Phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập (Phần 1)

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, dịch vụ logistics tại Việt Nam (VN) đang có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngành logistics đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như số lượng không đủ, trình độ chuyên môn thấp… Phát triển nguồn nhân lực ngành logistics VN đang là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thực trạng nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam

VN với lợi thế nằm trên trục giao lưu hàng hải quốc tế, do vậy VN có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm logistics của khu vực, thế giới. Tuy nhiên, vấn đề VN đang phải đối mặt đó chính là nguồn nhân lực logistics thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp không cao và đi kèm với đó là các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành này vẫn chưa được chú trọng phát triển. (Hình 1)

Về số lượng: Chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, trường Đại học Kinh tế quốc dân, đa số các DN logistics VN có quy mô nhỏ, số lượng nhân viên ít năng lực hạn chế. Trong khi đó, tiềm năng và nhu cầu đối với thị trường logistics rất lớn, số lượng các DN logistics với quy mô siêu nhỏ mới chỉ đáp ứng được một phần rất khiêm tốn của thị trường.

Theo Cục Hàng hải VN, năm 2014, VN có khoảng 1.200 DN đang hoạt động trong lĩnh vực logistics trong tổng số 300.000 DN cung ứng dịch vụ liên quan tới logistics, trong đó, cũng chỉ có khoảng 6.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực này. Đa phần các DN đều thuộc nhóm DN vừa và nhỏ, trừ các DN quốc doanh và cổ phần có quy mô tương đối lớn (từ 100 – 300 nhân viên), số còn lại trung bình từ dưới 50 nhân viên, năng lực cạnh tranh và hoạt động còn nhiều hạn chế.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nguồn nhân lực logistics mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm, nhân sự ngành logistics vẫn là bài toán đau đầu của các DN trong ngành.

Ngày 14.02.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics VN đến năm 2025, nhấn mạnh “Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các DN cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế”, và nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện là “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực”.

Về chất lượng: Đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu

Khi đề cập đến nhu cầu đào tạo các khóa ngắn hạn cho nhân viên logistics, các công ty rất chú trọng đến các mảng như chuỗi cung ứng (38,3%), vận tải quốc tế (36,7%), quản lý hệ thống thông tin (35%).

Theo Viện Nghiên cứu phát triển  TP. Hồ Chí Minh, hiện  nay tại VN, có đến 53,3% DN được khảo sát là thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ 16,7% các DN hài lòng về trình độ chuyên môn của nhân viên, có tới 30% DN phải đào tạo lại nhân viên sau tuyển dụng.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và phát triển của trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay có tới 80,26% nhân lực trong các DN logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo và tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài là 3,9%. Có đến 80,26% nhân lực ngành logistics được đào tạo chuyên môn không chính thống thông qua việc trực tiếp thực hiện công việc hàng ngày.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực logistics thay vì được đào tạo từ các trường đại học, các học Viện chuyên về logistics, đa phần lại được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiều cán bộ quản lý được đào tạo và tái đào tạo và chủ yếu tích lũy kiến thức từ kinh nghiệm kinh doanh từ các chuyên ngành đào tạo khác chuyển sang, do vậy thiếu bài bản và chất lượng, hiệu quả công việc gặp nhiều ảnh hưởng. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ thực hiện trực tiếp các công việc liên quan tới logistics, phần lớn tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành ngoài logistics.

Lực lượng lao động trực tiếp như bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm hàng kho bãi thì đa số có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp, thiếu chứng chỉ nghề logistics.

Số lao động ở các lĩnh vực liên quan tới logistics tại VN trong những năm qua đều có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể lĩnh vực vận tải, kho bãi, năm 2010 tổng số lao động là 1.416.700 người, thì đến năm 2016 là 1.684.500 người, điều này thể hiện tiềm năng tăng trưởng của các ngành dịch vụ của VN nói chung và của ngành logistics VN nói riêng. Với tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng nguồn lực lao động trong ngành logistics VN còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, bên cạnh đó ngành cũng chưa nhận được sự quan tâm mạnh mẽ và có chỉ đạo quyết liệt từ các cấp và các ngành liên quan.

Nguyên nhân

Một trong những nguyên nhân dẫn tới nguồn nhân lực logistics VN vừa thiếu lại vừa yếu là do một thời gian dài chúng ta không quan tâm đến đào tạo đội ngũ lao động có tính đặc thù này, thiếu đi chính sách phát triển nguồn nhân lực logistics, thậm chí không có chức danh cho đội ngũ lao động này, số liệu báo cáo thống kê cũng không có dẫn đến rất nhiều số liệu khác nhau về nguồn nhân lực logistics.

Hiện đã có một số hiệp hội và các nhóm DN, tổ chức đào tạo ngắn hạn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài hay mời các giảng viên tự do nhưng số lượng hạn chế. Mặt khác, nội dung chương trình học này có một số khác biệt giữa châu Âu và VN về giám sát hải quan, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối, cấp độ quản lý an ninh theo ISPS Code. Về giao nhận hàng không, IATA thông VN Airlines đã tổ chức một số lớp học nghiệp vụ và tổ chức thi cấp bằng IATA có giá trị quốc tế.

Dự án phát triển nguồn nhân lực ngành logistics và hàng không quốc tế (International Logistics Aviation Services – ILAS) được triển khai lần đầu tiên tại VN với mục tiêu tìm kiếm và đào tạo nhân lực quản lý ngành dịch vụ logistic và hàng không, do Logistics Knowledge Company phối hợp cùng Work Global thực hiện. Tuy nhiên, các chương trình này vẫn không tiến triển do tính không chính thức, số lượng hạn chế và mang tính nội bộ.

Ngoài ra, các DN logistics VN thiếu chủ động trong quá trình tiếp cận thị trường lao động, thậm chí chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và thường chỉ tuyển dụng khi nào cần, yêu cầu công việc chưa rõ và chưa đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu, chưa có chế độ lương thưởng, đãi ngộ phù hợp. Điều này khiến người lao động không có động lực để trau dồi chuyên môn trình độ và kỹ năng làm việc của bản thân.

Về phía người lao động, do thiếu thông tin về định hướng và phát triển ngành nghề, người lao động ngay từ khi lựa chọn ngành nghề đào tạo không hướng tới một công việc cụ thể nên thường thiếu các kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp. Dẫn tới, người lao động thiếu sự chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tiếp cận các DN logistics. Thiếu sự gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm giữa các sinh viên với những người có kinh nghiệm đang làm việc tại các DN logistics.

Hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics chỉ tập trung ở một số trường đại học như Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Đại học Thủ Đô Hà Nội, Trường Đại học GTVT Hà Nội… về vận tải đa phương thức, bảo hiểm trong ngoại thương, giao nhận vận tải biển, quản trị logistics và chuỗi cung ứng… Còn đa phần được đào tạo ngắn hạn ở các trung tâm đào tạo về logistics. Tuy nhiên, do tính chất quy mô nhỏ, nên hàng năm mỗi trung tâm cũng chỉ cung ứng cho thị trường số học viên tốt nghiệp cũng rất hạn chế. Ngoài ra, đối với các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề logistics ở VN hiện nay cũng  chưa bài bản và chưa chuyên sâu. Một số trường đại học nếu có chương trình đào tạo về logistics thì đa số chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, giao nhận vận tải, quản trị cung ứng hàng hóa. Ngay cả các chuyên gia được đào tạo hệ thống và chuyên nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn quá ít so với yêu cầu phát triển của ngành.

