Công nghệ mô phỏng và chuỗi cung ứng

Nhờ sự phát triển của các công cụ mô phỏng ngày nay, người ta có thể tự động tạo nên những chuỗi cung ứng ảo và từ đó xác định đâu là lựa chọn tốt nhất. 

Những công cụ “ảo diệu”ấy cung cấp mục tiêu, những hướng dẫn dựa trên các sự kiện để đi đến quyết định hiệu quả và cuối cùng nó cũng chứng minh luôn, giải pháp sẽ được “trình diễn” như thế nào.

Ích lợi của việc mô phỏng

Những công cụ “ảo diệu”ấy cung cấp mục tiêu, những hướng dẫn dựa trên các sự kiện để đi đến quyết định hiệu quả và cuối cùng nó cũng chứng minh luôn, giải pháp sẽ được “trình diễn” như thế nào.

3 lợi ích thường thấy nhất của công nghệ mô phỏng:

Hiểu được sự vận hành và ảnh hưởng đa dạng của chuỗi cung ứng, từ đơn giản đến phức tạp

Khả năng trình diễn theo thời gian. Ví dụ, một xu hướng phát triển từ ban đầu cho đến mức “nâng tầm” thành phát minh.

Khả năng đưa ra phân tích đa chiều và thấy được những ảnh hưởng khác biệt đến chuỗi cung ứng.

Quy trình thực hiện

Với một công cụ mô phỏng, người ta xây dựng một chuỗi cung ứng ảo. Một loạt nguyên tắc được tạo ra để miêu tả nó hoạt động như thế nào. Lợi ích cốt lõi của việc này là mức độ, quy mô có thể được điều chỉnh linh hoạt để sát với thực tế nhất.

Số lao động, mức độ đặt hàng được thay đổi dần và nhà phân tích, doanh nghiệp logistics “test”, quan sát những biến động của hệ thống từng giây, từng phút. Điều quan trọng của nhà phân tích làm tìm ra “điểm nghẽn” hoặc lỗi trong quá trình vận hành. Kết quả, họ hiểu rõ hệ thống hơn, biết được ưu-nhược và những tác động khi hệ thống vận hành.

Một phương thức mô phỏng chuỗi cung ứng. Nguồn : Youtube

Vì nhà quản lý logistics trong nhiều trường hợp không hoạt động trực tiếp trên hiện trường do đó việc mô phỏng là cần thiết:

–         Nó cho phép nắm bắt chi tiết hơn với mức độ thay đổi của từng chủng loại hàng hóa, sản phẩm, khách hàng

–         Hiểu rõ về giá trị và thời gian có sự khác biệt như thế nào trong quá trình vận chuyển hàng hóa

–         Cải thiện cách vận hành dựa trên dữ liệu đầu vào

–         Mô phỏng những tác động của thay đổi, từ đó đưa ra chính sách hợp lý trước khi áp dụng thực tế.

–         Cho phép những nhà chiến lược một công cụ thời gian thực để hiểu được luồng đi của hàng hóa để tối ưu hóa quy trình.

Ngày nay, công nghệ mô phỏng trở nên cực kỳ ấn tượng khi kế thừa từ công nghệ trò chơi điện tử đã phát triển bao năm nay. Một mẫu mô phỏng có thể dễ dàng phát triển từ phần mềm AutoCad và nó trở nên phù hợp với hầu hết công ty.

Một ích lợi khác của công nghệ mô phỏng là dữ liệu được đưa vào từ nhiều nguồn đa dạng. Nếu tốt đẹp, nó cho phép đẩy nhanh các dữ liệu này vào quá trình sản xuất, cung ứng, cải thiện chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Như vậy, công cụ mô phỏng cho phép các công ty kiểm tra mọi thứ trong môi trường ảo và hiểu chính xác những tác động lên hệ thống sản xuất, phân phối. Tương lai, mô phỏng hệ thống logistics và hệ thống phân phối có thể trở thành một dạng công cụ kinh doanh “chạy nền” cùng hệ thống kinh doanh thực. Nó sẽ tự động cảnh báo những vấn đề tiềm ẩn của hệ thống và gợi ý cách sữa chữa chúng.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Cạnh tranh với những gã “khổng lồ” FedEx hay UPS như thế nào

           Lone Star Overnight (LSO) là một công ty giao nhận có trên 20 năm hoạt động tại Mỹ. Vào những năm 2008-2010, thị trường dịch vụ vận chuyển gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Sứ mệnh dẫn dắt công ty vượt qua giai đoạn khó khăn và tìm hướng phát triển lâu dài được đặt lên vai Rick Jones, Tổng giám đốc mới của Công ty, người có nhiều năm đảm nhiệm vai trò quản lý tại UPS. 

Tìm thấy “kẽ hở” của Goliath

Bài toán đầu tiên mà ông Rick Jones phải giải là “Mong muốn nào của khách hàng mà các công ty hàng đầu thị trường như UPS, FedEx chưa cung cấp?”. Có thể thấy rõ, cạnh tranh về giá là điều LSO không bao giờ thắng được những gã khổng lồ nói trên.

Quan sát, lắng nghe và phân tích nhu cầu khách hàng, Rick Jones nhận ra một điểm quan trọng: khách hàng là công ty vừa, nhỏ của LSO rất thích cách đáp ứng dịch vụ của LSO: nhanh chóng, sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh.

Khách hàng cũng thích sự linh hoạt của đội ngũ tài xế của LSO, những người sẵn sàng chờ nhận hàng hay đi lấy mẫu cho các phòng thí nghiệm từ 3 giờ sáng. Khách hàng thích sự thân thiện, nhiệt tình của nhân viên LSO.

Ảnh minh họa kho chua hang

Nhận ra những đặc điểm này, Rick Jones xác định được hướng cạnh tranh cho LSO: tập trung vào những phân khúc khách hàng cần sự linh hoạt, tin cậy và thân thiện. Cách phục vụ sẽ là “chất keo” gắn bó với khách hàng mà khó có đối thủ nào chen ngang được.

