Cần sự phối hợp trong đấu tranh chống hàng giả

Hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ gây thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực sản xuất của DN, do đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và cơ quan chức năngtrong việc triệt phá, xử lý các vụ việc vi phạm.

Quy trình sản xuất khẩu trang giả của Công ty Nam Anh

Quy trình sản xuất khẩu trang giả của Công ty Nam Anh

Nỗ lực của lực lượng chức năng

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh, trong quá trình hội nhập quốc tế, những vụ vi phạm xâm phạm SHTT sẽ ngày càng gia tăng bởi Việt Nam đang trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, trọng tâm trong chiến lược hành động giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục QLTT vẫn là chống hàng giả. Song song đó, Tổng cục sẽ san sẻ trách nhiệm cùng các đơn vị công tác ở vùng biên để ngăn chặn hàng lậu tuồn vào thị trường nội địa.

“Việc sản xuất hàng giả tràn lan, hàng nhập lậu về tràn lan làm suy giảm sức sản xuất của DN”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Lực lượng QLTT cũng sẽ tăng cường quản lý và ngăn chặn vi phạm trên môi trường internet, bởi đây cũng là mảng lớn tiềm tàng nguy cơ xâm phạm quyền SHTT. Đơn cử như kể từ khi đợt dịch Covid-19 mới bùng phát, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, rà soát hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang, qua đó phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm, đặc biệt là khẩu trang giả, nhái các thương hiệu lưu thông trên thị trường.

Điển hình là ngày 30/7, Cục Nghiệp vụ Tổng cục QLTT, Tổ công tác 368 và Cục QLTT TPHCM đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị Nam Anh. Công ty này nằm trên đường Trần Đại Nghĩa, quận Bình Chánh, TPHCM. Tại đây, đoàn công tác phát hiện khoảng 120 thùng khẩu trang, chứa hơn 151.000 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M. Đây là vụ xâm phạm SHTT lớn nhất từ đầu năm đến nay về mặt hàng khẩu trang đã được bảo hộ tại Việt Nam. Nếu không được phát hiện, số khẩu trang này dự kiến được đưa ra tiêu thụ toàn quốc.

Theo Trưởng đại diện, Giám đốc Quan hệ và thị trường Công ty TNHH 3M Việt Nam Nguyễn Minh Đức, những hỗ trợ của lực lượng QLTT không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của 3M với tư cách chủ thể quyền ở Việt Nam mà còn góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng để tránh sử dụng những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo sức khỏe.

Phối hợp để đẩy lùi hàng giả

Tuy nhiên, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ của đa số DN vẫn còn một số DN còn thờ ờ với chính sản phẩm của mình. Theo ông Trần Hữu Linh, để công tác phòng, chống hàng giả đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc cung cấp thông tin, địa bàn hoạt động cũng như những dấu hiệu vi phạm của đối tượng. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và cơ quan chức năng là một trong những điều kiện tiên quyết để triệt phá thành công các vụ việc vi phạm.

Mới đây, tại Lễ ký Quy chế phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xe máy giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMN), Chủ tịch Hiệp hội VAMN Keisuke Tsuruzono cho biết, Hiệp hội luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam làm trong sạch thị trường, góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam với các Hiệp định thương mại tự do đã tham gia ký kết…

Ông Keisuke Tsuruzono khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ chấm dứt được nạn hàng giả trong ngành công nghiệp xe máy.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế khẳng đinh, việc ký quy chế phối hợp nhằm mục đích tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý với các hành vi buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa Văn phòng Thường trực và VAMN trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý với các hành vi vi phạm.

Theo: Báo Hải quan

Xuất khẩu phương tiện vận tải của Việt Nam sang Nhật Bản đứng đầu về kim ngạch

Trong 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt 4,38 triệu USD.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,38 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,38 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong tháng 7/2020, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 614 triệu USD, giảm 16% so với tháng 7 cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tăng 7,8% so với tháng 6/2020.

Đồng thời, trong số hơn 30 thị trường xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng thì Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc là những thị trường đạt kim ngạch lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Tháng 7, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng sang Nhật Bản đạt 172,49 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 9,7% so với tháng 6/2020. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, hiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với Hoa Kỳ, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng sang thị trường này đạt kim ngạch 151 triệu USD trong tháng 7/2020, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 18% so với tháng 6/2020. Bên cạnh đó, trong 7 tháng đầu năm, con số này đạt 904 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Thị trường lớn thứ 3 đó là Hàn Quốc, với tổng kim ngạch trong 7 tháng đầu năm đạt 261 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Trong tháng 7, con số này đạt 41,84 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 10% so với tháng 6/2020.