Theo: Vietnam Logistics Review

Tương lai của ngành logistics: Đi lên từ cải tiến công nghệ liên tục

Các hoạt động hậu cần của Amazon nằm trong cơ sở hạ tầng của họ được xây dựng trên toàn cầu để đưa hàng hóa đến tay người tiêu thụ. Nó bao gồm những trung tâm phân phối khổng lồ nằm rải rác trên toàn cầu, một đội quân các robot trong nhà kho và hàng trăm nghìn người giao hàng và công nhân đóng gói trong kho. Ngoài các dự án triển khai những chiếc drone có thể mang hàng đến tận cửa nhà của khách hàng,  công ty cũng đang điều hành một đội xe tải chở hàng, một đội máy bay vận tải riêng của mình.

Từ xe tải vận chuyển dữ liệu và tự lái…

Dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới của Amazon – Amazon Web Services (AWS), với doanh thu 12 tỷ USD trong năm ngoái, sử dụng một trong những hệ thống máy tính mạnh nhất thế giới, cung cấp dịch vụ với tốc độ kết nối siêu tốc cho người dùng. Tuy nhiên, Amazon vừa giới thiệu thêm một giải pháp mới để giúp tốc độ kết nối từ người dùng đến các máy chủ đám mây thậm chí còn nhanh chóng hơn, đó là sử dụng xe tải. Những chiếc xe tải này, được Amazon gọi là Snowmobile, thực chất là một thiết bị lưu trữ cỡ lớn, trong đó thùng container phía sau chứa 100 PB (Petabytes) dữ liệu (1 PB = 1 triệu GB). Để dễ hình dung, có thể so sánh một Exabyte  dữ liệu (1.000 PB) tương đương khoảng 250 triệu đĩa DVD hoặc một ngàn tỷ cuốn sách 400 trang.

Snowmobile được xem như một thiết bị vận chuyển dữ liệu trung gian giữa người dùng và Amazon, để giúp rút ngắn quãng đường và thời gian truyền dữ liệu. Amazon dự định sẽ lái những chiếc xe tải Snowmobile đến các văn phòng của khách hàng, trích xuất và lưu trữ dữ liệu của họ, sau đó lái chiếc xe tải này đến các cơ sở của Amazon để chuyển lại dữ liệu này vào các mạng lưới điện toán đám mây của Amazon. Công ty này tính toán rằng, 10 chiếc xe Snowmobile sẽ giúp giảm được thời gian truyền một Exabyte dữ liệu từ khách hàng đến hệ thống lưu trữ đám mây của hãng xuống còn chưa đến 6 tháng, thay vì khoảng 26 năm nếu sử dụng mạng internet với tốc độ trung bình.

Năm 2015, Amazon đã giới thiệu công cụ truyền dữ liệu với kích thước tương đương một chiếc vali có tên gọi Snowball, cách thức hoạt động tương tự như xe tải Snowmobile. Snowmobile được xem như là phiên bản nâng cấp của Snowball với công suất và dung lượng lưu trữ được tăng thêm. Những sản phẩm này là một trong những nỗ lực của Amazon để thu hút các khách hàng doanh nghiệp lớn đã đầu tư rất nhiều vào các trung tâm dữ liệu của riêng mình, để chuyển sang sử dụng dịch vụ đám mây của Amazon.

Về vận chuyển hàng hóa, theo Hiệp hội Xe tải Mỹ, mỗi năm ở Mỹ phương tiện xe tải phụ trách đến 10 tỷ tấn, chiếm khoảng 70% tổng lượng hàng vận chuyển trên cả nước. Vấn đề với nước Mỹ là họ thiếu hụt trầm trọng tài xế trong lúc độ tuổi trung bình của tài xế xe tải tăng dần theo thời gian. Theo Wall Street Journal, đó là lý do tại sao Amazon đang nỗ lực Uber hóa cách họ phối hợp việc vận chuyển bằng xe tải với hoạt động bán lẻ trực tuyến lớn nhất nước Mỹ. Tạp chí này cho biết công ty có thể đang phát triển một ứng dụng di động, cho phép tìm các xe tải trống và ghép chúng với những đơn hàng cần chuyển đi.

Tháng 8.2016, Uber mua lại startup về xe tải tự lái Otto với giá 680 triệu USD. Đến tháng 10, một trong những chiếc xe tải tự động của công ty này với công nghệ tự lái của mình đã hoàn thành một chuyến giao hàng ở bang Colorado. Với một ứng dụng di động tương tự Uber, công ty Amazon đang tiến thêm các bước theo xu hướng tất yếu là sử dụng xe tải không cần tài xế, tăng cường hiệu quả, giảm chi phí trung gian cho thị trường vận tải hàng hóa đường dài những năm tới đây.

… đến “công nhân robot” và cửa hàng không quầy tính tiền

Năm 2012, Amazon đã mua hãng robot công nghiệp Kiva với giá 775 triệu USD và hiện tại các robot tiên tiến đang giúp tự động hóa công tác bốc dỡ, sắp xếp và vận chuyển hàng hóa trong những nhà kho và trung tâm phân phối khổng lồ của nhà bán lẻ này. Theo Amazon, việc sử dụng robot thay cho con người để di chuyển hàng trong kho sẽ giúp tiết kiệm được diện tích do không cần phải làm lối đi cho người, từ đó có thể chứa được lượng kệ hàng nhiều hơn. Đồng thời, việc dùng robot còn giúp giảm thiểu thời gian chết và thực hiện quá trình luân chuyển hàng hóa hiệu quả hơn.

Mỗi “công nhân robot” Kiva nặng khoảng 145kg, chạy dưới sàn nhà kho và có nhiệm vụ di chuyển các kệ hàng (nặng khoảng 340kg và cao hơn 1 người trưởng thành) một cách trình tự, khoa học và chính xác, tạo ra cảm tưởng như một nhà máy nhộn nhịp và sống động trong phim khoa học viễn tưởng. Con người chỉ cần chất các món đồ lên kệ hàng và việc còn lại sẽ do robot Kiva đảm nhiệm. Amazon cho biết hơn 15.000 robot Kiva đã được sử dụng cho tất cả các trụ sở và nhà kho của hãng trên khắp nước Mỹ. Bình quân mỗi “công nhân” này vận chuyển khoảng 700.000 món hàng mỗi ngày và lúc cao điểm, con số đó có thể lên tới 1,5 triệu món.