Vấn đề tiếp theo của Jones là làm sao chuẩn hóa được hành vi của đội ngũ tài xế – nhân viên của LSO trên phạm vi toàn công ty. Lúc này, Jones nhận ra văn hóa hiện tại của công ty là một trở ngại cho việc thay đổi.

Đánh đổ thâm niên

LSO đã duy trì văn hóa coi trọng thâm niên hơn là nỗ lực đóng góp và do vậy, nhân viên quan tâm chuyện làm việc để giữ vị trí hơn là nỗ lực trên mức bình thường. Kết quả phỏng vấn khách hàng cho thấy, những nhân viên trẻ, gia nhập sau lại được khách hàng hài lòng và khen ngợi. Vậy, làm sao để thay đổi được văn hóa công ty từ việc coi trọng thâm niên sang đánh giá dựa trên thành tích trong một ngành tương đối “khô khan”?

Thay đổi văn hóa công ty là cả một nghệ thuật. Rick Jones đã có cách tiếp cận thông minh: ông viết ra một bản cam kết để nhấn mạnh những hành vi ông muốn cho bản thân và cho đồng nghiệp cùng thực hiện.

giao dien SLO

Giao diện của công ty LSO

Chẳng hạn, bản cam kết nhấn mạnh, những người gặp thất bại nhưng đã nỗ lực sẽ được ghi nhận sự cố gắng chứ không phải ghi nhận sự yếu kém và nhân viên được khuyến khích chấp nhận mạo hiểm để nắm lấy cơ hội. Jones cũng cam kết thưởng những người dám làm những điều khách hàng muốn và cần, chứ không phải những người có thâm niên.

Công ty bắt đầu triển khai một chương trình “đại sứ LSO” mà mỗi nhân viên là một chiến sỹ bán hàng. Ai giúp đem lại hợp đồng cho công ty sẽ được chia lại một phần lợi nhuận của hợp đồng đó. Như vậy, một tài xế, vốn làm công việc hậu cần, vẫn có cơ hội nhân đôi, nhân ba thu nhập của mình nếu nỗ lực và góp phần tạo ra doanh số cho công ty. Chương trình này đã tạo ra sự tăng trưởng đáng kể, ở mức hai con số kể từ khi triển khai.

Cơ hội cho những “David”

Câu chuyện của LSO, tuy ở mức đơn giản nhưng cũng gợi ra nhiều suy nghĩ cho các doanh nghiệp logistics, đặc biệt trong bối cảnh áp lực cạnh tranh. Đó là:

Sự hiểu biết sâu sắc khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra được những “ngách” thị trường mà dù những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cũng không chen chân vào được.

Mỗi công ty đều có một sức mạnh nội tại nhưng thường chưa được “khai phóng” hết mức. Sự thay đổi văn hóa để phù hợp với chiến lược sẽ giải phóng được những nguồn tài nguyên nội tại đó phục vụ cho sự phát triển lâu bền của công ty.

Những nhân sự lâu năm, tuy tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhưng thường có khuynh hướng “ngủ quên trong chiến thắng”, do vậy, sự bổ sung nguồn lực từ những bạn trẻ, nhiệt tình, xông xáo sẽ đem lại luồng sinh khí mới và thường là những người tiên phong trong các chiến lược của công ty.

Sự thay đổi bao giờ cũng gặp trở ngại, phản đối. Nghệ thuật của thay đổi là làm cho sự thay đổi diễn ra mà người bị thay đổi không hề biết. Hành động thật đơn giản, thông điệp thay đổi nhất quán, lãnh đạo kiên trì và quyết tâm giữ vững định hướng, sự thay đổi tất yếu diễn ra mà ít chịu sự phản đối đột ngột, kịch liệt.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Công nghệ dẫn đầu ngành logistics tự động

              Robot tự động trong ngành logistics không hề mới, ý tưởng này đã xuất hiện gần 30 năm trước. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian đó các công ty vẫn chưa có đủ tài lực lẫn công nghệ cần thiết, đặc biệt ở khoản vốn cực lớn cho việc nghiên cứu và áp dụng. Ngày nay, công nghệ robot và tự động được áp dụng nhiều trong hoạt động logistics.

Ước tính theo năng suất và độ “thông minh” tiềm năng của các kho bãi, các chuyên gia đều đồng ý rằng, các công ty sẽ có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian đáng kể khi áp dụng robot cùng hệ thống tự động.

Locus robotics và dự án 8 triệu USD

Theo Locus Robotics, robot và tự động hóa các hoạt động có thể cải thiện năng suất khoảng từ 5-8 lần so với phương pháp “giỏ hàng” truyền thống. Công ty được hình thành từ một ý tưởng lớn về tính khả dụng và năng suất bất ngờ của các robot. Bên cạnh đó, Locus Robotics cũng muốn thay thế vị trí của Kiva trên thị trường logistics sau khi công ty này được mua bởi Amazon.

“Nếu bạn dành phần lớn thời gian của mình trong các nhà kho, bạn sẽ biết khá nhiều câu chuyện thú vị đấy”, công ty Locus chia sẻ trên website của mình. “Kiva đã xây dựng nên một hệ thống tuyệt với. Tất cả chúng tôi rất yêu thích và sử dụng nó. Sau đó, đến cả Amazon cũng mua lại nó”.

Locus cũng cho biết họ đã dành ra hơn 8 triệu USD dành cho quỹ Series A mới. Kế hoạch này được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng của dự án này. Nguồn vốn khá lớn này sẽ được sử dụng nhằm mở rộng và phát triển các sản phẩm robot, thiết bị tự động và đưa ra thị trường logistics trong tương lai.

DHL sớm bước vào cuộc chơi công nghệ tự động

Chuỗi cung ứng của DHL đang bắt đầu chạy thử một chương trình robot của Pháp mang tên “EffiBOT” giúp tự động hỗ trợ các hoạt động cần thiết tại Unna, Đức. Những chú robot là một xe đẩy tự động đi theo nhân viên trong nhà kho và thực hiện tất cả các hoạt động tay chân như khiêng vác, vận chuyển hàng hóa.

