Nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, giảm chi phí trong hoạt động XNK, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hữu ích. Tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 6/4, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám đã trao đổi nhiều thông tin xung quanh nội dung này.
Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám. |
Thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong điều hành, quản lý tạo thuận lợi thương mại. Ông có thể chia sẻ những việc đã làm của ngành Hải quan trong thời gian qua?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã không ngừng cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ và cộng đồng DN đánh giá cao.
Nổi bật là các giải pháp ứng dụng CNTT đã giúp thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử. Theo đó đã bãi bỏ một số thủ tục hành chính góp phần cắt giảm giờ công, tiết kiệm nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý và tiết kiệm chi phí cho DN. Điển hình như việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện vận tải XK, qua khảo sát các DN và báo cáo của cục hải quan các tỉnh, thành phố, cơ quan Hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công mỗi năm; các DN cũng tiết kiệm được nhiều khoản chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, giảm bớt nhân lực.
Đặc biệt, với vai trò giúp Bộ Tài chính làm Cơ quan Thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan đã thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tính đến ngày 20/2/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 244 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,8 triệu bộ hồ sơ của hơn 51,8 nghìn DN. Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức, đến nay, số bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia đã tăng gấp 4 lần; số lượng thủ tục hành chính tăng 39 lần; số lượng DN tham gia tăng khoảng 23 lần; số lượng hồ sơ được khai báo tăng khoảng 193 lần.
Ngoài ra, ngành Hải quan còn chú trọng triển khai dịch vụ công trực tuyến; phối hợp xây dựng cửa khẩu số; thực hiện đề án kiểm tra chuyên ngành; cung cấp phần mềm khai hải quan miễn phí cho DN XNK…
Một số kết quả nổi bật mà các giải pháp kể trên đã mang lại cho DN, DN sẽ giảm được những chi phí nào và mức giảm ra sao, thưa ông?
Nhằm hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 29/12/2021, Tổng cục Hải quan đã chính thức cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho DN trong lĩnh vực XNK. Phần mềm miễn phí này sẽ giúp DN tiết kiệm được chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị, chi phí bản quyền phần mềm. Đồng thời giúp DN, người dân sớm tiếp cận và có sự chủ động với những thay đổi của ngành Hải quan khi thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh.
Theo tính toán của cơ quan Hải quan, với khoảng 92 nghìn DN XNK đang hoạt động, việc cung cấp phần mềm miễn phí sẽ giúp các DN tiết kiệm được khoảng 432 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để tạo đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK.
Việc đổi mới mô hình kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm chi phí và thời gian, giúp tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của DN trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.
Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ triển khai thêm các hoạt động gì để tiếp tục giúp DN đẩy nhanh tiến độ thông quan, giảm chi phí XNK, thưa ông?
Mới đây, ngày 8/2/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ, nhằm tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN.
Ngành Hải quan cũng sẽ tập trung hoàn thiện Đề án “Thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số” và dự kiến sẽ triển khai áp dụng thí điểm từ năm 2023. Đây là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ. Đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, DN.
Toàn bộ dữ liệu trên hệ thống sẽ được tập trung thành cơ sở dữ liệu lớn, được phân tích xử lý thông minh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), được tự động cập nhật, trao đổi dữ liệu với các cơ quan có liên quan và cho phép xử lý thông tin trước khi hàng đến và trước khi hàng đi… Việc hoàn thành đề án và đưa Hệ thống hải quan số, Hải quan thông minh vào triển khai ứng dụng sẽ tạo bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa XK, là tiền đề để thực hiện Hải quan số, Hải quan phi giấy tờ.
Theo Báo Hải Quan