Amazon cũng vừa giới thiệu một cửa hàng tạp hóa không hề trang bị quầy tính tiền, với tên gọi Amazon Go. Đây là một cửa hàng bán lẻ có diện tích gần 200m2, được thử nghiệm trong khuôn viên trụ sở chính của Amazon ở thành phố Seattle, Mỹ và chỉ dành cho nhân viên của công ty. Điểm đặc biệt của Amazon Go là khách hàng có thể vào đây, lựa chọn những thứ muốn mua và sau đó rời đi mà không cần phải thanh toán tại quầy như những siêu thị hay cửa hàng bán lẻ khác. Để bắt đầu mua sắm trong cửa hàng này, người dùng chỉ cần phải quét qua một ứng dụng trên smartphone của mình. Amazon sử dụng hệ thống cảm biến và giám sát bằng máy tính để phát hiện những thứ mà người dùng đã lấy ra khỏi cửa hàng. Tổng số tiền các mặt hàng khách đã mua tại cửa hàng sau đó sẽ được trừ vào tiền trên tài khoản Amazon của người dùng ngay khi người đó bước ra khỏi cửa hàng. Việc ăn cắp sẽ được hạn chế tối đa nhờ cửa hàng được theo dõi và giám sát bởi một hệ thống camera và cảm biến nhiều hơn những gì người dùng được biết. Trong tương lai không xa, khi các cửa hàng độc đáo này trở nên phổ biến, khách hàng không cần phải mất công xếp hàng để chờ đợi ở quầy thanh toán. Có thể đến lúc đó, nhiều người tiêu dùng bình thường sẽ không còn nhớ đến công sức bền bỉ của một trong những nhà bán lẻ đã đóng góp rất lớn trong việc vẽ ra một tương lai hoàn toàn mới của ngành logistics.

Theo: Vietnam Logistics Review

Vận tải hàng hóa vào mùa cao điểm

Sự sụp đổ của hãng tàu Hanjin vào năm ngoái đã khiến nhiều chủ hàng phải thay đổi phương thức vận tải sang vận tải hàng không, khi ngành công nghiệp vận tải biển đang bị gián đoạn bởi sự ra đời của các liên minh mới. Tuy nhiên, ở thời điểm này, dù là vận tải hàng không hay vận tải biển đều đang bước vào giai đoạn cao điểm và chờ đợi sự chuyển mình.

Mùa bận rộn của vận tải hàng không   

Với sự quá tải của ngành công nghiệp vận tải biển trong mùa hè vừa qua, nhiều nhà vận tải trên các tuyến đường chính đi từ châu Á đã quyết định san sẻ áp lực của mình sang vận tải hàng không. Tuy nhiên, lựa chọn này đang vấp phải những hạn chế về không gian khi các nhà vận tải hàng không vẫn đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Ông Edoardo Podesta, Giám đốc điều hành công ty Dachser Viễn Đông (Hồng Kông) khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, ngành hàng không và các nhà vận tải đang đối mặt với tốc độ tăng cao trong mùa cao điểm, khi thị trường bắt đầu nóng lên trong hai tuần đầu tháng 9 và lên đến đỉnh điểm trong hai tuần tiếp theo.

Theo Drewry, chỉ số giá trung bình trong tháng 7 là 2,64USD/kg, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích cho biết công suất dự kiến sẽ thắt chặt khi mùa cao điểm đến và giá cũng sẽ tăng. Vì vậy, các nhà giao nhận đang tăng khả năng phân bổ năng lực của mình với các hãng vận tải.

Để nâng cao công suất trong giai đoạn cao điểm, Podesta và DB Schenker ở thị trường Trung Quốc đang tăng cường các chuyến bay chở hàng với mục tiêu cung cấp dịch vụ ổn định cho khách hàng dài hạn. Cụ thể, Podesta đang xem xét cả hai lựa chọn là vận tải hàng không và vận tải biển để nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cho khách hàng trong khoảng thời gian từ hai đến ba tháng.

Dự kiến, khoảng thời gian bận rộn nhất của ngành vận tải hàng không là giai đoạn từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12. Các chủ hàng vẫn có thể tìm thấy các chuyến bay chở hàng trong giai đoạn này, nhưng giá sẽ tăng.

Sự chuyển mình của ngành vận tải biển

Theo các nhà phân tích, các liên minh mới ra đời trên thị trường vận tải biển, cùng với việc thay đổi cơ cấu và xu hướng kinh tế tích cực đã góp phần định hình lại thị trường vận tải container trong năm vừa qua.

Cụ thể, sự gián đoạn của thị trường trong giai đoạn này đã và đang thúc đẩy sự tăng trưởng cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh, dù các hãng vận tải vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về chi phí. Mức giá cước dài hạn trong một số trường hợp đã tăng gấp ba lần so với năm ngoái và việc khôi phục thị trường container vẫn đang diễn ra.

Trong báo cáo tài chính năm 2017 vừa được công bố của Maersk cho thấy, giá cước vận tải cao hơn đã đẩy doanh thu tăng 8,4%, lên 9,6 tỷ USD trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Hapag-Lloyd dự kiến có thể tăng gấp ba thu nhập của mình trong năm nay.

Nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, sự cơ cấu lại các liên minh trong ngành vận tải biển (90% tổng lưu lượng tàu container hiện nằm trong tay ba liên minh lớn THE Alliance, OCEAN và 2M+H) và sự sụp đổ của Hanjin, tất cả đều góp phần thúc đẩy việc tận dụng các tàu vận tải đang hoạt động trên thị trường với mức giá cước được nâng cao. Nhưng tình hình sẽ trở nên phức tạp khi nhiều tàu lớn sẽ đi vào hoạt động trong tương lai.

Cụ thể, có đến khoảng 78 chiếc tàu siêu lớn mới sẽ được triển khai trên các tuyến thương mại Á-Âu trong vòng hai năm tới, nâng tổng công suất tăng hơn 23%. Các con tàu này có ý nghĩa rõ ràng về mặt quy mô và tối ưu hóa chi phí vận tải. Tuy nhiên, khi các hãng tàu sở hữu nhiều công suất tải hơn thì đồng thời cũng đòi hỏi một nhu cầu vận tải lớn hơn. Vậy, nhu cầu này ở đâu ra?

Các nhà phân tích đều thống nhất rằng, các con tàu 18.000 TEU phải có tỷ lệ sử dụng ít nhất 91% mới có thể đạt được mức tiết kiệm chi phí. Ngay cả trong các giao dịch thương mại Á – Âu có khối lượng lớn, khả năng này khó xảy ra và có thể đòi hỏi mức giá thấp hơn trung bình đối với một vài trường hợp. Và điều đó chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển tổng thể.

Tuy nhiên, mỗi một thành viên trong các liên minh vẫn đang hợp tác, hỗ trợ và thúc đẩy nhau cùng phát triển, cũng như đang cố gắng lấp đầy các con tàu của mình. Dự kiến thị trường vận tải biển sẽ được thay đổi với một khí sắc mới, cùng với cơ hội đảo ngược xu hướng hiện nay. Đây là điều mà mọi người đang hy vọng.

Theo: Vietnam Logistics Review

Lưu ý khi viện dẫn hợp đồng vào vận đơn

Mức độ chi tiết đưa vào vận đơn (thường gọi là “viện dẫn” – incorporated) các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến quyết định hiệu lực thi hành của nội dung được viện dẫn. Tranh chấp dưới đây khá thú vị về việc viện dẫn câu chữ mà những người liên quan đến vận đơn cần chú ý khi sử dụng chứng từ này và khi giải quyết tranh chấp hàng hải.

