(Vietnam Logistics Review) 40 năm, ký ức về ngày Giải phóng miền Nam rực rỡ cờ hoa – nhân dân miền Nam và cả nước vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc của ngày thống nhất đất nước – độc lập dân tộc. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sau bốn thập kỷ vẫn luôn giữ trong mình nhịp sống sôi động của một thành phố trẻ trung và năng động. Là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.
ĐÔ THỊ THAY ĐỔI
Nhiều người đi xa TP.HCM lâu ngày trở lại đã không giấu được nỗi ngạc nhiên về sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, khu công nghiệp và các khu đô thị vệ tinh…
Sau gần 40 năm tiến hành quy hoạch, đô thị hóa và công nghiệp hóa, dẫu vẫn còn nhiều điều trăn trở, nhưng TP.HCM đã khoác lên mình một sự đổi thay toàn diện, mang dáng vốc của một đô thị văn minh – hiện đại. Từ hạ tầng kỹ thuật đến không gian đô thị. Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ra đời xuất phát từ chủ trương xóa nhà ổ chuột, chỉnh trang đô thị. Hàng ngàn căn nhà ổ chuột được giải tỏa, di dời, nhiều người dân đã thoát khỏi cảnh sống chung với dòng kênh đen. Tuyến đường Điện Biên Phủ được xây lại, các tuyến đường vành đai được hoàn thiện, dự án cải tạo Xa lộ Hà Nội được triển khai, hoàn thành tuyến đại lộ Đông – Tây… đã giúp bộ mặt giao thông thành phố thay đổi, tạo ra một hành lang giao thông rộng lớn từ trung tâm quận 1 tỏa đi, kết nối thông suốt đến tất cả các quận, huyện, các tỉnh thành trong cả nước.
TP.HCM đi đầu trong vấn đề thu hút khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, thành phố thu hút được một nguồn vốn rất lớn. Đầu thập niên 90, trong lúc chưa xây dựng kịp một khách sạn 5 sao, nhà đầu tư nước ngoài đã kéo một khách sạn 5 sao từ Úc về làm khách sạn nổi, phục vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn và nghỉ ở đây. Dù nguồn vốn đó đa phần ưu tiên cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… chưa tập trung cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, giáo dục, hay y tế. Chính vì vậy, bên cạnh việc thí điểm những mô hình đổi đất lấy hạ tầng, thành phố đã mạnh dạn trong vấn đề xã hội hóa đầu tư trong ba lĩnh vực nói trên. Chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu đô thị mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 hay đường Trường Sơn (tức là đường nối vào sân bay Tân Sơn Nhất), và sau này đấu giá đường để khai thác như đường Điện Biên Phủ…
Ấn tượng về bộ mặt đô thị khi cả một khu vực hoang hóa ở Nhà Bè đã biến thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại bậc nhất cả nước với tuyến đường Nguyễn Văn Linh dài 17km rất đẹp kết nối các khu đô thị liền nhau. Nối theo đô thị Phú Mỹ Hưng, hàng loạt khu đô thị mới khác cũng ra đời. Ở khu vực trung tâm, thành phố cho chỉnh trang, cải tạo các tòa cao tầng dọc theo hai tuyến đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Thành phố cũng mạnh dạn cho đầu tư những công trình cao nhiều chục tầng để tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm.
