Linh kiện, phụ tùng ô tô nhập từ Trung Quốc tăng 33%

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng linh kiện, phụ tùng ô tô tăng trưởng khá thấp so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên riêng thị trường Trung Quốc tăng cao.

Linh kiện, phụ tùng ô tô nhập từ Trung Quốc tăng 33%
Biểu đồ: T.Bình.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8 (1-15/8), cả nước chi 240 triệu USD nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô, tính chung từ đầu năm đến 15/8, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 3,51 tỷ USD.

So với cùng kỳ 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng trên tăng 7,56%, khá thấp so với tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cả nước nói chung (tăng 14,78%).

Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan là những quốc gia có kim ngạch linh kiện, phụ tùng ô tô xuất khẩu vào Việt Nam nhiều nhất.

Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với kim ngạch đạt 878,66 triệu USD, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc đứng thứ 2 với 748,9 triệu USD, tăng mạnh 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thái Lan đứng thứ 3 với 535,6 triệu USD. Tuy nhiên, khác với 2 vị trí dẫn đầu, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ Thái Lan giảm 8% cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 3 quốc gia nêu trên, chiếm 66,3% tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của cả nước.

Ngoài linh kiện, phụ tùng, 7 tháng đầu năm, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan và Trung Quốc.

Cụ thể, Thái Lan duy trì vị thế số 1 với 31.798 xe, kim ngạch 634,4 triệu USD; trong khi Trung Quốc với 12.104 xe, kim ngạch 488,2 triệu USD, đứng thứ 3.

Theo HQ Online

Loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “dễ thở” trước khó khăn

Trước khó khăn mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khải do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, trong nửa năm qua, cơ quan Hải quan đã có nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Phương tiện vận tải ra, vào điểm thông quan Lối mở Km 3+4. Ảnh: Quang Hùng
Phương tiện vận tải ra, vào điểm thông quan Lối mở Km 3+4. Ảnh: Quang Hùng

Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã thiết lập cơ chế cập nhật thông tin phục vụ công tác đánh giá tác động của chiến tranh Nga – Ukraina đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng tổng hợp các phản ánh vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu vào thị trường Nga, Ukraine và ngược lại từ đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ và giải pháp xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chỉ đạo các đơn vị Hải quan trên toàn quốc tạo điều kiện thuận lợi đối với hàng hóa xuất khẩu nhưng phải tái nhập trở lại.

Hay trong những tháng đầu năm 2022, với chiến lược “zero-COVID”, Trung Quốc liên tục thực hiện việc dừng thông quan tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới dẫn đến tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Để giải quyết tình trạng trên, Tổng cục Hải quan đã thực hiện thành lập Tổ công tác hỗ trợ giải quyết vướng mắc về thủ tục hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.

Đồng thời tăng thời gian làm việc hàng ngày từ 8 giờ lên 10 giờ, đồng thời bố trí ca trực để làm việc ngoài giờ hành chính, thực hiện thủ tục hải quan 24/7.

Tổng cục Hải quan cũng xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ triển khai trên Cổng Thông tin Một cửa quốc gia; ban hành công văn hướng dẫn về thủ tục gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa do dịch bệnh covid làm ách tắc tại cửa khẩu xuất và về chuyển tiêu thụ nội địa, gia hạn thời gian lưu giữ đối với hàng hóa quá cảnh.

Tổng cục Hải quan đã trao đổi Công hàm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các giải pháp tạo điều kiện thông quan hàng hóa. Theo đó, hai bên nhất trí sẵn sàng tăng cường hợp tác xây dựng “Hải quan thông minh, biên giới thông minh, thông quan thông minh” (3 thông minh), sớm hoàn thành việc đàm phán Hiệp định hợp tác, hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Với những giải pháp trên, từ cuối tháng 4/2022 đến nay, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc đã bắt đầu khôi phục trở lại, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu đã tăng đáng kể so với thời điểm sau tết Nguyên đán, lượng hàng hóa chờ xuất tại các cửa khẩu cũng đã cơ bản ổn định và đáp ứng khả năng lưu giữ tại các kho bãi khu vực cửa khẩu.

Ngoài những giải pháp nêu trên, để giảm tình trạng ách tắc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới, trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến khai thác vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt, Tổng cục Hải quan đã phối hợp khảo sát trực tiếp tại Ga liên vận quốc tế Yên Viên cùng với đại diện các Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Cục đường sắt – Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, đại diện các đơn vị kiến nghị tổ chức cuộc họp bàn về năng lực xếp dỡ hàng, giải quyết thủ tục thông quan và giải phóng hàng, khảo sát ga kép Bắc Giang về khả năng nâng lên thành ga liên vận quốc tế.

Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.

Theo Báo Hải Quan.

Xuất khẩu đối mặt thách thức thiếu nguyên phụ liệu

Xuất khẩu (XK) hàng hoá tương đối thuận lợi trong những tháng đầu năm. Nhiều ngành hàng lớn như dệt may, da giày,… đã có đơn hàng tới tận cuối năm. Song tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đang đặt ra không ít thách thức.

Dệt may là một trong những ngành hàng điển hình đang chịu nhiều áp lực về thiếu nguyên phụ liêu.  Ảnh: N.Thanh
Dệt may là một trong những ngành hàng điển hình đang chịu nhiều áp lực về thiếu nguyên phụ liêu. Ảnh: N.Thanh

Giảm công suất, nợ đơn hàng

Dịch Covid-19 đang ngày càng có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Vốn được ví là “công xưởng sản xuất” của thế giới, việc quốc gia này kiên trì chính sách “Zero Covid” đã và đang khiến cho việc NK nguyên phụ liệu của nhiều ngành hàng Việt Nam gặp khó.

Tổng công ty May Đáp Cầu chuyên làm hàng may gia công cho các thị trường lớn và NK tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, DN này đã nhận đơn hàng đến tháng 9/2022, nhưng điều đáng chú ý là DN đã phải hoãn giao hàng nhiều đơn hàng xuất phát từ việc thiếu nguyên phụ liệu.

Theo Bộ Công Thương, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch NK hàng hóa ước tính đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 40,9 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,8 tỷ USD, tăng 16,7%. Về cơ cấu hàng hóa NK, chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa NK của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm là nhóm hàng cần NK (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 23,3 tỷ USD, tăng 40,1%; thị trường ASEAN đạt 16,4 tỷ USD, tăng 15,3%; Nhật Bản đạt 8,2 tỷ USD, tăng 14,7%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,7%); Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, giảm 6,2%.

Ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Đáp Cầu cho biết: thời gian qua, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến nhiều hàng hóa nguyên liệu đi từ các cảng ở Thượng Hải bị ách tắc, về rất chậm hoặc không về. Hàng về nhỏ giọt, DN buộc phải xé lẻ, rải đơn cho các tổ sản xuất để đảm bảo việc làm cho công nhân. Bình thường 1 mã hàng, DN chỉ sản xuất trong 1 tháng với 1-2 tổ sản xuất nhưng do thiếu nguyên phụ liệu nên 1 mã lại phải xé lẻ ra, chuyển thành 4-5 tổ khiến cho năng suất lao động giảm.

Vị lãnh đạo DN này thông tin thêm: “Với những đơn hàng không có đủ nguyên liệu, chúng tôi phải đàm phán lại thời gian giao hàng. Tuy nhiên, thời gian giao hàng cũng không thể lùi lại quá chậm bởi điều đó khiến DN phải đối diện với nhiều rủi ro về thanh toán”.

Tương tự dệt may, da giày cũng là ngành đang chịu nhiều áp lực về nguồn cung nguyên phụ liệu khi ngành này NK tới 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc phong tỏa trên diện rộng khiến nguồn cung ứng bị gián đoạn. Cùng với đó chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên DN khó đáp ứng kịp thời các đơn hàng.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai thông tin, nhiều nguyên liệu hàng hóa NK từ Trung Quốc của DN Đồng Nai cũng đang trong tình trạng gián đoạn. Nguy cơ bị gián đoạn, giảm công suất kéo theo chậm trễ đơn hàng đặt ra những sức ép vô cùng lớn cho các DN XK.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.

Nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung

Trong bối cảnh hiện tại, Bộ Công Thương đang rốt ráo yêu cầu các hiệp hội, DN có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng những tác động của việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa vì Covid-19. Đồng thời, vì chủ trương của Trung Quốc là “Zero Covid” nên DN trong nước cần chủ động thích ứng để có chiến lược phù hợp. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của DN lúc này là sớm cơ cấu lại sản xuất, tìm nguồn cung thay thế khi nguyên liệu và thiết bị không còn nhiều. Các DN cũng cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài”, đại diện Bộ Công Thương lưu ý.