DHL từ lâu đã bắt đầu thử nghiệm các robot trong những kho thí điểm của mình. Trong các bài kiểm tra, 2 robot đã đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ các nhân viên trong kho qua việc lấy hàng, chuyển hàng trọng lượng lớn và tự động dỡ hàng tại điểm đến được yêu cầu. Khối lượng hàng trong mỗi lần di chuyển chênh lệch rất lớn so với dùng sức con người.

Các robot hợp tác trong những dịch vụ khác như đóng gói, vận chuyển các vật phẩm nhỏ cũng đang được thử nghiệm và khá thành công. Tất cả được điều khiển tự động qua một mạng lưới kiểm tra các kệ hàng với khả năng đo lường khối lượng, độ lớn của vật phẩm nhằm sử dụng robot phù hợp nhất.

Michael Artinger, nhà quản lý website và chịu trách nhiệm cho đợt kiểm tra tại chuỗi cung ứng DHL cho biết: “Robot tự động đi theo nhân viên bằng một hệ thống giá đỡ hàng đặc biệt. Một khi đựng đầy hàng, chúng sẽ tự trở lại điểm dỡ hàng và một robot khác sẽ tiếp tục được điều đến vị trí của nhân viên để tiếp tục chuyến hành trình”.
“Giải pháp này giúp việc di chuyển lấy một món hoặc nhiều món hàng hóa trong kho trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều”.

Ông Markus Kückelhaus, Phó phòng đổi mới và nghiên cứu xu hướng, Giải pháp Khách hàng & Đổi mới của DHL chia sẻ thêm: “Trong thời gian tới, DHL sẽ tiếp tục thực hiện các thử nghiệm với nhiều loại robot khác nhau và hệ thống mới. Những kết quả đánh giá sau đó sẽ quyết định tương lai và chỗ đứng của công nghệ này trong DHL và có thể sẽ là công nghệ dẫn đầu trong ngành logistics tự động trong tương lai”.

Robot, phương tiện vận chuyển tự động kết hợp với các công nghệ hiện đại như Mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things), khả năng phân tích dữ liệu lớn và sản xuất phụ trợ, tất cả những yếu tố này sẽ chuyển đổi vĩnh viễn các hoạt động trong chuỗi cung ứng và ngành logistics, cả trong nhà lẫn ngoài trời. Các dịch vụ logistics toàn cầu và những nhà cung cấp công nghệ đang dần thích ứng với chiến lược mới cùng nhau, từ đó tạo ra các mối liên hệ hợp tác để cùng nhau tạo ra hướng phát triển mới trong tương lai.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Logistics phải được ưu tiên đi trước

Logistics VN có thời gian tương đối dài hình thành và phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2020, thời điểm VN xác định hoàn thành công nghiệp hóa – hiện đại hóa thì logistics cần nỗ lực vượt bậc. 

Có nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng ba trụ cột quan trọng nhất là nhu cầu, khả năng cung ứng và cơ sở hạ tầng logistics cần được phát triển và hoàn thiện.

Các xu hướng của logistics thế giới

Hình thành DN logistics chuyên môn hóa, tập đoàn chuyên kinh doanh dịch vụ logistics

Do nhu cầu lưu chuyển hàng hóa phục vụ người tiêu dùng ngày càng lớn nên nhu cầu về dịch vụ logistics rất lớn. Nhiều công ty, tập đoàn quy mô lớn và đa quốc gia đã xuất hiện, phát triển nhanh chóng.

Đa dạng hóa trong cung ứng dịch vụ logistics cho khách hàng

Nhà cung cấp dịch vụ logistics hiện không đơn thuần cung cấp dịch vụ giao nhận, vận tải mà còn tổ chức và thực hiện các dịch vụ khác: quản lý kho, bảo quản hàng, tạo thêm giá trị gia tăng cho hàng hóa bằng cách lắp ráp, kiểm tra chất lượng trước khi gửi hàng, đóng gói bao bì, dán nhãn, làm thủ tục xuất nhập khẩu…

Các công ty dịch vụ logistics còn có thể tư vấn một số vấn đề như hợp lý hóa dây chuyền vận tải, loại bỏ các khâu và công đoạn không hiệu quả, thiết kế hệ thống phân phối…

CNTT logistics

Ứng dụng CNTT và thương mại điện tử trong quá trình cung cấp dịch vụ logistics

Nhiều nội dung của dịch vụ logistics như xử lí đơn hàng, thực hiện đơn hàng, giao hàng, thanh toán, thu hồi hàng hóa… được thực hiện trong môi trường thương mại điện tử. Các nội dung khác của dịch vụ logistics như hệ thống quản trị dây chuyền cung ứng toàn cầu hay công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến điện… cũng được hỗ trợ rất thiết thực bởi công nghệ thông tin.

“Kéo” thay “đẩy”.

Quản lí logistics đẩy là cơ chế được điều khiển bởi cung và theo kế hoạch. Trong hệ thống này, các thiết bị và sản phẩm được đẩy vào quá trình sản xuất, phân phối và nhà kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đây là cơ chế không phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến việc có thể thừa hoặc thiếu hàng hóa.

logistics keo

Thay vào đó, cơ chế logistics kéo khiến cho quá trình sản xuất được điều khiển và tác động bởi hoạt động mua bán và trao đổi thực tế. Cơ chế này liên kết các quá trình, các khâu của hoạt động sản xuất kinh doanh thành một chuỗi thống nhất hướng đến việc thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Quan điểm và mục tiêu phát triển logistics Việt Nam

Quan điểm

Phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều lợi thế cạnh tranh với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Coi logistics là động lực, cơ sở hạ tầng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trong việc nâng cao sản xuất hàng hóa, nâng cao mức hưởng thụ hàng hóa của người tiêu dùng.

Logistics cần được ưu tiên đầu tư phát triển đi trước với tốc độ nhanh và bền vững, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Phát triển bền vững và hiệu quả các loại hình dịch vụ logistics trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.  Phát huy tối đa lợi thế về điều kiện địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, phát triển các hệ thống GTVT hợp lí, tiết kiệm chi phí xã hội và nâng cao sức cạnh tranh. Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia một cách đồng bộ, hợp lý. Vừa có những bước đi vững chắc, vừa có những bước đi đột phá để nhanh chóng tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, kết nối các phương thức giao GTVT. “Xã hội hóa” đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước, phát triển kết cấu hạ tầng logistics dựa trên sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm mục tiêu phát triển logistics bền vững.

logistics 3PL

Mục tiêu

Hình thành dịch vụ trọn gói 3PL; Phát triển logistics điện tử (e-logistics) cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả thân thiện; Cơ cấu lại các DN dịch vụ logistics: giảm số lượng, tăng chất lượng đến năm 2020 tương đương các nước trong khu vực hiện nay (Thái Lan, Singapore).

