuyến vận tải ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để giảm tải cho đường bộ.
Tuy nhiên, hiện nay để đạt được hiệu quả tối ưu cho tuyến vận tải này còn phải trông chờ vào việc phát triển hậu cần vận tải, với các kho bãi lưu chuyển hàng hóa, và tận dụng các cảng biển nước sâu, hoặc xây mới các cảng biển nhỏ trong nội địa cho mô hình vận tải thuỷ này, sẽ tạo ra tuyến vận chuyển thuỷ nội địa với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với tuyến vận chuyển cơ giới trên bộ..