Giảm hơn 17.500 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển

Năm 2019, số container phế liệu tại cảng biển giảm hơn 17.500 container so với năm trước.

Số container hàng hóa phế liệu tại cảng biển giảm mạnh nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chức năng

Số container hàng hóa phế liệu tại cảng biển giảm mạnh nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chức năng

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2019, số container hàng hóa là phế liệu tồn đọng lưu giữ tại các cảng đã giảm 17.567 container so với năm 2018.

Tính đến tháng 11/2019, số lượng container phế liệu được lưu giữ tại cảng biển là 8.748 container. Trong đó, có 3.102 container được lưu dưới 30 ngày, 46 container lưu tại kho, bãi từ 30 – 90 ngày và 5.600 container tồn đọng tại kho, bãi, cảng trên 90 ngày.

Phía Cục Hàng hải VN cho hay, để kéo giảm lượng container phế liệu tồn đọng tại cảng biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 27 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Đến tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 35 ban hành quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu. Trong đó quy định rõ, khi phát sinh các vấn đề cần xử lý thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì và các đơn vị khác phối hợp; Khi phát sinh vụ việc thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên sẽ chủ trì xử lý.

“Hiện tại, Cục Hàng hải VN vẫn tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đưa về Việt Nam.

Cục cũng liên tục có văn bản yêu cầu các DN cảng biển phải thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, đốc thúc hãng tàu biển báo cáo thông tin về các chủ hàng của lô hàng phế liệu bị tồn tại cảng; Kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định; Đồng thời, thực hiện miễn giảm giá dịch vụ lưu kho, lưu bãi để tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu có thể rút hàng về”, đại diện Cục Hàng hải nói.

Được biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và ý kiến của Bộ, ngành liên quan, vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất Chính phủ hướng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển.

Với những lô hàng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu hết thời hạn thông báo theo quy định nhưng không có người đến nhận, Hội đồng xử lý hàng hóa phải phối hợp với tổ chức giám định kiểm kê, phân loại. Nếu hàng tồn đọng là phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan phải yêu cầu hãng tàu vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Trường hợp hãng tàu cố tình không vận chuyển, cơ quan hải quan lập danh sách làm cơ sở kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Khoa học – Công nghệ có biện pháp xử lý hoặc dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.

Theo Báo Giao Thông

Thái Lan là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam tại Đông Nam Á

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Thái Lan gần 8 tỷ USD. Đây cũng là thị trường đứng đầu Đông Nam Á về trị giá nhập khẩu của Việt Nam.

Ô tô nguyên chiếc các loại là mặt hàng Thái Lan xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam

Ô tô nguyên chiếc các loại là mặt hàng Thái Lan xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam

Cụ thể, tổng kim ngạch nhập của Việt Nam từ thị trường Thái Lan là 7,9 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 12,85 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 31,2 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%.

Như vậy, hết tháng 8, tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Thái Lan bằng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Nhóm hàng mà nước ta nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường này là ô tô nguyên chiếc các loại với trị giá nhập khẩu là 1,14 tỷ USD. Như vậy, sau 8 tháng, nhóm hàng này chiếm 17% tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này.

Trong tháng 8, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là từ Thái Lan với 4.266 chiếc. Chính vì số lượng ô tô nhập khẩu quá nhiều từ thị trường này đã làm tăng mối lo ngại về sức cạnh tranh cho thị trường ô tô trong nước.

Ngoài ra, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đứng ở vị trí thứ hai với tổng trị giá nhập khẩu là 661,2 tỷ triệu USD. Còn hàng điện gia dụng và linh kiện chiếm vị trí thứ ba với trị giá nhập khẩu hết 8 tháng 2019 là 663,1 triệu USD.

Theo Thương trường

Acmecs-6: đẩy mạnh hợp tác tiểu vùng Mê Kông – tiến đến AEC

(Vietnam Logistics Review) Với nỗ lực hợp tác khu vực cùng việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó có Chiến lược Hợp tác kinh tế 3 dòng sông (ACMECS). VN sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, bao gồm tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Nhật Bản, Trung Quốc.

KHU VỰC TIỂU VÙNG MÊ KÔNG

Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông bao gồm Thái Lan, VN, Lào, Campuchia và Myanmar được đánh giá là khu vực quan trọng ở vùng Đông Nam Á, tập trung các nước nằm ở hạ lưu sông Mê Kông chạy từ vùng núi cao ở Trung Quốc và đổ ra Biển Đông. Với tổng diện tích 2,3 triệu km2, đông dân cư (320 triệu người), đa sắc tộc và có các nền văn hóa rất phong phú, lưu vực sông Mê Kông giàu tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Các nước Mê Kông duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá, trung bình khoảng 6-7%/năm. Hiện có hơn 10 cơ chế hợp tác Mê Kông đang hoạt động và bổ trợ hữu hiệu cho hợp tác song phương giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến khuôn khổ Chiến lược Hợp tác kinh tế 3 dòng sông (ACMECS) và Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).