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng đã sụt giảm khá nhiều ở hầu hết các thị trường so với năm 2019. Lý do là đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới hầu hết các nền kinh tế toàn thế giới, dẫn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo. Cụ thế, các thị trường có kim ngạch 7 tháng đầu năm bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Thụy Sỹ giảm 94%, Na Uy giảm 91%,…

Theo: Nhịp sống kinh tế

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần bỏ cả các điều kiện gây khó

Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng chính thức có hiệu lực từ 03/8.

Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng chính thức có hiệu lực từ 03/8

Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng chính thức có hiệu lực từ 03/8

Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN.

Theo nghị quyết, việc giảm thuế TNDN chỉ áp dụng cho thu nhập phát sinh trong năm 2020 của các DN có tổng doanh thu trong năm không quá 200 tỷ đồng. Đây được xem là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong trường hợp DN mới thành lập trong năm 2020 (kỳ tính thuế năm 2020 không đủ 12 tháng), Nghị quyết quy định phân bổ doanh thu theo thời gian thực tế DN hoạt động trong năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động.Trong cơ cấu DN của Việt Nam, DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN.

Bộ Tài chính dự kiến với việc giảm thuế nêu trên, thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm 30% số thuế TNDN sẽ góp phần hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các DN tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhiều ý kiến khác nhau

Trên cơ sở lấy ý kiến của các DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN năm 2020 mới đây vẫn còn thiếu nhiều quy định về: Xác định tổng doanh thu trong trường hợp DN có thời gian tạm ngưng kinh doanh; Chưa tính đến tình huống phát sinh là DN tự xác định doanh thu của DN dưới 200 tỷ đồng…

Để tạo thuận lợi cho DN, VCCI khuyến nghị, dự thảo nghị định chi tiết thi hành nghị quyết của Quốc hội nên bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu phải nộp khoản tiền chậm nộp.Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, không nên tách riêng trường hợp DN có thời gian tạm ngưng kinh doanh để áp dụng cách tính tổng doanh thu theo thực tế. Theo ông Nam, nên tính tổng doanh thu theo đủ chu kỳ kinh doanh là 12 tháng. Việc tách riêng như vậy khó áp dụng trong thực tế và không đảm bảo tính công bằng giữa các DN.

Ông Nam cũng không đồng thuận với đề xuất bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu phải nộp tiền chậm nộp đối với DN có doanh thu thực tế khi quyết toán vượt trên 200 tỷ đồng so với lúc kê khai. Theo ông Nam, dịch COVID-19 đang khiến hàng loạt DNNVV phá sản. DNNVV rất khó đạt doanh thu 200 tỷ đồng/năm khi dịch còn diễn biến phức tạp. Do đó, ông Nam cho rằng, nếu bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu sẽ triệt tiêu ý nghĩa hỗ trợ của Nhà nước đối với DN là đối tượng dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.

Theo thống kê từ Bộ KH&ĐT, 7 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ ghi nhận số DN chờ giải thể lớn nhất trong tất cả các ngành kinh doanh, với 8.102 DN. Theo sau bán buôn, bán lẻ là hơn 2.500 DN công nghiệp chế biến, chế tạo và trên 2.356 DN trong ngành xây dựng trong tổng số hơn 21.800 DN trên cả nước tạm ngừng hoạt động chờ giải thể.

Theo: Tiền phong

Cán cân thương mại 7 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD

Dịch COVID-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%

Xuất khẩu tăng trong 7 tháng đầu năm 2020

Xuất khẩu tăng trong 7 tháng đầu năm 2020

Khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng cao 13,5%; nhập khẩu đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 đạt 22.565 triệu USD, cao hơn 1.565 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 448 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 402 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 197 triệu USD; sắt thép cao hơn 137 triệu USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm cao hơn 108 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 107 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 tăng nhẹ 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

Trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 25,7 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt may đạt 16,2 tỷ USD, giảm 12,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,4 tỷ USD, tăng 27,1%; giày dép đạt 9,5 tỷ USD, giảm 7,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,4 tỷ USD, giảm 12,3%; thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%; sắt thép đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,7%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 2 tỷ USD, giảm 12,3%; cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 0,5% (lượng giảm 0,1%); hạt điều đạt 1,7 tỷ USD, giảm 4% (lượng tăng 10,4%); cao su đạt 855 triệu USD, giảm 20,3% (lượng giảm 15,1%); hạt tiêu đạt 405 triệu USD, giảm 20,6% (lượng giảm 6,5%). Duy nhất sản phẩm gạo đạt 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% (lượng giảm 1,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 76,5 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 53,3 tỷ USD, giảm 1,6% và chiếm 36,6% (giảm 0,7 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,6 tỷ USD, giảm 3,7% và chiếm 8% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4% và chiếm 3% (giảm 0,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Thị trường EU đạt 19,5 tỷ USD, giảm 5,9%. Thị trường ASEAN đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,4%. Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, giảm 5%. Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, giảm 0,4%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 đạt 20.713 triệu USD, cao hơn 213 triệu USD so với số ước tính, trong đó thức ăn gia súc cao hơn 160 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 137 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 62 triệu USD.Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,8 tỷ USD, tăng 6,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2020 ước tính giảm 2,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,47 tỷ USD, giảm 6,2%.

Trong 7 tháng có 25 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,6 tỷ USD (chiếm 23,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,9 tỷ USD, giảm 4%; điện thoại và linh kiện đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4%; vải đạt 6,6 tỷ USD, giảm 14,9%; sắt thép đạt 4,8 tỷ USD, giảm 14,1%; chất dẻo đạt 4,6 tỷ USD, giảm 12,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,8%; kim loại thường đạt 3,2 tỷ USD, giảm 12,8%; sản phẩm hóa chất đạt 3,1 tỷ USD, tăng 2,8%; ô tô đạt 2,9 tỷ USD, giảm 32,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,9 tỷ USD, giảm 15,5%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 7 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 130,25 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,08 tỷ USD, giảm 7,3% và chiếm 6,5%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 7 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 41,6 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, giảm 9,2%; ASEAN đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,3%; Nhật Bản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,1%; Hoa Kỳ đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,5%; EU đạt 8,3 tỷ USD, tăng 6%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 xuất siêu 1,9 tỷ USD; 6 tháng xuất siêu 5,5 tỷ USD; tháng Bảy ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD.

Theo: Thương trường

COVID-19: Cú hích lớn cho mua sắm trực tuyến

Trong giai đoạn 2016 – 2020, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tích cực lên tới 30% mỗi năm, theo số liệu của Bộ Công thương. Việt Nam đang phấn đấu để đạt tới con số 55% dân số tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến và doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, theo kế hoạch tổng thể vừa được phê duyệt hồi đầu năm.

Đại dịch được coi là cú hích giúp đẩy nhanh sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, với một lượng lớn người dùng chuyển sang hình thức mua bán trực tuyến

Đại dịch được coi là cú hích giúp đẩy nhanh sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, với một lượng lớn người dùng chuyển sang hình thức mua bán trực tuyến

Ngụ tại quận Long Biên, Hà Nội, bà Võ Thị Thu, 71 tuổi vừa trải nghiệm lần mua sắm trực tuyến lần đầu tiên trong đời. Với sự giúp đỡ của con gái, bà đã đặt mua một chiếc máy làm mì sợi trên mạng.

“Tôi đã rất háo hức chờ đợi món hàng đầu tiên của mình được chuyển đến. Lẽ ra tôi nên mua sắm trực tuyến từ sớm hơn, việc này thật tiện lợi”, bà chia sẻ.

Khác với bà Thu, chị Phạm Thị Hoa, 28 tuổi, đã quen với việc mua hàng online. Tuy nhiên, thay vì chỉ hướng đến các mặt hàng mỹ phẩm như trước đây, chị bắt đầu đặt thêm các loại thực phẩm tươi sống.

“Tôi không cần phải đến tận các cửa hàng để sắm nhu yếu phẩm nữa”, chị chia sẻ với vẻ hài lòng bởi đã có nhiều thời gian hơn để làm việc nhà vào mỗi cuối tuần.

Chị Hoa đã quyết định mua sắm các loại thực phẩm tươi như trứng, cá, rau và trái cây thông qua các ứng dụng trực tuyến lần đầu tiên vào đầu tháng 3, thời điểm xã hội đang phải thực hiện giãn cách bởi dịch bệnh. Trước đó, chị chỉ tin dùng sử dụng các loại thực phẩm được tự tay chọn lựa vì sự an toàn và chất lượng.

“Nhưng chỉ sau vài lần thử nghiệm, tôi rất hài lòng vì chất lượng hàng hóa đã đáp ứng được tới 90% so với kỳ vọng”, chị nhận xét.