Tóm tắt nội dung tranh chấp   

Năm 2014, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã thụ lý vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (sau khi được thế quyền của người nhận hàng – người được bảo hiểm) giữa Nguyên đơn – người bảo hiểm là công ty cổ phần bảo hiểm (BH) và Bị đơn là công ty cổ phần vận tải biển (VPR) với những vấn đề cụ thể mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là buộc VPR bồi thường cho BH số tiền  là 392.605.146 đồng (VNĐ) do thiếu hàng, giảm giá trị thương mại và lãi phát sinh do chậm thanh toán.

VPR ký hợp đồng vận chuyển theo chuyến (charter party) với một công ty Singapore  –  người thuê vận chuyển (đồng thời là người bán hàng theo điều kiện CFR Incoterms 2010) để vận chuyển 6.500 tấn phân bón NPK từ cảng Isabel, Leyte, Philippines đến cảng Quy Nhơn, Việt Nam, vận đơn (bill of lading) theo mẫu “Congenbill” edition 1994. Đây là loại vận đơn dùng với hợp đồng vận chuyển theo chuyến, trên đó ghi rõ (ngoài những điều khoản khác): “Mọi điều khoản, điều kiện, biệt lệ, miễn trừ của Hợp đồng vận chuyển theo chuyến có ngày ký nêu ở trang trước, bao gồm Điều khoản Luật áp dụng và Trọng tài được viện dẫn vào vận đơn này” (All terms and conditions, liberties and exceptions of the Charter Party dated as overleaf, including the Law and Arbitration Clause, are herewith incorporated).

Chúng ta có thể thấy việc viện dẫn là rất rõ ràng và chi tiết. BH cho rằng Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt để giải quyết vụ án này, căn cứ vào khoản b) điểm 1 Điều 411 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Điều 411. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. 1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam: … b) Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam”. VPR đã phản bác ý kiến này với lập luận rằng Hợp đồng vận chuyển đã được ký giữa VPR và công ty Singapore như nêu ở phần trên, VPR không ký bất kỳ hợp đồng nào với công ty trong nước. Vì vậy, “tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển” nêu tại điểm b) khoản 1 Điều 411 Bộ luật Tố tụng Dân sự là tranh chấp giữa VPR với công ty Singapore (nếu có). Do đó, thẩm quyền giải quyết vụ án này không thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam mà thuộc thẩm quyền của cơ quan giải quyết tranh chấp nêu trong hợp đồng vận chuyển ký giữa VPR và công ty Singapore.

Tuy cho rằng không áp dụng nhưng để Tòa và BH tham khảo tương tự đối với loại vận đơn của vụ tranh chấp, VPR đã trích dẫn Điều 100 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 (“Bộ luật HH”) về ký phát vận đơn trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến như sau: “Trường hợp vận đơn được ký phát theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến và người giữ vận đơn không phải là người thuê vận chuyển thì các quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển và người giữ vận

đơn sẽ được điều chỉnh bằng các điều khoản của vận đơn; nếu các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến đã được đưa vào vận đơn thì các điều khoản này được áp dụng”.

Chúng ta thấy, “viện dẫn” (đưa vào) nêu ở điều này không nêu chi tiết điều khoản nào, mà chỉ nêu chung chung là “các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến”, trong khi vận đơn “Congenbill” nêu ở trên viện dẫn rất chi tiết là “bao gồm Điều khoản Luật áp dụng và Trọng tài được viện dẫn vào vận đơn này”.

BH cho rằng có xung đột pháp luật theo khoản 4 Điều 3 của Bộ Luật HH nhưng VPR không đồng ý vì tuy Bộ luật HH không được áp dụng ở đây nhưng ngay cả khi được áp dụng thì cũng không có xung đột pháp luật và vì vậy, không thể dẫn chiếu Bộ luật HH. Cụ thể: Không có xung đột pháp luật như lập luận của BH vì hai hệ thống pháp luật Việt Nam và Singapore (luật điều chỉnh hợp đồng vận chuyển ký giữa VPR và công ty Singapore) không cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng thể hiện ở chỗ BH đã xác nhận không có quan hệ hợp đồng giữa người nhận hàng với công ty Singapore. Do đó, chỉ có hệ thống pháp luật Singapore điều chỉnh quan hệ hợp đồng nêu trên.

Vụ án chưa kết thúc vì Tòa án có Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự để tống đạt các văn bản tố tụng, thu thập, cung cấp chứng cứ và yêu cầu Công ty Singapore tham gia tố tụng.

Bình luận

Viện dẫn rõ ràng và chi tiết của vận đơn do VPR ký phát hoàn toàn phù hợp với phán quyết của Tòa án Anh trong vụ tranh giữa Siboti K/S và BP France SA dưới đây, theo tài liệu “Siboti K/S v BP France SA; 1278; [2003] 2 Lloyd’s Rep.364, Shipping law update, Issue 11, Ince & Co 2003, liên quan đến cùng loại vận đơn mà VPR đã ký phát.

Tàu được thuê để vận chuyển dầu sạch (clean peroleum) từ Ấn Độ đến Pháp. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến (charter party) có điều khoản về áp dụng luật Anh và quyền tài phán đặc biệt (exclusive jurisdiction clause). Điều khoản này cũng quy định rằng tất cả vận đơn cấp theo Hợp đồng vận chuyển theo chuyến “… phải viện dẫn (incorporated) điều khoản giải quyết tranh chấp đặc biệt này”. Hàng hóa được vận chuyển theo vận đơn có tham chiếu rõ ràng đến Hợp đồng vận chuyển theo chuyến và quy định rằng “… tất cả và bất kỳ điều khoản nào của Hợp đồng vận chuyển theo chuyến đã nêu đều áp dụng và điều chỉnh quyền của các bên có liên quan đến chuyến hàng này” ([ … ] all terms whatsoever of the said charter party apply to and govern the rights of the parties concerned in this shipment”). Do người thuê vận chuyển không trả cước phí vận chuyển (giá dịch vụ vận chuyển) nên chủ tàu đã tiến hành cầm giữ hàng và khởi kiện người nhận hàng tại Tòa án Anh theo luật vận chuyển hàng hóa bằng đường biển năm 1992 (COGSA 1992). Người nhận hàng là một công ty Pháp (French domiciled company) được cho là người nhận ký hậu và cầm vận đơn hợp pháp (endorsees and lawful holders of the bill).

Người nhận hàng đề nghị Tòa bác đơn khởi kiện của chủ tàu với lập luận theo Điều 2 của Quy tắc Hội đồng châu Âu (Council Regulation (EC) 44/2001) – văn bản kế thừa của Công ước Brussels (Brussels Convention) – rằng bất kỳ việc khởi kiện nào chống lại họ phải được tiến hành ở nước mà họ có trụ sở chính. Để đáp lại, chủ tàu cho rằng người nhận hàng được xem là một bên của hợp đồng bằng vận đơn (bill of lading contract) đã được việc dẫn bằng điều khoản tài phán đặc biệt tại Anh (exclusive English jurisdiction clause) ghi rõ trong Hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Tòa đã ra phán quyết, chấp nhận yêu cầu của người nhận hàng với lập luận rằng, những từ ngữ nêu chung chung như “tất cả mọi điều khoản” (all terms) không đủ để viện dẫn điều khoản trọng tài trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến vào vận đơn. Tương tự như vậy, điều khoản về quyền tài phán đặc biệt nêu trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến cũng không được chấp nhận để viện dẫn vào vận đơn. Việc viết thêm từ “whatsoever” (bất kỳ điều gì) cũng không làm cho kết quả khác đi và nếu như các bên, ngay từ đầu, định viện dẫn điều khoản tài phán đặc biệt thì lẽ ra phải và có thể nêu rõ ràng bằng cách dùng nhóm từ “bao gồm cả điều khoản về giải quyết tranh chấp” (including the dispute resolution clause).