Trên thực tế, giải quyết những khó khăn trước mắt, bên cạnh đàm phán với đối tác để cùng chia sẻ rủi ro, giãn thời gian giao hàng, không ít DN cũng đã tính tới phương án tìm nguồn cung mới ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thăng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề không thể triển khai trong “một sớm một chiều” khi Trung Quốc là công xưởng của thế giới, cung ứng nhiều nguyên phụ liệu với giá thành phù hợp. Ngoài ra, phần lớn nguồn nguyên liệu mà May Đáp Cầu NK đều do đối tác chỉ định trước”. Ông Thăng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giúp DN có thêm các đơn hàng mới, mở rộng nguồn mua nguyên phụ liệu.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ DN tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Điều này vừa giúp tăng nội lực cạnh tranh cho DN lại vừa có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.

Khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ các ngành hàng, DN XK trong kết nối cung-cầu nguyên phụ liệu, đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất, XK nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép…, đồng thời nghiên cứu, xúc tiến NK nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử…

Đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh, về lâu dài phải có giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào NK. Trong đó, cần tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai…

“Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ để DN tiếp cận trực tiếp, dễ dàng hơn, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng lực, trình độ cải tiến, quản lý và quan trọng nhất là hỗ trợ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết.

Theo Báo Hải Quan

Đồng hành tạo “sức sống mới” cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đều đánh giá cao xu hướng cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương, nhờ những cách làm sáng tạo, vì lợi ích cộng đồng doanh nghiệp.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) giám sát hàng hóa xuất khẩu qua Lối mở cầu phao Km3+4.  Ảnh: Thái Bình
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) giám sát hàng hóa xuất khẩu qua Lối mở cầu phao Km3+4. Ảnh: Thái Bình

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 27/4, Quảng Ninh tiếp tục được “gọi tên” ở vị trí đứng đầu năm thứ 5 liên tiếp.

Chia sẻ về những kinh nghiệm của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đạt kết quả này là một quá trình kiên trì nỗ lực, liên tục, bền bỉ có kế thừa, đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo phục vụ. “Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển, từ đó giữ vững cam kết giữ vững niềm tin, đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề ra phương châm “năm thật” để các cơ quan nhà nước và cán bộ trong tỉnh thực hiện, đó là phải ứng xử chân thành để doanh nghiệp suy nghĩ thật – doanh nghiệp nói thật – chính quyền hành động thật – các nỗ lực của tỉnh có kết quả thật – và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật. Bên cạnh sáng kiến xây dựng Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở – ban – ngành và địa phương (DDCI) vài năm trước, trong năm 2021, tỉnh cũng đã thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Tổ Investor Care) để nắm bắt vướng mắc mà nhà đầu tư gặp phải và tích cực tháo gỡ khó khăn.

Báo cáo PCI 2021 đã nêu 7 đặc điểm đáng chú ý về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương. Cụ thể là: Các chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân; chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính có cải thiện nhưng vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cải cách; cần tiếp tục giảm gánh nặng tuân thủ với các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện; tiếp cận đất đai còn nhiều trở ngại cần đẩy mạnh khắc phục; luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tác động khá khiêm tốn trong hỗ trợ doanh nghiệp; công tác phổ biến thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế cần tiếp tục đẩy mạnh để phát huy hiệu quả.

Đánh giá về những nỗ lực này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, những phương thức cải cách của tỉnh đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn có sự đổi mới qua từng năm, lãnh đạo tỉnh cũng liên tục có các chương trình gặp gỡ doanh ghiệp, để vướng đến đâu tháo gỡ đến đó.

Đặc biệt, trong bảng xếp hạng PCI 2021, TP Hải Phòng đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 – vị trí cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân nhờ những nỗ lực tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua đối thoại trực tiếp hằng tháng giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành chức năng.

TP Hải Phòng cũng đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch làm đầu mối theo mô hình “một cửa” cho các hoạt động đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Nhờ vậy, trong năm 2021, thành phố không chỉ thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong nước mà còn vươn lên dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với địa phương “bền vững” về chất lượng môi trường kinh doanh như Đồng Tháp (14 năm nằm trong top 5 địa phương đứng đầu), không chỉ tiếp tục phát huy sáng kiến “Cà phê doanh nhân”, lãnh đạo tỉnh còn mở rộng thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và nâng cao năng lực quản trị của các hộ kinh doanh. Tương tự, TP Nẵng đã thành lập thêm Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng.