Chị Hoa và bà Thu chỉ là vài ví dụ trong số hàng ngàn người tiêu dùng tại Việt Nam đã có những thay đổi trong hành vi mua sắm thường ngày của mình. Các chỉ thị giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh được ban hành vào tháng 3 và tháng 4 đã đem tới nhiều thách thức buộc các doanh nghiệp phải tự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và phân phối để thích nghi với tình hình mới.

Đại dịch được coi là cú hích giúp đẩy nhanh sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, với một lượng lớn người dùng chuyển sang hình thức mua bán trực tuyến.

Một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos đã cho thấy rằng người tiêu dùng Việt Nam đã gặp phải nhiều hạn chế trong việc mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng truyền thống. Khoảng 30% số người tham gia khảo sát cho biết họ cũng ít mua sắm thường xuyên hơn tại các siêu thị, trong khi đó lại ưu tiên các nền tảng thương mại điện tử hoặc dịch vụ giao đồ ăn tại nhà.

Theo Tổng cục Thống kê, mua sắm trực tuyến đã trở nên ngày một phổ biến trong nửa đầu năm 2020. Bất chấp tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế, doanh thu bán lẻ của các doanh nghiệp trên cả nước đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mặt hàng thực phẩm và các đồ dùng liên quan có mức tăng cao nhất, lên tới 7%.

Nhận thấy xu hướng mới trong hành vi của người tiêu dùng, nhiều thương hiệu bán lẻ đã nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình. Họ tập trung nhiều hơn ở các kênh bán hàng trực tuyến và tìm hiểu thêm những chiến lược mới để tiếp cận và thu hút thêm khách hàng.

Nhiều siêu thị đã tiến hành cung cấp thêm các dịch vụ phục mua sắm trực tuyến, đặc biệt là qua các ứng dụng điện thoại. Các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Tiki đã triển khai các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi thường xuyên hơn.

Về phía các công ty công nghệ, nhiều giải pháp mới đã được giới thiệu để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như Grab đã giới thiệu một dịch vụ mới có tên “Trợ lý Grab”. Dịch vụ này sẽ giúp kết nối khách hàng với một tài xế ở gần đó trong việc hỗ trợ họ mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi. Sau đó hàng hóa theo yêu cầu sẽ được giao tới khách hàng trong khoảng một giờ đồng hồ.

Covid-19 không chỉ là một dịp “thử nghiệm” mà còn là động lực lớn giúp các hoạt động thương mại điện tử nở rộ và phát triển.

Theo trích dẫn từ số liệu thống kê, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến lần đầu tăng khoảng 40% trong thời gian diễn ra đại dịch. Ông cũng đưa ra dự báo rằng quy mô thị trường sẽ mở rộng lên khoảng 13 đến 15 tỷ USD trong năm nay.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển quy mô của thị trường, cũng như sự tin tưởng từ phía khách hàng. Hầu hết trong số đó sẽ cố gắng duy trì việc làm cho đội ngũ nhân viên và rất có thể mở nhiều đợt tuyển dụng hơn trong nửa cuối năm 2020, một khảo sát gần đây của VECOM cho biết thêm.

Theo: Trí thức trẻ

Xuất khẩu nông sản quyết “về đích” 41 tỷ USD bất chấp COVID-19

Xuất siêu gần 5,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành nông, lâm, thủy sản quyết đạt mục tiêu trị giá xuất khẩu 41 tỷ USD trong cả năm nay.

Xuất khẩu nông sản quyết về đích 41 tỷ USD

Xuất khẩu nông sản quyết về đích 41 tỷ USD

Theo thông tin mà Bộ NN&PTNT vừa phát đi chiều tối nay, 27/7, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 39,5 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng về xuất khẩu, trong tổng số 22,3 tỷ USD, nhóm nông sản chính ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 4,0%; chăn nuôi ước đạt 213 triệu USD, giảm 24,9%; thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 6,7%.

Đại diện Bộ NN&PTNT nhận định, những tháng cuối năm tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể như, bất ổn liên quan dịch Covid-19, chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực; xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu…

Tuy vậy, Bộ NN&PTNT nhận định thời gian tới, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng sẽ mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích như trên, Bộ NN&PTNT dự kiến phương án tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 – 3%; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phân tích: “Nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì ngành nông nghiệp vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm. Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch Covid-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định”.

Để đạt được tăng trưởng toàn ngành cũng như mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, giải pháp cụ thể đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, theo 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”).

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực; tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

“Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng còn là triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các FTA đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường; chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực…”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Tính đến giữa tháng 7/2020, cả nước gieo cấy được 6,4 triệu ha lúa, giảm 182 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2019.