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VỆ TINH
TP.HCM nổi tiếng là đô thị có nhiều kênh rạch. Những năm qua, TP.HCM đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng hàng loạt cây cầu mang tầm quan trọng, góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế và làm thay đổi bộ mặt của những vùng đất sình lầy thuở trước. Nằm cách trung tâm thành phố chỉ một con sông hoặc con rạch, các quận 2, 4, 7, 8, 9, Thủ Đức… cách đây 15 năm vẫn còn là những vùng đất lạc hậu, mang dáng dấp của một vùng nông thôn, đời sống người dân thấp… Việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân đều đổ dồn trên một số ít cây cầu cũ kỹ được xây dựng từ thời Pháp (cầu Tân Thuận 1, Sài Gòn, Bình Triệu 1,…). Nhưng nay, với những cây cầu đồ sộ mới xây xong như cầu Nguyễn Tri Phương, Chánh Hưng từ quận 5 bắc qua quận 8; cầu Ông Lãnh nối quận 1 – quận 4; cầu Kênh Tẻ nối quận 4 – quận 7 – Nhà Bè; cầu Bình Triệu 2 nối quận Bình Thạnh – Thủ Đức, cầu Phú Mỹ nối quận 2 – quận 7, hầm vượt sông Sài Gòn nối quận 1 – quận 2… và một số cây cầu đang xây dựng (cầu Sài Gòn…) đã đánh thức những vùng đất này vươn mình trỗi dậy. Và cũng chính những cây cầu này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, giao thương, bật dậy tiềm năng kinh tế trên địa bàn, góp phần thúc đẩy nền kinh kế của TP.HCM ngày càng phát triển vững mạnh, luôn giữ vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Sài Gòn nhộn nhịp, nhịp sống luôn hối hả, kể cả ban đêm. Những gì du khách chứng kiến hàng đoàn vừa người và xe trong giờ cao điểm tan trường, tan sở là “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Đường phố đông đúc, sự hối hả hiện rõ trên nét mặt mọi người. Số du khách đến Việt Nam ghé qua TP.HCM chiếm tỷ lệ khá lớn. Áp lực này buộc thành phố phải cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Theo quy hoạch phát triển đô thị, đến năm 2025 TP.HCM sẽ trở thành đô thị năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững. Vùng trung tâm bao gồm: đô thị hạt nhân TP.HCM, các đô thị vệ tinh độc lập được xác định bán kính 30 km từ trung tâm đô thị hạt nhân TP.HCM (bao gồm TP. Biên Hòa, TP. Thủ Dầu Một), các đô thị vệ tinh phụ thuộc (đô thị mới Nhơn Trạch, đô thị mới Tam Phước (đô thị mới sân bay), và các đô thị mới: Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Long Thành, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè; Cần Giờ, Dĩ An – Thuận An và các đô thị vùng phụ cận (bao gồm các đô thị loại 3 – 4 ở phía ngoài vành đai 3 như: Dầu Giây, Vĩnh Cửu, Tân Uyên, Mỹ Phước, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc).
TP.HCM xác định việc phát triển thành phố sẽ theo hướng đa trung tâm, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh và lấy trung tâm hiện hữu mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm chính. Các khu đô thị khác được xác định theo bốn hướng. Cụ thể, hướng phát triển về Đông Bắc gắn với huyện Dĩ An (Bình Dương) và TP. Biên Hòa (Đồng Nai), gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây được xem là hướng cửa ngõ của TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc, đồng thời cũng là hướng phát triển chính với khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trung tâm mới gắn liền trung tâm hiện hữu là quận 1, 3. Chính vì vậy, khu đô thị mới này sẽ được ưu tiên đáng kể trong việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật với các dự án lớn đã và đang thực hiện: hầm, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, Đại lộ đông – Tây… Một hướng chính khác là phát triển về phía Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM), Nhơn Trạch – Long Thành (Đồng Nai). Đây có thể nói là địa bàn có nhiều lợi thế là đất đai rộng nhưng hạ tầng đô thị còn thiếu. Hướng phát triển thứ ba là Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 – trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Đây cũng là một trong những cửa ngõ của thành phố nên thời gian qua TP.HCM đã đầu tư hạ tầng giao thông khá nhiều cho khu vực này như đường Trường Chinh, tuyến xuyên Á. Hướng còn lại là Tây Nam dọc quốc lộ 1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. So với các khu vực khác, tốc độ đô thị hóa tại đây diễn ra rất nhanh…
TIẾNG HÁT TRÊN “THÀNH PHỐ TRẺ”
Một lễ hội mừng ngày thống nhất đất nước lại đến! TP.HCM vẫn đang nỗ lực xây dựng nâng cấp và cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, nhất là hệ thống cầu vượt bằng thép nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông. Trong một phát biểu đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Lê Hoàng Quân cho biết: sắp tới đây, TP.HCM sẽ tích cực thực hiện di dời hệ thống cảng biển ra khỏi nội thành, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xây dựng hệ thống cảng biển Hiệp Phước thay thế cụm cảng Sài Gòn. Thành phố sẽ đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống dịch vụ hậu cần logistics cho cảng biển hoạt động hiệu quả như xây dựng đô thị cảng ở phía Nam thành phố, hệ thống kho bãi, đường bộ, đường sắt, khai thác tối đa sân bay Tân Sơn Nhất và chuẩn bị kết nối hạ tầng với sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) trong tương lai. TP.HCM đang mở rộng ra bên ngoài không chỉ về không gian, mà còn về quản lý đô thị và liên kết phát triển để hình thành vùng đô thị lớn của cả nước, cũng là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố này trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước và là nơi đóng góp nhiều nhất (21,7%) cho GDP của cả nước, cũng như cho ngân sách quốc gia. 16 khu chế xuất và khu công nghiệp ở TP.HCM đã đóng góp rất lớn cho tiến trình công nghiệp hóa không chỉ cho thành phố, mà còn cho khu vực kinh tế phía Nam.