Đến năm 2015 chỉ số LPI của VN do WB báo cáo nằm trong top 35 hoặc 40 các nền kinh tế trên thế giới; Phấn đấu giảm chi phí logistics ở mức 20% GDP; Giữ vững tốc độ tăng trưởng trung bình thị trường dịch vụ logistics là 20-25%/năm, tổng giá trị thị trường dự đoán chiếm 10% GDP vào năm 2020; Tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đến năm 2020 là 40%.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Ngành da giày hướng tới xác lập chuỗi liên kết nội địa

Thị trường nội địa – tiềm năng còn bỏ ngỏ

Bà Trương Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp da giày và túi xách của Việt Nam với khoảng 800 công ty sản xuất được phân bố chủ yếu tại khu vực phía nam. Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23%, đáp ứng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu, DN trong nước chiếm 77% nhưng chỉ đáp ứng 35% kim ngạch xuất khẩu.

Đối với thị trường nội địa, theo bà Hà, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Sản phẩm giày dép “Made in Vietnam” tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp, phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 50-60% thị phần.

Trong khi đó, sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp vẫn có nhưng ít và hiện bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới. Mặt khác, sản phẩm của các DN ngay khi rời xưởng ra thị trường nội đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, những DN có quy mô lớn thường chọn giải pháp an toàn tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, còn sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho DN nhỏ và vừa.

Ảnh minh họa

Xuất khẩu gặp khó

Theo Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italy. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, trong khi sản phẩm túi xách hiện đã có mặt tại trên 40 nước.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, do dành tới 90% sản phẩm cho xuất khẩu nên việc suy thoái của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến ngành da giày và túi xách Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của ngành da giày năm 2015 tăng khoảng 16% so với năm 2014, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ đạt tốc độ trên 7%, riêng túi xách thì tốc độ vẫn đạt được gần 14%.

Theo đánh giá từ Lefaso, vừa qua, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có khả năng gây thiệt hại tới kinh tế khu vực EU và nền kinh tế toàn cầu, do đó cũng sẽ gây tác động không nhỏ tới việc xuất khẩu da giày và túi xách trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng, trong bối cảnh gặp khó khăn như hiện nay, để ngành da giày và túi xách Việt Nam có thể tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, các DN cần có sự chuẩn bị tốt để tận dụng được tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết và được dự báo là sớm có hiệu lực trong một vài năm tới.

Hình thành chuỗi liên kết nội địa

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế từ các FTA, các DN ngành da giày và túi xách Việt Nam phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa; tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Điều này sẽ khiến cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường.

Để giải quyết những vướng mắc này, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN Việt Nam cần tham gia vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, theo ông Kiệt, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, gần như DN Việt Nam ở thế bị động, chúng ta được chỉ định chứ không có được sự chủ động mình muốn được nằm ở khâu nào trong chuỗi và hiện số DN Việt Nam được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng rất ít.

Tuy nhiên, các DN Việt Nam sẽ chủ động được nếu như cùng tham gia chuỗi liên kết nội địa. Trong chuỗi liên kết nội địa sẽ giúp DN đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường nội địa cũng như hướng tới xuất khẩu.

Ông Kiệt cho biết, ngày 15/7 tới đây, Lefaso sẽ cho ra mắt Trung tâm Lefaso Center. Vai trò của Trung tâm là cầu nối tạo nên sự liên kết giữa các DN trong ngành, trong đó chủ yếu là các DN nội địa, hướng tới xác lập chuỗi liên kết nội địa, bao gồm các nhà sản xuất máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu trong nước, qua đó tạo thế cạnh tranh cho DN nội địa và xuất khẩu.

Lefaso Center sẽ là Trung tâm tập trung cho ngành da giày và túi xách Việt Nam, nơi trưng bày nguyên phụ liệu của các DN, đặc biệt là các DN trong nước; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong việc thiết kế, định giá hàng hóa… để các DN chuyên tâm, tập trung sản xuất.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Digital Marketing nâng cao hiệu quả hoạt động logistics

Ngày nay, việc tìm kiếm thông tin, mua hàng trên internet là thói quen của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Do đó, bán hàng online trở thành xu hướng bắt buộc cho các DN trong thời đại số. Những DN kinh doanh trong ngành logistics cũng không ngoại lệ.

Để phát huy hiệu quả chiến lược marketing trên internet, các DN cần chú trọng các vấn đề sau:

Đầu tư công cụ kinh doanh online hiệu quả

DN nên xem các chi phí dành cho marketing, truyền thông là chi phí đầu tư quan trọng và rất cần thiết trong quá trình phát triển. Với đầu tư công cụ và chiến dịch marketing online thì việc đánh giá hiệu quả không khó, bởi sự hỗ trợ của các công cụ đánh giá trực tuyến của các tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới như Google, Facebook… là rất tiện dụng. Những công cụ này khá quan trọng, cần đầu tư hiệu quả theo nguyên tắc: đúng – đẹp – hay.

Chúng ta phải phân tích yêu cầu marketing cụ thể về chiến lược nội dung (content strategy), hình ảnh và phong cách thể hiện phù hợp với khách hàng mục tiêu trước khi bắt tay vào thiết kế. Sau đó nâng tầm cái đẹp, cái đúng đó bằng những ý tưởng sáng tạo về nội dung, hình ảnh để mang lại cái hay, tạo cảm xúc cho khách hàng (người xem), tạo niềm tin để đạt được hiệu quả cao nhất cho việc đầu tư.

DN nên đầu tư hình ảnh, nội dung bằng việc thuê các chuyên gia, các angency uy tín tư vấn và thực hiện khi bước đầu tham gia vào mảng đầu tư này vì nó mang đến hiệu quả cao và tránh rủi ro không cần thiết.