Nhận xét về nỗ lực cải thiện của tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh cho hay, chính quyền địa phương đã nỗ lực cải thiện những vấn đề liên quan đến các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục cải thiện về chỉ số gia nhập thị trường, phải coi là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là trụ cột chính của cải cách hành chính.

Trong nhóm các địa phương xếp thứ hạng cuối, tỉnh Đắk Nông đã có sự nỗ lực vượt bậc khi vươn dần từ vị trí cuối cùng từ năm 2018 lên vị trí 52 năm 2021. Ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ, tỉnh đã xác định 3 trụ cột cho phát triển kinh tế gồm: công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, để từ đó đưa ra các chính sách và giải pháp kích cầu doanh nghiệp phát triển cũng như thu hút đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tập trung cho công tác giáo dục, dạy nghề để giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển.

Nhận xét về sự cải thiện của các địa phương, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho hay, trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các cấp đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp “vượt bão”. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách thể chế, đặc biệt là cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh cho hoạt động của doanh nghiệp cần phải là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

Ông Phạm Tấn Công cũng khuyến nghị, chính quyền các cấp cần triển khai kịp thời, thực chất và hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn còn có hiệu quả khiêm tốn trên thực tiễn. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần được tiếp cận thông tin thuận lợi hơn và được hướng dẫn đầy đủ hơn về tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do.

“2022 là năm vượt khó và cũng là năm “giữ lửa” cải cách, tiếp tục khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh hơn. Sự hợp tác và nỗ lực của tất cả các bên sẽ tạo nên “sức sống mới” cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng”, Chủ tịch VCCI nói.

Theo Báo Hải Quan.

Chè, cà phê Việt nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Ấn Độ

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Đây cũng là nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chè, cà phê vào thị trường tiềm năng này.

Ảnh: Nguyễn Thanh
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Nguyễn Thanh

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,92 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 2,05 tỷ USD.

Phát biểu tại “Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê sang thị trường Ấn Độ” ngày 27/4, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Việt Nam và Ấn Độ tuy có điều kiện tự nhiên tương đồng nhưng là hai thị trường có thể bổ sung cho nhau.

Với dân số trên 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ rất lớn. Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng nông sản, trong đó có chè, cà phê.

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng Ấn Độ ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe và y học của các biến thể trà xanh và hữu cơ đã góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường.

Bên cạnh đó, khả năng chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng, cùng với các kênh bán lẻ trực tuyến đang phát triển cũng là yếu tố được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường chè của Ấn Độ tăng trưởng.

Đối với mặt hàng cà phê, Ấn Độ là nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Indonesia, Uganda và Kenya để chế biến và tái xuất. Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.

“Những đặc điểm trên của thị trường Ấn Độ chính là cơ hội để các doanh nghiệp chè và cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường nhiều tiềm năng này”, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh.

Thông tin thêm về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu chè, cà phê vào Ấn Độ, ông Đỗ Duy Khánh, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, theo dõi và đánh giá thị trường Ấn Độ cho thấy, người dân Ấn Độ rất thích cà phê Việt Nam, trong đó có cà phê pha sẵn, cà phê đóng chai. Tiềm năng với các mặt hàng cà phê này rất lớn.

Ông Khánh lấy ví dụ đơn cử như việc Đại sứ quán luôn lấy cà phê làm quà tặng cho các đối tác bạn bè Ấn Độ trong các buổi làm việc hay các ngày lễ và được đón nhận, phản hồi rất tốt.

Cho rằng Việt Nam nên nhắm thẳng vào thị trường Ấn Độ, xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng sang thị trường này, ông Khánh cho biết, muốn xuất khẩu cà phê vào thị trường Ấn Độ, điều doanh nghiệp cần lưu ý là phải chú ý đảm bảo tiêu chuẩn dán nhãn, đóng gói của Ấn Độ, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Ấn Độ…

Với mặt hàng chè, ông Khánh nêu rõ, là một trong những nước sản xuất chè đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất thế giới. Nhập khẩu chè của Ấn Độ ngoài việc để tiêu dùng tại thị trường nội địa còn nhằm mục đích tái xuất.

Ấn Độ nhập khẩu chè chủ yếu từ thị trường Nepal, Kenya, Việt Nam, Sri Lanka, Iran, Indonesia. Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu chè khoảng 67 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,4%.