Theo: Vietnam Logistics Review.

Hợp đồng logistics: Thị trường mới tại châu Á – Thái Bình Dương

Quản lý hoạt động logistics là một trong những yếu tố quan trọng trong khả năng sinh lợi của phần lớn các công ty, từ đó dẫn đến thành công theo ý muốn. Trong khi một số công ty tự quản lý, số khác lại sử dụng các dịch vụ từ những hợp đồng logistics – đặc biệt ở khu vực châu Á trong thời gian gần đây.

Các hợp đồng logistics nhìn chung là các dịch vụ thuê ngoài bên thứ ba, tập trung giúp công ty quản lý tài nguyên. Những công ty thực hiện hợp đồng logistics sẽ đảm nhiệm các công việc bao gồm lập kế hoạch cho chuỗi cung ứng, thiết kế cơ sở vật chất cần thiết, nhập kho, vận chuyển và phân phối hàng hóa, xử lý và quản lý đơn hàng, thậm chí có thể quản lý dịch vụ chăm sóc khách hàng. Những ví dụ điển hình nhất về các công ty thực hiện hợp đồng logistics có thể kể đến là. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa Hoa Kỳ, Kuehne + Nagel, Exel, Genco và DHL…

Trên thực tế, các hợp đồng logistics luôn tập trung vào các nền kinh tế đã phát triển, có nhu cầu tiêu dùng nội địa cao với lịch sử sử dụng dịch vụ đó từ lâu. Đối với các thị trường mới nổi gần đây như châu Á, những hoạt động này vẫn còn khá hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng và các lựa chọn logistics bên thứ ba hợp lý.

Theo Cathy Roberson, chuyên gia phân tích của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), cơ sở hạ tầng ở những quốc gia này vẫn còn khá nghèo nàn nhưng lại nắm giữ tiềm năng rất lớn. Không ít công ty đang dần mở rộng phát triển vào những thị trường này dẫn đến việc tăng nhu cầu về dịch vụ logistics theo hợp đồng.

Theo bản báo cáo Hợp đồng logistics toàn cầu vào năm 2017, thị trường dịch vụ logistics theo hợp đồng tổng thể đã tăng khoảng 3,9% về giá trị thực trong năm 2016. Mặc dù, sức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016 ổn định, tuy nhiên các quốc gia đã phát triển lại gặp không ít khó khăn với tỷ lệ tăng trưởng khá khiêm tốn trong thị trường logistics hợp đồng năm 2015. Điều này phần nào phản ánh xu hướng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, khi tốc độ tăng trưởng ở các khu vực tiên tiến đang dần giảm sút và nhường cho các khu vực đang phát  triển khác.

Những khó khăn trên do tác động của các sự kiện chính trị quan trọng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và đợt bỏ phiếu Brexit vừa qua. Năng suất sản xuất và tiêu dùng kém cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ của nền kinh tế toàn cầu. Từ đây, doanh số bán lẻ và tăng trưởng sản xuất cũng giảm sút mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hợp đồng logistics ở các nền kinh tế đã phát triển.

Những thay đổi trên cho thấy, những nền kinh tế này sẽ vẫn gặp khó khăn trong thời gian tới. Đây là một thị trường liên quan đến các cấu trúc bán lẻ đã được lập nên và phát triển bởi những tập đoàn lớn, hy vọng đạt được hiệu quả hoạt động như mong muốn. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi – cụ thể là châu Á – Thái Bình Dương, đang dần trở thành một thị trường khổng lồ cho dịch vụ logistics bên thứ ba, vượt mặt cả châu Âu.

Sức mạnh của thị trường tại châu Á – Thái Bình Dương là kết quả của nhiều nhân tố khác nhau. Tất cả bao gồm nền kinh tế bền vững cùng việc tiếp tục hợp thức hóa hợp đồng bán lẻ (nhờ tăng thu nhập khả dụng). Trong khi đó, các nhà sản xuất đa quốc gia ngày càng xem xét các địa điểm sản xuất khác ngoài Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á nhờ lao động chất lượng cao và giá cả hợp lý hơn. Nhưng thậm chí với mức lương tăng cao, việc sản xuất ở Trung Quốc vẫn có sức mạnh riêng. Bằng cách chuyển sang sản xuất có giá trị gia tăng, Trung Quốc sẽ có thể bù đắp cho việc mất mát của nguồn lực sản xuất chi phí thấp trong tương lai cho khu vực khác.

Với các yếu tố trên, châu Á sẽ tiếp tục việc thúc đẩy tăng trưởng thị trường logistics hợp đồng toàn cầu trong khi châu Âu và Bắc Mỹ chịu ảnh hưởng từ tình trạng bán lẻ và tăng trưởng sản xuất ảm đạm. Trong tương lai, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển được dự báo sẽ tăng nhẹ trở lại, nhưng các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục vượt xa họ.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Một phán quyết bất ngờ về quyền tài phán ghi trên vận đơn vận tải đa phương thức

Điều khoản về quyền tài phán hay còn gọi là thẩm quyền xét xử ghi trên vận đơn vận tải đa phương thức là đề tài thường được chú ý của các thẩm phán, trọng tài viên, luật sư cũng như người kinh doanh dịch vụ logistics, người kinh doanh vận tải đa phương thức, người giao hàng, người gửi hàng và người nhận hàng vì còn có quan điểm khác nhau về giá trị thi hành.

Trong một phán quyết quan trọng, theo tài liệu của Văn phòng Luật quốc tế (International Law Office, London) ngày 14.4. 2017, Tòa án Tối cao của Ý đã khẳng định giá trị pháp lý của điều khoản thẩm quyền xét xử trong vận đơn vận tải đa phương thức qua vụ tranh chấp dưới đây.

Tóm tắt vụ việc

Vụ tranh chấp liên quan đến việc vận chuyển một lô hàng cà phê Arabica từ Nicaragua đến Ý theo hợp đồng vận tải đa phương thức. Người nhận hàng đã ký hợp đồng với người giao nhận để thu xếp vận chuyển hàng hóa từ nhà máy tại Nicaragua đến cảng Trieste. Chặng vận chuyển đầu tiên (first leg) được thực hiện bằng đường bộ và chặng thứ hai bằng đường biển. Vì vậy, người giao nhận đã thu xếp chuyên chở với người vận chuyển, sau đó, nhận hàng từ nhà máy để vận chuyển đến cảng bốc hàng (loading port) là Corinto.