Đầu tư các chiến dịch digital marketing

Khi DN đã tự tin với dịch vụ kinh doanh, tự tin vào các công cụ truyền thông online đã đầu tư thì việc quảng bá, đầu tư vào những chiến dịch marketing, truyền thông trực tuyến là rất cần thiết. Thông thường trong bán hàng trực tuyến chúng ta cần quan tâm các hành vi sau của khách hàng:

Để khách hàng tìm thấy thương hiệu, dịch vụ của DN

Với các dịch vụ, khách hàng mục tiêu là người chủ động, DN nên sử dụng các chiến dịch seach marketing bằng các từ khóa phù hợp với thói quen tìm kiếm của khách hàng. Các chiến dịch phổ biến để giải quyết vấn đề này là: Google Adwords, SEO…

Để thương hiệu luôn xuất hiện trước mặt khách hàng mục tiêu khi họ cần

Người Việt thường bị động trong những quyết định mua sắm, sử dụng dịch vụ, vì vậy, việc sử dụng các chiến lược quảng bá, quảng cáo trực tuyến là rất cần thiết giúp cho hình ảnh của DN luôn tồn tại trong mắt khách hàng. Các chiến dịch quảng bá trực tuyến DN thường sử dụng như: remarketing, facebook ads, đặt banner trên các trang tin điện tử, email marketing, sms marketing…

Tuy nhiên, DN phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể cũng như đầu tư ý tưởng, content trước để việc xuất hiện này luôn được khách hàng yêu thích. Đừng “vô tư” để trở thành spam gây tác dụng ngược và không đạt được mục tiêu đầu tư.

Đầu tư vào chiến lược marketing online

Thông thường tại VN, các DN đầu tư vào digital marketing một cách tự phát, chủ yếu đầu tư vào công cụ chứ không đầu tư nhiều về chiến lược vì vậy hiệu quả chưa cao.

Digital marketing với sự hỗ trợ rất chi tiết từ các công cụ phân tích, đánh giá trực tuyến sẽ giúp DN có những số liệu chi tiết về hành vi của khách hàng khi tương tác trên online… Do đó, việc đầu tư vào chiến lược và phân tích kết quả của từng chiến dịch là cần thiết khi đầu tư vào online.

Việc hoạch định chiến lược, phân tích kết quả, điều chỉnh chiến thuật đạt kết quả tốt là một việc không dễ đối với nhiều DN. DN nên có một nhà tư vấn chuyên nghiệp, một chuyên gia đủ kinh nghiệm và năng lực để cùng DN hoạch định, phân tích mang lại hiệu quả tốt hơn.

Tóm lại, digital marketing đối với các công ty kinh doanh dịch vụ logistics là rất cần thiết và là xu thế của kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, DN nên tìm hiểu, phân tích thực tiễn, đa chiều để đưa ra chiến lược phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho việc đầu tư này.

Theo: Vietnam Logistics review.

Công ty vận tải bộ Tân cảng vận hành theo tiêu chuẩn Quốc tế – ISO 39001:2012

Ngày 24.6.2016, Công ty Vận tải bộ Tân Cảng tổ chức lễ công bố chứng nhận Hệ thống Quản lý An toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn Quốc tế – ISO 39001:2012 và khai trương Deport Tân Cảng – Rạch Chiếc tại cảng Tân Cảng Cát Lái. Tham dự Lễ có đại diện Bộ GTVT; Đại diện UBATGT Quốc gia; Thủ trưởng BTL Hải quân; Đại diện các cơ quan, ban ngành địa phương; Đại diện Tập đoàn Tuv Nord…

Là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn quốc tế

Từ tháng 5. 2015, thông qua dự án “Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua chương trình An toàn Giao thông Đường bộ – GOsmart” do Công ty Tuv Nord Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Tập đoàn Tuv Nord và DEG – Tổ chức đầu tư và phát triển, thành viên của Ngân hàng KfW CHLB Đức, được thực hiện dưới sự bảo trợ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Công ty Vận tải bộ Tân Cảng mạnh dạn triển khai xây dựng Hệ thống Quản lý An toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn Quốc tế – ISO 39001:2012 vào công tác quản lý. Sau 1 năm triển khai xây dựng (tháng 4.2016) tổ chức chứng nhận Tuv Nord Thái Lan – thuộc Tập đoàn Tuv Nord Đức đã tiến hành đánh giá tại Công ty Cổ phần Vận tải bộ Tân Cảng và cấp chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ phù hợp tiêu chuẩn ISO39001:2012. Đây là tổ chức doanh nghiệp vận tải đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận này.

Hiệu quả áp dụng Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo ISO 39001:2012 tại đơn vị

– Đã thiết lập được một hệ thống quản lý bài bản, bao quát toàn bộ các hoạt động điều hành vận tải, quản lý lái xe và quản lý phương tiện.

– Từ việc bị động giải quyết khắc phục hậu quả va chạm, Công ty đã có cơ chế chủ động trong việc kiểm soát, quản lý xây dựng tuyến đường di chuyển, cảnh báo các nguy cơ mất an toàn cho lái xe.

– Chủ động kiểm soát tình trạng sử dụng thức uống có cồn, chất kích thích, chất gây nghiện cũng được thực hiện lấy mẫu hàng ngày nhằm đảm bảo các lái xe không vận hành phương tiện trong tình trạng thiếu tỉnh táo, hạn chế những va chạm/tai nạn gây ra do lỗi chủ quan của lái xe.

– Phương tiện vận tải được quản lý tuân thủ theo một kế hoạch bảo dưỡng chặt chẽ và thay thế định kỳ.

– Các dữ liệu giám sát hành trình theo dõi vị trí phương tiện, tuyến vận chuyển, tốc độ, thời gian lái xe liên tục 4h, thời gian lái xe quá 10h trong 24h,…

– Công tác ứng phó khẩn cấp và điều tra tai nạn cũng đã được quy định rõ ràng trách nhiệm, công việc và người thực hiện.