“Dù được Chính phủ hỗ trợ, giúp đỡ nhưng sản lượng chè của Ấn Độ không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu nên có nhiều cơ hội cho Việt Nam; quan trọng nhất là phải tìm được khách hàng phù hợp tại thị trường này”, ông Khánh nói.

Thời gian qua, hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam – Ấn Độ tăng nhanh từ mức 200 triệu USD (năm 2000) lên hơn 13 tỷ USD (năm 2021). Đặc biệt, chỉ trong 5 năm sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi và mục tiêu của năm 2022 là 15 tỷ USD. Năm 2021, lần đầu tiên thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ vượt mốc 13 tỷ USD (13,2 tỷ USD), tăng 36,5% so với mức 9,6 tỷ USD của năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,25 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2020).

Theo Báo Hải Quan

Tái xuất nguyên liệu vật tư đúng quy định sẽ được hoàn thuế nhập khẩu

Theo quy định, hàng hóa là nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc nhập khẩu đã thực hiện đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng và nộp đủ thuế, sau đó đăng ký tờ khai xuất khẩu và thực xuất, đáp ứng điều kiện hoàn thuế thì được hoàn thuế nhập khẩu theo quy định.

Trước thắc mắc của Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex liên quan đến việc tái xuất nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã có giải đáp và hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, tại điểm c khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: “Hàng hóa quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến”.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 kiểm tra thực tế hàng hóa. 	Ảnh: T.BÌNH
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 kiểm tra thực tế hàng hóa. Ảnh: T.B

Cũng tại điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất: “Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu gồm: hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng, xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan. Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu”.

Theo Tổng cục Hải quan, đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc nhập khẩu, Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex đã thực hiện đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng theo mã loại hình A42 và nộp đủ thuế, sau đó, doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu theo mã loại hình B13 và thực xuất hàng hóa ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan.

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu theo tờ khai mã loại hình B13 được xác định là hàng hóa đã nhập khẩu trước đây, chưa qua sử dụng, gia công, chế biến và là hàng hóa đã khai trên tờ khai thay đổi mục đích sử dụng A42, đáp ứng điều kiện hoàn thuế quy định tại điểm c khoản 1,2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP thì được hoàn thuế nhập khẩu theo quy định.

Trong đó, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1,2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

Theo Báo Hải Quan

Tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu của cải cách thủ tục hải quan

Nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, giảm chi phí trong hoạt động XNK, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hữu ích. Tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 6/4, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám đã trao đổi nhiều thông tin xung quanh nội dung này.

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám
Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám.

Thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong điều hành, quản lý tạo thuận lợi thương mại. Ông có thể chia sẻ những việc đã làm của ngành Hải quan trong thời gian qua?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã không ngừng cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ và cộng đồng DN đánh giá cao.

Nổi bật là các giải pháp ứng dụng CNTT đã giúp thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử. Theo đó đã bãi bỏ một số thủ tục hành chính góp phần cắt giảm giờ công, tiết kiệm nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý và tiết kiệm chi phí cho DN. Điển hình như việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện vận tải XK, qua khảo sát các DN và báo cáo của cục hải quan các tỉnh, thành phố, cơ quan Hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công mỗi năm; các DN cũng tiết kiệm được nhiều khoản chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, giảm bớt nhân lực.

Đặc biệt, với vai trò giúp Bộ Tài chính làm Cơ quan Thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan đã thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tính đến ngày 20/2/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 244 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,8 triệu bộ hồ sơ của hơn 51,8 nghìn DN. Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức, đến nay, số bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia đã tăng gấp 4 lần; số lượng thủ tục hành chính tăng 39 lần; số lượng DN tham gia tăng khoảng 23 lần; số lượng hồ sơ được khai báo tăng khoảng 193 lần.

Ngoài ra, ngành Hải quan còn chú trọng triển khai dịch vụ công trực tuyến; phối hợp xây dựng cửa khẩu số; thực hiện đề án kiểm tra chuyên ngành; cung cấp phần mềm khai hải quan miễn phí cho DN XNK…

Một số kết quả nổi bật mà các giải pháp kể trên đã mang lại cho DN, DN sẽ giảm được những chi phí nào và mức giảm ra sao, thưa ông?

Nhằm hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 29/12/2021, Tổng cục Hải quan đã chính thức cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho DN trong lĩnh vực XNK. Phần mềm miễn phí này sẽ giúp DN tiết kiệm được chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị, chi phí bản quyền phần mềm. Đồng thời giúp DN, người dân sớm tiếp cận và có sự chủ động với những thay đổi của ngành Hải quan khi thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh.