Về chăn nuôi, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7/2020, tổng đàn lợn giảm 3,0% so với cùng kỳ; đàn gia cầm tăng 5,5%; đàn bò tăng 3,0%.

Về lâm nghiệp, tính chung 7 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới của cả nước ước đạt 119,0 nghìn ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 8.985,0 nghìn m3, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.647,2 ha, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về thủy sản, lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng ước đạt gần 4,65 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo: Báo Hải quan

Hàng hóa qua cảng biển duy trì đà tăng, bất chấp COVID-19

Lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng trong bối cảnh hoạt động hàng hải đang chịu tác động của dịch COVID-19.

Hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt dù dịch Covid-19 vẫn đang có sự tác động mạnh mẽ vào hoạt động hàng hải nói chung - Ảnh minh họa

Hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt dù dịch Covid-19 vẫn đang có sự tác động mạnh mẽ vào hoạt động hàng hải nói chung – Ảnh minh họa

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 397,5 triệu tấn, trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt hơn 11,8 triệu Teus, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng tháng 7/2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt gần 57,8 triệu Teus, tăng 1%, trong đó, hàng container đạt hơn 1,68 triệu Teus, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

“Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 là mức tăng trưởng tốt trong những tháng gần đây, dù hoạt động hàng hải chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19”, đại diện Cục Hàng hải khẳng định.

Trước đó, thống kê trong 6 tháng đầu năm của Cục Hàng hải VN, dù hoạt động hàng hải vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19, song, sản lượng hàng hóa qua một số khu vực cảng biển vẫn đạt mức tăng trưởng hai con số như: cảng biển Quảng Trị tăng hơn 72% do mới phát sinh hàng xuất khẩu gỗ dăm sang Trung Quốc và hàng cát, thạch cao chở ra Ninh Bình; khu vực Quảng Ngãi tăng 44% do nhập khẩu mặt hàng khô, tổng hợp tăng mức kỷ lục hơn 1.300%.

Ngoài ra, một số khu vực cảng biển như: Nam Định, Cần Thơ, Thanh Hóa, Thái Bình cũng có mức tăng tương đối cao, từ 20 – 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, một số khu vực cảng biển có mức tăng hàng hóa container mạnh như: khu vực Mỹ Tho tăng 354%, Thanh Hóa tăng 115%, An Giang tăng 85%, Đà Nẵng tăng 11%,…

Theo: Báo Giao thông

Khởi động làn sóng cải cách mới để “đón đại bàng về làm tổ”

Ưu đãi về thuế quan hay đất đai là chưa đủ để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư. Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc diễn ra kể từ khi quan hệ thương mại Mỹ – Trung trở nên căng thẳng từ năm 2018. Đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến xu hướng này càng bộc lộ rõ nét hơn.

Ưu đãi về thuế quan hay đất đai là chưa đủ để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư

Ưu đãi về thuế quan hay đất đai là chưa đủ để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, kể từ tháng 8/2019 đến nay, Ấn Độ và Indonesia đã đẩy mạnh việc thu hút các tập đoàn quốc tế đang có kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Đến nay, đã có nhiều thông tin về việc các nhà đầu tư có kế hoạch dịch chuyển đầu tư tới Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển sẽ không ngay lập tức, mà thường có lộ trình khoảng 2 – 5 năm, do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện nên không thể nhanh chóng chuyển dịch.

Qua nghiên cứu các công bố chính sách thu hút FDI gần đây của một số nước trong khu vực; có thể thấy chính phủ các nước đang chủ yếu dùng 5 công cụ, gồm: thuế, đất đai, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp gói hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề và có biện pháp tăng rào cản nhằm ngăn chặn tình trạng thâu tóm trong một số lĩnh vực…

Điển hình như Indonesia có kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% về mức 23% năm 2021 hay cam kết dành 400 ha cho các nhà đầu tư. Ấn Độ cũng miễn thuế từ 4-10 năm cho các dự án đầu tư trong 1 số lĩnh vực ưu tiên và cam kết dành ra quỹ đất rộng 461 ha nhằm thu hút doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Theo đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận nhiệm vụ Tổ trưởng. Tổ phó thường trực là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, còn tổ phó là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Có thể thấy, Chính phủ đã quyết liệt hơn trong việc đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư, “đón đại bàng về làm tổ”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh việc đưa ra những ưu đãi về thuế hay đất đai, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng là một trong những nội dung cần chú trọng nếu muốn đón làn sóng chuyển dịch này.