– Sau gần 1 năm triển khai áp dụng hệ thống, đã có những chuyển biến tích cực trong công tác quản trị lý. Đối với khách hàng, công ty đã xây dựng được một phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tin cậy. Xét về hiệu quả kinh tế, chi phí đền bù va chạm do lỗi chủ quan 4 tháng đầu năm 2016 giảm xuống bằng 30% so với chi phí này cùng kỳ năm 2015. Các trường hợp vi phạm ghi nhận được cũng giảm rõ rệt theo từng tháng.

Hoạt động của Deport Tân Cảng Rạch Chiếc

Nhân dịp này Công ty công bố hoạt động của Deport Tân cảng Rạch chiếc tại Phường Phú Hữu, Quận 9, TP.HCM, cách khu công nghệ cao Quận 9, nhà máy Sam Sung 2km, có diện tích 2ha, cung cấp dịch vụ depot cho các hãng tàu.

3 năm liên tục (2013; 2014; 2015) công ty được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị quyết thắng và tập thể lao động xuất sắc; năm 2015 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2013 đến năm 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc và Ủy ban ATGT quốc gia trao tặng danh hiệu “Vô lăng vàng” cho tập thể công ty và 1 cá nhân; được Bộ tư lệnh Hải quân, Hiệp hội vận tải tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Với phương châm xây dựng công ty “Cách mạng, chính quy, hiện đại, văn minh nghĩa tình” phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Công ty Vận tải bộ Tân Cảng đã và đang góp phần phát triển mạnh mẽ trụ cột kinh doanh logistics của SNP, chinh phục khách hàng bằng dịch vụ hoàn hảo nhất, phấn đấu trở thành doanh nghiệp vận tải bộ tiên tiến hàng đầu Việt Nam.

Công ty Cổ phần Vận Tải Bộ Tân Cảng được thành lập ngày 19.11.2007, tiền thân là Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đại lý Tân Cảng Số Một,đảm nhiệm sứ mệnh là đầu tàu trong hoạt động cung cấp dịch vụ giao nhận bằng phương thức vận tải bộ – một mắt xích cơ bản và quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics và nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, đem lại hiệu quả thiết thực cho khách hàng và sự phát triển bền vững của trụ cột kinh doanh dịch vụ Logistics của Tổng công ty TCSG – SNP Logistics.

Lĩnh vực kinh doanh chính là vận chuyển hàng container bằng đường bộ cùng các ngành nghề, dịch vụ kinh doanh khác như: làm dịch vụ M&R; liên doanh với hãng tàu, khách hàng lớn như MSC – Singapore SITC, Texhong để thành lập các Cty liên doanh, liên kết hoạt động trong các lĩnh vực vận chuyển và khai thác các depot 1, 2, 5 tại khu công nghiệp Cát Lái, Depot SITC tại Tân Cảng – Cát Lái, Depot Tân cảng – Hải phòng và Depot Tân cảng – Rạch Chiếc tại khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM.

Phương tiện vận chuyển hiện có của công ty với hơn 200 xe đầu kéo mới đồng bộ, tuổi đời từ 1 đến 4 năm của các thương hiệu uy tín như Hyundai, Daewoo, UD cùng 4 xe nâng hàng và 1 cẩu khung RTG, với tổng tài sản ước tính trên 300 tỷ đồng… Các xe vận tải vòng ngoài được trang bị đầy đủ thiết bị Giám sát hành trình theo quy định của Bộ GTVT; số lượng semi-remorque chuyên dụng hơn 300 chiếc được đăng ký, kiểm định đầy đủ, đạt yêu cầu vận chuyển an toàn.

Công ty là một trong những doanh nghiệp vận tải container đầu tiên của Việt Nam quyết tâm thực hiện biên chế “mỗi xe 2 tài xế” nhằm tạo điều kiện cho lái xe có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động và dành thời gian cho gia đình, xã hội; giảm thiểu nguy cơ mất ATLĐ, ATGT.

Với tiêu chí “On time, on task, on call”, các phương tiện của Công ty vận tải bộ Tân Cảng là một trong những doanh nghiệp vận tải bộ uy tín đang cung cấp chuỗi dịch vụ logistics của SNP Logistics cho gần 100 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng lớn như: Samsung Vietnam, Panasonic, LG, Vinamilk, Sabeco, IKEA, DHL, Texhong,  Formosa Đồng Nai,  Doosan, Chingluh, Brotex, Molenbergnatie.

Sức mạnh của công ty cổ phần vận tải bộ Tân cảng thể hiện ở nguồn nhân lực chất lượng cao và trình độ tay nghề của hơn 300 lái xe luôn tận tâm, tận lực, sẵn sàng mang đến cho khách hàng sự hài lòng cao nhất về chất lượng dịch vụ. Kết quả SXKD luôn phát triển với những con số ấn tượng, sản lượng xếp dỡ, vận chuyển và doanh thu hàng năm đều tăng trưởng trên 15%; năm 2015 tổng sản lượng vận chuyển, xếp dỡ đạt hơn 2 triệu Teus, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng, lợi nhuận trên 28 tỷ, nộp ngân sách Nhà nước gần 23 tỷ đồng.

Hoàng Bình
Theo: Vietnam Logistics Review.

Hải quan Việt Nam với chương trình: Doanh nghiệp ưu tiên & thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong TPP (phần cuối)

Ý nghĩa của việc ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau

Thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư của VN với các nước thành viên TPP

Năm 2015, các nước thành viên Hiệp định TPP đã ký kết 10 thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên với sự tham gia của 7 quốc gia. Các quốc gia này đều là những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của VN trong TPP. Theo Tổng Cục Hải quan VN, năm 2014, tổng kim ngạch XK của VN trên thị trường thế giới đạt trên 150 tỷ USD, trong đó, các nước thành viên TPP là 58 tỷ USD chiếm gần 39%. Xét trong khối TPP,  Mỹ và Nhật Bản là 02 thị trường XK lớn nhất với tỷ trọng tương ứng là 19% và 9,7% so với tổng kim ngạch XK trên toàn thế giới. Thời gian tới, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, kim ngạch XK sang 02 thị trường này được dự báo tăng lên nhiều khi Mỹ cam kết giảm thuế suất xuống 0% đối với hàng dệt may và da giày. Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ thuế NK đối với 86% số dòng thuế, chiếm 93,6% kim ngạch XK, tương đương 10,5 tỷ USD. Thành công trong việc đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên (MRA AEO) sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư của các DN ưu tiên nước đối tác tại VN.