Theo tính toán của cơ quan Hải quan, với khoảng 92 nghìn DN XNK đang hoạt động, việc cung cấp phần mềm miễn phí sẽ giúp các DN tiết kiệm được khoảng 432 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để tạo đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK.

Việc đổi mới mô hình kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm chi phí và thời gian, giúp tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của DN trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.

Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ triển khai thêm các hoạt động gì để tiếp tục giúp DN đẩy nhanh tiến độ thông quan, giảm chi phí XNK, thưa ông?

Mới đây, ngày 8/2/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ, nhằm tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN.

Ngành Hải quan cũng sẽ tập trung hoàn thiện Đề án “Thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số” và dự kiến sẽ triển khai áp dụng thí điểm từ năm 2023. Đây là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ. Đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, DN.

Toàn bộ dữ liệu trên hệ thống sẽ được tập trung thành cơ sở dữ liệu lớn, được phân tích xử lý thông minh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), được tự động cập nhật, trao đổi dữ liệu với các cơ quan có liên quan và cho phép xử lý thông tin trước khi hàng đến và trước khi hàng đi… Việc hoàn thành đề án và đưa Hệ thống hải quan số, Hải quan thông minh vào triển khai ứng dụng sẽ tạo bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa XK, là tiền đề để thực hiện Hải quan số, Hải quan phi giấy tờ.

Theo Báo Hải Quan

Ngăn chặn 25 container quặng chứa chất phóng xạ nhập từ Nga

Tổng cục Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 25 container tinh quặng Monazite có chất phóng xạ Urani và Thori nhập khẩu không đúng giấy phép, từ Nga về cảng Quy Nhơn, Bình Định.

Việc nhập khẩu các lô hàng có chứa chất phóng xạ với mục đích thương mại tiềm ẩn nhiều nguy cơ vận chuyển trái phép chất phóng xạ, hạt nhân không chỉ ảnh hưởng môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, điều ước quốc tế liên quan đến vận chuyển, buôn bán, sử dụng hàng hóa chứa phóng xạ, hạt nhân.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 25 container tinh quặng Monazite có chất phóng xạ Urani và Thori nhập khẩu không đúng giấy phép, nhập khẩu từ Nga về cảng Quy Nhơn, Bình Định.

Trước đó, ngày 2/5/2021, Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Trung Việt, địa chỉ 35 Tú Mỡ, Nhơn Bình, Quy Nhơn, Bình Định đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn (Cục Hải quan Bình Định) nhập khẩu lô hàng gồm 25 container tinh quặng Monazite có chất phóng xạ Urani và Thori từ cảng VOSTOCHNIY (Nga) theo giấy phép số 39/GP-BKHCN ngày 3/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngày 10/5/2021, Vinacontrol Đà Nẵng cung cấp chứng thư số 20E04PTN00471 kết quả kiểm tra hàm lượng tinh quặng ReO 57.61% phù hợp khai báo.

Tuy nhiên, nghi vấn lô hàng có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa có chất phóng xạ không đúng giấy phép, Trực ban Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giám định.

Thực hiện chỉ đạo của Trực ban Tổng cục, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định kiểm tra suất liều bức xạ bề mặt kiện hàng chứa chất phóng xạ. Đồng thời phối hợp Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt yêu cầu phân tích thành phần chất phóng xạ Radium 224, Radium 226, Radium 228 và Kali 40, Throni 232, Urani 238.

Căn cứ kết quả phân tích thành phần chất phóng xạ, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính trao đổi, xin ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao về việc xử lý lô hàng nhập khẩu có chất phóng xạ không đúng tham số kỹ thuật và chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp về hành vi “Nhập khẩu vật liệu phóng xạ không đúng các thông số kỹ thuật ghi trong giấy phép”. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất toàn bộ lô hàng trong thời hạn 10 ngày.

Trực ban Tổng cục Hải quan đã đôn đốc, giám sát việc bốc xếp toàn bộ lô hàng 25 container chứa chất phóng xạ lên tàu và theo dõi hành trình của tàu Đại Lục 07 đảm bảo lô hàng đã được tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam về nước xuất khẩu.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa nhập khẩu như trên, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính có ý kiến trao đổi, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cân nhắc trong việc cấp phép nhập khẩu các lô hàng có chứa chất phóng xạ với mục đích thương mại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng môi trường cũng như vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, điều ước quốc tế liên quan đến vận chuyển, buôn bán, sử dụng hàng hóa chứa phóng xạ, hạt nhân.