Một mùa xuân mới nữa đã đến với TP.HCM. Trên những đường phố, người xe vẫn qua lại tấp nập. Cửa hàng, siêu thị đông đúc người đi mua sắm. Cao ốc cứ vươn lên trên những vùng đô thị mới. Sài Gòn đang từng ngày chuyển mình đi lên trên mọi lĩnh vực. Nhìn vào sức mua chúng ta dễ dàng nhận thấy sự sung túc và tinh thần lạc quan của người dân thành phố. Giữa những ngày tháng Tư lịch sử đi trên những con đường nhộn nhịp, lại nghe tiếng hát vọng lại: “Thành phố tôi rất trẻ/ Bạn hãy nghe họ hát…”, mà lòng cứ rộn rã, tràn ngập niềm vui. Và tôi thấy rằng, tiếng hát cất lên đã làm cho thành phố thêm sung sức, người dân thêm niềm tin yêu cuộc sống, và tương lai cùng vận hội mới đang mở ra đón chào mọi người.
Ông Vương Đình Huệ – UV tw đảng, Trưởng ban Kinh tế Tw:
“Bài học của TP.HCM đó là vấn đề sản xuất kinh tế hàng hóa, phát triển nhiều thành phần kinh tế, bài học về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra môi trường cạnh tranh tự do và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Bài học về việc hỗ trợ phát triển DN, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, nâng cao hiệu quả DNNN và phát huy vai trò các công cụ của Nhà nước trong điều tiết phát triển nền kinh tế thị trường… Đó là những vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm và chú trọng nghiên cứu không chỉ cho giai đoạn hiện nay, mà cho việc sắp tới thảo luận và hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc” .
Năm 2014, kinh tế TP.HCM tăng trưởng khá, đạt 9,6%. Năm 2015, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả đầu tư tăng, năng suất các yếu tố tổng hợp đóng góp ngày càng nhiều hơn, thu ngân sách vượt 11% so với dự toán.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã được xác định không phải là cái đích cuối cùng mà chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu, đó chính là đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân. Điều này, thể hiện rõ qua kết quả của năm 2014: Chương trình giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực, đã mở ra cơ hội cho trên 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay được vốn sản xuất làm ăn và tiếp cận được với các dịch vụ xã hội có chất lượng; đến nay số hộ nghèo còn 1,35%, số hộ cận nghèo còn 2,78%; đã tạo ra việc làm mới cho trên 120.000 người; thu hẹp dần chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư; chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện đồng bộ, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ nét.
Năm 2014, GDP bình quân đầu người đạt 5.131USD, bằng 2,5 lần so với bình quân cả nước. Dự kiến năm 2015 tiếp tục tăng theo mục tiêu đã đề ra. Như vậy, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt 13,52%. Kết quả này thể hiện quan điểm của Đảng lấy con người làm trung tâm, vì con người và cho con người; tăng trưởng kinh tế là điều kiện để tăng thu nhập của dân cư và tăng thu nhập của dân cư sẽ tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế.
Theo: Vietnam Logistics Review.