Tăng cường sự tham gia của các công ty logistics VN trong chuỗi cung ứng quốc tế

Ví dụ về hợp đồng XK hàng dệt may bằng đường biển của DN ưu tiên VN và DN ưu tiên Mỹ. Phần lớn hợp đồng XK bằng đường biển của VN lựa chọn điều kiện vận tải nhóm F (như FOB). Trường hợp này, Mỹ sẽ lựa chọn hãng tàu, công ty logistics hiện là DN ưu tiên của Mỹ để hưởng cơ chế ưu đãi về thuận lợi hóa thương mại của cơ quan hải quan Mỹ theo sáng kiến “chuỗi cung ứng ưu tiên” với sự tham gia của tất cả các chủ thể đều là DN ưu tiên. Nếu không thì DN Mỹ sẽ lựa chọn hãng tàu, công ty cung ứng dịch vụ logistics của Singapore, Nhật Bản là những nước thành viên TPP có ngành logistics phát triển và là đối tác DN ưu tiên của Mỹ.

Ngay cả khi phía người XK là VN giành được quyền thuê tàu, mua bảo hiểm hay tổ chức hoạt động chuỗi cung ứng thì hiện nay vì chưa có công ty logistics của VN được công nhận là DN ưu tiên nên xét về lợi ích kinh tế, DN XK VN sẽ trực tiếp thực hiện thủ tục hải quan tại VN bởi họ được hưởng cơ chế ưu đãi đối với DN ưu tiên. Cũng như vậy, các DN XK VN sẽ lựa chọn các hãng tàu, công ty logistics của Mỹ hay Nhật Bản, Singapore hay bất kể nước nào đã có thỏa thuận DN ưu tiên với Mỹ để tiết kiệm chi phí và thời gian logistics trong toàn chuỗi. Kết quả là các công ty logistics VN rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế của các DN XNK VN và thế giới.

Đề xuất giải pháp thực hiện

Biện pháp kỹ thuật

Hiện nay, chương trình DN ưu tiên của VN còn nhiều điểm chưa tương thích với bộ tiêu chuẩn SAFE cũng như tiêu chí quốc gia của các nước thành viên TPP. Báo cáo rà soát mức độ tương thích của chương trình DN ưu tiên VN với khung tiêu chuẩn SAFE của Tổ chức hải quan thế giới, có một điểm rất quan trọng là: VN chưa quy định về điều kiện an ninh bao gồm hệ thống kiểm soát an ninh nội bộ, an ninh hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh chuỗi cung ứng trong quy trình đăng ký, xét duyệt, thẩm định và công nhận DN ưu tiên. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản tồn tại trong mục tiêu, lợi ích, quy trình công nhận chương trình DN ưu tiên của VN so với một số nước thành viên TPP quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Singapore.

Ngoài ra, tiến trình đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau của VN đang gặp một số khó khăn đáng kể như:

– Sự khác biệt về phần mềm tin học, giá trị pháp lý và định dạng chứng từ điện tử, ngôn ngữ lập trình.

– Cơ chế trao đổi thông tin XNK hàng hóa của hải quan VN với cơ quan hải quan các nước chưa thông suốt và hiệu quả.

– Tính kết nối và hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hải quan trong công tác quản lý xuất NK còn thấp.

– Hạn chế nguồn nhân lực để đảm bảo vận hành liên tục và thông suốt hệ thống thông tin hải quan và thông quan hàng hóa tự động nhằm khắc phục việc lệch múi giờ làm việc giữa VN và các nước trên thế giới.

Thời gian tới, VN cần khẩn trương khắc phục những điểm hạn chế trên nhằm phát triển chương trình DN
ưu tiên cũng như thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau trên phạm vi TPP và toàn cầu. Sự tương thích về chương trình DN ưu tiên với các nước đối tác quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ là điều kiện đảm bảo thành công trong đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau của VN.

Về lộ trình đàm phán

Tổng Cục Hải quan VN đang trong quá trình đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên đối với Hàn Quốc. Đây là một sự lựa chọn đúng đắn vì Hàn Quốc là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của VN. So với các nước thành viên TPP thì Hàn Quốc là thị trường XK lớn chỉ xếp sau Mỹ và Nhật Bản. Hơn nữa, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA AEO) nhiều nhất trên thế giới và là đối tác của 6 thành viên TPP về thỏa thuận MRA AEO. Thành công trong đàm phàn ký kết thỏa thuận MRA AEO với Hàn Quốc sẽ là bước đệm và cầu nối vững vàng để VN triển khai đàm phán tiếp với các nước thành viên quan trọng trong TPP.

Trong bản đồ ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau của các nước thành viên TPP thì VN nên chọn Nhật Bản hoặc Mỹ là đối tác ưu tiên hàng đầu trong tiến trình đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, Nhật Bản là sự lựa chọn tối ưu hơn vì hiện nay, Hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS của VN đang vận hành tốt với sự hỗ trợ về công nghệ và trợ giúp kỹ thuật của Hải quan Nhật Bản. Điều này đảm bảo tính tương thích trong thực thi thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên. Hơn nữa, Nhật Bản cùng với Mỹ là hai nước dẫn đầu về thỏa thuận công nhận lẫn nhau đã ký với các nước thành viên trong Hiệp định TPP.

Nếu đạt được thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Mỹ và Nhật Bản sẽ góp phần cắt giảm chi phí và thời gian vận hành chuỗi cung ứng, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của VN tại hai thị trường này.

TS. Phan Thị Thu Hiền
Theo:  Vietnam Logistics Review.

Vải xuất khẩu đi Úc được chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội

Ngày 20/6/2016, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa nhận được thông báo của Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc chính thức công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội được phép xử lý chiếu xạ quả vải tươi xuất khẩu sang Úc.