Chiến lược ACMECS

ACMECS (lấy tên 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mê Kông) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và VN nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. ACMECS hình thành dựa trên sáng kiến của Thái Lan vào năm 2003 trong bối cảnh đã khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính năm 1997, muốn tranh thủ mở rộng thị trường, tận dụng tài nguyên, lao động của các nước láng giềng. Đến nay ACMECS được xác định với 8 lĩnh vực ưu tiên: tạo thuận lợi thương mại và đầu tư; nông nghiệp; hợp tác công nghiệp và năng lượng; kết nối giao thông du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế và hợp tác về môi trường. VN chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ 1 tại Thái Lan, tháng 11.2004.

Sau hơn 10 năm, sự hợp tác chiến lược mà các nước thành viên ACMECS đã có những tiến triển tích cực. Nền kinh tế 5 nước đều đang khởi sắc, tăng trưởng tích cực và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Đông Nam Á. Sự hợp tác mạnh mẽ và gần gũi giữa các nước thành viên ACMECS sẽ có lợi cho khối ASEAN trên con đường xây dựng AEC, cũng như nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị thế trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nhất là cùng nằm trên giao lộ kết nối giữa Đông Nam Á và các thị trường rộng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả hợp tác ACMECS, nhất là trong liên kết giao thông thông qua phát triển các tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây và Hành lang phía Nam đã góp phần cắt giảm chi phí giao thông, nâng cao tính cạnh tranh của khu vực.

Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 6 diễn ra tại Myanmar vào ngày 23.6.2015 đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các nước thành viên, đặc biệt là các chương trình hợp tác vì sự phồn thịnh của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực. Đánh giá về kế hoạch hành động giai đoạn 2013-2015, các nhà lãnh đạo cho rằng kế hoạch đã đạt tiến bộ nhất định, đặc biệt trong kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa 5 nước, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông – Tây, Hành lang kinh tế phía Nam, phát triển du lịch xanh và hợp tác nông nghiệp.

Hội nghị cũng thông qua kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế, đưa ACMECS thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực ACMECS, đặc biệt ở các khu vực biên giới. Để khai thác triệt để tiềm năng hợp tác giữa các nước thành viên ACMECS, trong thời gian tới cần đặt trọng tâm vào các nội dung:

– Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp – lĩnh vực có tiềm năng và là ngành sản xuất chiếm tỷ lệ lao động lớn nhất tại các nước ACMECS. Mục tiêu chính là hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng suất lao động thông qua thu hút đầu tư, tạo quy mô kinh tế lớn hơn và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại; phát triển ngành công nghiệp chế biến để tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng, từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Từ những kinh nghiệm của Thái Lan trong nỗ lực phát triển ngành chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp, các nước thành viên ACMECS có thể học hỏi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong việc xây dựng thương hiệu trong khu vực nông sản, nâng cấp các chương trình hợp tác với các đối tác và thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, hợp tác lúa gạo giữa các thành viên ACMECS cần tập trung vào lĩnh vực sản xuất và chuyển giao công nghệ trước và sau thu hoạch.

– Thứ hai, tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại biên giới, đặc biệt là dọc các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng; thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết; phối hợp xây dựng các chính sách mới thúc đẩy thương mại, đầu tư và hình thành các tuyến vận tải mới kết nối năm nước. Các nước cần sớm triển khai mô hình kiểm tra một lần dừng tại các cặp cửa khẩu dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây và Hành lang kinh tế phía Nam.

– Thứ ba, hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; phối hợp thực hiện đánh giá chung về tác động môi trường xuyên biên giới. Bên cạnh nguồn nội lực, các nước ACMECS cần phối hợp cùng vận động hỗ trợ từ các đối tác trong triển khai các dự án hợp tác.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với hội nhập ASEAN chính là khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN, đặc biệt là giữa các nước Campuchia – Lào – Myanmar – VN với các nước ASEAN. Do đó, các nỗ lực hợp tác tiểu vùng Mê Kông có ý nghĩa lớn lao trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước Campuchia – Lào – Myanmar – VN vào tiến trình phát triển chung của khu vực. Các hợp tác này một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của các nước này, mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển.

Dương Ngọc

Theo: Vietnam Logistics Review