Khởi động “làn sóng” cải cách lần thứ 3

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh là đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nếu muốn tận dụng làn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư.

TS. Lộc nhìn lại, kể từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, đã có 2 “đợt sóng” cải cách rất quan trọng.

Năm 2016, đã có một đợt rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh và cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh.

“Việc cắt giảm này nhằm thực hiện đúng theo quy định của Luật đầu tư: Chỉ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, chính phủ mới được hướng dẫn thi hành trong nghị định của Chính phủ chứ không có giấy phép con”, ông Lộc nhấn mạnh.

Có thể nói, đây là “đợt sóng” cải cách đầu tiên về điều kiện kinh doanh và cải cách hành chính của nhiệm kỳ này.

Năm 2018, Việt Nam có đợt sóng cải cách thứ 2 khi Chính phủ áp đặt một mệnh lệnh bắt buộc các bộ, ngành phải trình phương án cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.

Mặc dù, mức cắt giảm và tác động thực tế là thấp hơn, có thể là 30-40% nhưng dù sao đây cũng là một “đợt sóng” cải cách có ý nghĩa.

Đến năm nay, thực sự cần thiết phải tiến hành một “đợt sóng” cải cách mới trong bối cảnh Việt Nam đang ra sức thu hút đầu tư và là một trong những điểm đến của xu hướng dịch chuyển đầu tư.

VCCI đã phát hiện ít nhất 25 điểm còn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật và kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội chương trình tổng thể để xoá bỏ những điểm còn chồng chéo và bất hợp lý trong các văn bản pháp luật.

TS. Lộc cho biết, những kiến nghị từ VCCI đã được Chính phủ ghi nhận và thành lập một tổ công tác để rà soát những điểm chồng chéo, bất hợp lý của các văn bản pháp luật. Hy vọng với hoạt động từ 14 nhóm công tác trong tổ công tác, sẽ có hàng loạt kiến nghị sửa đổi những điểm bất hợp lý trình lên Quốc hội.

“Và nếu sửa đổi được những điểm này, chúng ta sẽ có cơn sóng cải cách mới về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh ở Việt Nam”, ông Lộc kỳ vọng.

Theo: Bizlive

Nửa đầu năm, cả nước xuất siêu 4 tỷ USD

Cả nước vẫn xuất siêu 4 tỷ USD, dù hoạt động xuất nhập khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng.

Xuất siêu 4 tỷ USD trong nửa đầu năm

Xuất siêu 4 tỷ USD trong nửa đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 121,21 tỷ USD, giảm1,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%.

Trong 6 tháng đầu năm Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều nhập khẩu khẩu, trong 6 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Dù có một số chỉ số tích cực, song hoạt động ngoại thương của Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN…

Liên quan tới vấn đề xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay, theo kết quả khảo sát gần 130 nghìn doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Thời gian tới, Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.

Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.

Trong quý II, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ở một số quốc gia, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng khả quan hơn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, khi đã suy giảm trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật tăng lên trong những tháng tới. Tuy không ở mức quá cao, song ít nhiều cũng bù đắp phần nào mức giảm những tháng vừa qua, tiệm cận dần mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra từ đầu năm.

Theo: Báo Công Thương

TP. HCM: Có 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

5 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm đến trên 80% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của TPHCM.

Nhiều nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao

Nhiều nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố xuất qua các cảng thành phố (kể cả dầu thô) 6 tháng năm 2020 ước đạt 19.087,6 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.203,6 triệu USD, giảm 23,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 5.239,3 triệu USD, giảm 6,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12.644,7 triệu USD, tăng 15,7%.

Điểm nhấn đáng chú ý, trong 6 tháng có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước;

Kế đến là nhóm hàng hoá khác đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 17,1%, giảm 12,5%; thứ 3 là hàng dệt may đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 11,2%, giảm 20,1%; thứ 4 là nhóm hàng giày dép đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 5,9%, giảm 8,4%; thứ 5 là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 5,4%, tăng 0,8%.

Thị trường xuất khẩu hàng hoá chủ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu qua các cảng thành phố vẫn là Trung Quốc (đạt 5.092,3 triệu USD, chiếm 26,7% tỷ trọng xuất khẩu, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước), Hoa Kỳ (đạt 3.182,5 triệu USD, chiếm 16,7%, tăng 2,8%), Nhật Bản (đạt 1.466,7 triệu USD, chiếm 7,7%, giảm 7,7%).

Theo: Báo Hải Quan