Trong quá trình vận chuyển bằng đường bộ, hàng hóa đã bị mất trộm. Người nhận hàng khởi kiện trước Tòa án Genoa yêu cầu người vận chuyển bồi thường tổn thất. Người vận chuyển bác bỏ yêu cầu bồi thường bằng cách dựa vào điều khoản về quyền tài phán duy nhất (exclusive jurisdiction clause) nêu tại mặt sau của vận đơn ghi rõ là thuộc về Tòa án Anh và cho rằng Tòa án Ý không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, thẩm quyền duy nhất thuộc về tòa án ở Luân Đôn (London).

Nguyên đơn phản đối, cho rằng điều khoản này không thể được áp dụng với lập luận: hoàn toàn khác với phạm vi (ambit) của vận chuyển đường biển, trong vận tải đa phương thức không có tập quán thương mại là đưa điều khoản quyền tài phán vào vận đơn trong khi tài liệu này (vận đơn) không được ký bởi người giao hàng (shipper) hoặc người nhận hàng, ngoài chữ ký của người vận chuyển.

Vì vậy, trong khi thủ tục tố tụng chưa được tiến hành trước Tòa án Sơ thẩm Genoa, người vận chuyển đã yêu cầu Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết sơ bộ về vấn đề thẩm quyền theo Điều 41 của Bộ luật Tố tụng Dân sự bằng cách đề nghị Bộ phận Tổng hợp (United Sections) của Tòa án Tối cao đưa ra quyết định không thể hủy ngang về vấn đề thẩm quyền.

Phán quyết của tòa án tối cao

Tòa án Tối cao đã chấp nhận giá trị pháp lý và giá trị thi hành của điều khoản về thẩm quyền ghi trong vận đơn vận tải đa phương thức và cho rằng Tòa án Ý không có thẩm quyền giải quyết vụ án. Phán quyết này đã chấm dứt thủ tục tố tụng đang chờ được chấp nhận trước Tòa án Genoa.

Cơ sở của phán quyết được dựa trên những lý do sau

Tòa cho rằng điều khoản về quyền tài phán được viện dẫn (incorporated) trong vận đơn vận tải đa phương thức có giá trị pháp lý theo Điều 17 (C) của Công ước Brussels 1968 và Điều 23 của Quy tắc châu Âu Brussels I (44/2001) – EU Brussels I Regulation (44/2001). Tòa giải thích: theo các quy định và quy tắc nêu trên, có thể cho rằng sự chấp nhận của các bên đối với giá trị pháp lý của điều khoản về thẩm quyền theo thông lệ thương mại mà người vận chuyển và người nhận hàng biết hoặc phải biết đã tồn tại trong buôn bán và thương mại quốc tế. Về vấn đề này, tòa án cho rằng thực tiễn phổ biến trong kinh doanh vận chuyển quốc tế (bao gồm cả vận tải đa phương thức) là vận đơn chỉ được ký bởi người vận chuyển. Thực tiễn này được coi là thông lệ thương mại (commercial usage) mà những người có liên quan trong thương mại quốc tế phải biết.

Hơn nữa, Tòa án tối cao lập luận rằng, bằng việc bắt đầu tiến trình tố tụng trước Tòa án Genoa, nguyên đơn trong vụ việc này đã nộp vận đơn cho Tòa mà không có ý kiến bảo lưu hay phản đối. Như vậy, họ bị ràng buộc bởi điều khoản về thẩm quyền vì việc nộp vận đơn chứng tỏ nguyên đơn đã khởi kiện theo các điều khoản và điều kiện của vận đơn, bao gồm cả điều khoản về thẩm quyền nêu trong tài liệu đó (vận đơn).

Bình luận

Phán quyết của Tòa án Tối cao là rất đáng chú ý vì nó lật ngược xu hướng chính trong luật án lệ (case law) của Ý về vấn đề này. Trước khi có phán quyết như vậy của Tòa án Tối cao, nhiều tòa án cấp dưới đã bác bỏ hiệu lực thi hành của điều khoản về thẩm quyền trong vận đơn vận tải đa phương thức.

Mặc dù, các tiền lệ không có tính ràng buộc ở Ý, nhưng các nguyên tắc được thể hiện trong phán quyết của Tòa án Tối cao chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong thực tiễn xét xử, bởi vì các tòa án cấp dưới sẽ có cơ sở để xem xét vụ án theo tiền lệ mà Tòa án Tối cao đã phán quyết.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Vận tải hàng hóa xuyên biên giới & những rào cản

Vận tải đường bộ góp phần quan trọng trong việc làm tăng giá trị hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, hiện nay các DN cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ đang gặp không ít khó khăn do chính sách giữa các nước chưa đồng nhất và tình trạng mất cân đối hàng hóa hai chiều dẫn đến gia tăng giá thành vận tải.

  Tình trạng mất cân đối hàng hóa hai chiều đã dẫn đến giá thành vận tải tăng cao.

Tiềm năng của thị trường vận tải hàng hóa xuyên biên giới

Vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc quá cảnh hàng hóa đã tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo thống kê, hiện nay nước ta có 56 cửa khẩu biên giới trên đất liền. Trong đó có 25 cửa khẩu quốc tế và 31 cửa khẩu chính. Ngoài ra còn có 71 cửa khẩu phụ, 39 lối mở và điểm thông quan khác. Các cửa khẩu quốc tế tập trung vào biên giới Việt Nam (VN) – Trung Quốc (7 cửa khẩu), VN – Lào (8 cửa khẩu), VN – Campuchia (10 cửa khẩu).

Thông qua các cửa khẩu biên giới, các nước trong khu vực đã hình thành những tuyến vận tải quá cảnh gồm tuyến VN – Lào – Thái Lan , tuyến Shenzen (Trung Quốc) – VN – Lào – Thái Lan, tuyến VN – Campuchia. Theo ông Nguyễn Nhất Kha, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng Cục Hải quan VN thì hàng hóa của nước ta, dù nhập khẩu (NK) để tiêu thụ trong nước hay để xuất khẩu (XK)  ra các nước trong khu vực đều không phải quá cảnh qua các nước láng giềng. Ngược lại, hàng hóa của vùng đông bắc Thái Lan, Campuchia và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) XK sang nước khác đều có tiềm năng quá cảnh, lưu kho, lưu bãi trên lãnh thổ VN.

Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thì VN cũng đã có một khung pháp lý tương đối ổn định. Đặc biệt là Hiệp định khung đã được ký kết giữa các nước Đông Nam Á về việc tạo thuận lợi thương mại, trong đó có Nghị định thư số 07 về hệ thống quá cảnh hải quan. Theo đó, hàng hóa quá cảnh của VN và các nước Đông Nam Á sẽ thực hiện theo hệ thống quá cảnh ASEAN (ACTS) bằng công nghệ quản lý tiên tiến, kết nối giữa các nước một cách nhất quán, đơn giản, hài hòa. Theo ông Kha, việc này đã tạo thuận lợi cho DN trong việc khai báo, thanh khoản lượng hàng hóa NK đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý và thống kê của cơ quan hải quan.