Ngăn chặn 25 container quặng chứa chất phóng xạ nhập từ Nga
Ngăn chặn 25 container quặng chứa chất phóng xạ nhập từ Nga
Ngăn chặn 25 container quặng chứa chất phóng xạ nhập từ Nga
Ngăn chặn 25 container quặng chứa chất phóng xạ nhập từ Nga

Theo Báo Hải Quan

5 hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2022.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh). Ảnh: Q.Hùng
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh). Ảnh: Q.Hùng

Mục đích của kế hoạch là tổ chức các hoạt động đối tác để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan và nâng cao năng lực thực thi pháp luật hải quan.

Trong kế hoạch này, Tổng cục Hải quan đã đặt ra các yêu cầu tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan nắm bắt chiến lược, kế hoạch, chương trình cải cách hiện đại hóa hải quan qua đó đồng hành cùng cơ quan Hải quan trong quá trình tổ chức triển khai.

Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, phương thức quản lý, chất lượng phục vụ của cơ quan Hải quan các cấp thông qua các hoạt động tham vấn, hợp tác, giám sát; tăng cường hợp tác Hải quan-doanh nghiệp góp phần nâng cao nặng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên.

Trong đó, Tổng cục Hải quan cũng đề ra các nội dung và 5 hoạt động triển khai gồm thông tin; tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; hợp tác Hải quan-Doanh nghiệp; giám sát thực thi pháp luật; hỗ trợ doanh nghiệp.

Đơn cử như hoạt động thông tin, cơ quan Hải quan các cấp tổ chức cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2021-2025; các chương trình, đề án cải cách hiện đại hóa trọng điểm của ngành Hải quan; các điều ước, cam kết quốc tế về tạo thuận lợi thương mại.

Theo Báo Hải Quan.

Thanh long Việt “ầm ầm” vào Australia ngay đầu năm

Hiện nay, mặc dù Australia đang vào mùa thanh long và được bày bán tại các siêu thị với giá bán rẻ hơn, nhưng các nhà nhập khẩu quyết tâm nhập khẩu thanh long Việt Nam, phối hợp xúc tiến cùng với Thương vụ Việt Nam tại Austrlia.

Thanh long Việt “ầm ầm” vào Australia ngay đầu năm
Thanh long Việt Nam bên phải được bày cạnh thanh long Australia bên trái trong không khí Tết tại siêu thị Đại Phát ở Melbourne. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Australia

Trong tuần này, 14 tấn thanh long nhãn hiệu Rồng Đỏ được Công ty 4wayfresh nhập khẩu đã cập bến và đưa ra thị trường 2 bang Tây Australia và Nam Australia.

Trong khi đó, Công ty Hoa Australia cũng vừa đưa ra thị trường Melbourne và các thành phố khác 14 tấn thanh long bao gồm ruột trắng và ruột đỏ. Chuyến hàng 14 tấn tiếp theo của Công ty Hoa Australia sẽ tiếp tục cập bến ngay trong tuần tới và sẽ liên tục đến Autralia.

Dạo qua một vòng thị trường từ siêu thị Thaikee tại trung tâm Sydney cho đến các cửa hàng ở thủ phủ người Việt ở Cabramatta, NSW cho đến siêu thị Đại Phát tại Melbounre hay MCQ tại Perth hoặc các siêu thị tại Nam Australia, thanh long Việt Nam bày bán khắp nơi trong không khí Tết cổ truyền.

Trong cuộc họp trực tuyến với Thương vụ Việt Nam tại Australia mới đây, các nhà nhập khẩu cho biết các nhà nhập khẩu nhất trí với chiến lược thị trường do Thương vụ đề ra là đẩy mạnh quảng bá thanh long Việt Nam hướng vào giới trẻ tại Australia để mở rộng dư địa thị trường.

Trước đó, năm 2021, xuất khẩu thanh long sang Australia tăng trưởng hơn 14% so với năm 2020 bất chấp khó khăn về vận chuyển giữa hai nước do đại dịch Covid-19 gây ra.

Bên cạnh thanh long, 2021 cũng là một năm thành công của xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Australia với mức tăng trưởng của mặt hàng rau quả lên đến hơn 28%; nhiều mặt hàng tăng hơn 100%.

Theo Báo Hải Quan