Đây là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và cơ quan thẩm quyền của Úc, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cũng như sự tham gia tích cực của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội và các doanh nghiệp.

Với tin vui này, vải xuất khẩu đi Úc sẽ được xử lý tại Hà Nội, không phải vận chuyển vào phía Nam, góp phần giảm giá thành của vải thiều xuất khẩu và tiết kiệm thời gian vận chuyển. Theo quy định của Úc, để xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường Úc phải đảm bảo 5 yêu cầu.

Đới với vùng trồng: Cơ sở trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục BVTV kiểm tra, cấp mã số. Cơ sở phải lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất.

Vải để xuất khẩu phải không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số và được đựng trong các thùng (hộp) được ghi rõ thông tin cơ sở trồng phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc. Vải phải được vận chuyển đến cơ sở đóng gói được cấp mã số bằng phương tiện đảm bảo vệ sinh.

Trước mỗi mùa xuất khẩu vải, cơ sở đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra đánh giá và công nhận đáp ứng điều kiện nhập khẩu của Úc.

Bao bì đóng gói vải xuất khẩu sang Úc phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm. Thùng các-tông đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý và ghi rõ bằng tiếng Anh “Treated with ionizing irradiation” hoặc “Treated with ionizing electrons” hoặc “Irradiated (food)”, và có thể in logo theo quy định đối với thực phẩm chiếu xạ trên bao bì các-tông.

Cùng với đó, vải xuất khẩu đi Úc phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận (gồm Công ty chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội) theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

Đồng thời, lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Úc và có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp, trên đó ghi rõ: “Lô quả này được sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện nhập khẩu vải tươi vào Úc và tuân thủ quy định tại Chương trình xuất khẩu quả vải đã được chiếu xạ từ Việt Nam sang Úc”. Trong mục biện pháp xử lý trên Giấy chứng nhận ghi rõ “Liều chiếu xạ thấp nhất 400 Gy”.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Lo hải quan khó dứt khỏi tiêu cực

Việc Cục Hải quan An Giang xin giảm nhẹ tội cho 28 nguyên cán bộ đang được TAND TP.HCM đưa ra xét xử trong vụ đưa hối lộ, lừa đảo hoàn thuế đang làm dấy lên mối lo nạn tiêu cực trong ngành hải quan sẽ khó dứt nếu còn duy tình, dung túng.

Ai tin không “nhúng chàm”?

Lý lẽ mà Cục Hải quan An Giang bao biện là vụ án buôn lậu, lừa đảo hoàn thuế và đưa hối lộ xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình (Cục Hải quan tỉnh An Giang) do chính Cục này chủ động phát hiện, ngăn chặn, các cán bộ hải quan hợp tác tích cực với phía điều tra. Do đó, đây là tình tiết để xem xét, giảm nhẹ tội danh cho các cán bộ công chức sai phạm.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hồ sơ điều tra vụ án tại Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn, với nhóm đối tượng móc nối do Trần Thị Bích Tuyền chủ mưu, đưa hối lộ có “tính hệ thống” cho các công chức thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế hơn 80 tỷ đồng thì liệu ai có thể thứ tha, giảm nhẹ cho nhóm cán bộ biến chất này?

Ở diễn biến khác, TAND tỉnh Kiên Giang cũng đang xét xử vụ lừa đảo hoàn thuế do Trần Hữu Thọ, Huỳnh Văn Trong chủ mưu mà có đến 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ hải quan ở tỉnh này. Nhưng hành vi của họ chỉ mới khép tội “thiếu trách nhiệm” vì buông lỏng quản lý, trong khi trước con số 93 tỷ đồng của Nhà nước bị bọn tội phạm hoàn thuế lừa đảo chiếm đoạt thì có ai tin các cán bộ hải quan không “nhúng chàm”?

Ngoài chuyện tiếp tay lừa đảo hoàn thuế, gần đây, thì tình trạng tiêu cực trong ngành hải quan vẫn là vấn đề đau đầu hiện nay, dù khâu thủ tục thông quan có cải thiện. Mới đây, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, theo xếp hạng về chi phí, tính cạnh tranh trong ngành logistics của Ngân hàng Thế giới (WB), ở khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 từ dưới đếm lên, chỉ hơn Indonesia, Lào, Campuchia.

Nguyên nhân chính của thứ hạng thấp này, theo ông Quang, là do tình trạng tham nhũng trong ngành hải quan Việt Nam mà ngay như một quốc gia lớn trong khu vực là Indonesia cũng chịu cảnh tương tự.

Hàng hóa là “con tin”

Tình trạng cán bộ giải quyết thủ tục hành chính có nhũng nhiễu, tiêu cực được xếp hàng thứ 5 trong 10 khó khăn lớn của DN khi thực hiện thủ tục hành chính.

Giới chuyên gia nhận định, nạn đút lót trong ngành hải quan dựa trên các thủ tục thiếu thông thoáng và không minh bạch đã làm chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cao thêm, là sự trói buộc và làm giảm tính cạnh tranh về chi phí cho DN.

Đó là chưa kể, nạn chia chác giữa một số cán bộ hải quan với phía DN để lách, trốn thuế làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN với nhau. Chẳng hạn, một mặt hàng hai công ty cùng nhập về, nhưng nếu một trong hai công ty có thông đồng với hải quan thì việc đánh thuế sẽ giảm đến 50%.

Ngay như chuyện phát sinh tiêu cực từ khâu thủ tục hải quan, gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương thuận lợi hóa thương mại trước hội nhập cũng là một vấn đề. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế thuộc Trung tâm WTO – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một cuộc khảo sát cho thấy, tình trạng cán bộ giải quyết thủ tục hành chính có nhũng nhiễu, tiêu cực được xếp hàng thứ 5 trong 10 khó khăn lớn của DN khi thực hiện thủ tục hành chính.

Trong khi đó, giới DN xuất nhập khẩu thì cho rằng không hối lộ, móc nối với hải quan thì không được, vì hàng hóa là “con tin” trong tay hải quan và họ hiểu không ít cán bộ luôn muốn được “lãnh lương” cố định hàng tháng từ phía DN.

Theo báo Đấu Thầu.