Hệ thống hải quan điện tử chưa nhất quán

Theo Tổng Cục Hải quan VN, hiện tại khi tham gia hệ thống ACTS VN tồn tại hai hệ thống hải quan điện tử. Hàng hóa từ các nước ASEAN quá cảnh qua VN, hoặc NK  từ ASEAN vào VN, hoặc hàng hóa từ VN XK sang các nước ASEAN đều có 2 lựa chọn thủ tục. Một là, có thể khai theo thủ tục XK hoặc NK hoặc quá cảnh hiện tại của VN (VNACCS); hai là, người khai có thể lựa chọn sử dụng hệ thống ACTS. Tuy nhiên, ngay cả khi các hàng hóa của ASEAN buộc phải sử dụng hệ thống ACTS thì chúng ta vẫn phải sử dụng VNACCS cho hàng quá cảnh theo thỏa thuận song phương và của các nước không phải ASEAN. “Điều này khiến chi phí quản lý tăng do thủ tục phức tạp, phần nào hạn chế thuận lợi thương mại và thiếu nhất quán trong quản lý, giảm hấp dẫn của môi trường đầu tư, kém hấp dẫn DN”, ông Nguyễn Nhất Kha khẳng định.

Ngoài ra, để tham gia ACTS, VN cần phải đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin một cách hoàn chỉnh. Hệ thống ACTS được xem là hoạt động khá độc lập với hệ thống VNACCS. Ngay từ cuối giai đoạn thí điểm đối với 3 nước thành viên là Malaysia, Thái Lan, Singapore thì dự kiến hệ thống này cũng sẽ được hoạt động  độc lập với các hệ thống quá cảnh cũ của 3 nước đó. Như vậy, VN phải tiến hành đầu tư phần mềm, phần cứng vào bảo trì hạ tầng công nghệ thông tin cho các cửa khẩu quốc tế, các điểm thông quan nội địa trên tất cả các tuyến đường quá cảnh được chấp nhận sử dụng hệ thống này.

Cần tháo gỡ những rào cản trong vận tải hàng xuyên biên giới

Theo ý kiến của các nhà chuyên môn thì hiện nay, dù đã ký các hiệp định khung giữa các nước Đông Nam Á, nhưng nhiều quy định của các nước không thống nhất đã gây khó khăn cho hoạt động vận tải đa biên, ví dụ như vấn đề xe tay lái nghịch, bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới…  Bên cạnh đó, các cửa khẩu chính giữa VN – Lào, VN – Campuchia hiện trạng hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ cũng làm giảm hiệu quả của vận tải qua biên giới. Tại cửa khẩu Mộc Bài – Bà Vẹt, vào giờ cao điểm có tới khoảng 400 – 500 lượt xe đi qua, nhưng đường sá không đáp ứng được. Đó là chưa nói đến thủ tục thông quan giữa VN – Campuchia còn rườm rà làm mất nhiều thời gian, thường gây ùn ứ phương tiện.

Riêng vận tải hàng hóa giữa VN và Trung Quốc cũng còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Nhất Kha cho biết, về mặt pháp lý, VN đã “cởi trói” rất nhiều cho vận tải đường bộ. Đặc biệt từ khi triển khai Hiệp định vận tải với Trung Quốc, xe hàng từ Trung Quốc vào VN rất thuận lợi, trong lúc xe hàng của VN sang Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn hải quan, dẫn đến chi phí cửa khẩu rất cao. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ VN cũng cho biết, một đầu container chở 1 chuyến qua cửa khẩu từ VN sang Trung Quốc phải mất từ 350 –  450 USD, còn hàng chuyển tải thì lên đến 600 USD/container.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics VN, trong vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ, khó khăn lớn nhất đối với DN cung cấp dịch vụ logistics vẫn là hàng hóa, bởi tình trạng mất cân đối hàng hóa hai chiều đã dẫn đến giá thành vận tải tăng cao. Ngoài ra, trong ký kết các hiệp định đa biên, các nước vì quyền lợi của mình nên khâu triển khai không được thực hiện như tinh thần đặt ra ban đầu. Để khắc phục những bất cập trên, theo ông Nguyễn Tương thì chúng ta cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và chính sách phát triển vận tải qua biên giới, nhất là cho các hành lang vận tải, bởi đây là một lợi thế của VN so với đường biển và hàng không. “Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên phát triển vận tải qua biên giới về hàng quá cảnh, nhằm thu hút nguồn hàng từ các nước trong khu vực, nhất là hàng container. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN”, ông Nguyễn Tương nói.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Cận cảnh tàu buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn hoạt động sáng nay

Sáng nay 21.8 tàu buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM  sẽ chính thức đưa vào hoạt động ở bến Bạch Đằng, Q.1. 

Tàu buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM được thiết kế tông màu vàng nổi bật dài 18 mét, bên trong tàu buýt gồm 6 dãy ghế chất liệu nhựa với 80 chỗ ngồi.

Hành khách đi tuyến buýt đường sông này không cần phải mặc áo phao vì tàu đã được thiết kế bảo đảm độ an toàn cho hành khách. Tuy nhiên áo phao vẫn được trang bị dưới các ghế để phòng trường hợp xảy ra sự cố. Ngoài ra, tàu buýt còn trang bị 4 máy lạnh được gắn ở 4 góc cùng loa phát, tivi, hệ thống chữa cháy tự động,…

Tàu buýt đường sông tuyến số 1 có lộ trình dài gần 11km sẽ khởi hành từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến điểm cuối là bến Linh Đông (Quận Thủ Đức). Tuyến tàu buýt đường sông này chỉ mất 30 phút hoàn thành lộ trình (bằng 2/3 thời gian so với xe buýt đường bộ trên cùng một tuyến). Hai bên tàu gắn tên 12 bến dừng gồm 9 bến chính thức và 3 bến bổ sung: Bạch Đằng – Thủ Thiêm – SG Pearl – Bình An – Tân Cảng – Thảo Điền – Tầm Vu – Thanh Đa – Bình Triệu –  Hiệp Bình Chánh – Linh Đông – Trường Thọ.

Khi tới bến, đèn tín hiệu sẽ nhấp nháy để báo hiệu cho hành khách. Bên cạnh đó, các cửa kính được thiết kế rộng, hành khách vừa ngồi vừa có thể ngắm cảnh sông Sài Gòn. Giá vé áp dụng hiện tại là 15k/người/lượt nha các bạn!

Theo: Zing.vn

Tư duy logistics và tư duy “cấm chợ ngăn sông”

Gần đây, trong một văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ vẫn nhất quán điều hành kinh tế theo nguyên tắc thị trường. Điều đó hoàn toàn đúng trong “thời đại logistics”.

“Bánh xe lịch sử” không thể đảo ngược

Phải nói rằng, sự xuất hiện của Uber, Grab như cơn “địa chấn” đối với dịch vụ vận tải taxi. Người tiêu dùng dịch vụ này của Việt Nam, bỗng một ngày được “sáng mắt” ra rằng lâu nay các “đại gia”, ông chủ taxi truyền thống đã “bắt tay” nhau “móc túi” mình mà không hề hay biết. Uber, Grab ra đời mang đến sự “hứng khởi” mới về cạnh tranh.

ĐBQH Dương Trung Quốc lý giải, việc cho phép Grab và Uber thử nghiệm đưa ra vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở Việt Nam đã tới ngưỡng phải giới hạn về số lượng so với nhu cầu và hạ tầng giao thông. Do vậy mà ông gửi thư tới Thủ tướng, khiến cho những cử tri mà ông đại diện ngạc nhiên về quan điểm của ông. Văn bản chất vấn của vị ĐBQH này nêu: “Chính phủ sẽ cho thí điểm Uber, Grab đến bao giờ?”, “những hệ lụy ai cũng có thể nhìn thấy sẽ do ai chịu trách nhiệm?”. “Taxi bùng nổ làm tăng phương tiện lên gấp bội, nảy sinh xung đột lợi ích, nhất là xung đột với mục tiêu quản lý nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông”, ông nêu.

Vị ĐBQH này lo rằng, thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: Chấp nhận hay không chấp nhận cho đối tượng hoạt động chính thức và cả 2 phương án này “đều đi đến hệ lụy tiêu cực”. Quan điểm của ông đã vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối, nhất là với người tiêu dùng bình dân, vốn đang chiếm số đông ở các đô thị Việt Nam.

Dù ai đó bị các hãng taxi truyền thống “mồi” thì cũng phải công nhận những ưu điểm của dịch vụ kết nối phương tiện vận tải với hành khách bằng công nghệ mà hiện nay 2 hãng Uber và Grab đang đi đầu thực hiện là cần phải khuyến khích. Không thể nào chấp nhận các hãng cung cấp dịch vụ taxi truyền thống “bắt tay” thản nhiên “móc túi hợp pháp” vì giá quá đắt so với giá cước của các hãng Uber, Grab mà người dân đang được hưởng lợi.

Thật may mắn, quan điểm của ông ĐBQH Dương Trung Quốc đã không được người đứng đầu Chính phủ đồng tình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn cho rằng, việc thí điểm trên nằm trong xu thế tất yếu của việc ứng dụng công nghệ, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và đúng luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ không chỉ Uber, Grab mà cũng đã có 7 doanh nghiệp vận tải của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ này và theo ông đó là “sự thay đổi tích cực” để đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp nhận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài. “Đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực theo hướng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong lĩnh vực vận tải, thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn…”, Thủ tướng khẳng định.

Như vậy quy luật giá dịch vụ phải giảm, chất lượng phải nâng là tất yếu.

Hoàn thiện thể chế thị trường

Ngày 3.6.2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa sau hơn 30 năm đổi mới.

Trung ương nhận định: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thực hiện còn chậm. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa được xác lập thật sự theo cơ chế thị trường. Trên thực tế, không chỉ có “lợi ích cục bộ” mà nhìn thấy rõ “nhóm lợi ích” đã “can thiệp” được vào chính sách.

Chính vì thế một trong các nhiệm vụ được xác định trong nghị quyết là: “Hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước. Xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp của Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần  kinh tế”.

Không thể dùng “mệnh lệnh hành chính” để cấm cản Uber, Grab. Bởi về mọi mặt: Về thuế, Bộ Tài chính đã khẳng định Uber và Grab chấp hành quy định về nộp thuế cũng tương đương, không kém hơn các hãng taxi truyền thống; về chăm sóc khách hàng: Uber, Grab có giá rẻ hơn nhiều, chất lượng dịch vụ còn cao hơn, an toàn hơn (do khách hàng biết rõ người lái xe, tuyến đường họ đi). Nếu ai đó lo lắng “số lượng phương tiện tăng” gây áp lực lên cơ sở hạ tầng đô thị thì thực tế, Uber, Grab còn có thể làm giảm mật độ tham gia giao thông của phương tiện với các dịch vụ đi chung, ghép đôi… mà đáng tiếc và cũng rất đáng trách, Bộ Giao thông vận tải lại vừa từ chối cách thức này.

Câu chuyện Uber, Grab cho thấy sự nhất quán về điều hành kinh tế của Chính phủ là đúng theo nguyên tắc thị trường. Nếu doanh nghiệp nào không chịu cạnh tranh về công nghệ, chất lượng dịch vụ, giá cả mà chỉ vận động, ủng hộ cho những biện pháp can thiệp hành chính, thì họ sẽ bị người tiêu dùng quay lưng, bị đào thải ra khỏi thị trường.

Thời hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế quốc tế không thể duy trì mãi “tư duy và tầm nhìn vỉa hè”, ngắn hạn. “Kỷ nguyên logistics” cho thấy, “thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường” chứ không phải mệnh lệnh được ban ra từ các căn phòng  máy lạnh.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Hoàn thành mở rộng cảng Chu Lai – nâng cao năng lực chuỗi dịch vụ logistics

Sau gần một năm thi công, đến nay, dự án mở rộng cảng Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam) do Thaco đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác.

Dự án này bao gồm các hạng mục chính như mở rộng 171m cầu cảng về phía thượng lưu, mở rộng và nâng cấp hệ thống kho bãi, hoàn thiện kết cấu hạ tầng… Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là 120 tỷ đồng, nâng mức đầu tư xây dựng cảng Chu Lai của Thaco từ năm 2010 đến nay lên đến gần 800 tỷ đồng trên tổng chiều dài cầu cảng gần 500 mét.

Được biết, Cảng Chu Lai được đưa vào hoạt động từ tháng 5.2012, là cảng biển có ưu điểm kín gió có độ sâu trước bến là -9,5m. Cảng được xây dựng theo mô hình cảng hiện đại với kết cấu bến liền bờ, bằng công nghệ cừ larsen tiên tiến rất phổ biến tại các quốc gia trên thế giới. Công suất khai thác của cảng đạt 1,5 triệu tấn hàng tổng hợp và 150.000 TEU container mỗi năm. Cảng kết nối với Quốc lộ 1A và đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thuận tiện cho tàu hàng ra vào cập bến.

Tàu hàng cập cảng Chu Lai

Theo ông Trần Hữu Hoàng, Giám đốc Thaco Logistics, kiêm Giám đốc cảng Chu Lai, sau khi hoàn thành dự án mở rộng cẩu cảng và các hạng mục khác, cảng Chu Lai có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có tải trọng 20.000 tấn, bao gồm các loại tàu hàng tổng hợp và tàu hàng lỏng (trước đây tối đa là 2 tàu trọng tải 20.000 tấn). Hệ thống kho bãi, nhà xưởng cũng được mở rộng từ 71.040m2 (năm 2016) lên 91.200m2. Trong đó, kho ngoại quan 57.600m2, kho hàng 13.440m2, xưởng tháo kiện kiểm hàng 20.160m2. Riêng xưởng tháo kiện kiểm hàng là hạng mục hoàn toàn mới, được đưa vào khai thác từ đầu năm 2017. “Để nâng cao năng lực của cảng, thực hiện mục tiêu xây dựng cảng Chu Lai thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong giai đoạn 2018 – 2020, cảng Chu Lai đang đề xuất tỉnh Quảng Nam hỗ trợ nạo vét tuyến luồng đến độ sâu -10,7m để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 tấn vào năm 2019, và tiếp tục nạo vét đến độ sâu -12m để đón tàu có trọng tải 40.000 tấn sau năm 2020, nhằm nâng cao năng lực chuỗi dịch vụ logistics của Thaco tại miền Trung”,ông Hoàng nói.

Theo: Vietnam Logistics Review.