Ứng dụng công nghệ hiện đại, tự chủ thiết kế để phù hợp với thị trường Việt Nam, Trung tâm Logistics miền Nam của ViettelPost giúp giảm thời gian toàn trình kết nối bưu phẩm đến 6 giờ, đồng thời hỗ trợ tiết kiệm 91% nhân lực.
Vụ trưởng Vụ Bưu chính Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Trọng Đường và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Logistics miền Nam của Viettel Post
Ngày 24/01, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) khai trương Trung tâm Logistics miền Nam tại quận 12, TP. HCM.
Được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong vận hành và giám sát, Trung tâm Logistics miền Nam của Viettel Post gồm hai bộ phận chính là trung tâm chia chọn và trung tâm Fulfillment (trung tâm hoàn tất đơn hàng).
Trong trung tâm Fulfillment, Viettel Post cung cấp đầy đủ các dịch vụ gồm: nhập hàng vào kho, lưu kho, xử lý đơn hàng, dán nhãn, xuất hàng, chia chọn, vận chuyển bằng việc ứng dụng công nghệ robot AGV vận chuyển hàng hóa và lưu trữ tự động, sắp xếp hàng hóa và điều phối đơn một cách ngẫu nhiên dựa theo tối ưu đường đi.
“Dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ cung cấp giải pháp toàn diện cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng kinh doanh thương mại điện tử. Khách hàng chỉ cần tập trung vào bán hàng, toàn bộ các khâu hậu cần sẽ được Viettel Post thực hiện một cách tự động để đưa hàng đến tay khách hàng một cách nhanh nhất”, đại diện Viettel Post chia sẻ.
Hệ thống băng chuyền chia chọn tự động tại Trung tâm Logistics miền Nam do Viettel Post làm chủ thiết kế và công nghệ
Tại trung tâm chia chọn mới được ra mắt, hệ thống băng chuyền chia chọn tự động có công suất 42.000 bưu phẩm/giờ, với 360 cổng chia hàng nhỏ và 41 cổng chia hàng nặng. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, đây là hệ thống duy nhất tại Việt Nam tích hợp được chia tự động hàng nặng đến 50kg và hàng nhỏ trên cùng một kịch bản chia, do Viettel Post làm chủ sáng kiến và công nghệ.
Băng chuyền chia chọn tự động này sẽ giúp Viettel Post thay đổi hoàn toàn cách làm cũ, khi cho phép chia chọn tự động chính xác đến từng quận, huyện. Hàng hóa sau khi được chia chọn qua Trung tâm Logistics miền Nam sẽ được kết nối đến khách hàng mà không cần thực hiện chia chọn lần hai như trước đây.Tại trung tâm chia chọn mới được ra mắt, hệ thống băng chuyền chia chọn tự động có công suất 42.000 bưu phẩm/giờ, với 360 cổng chia hàng nhỏ và 41 cổng chia hàng nặng. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, đây là hệ thống duy nhất tại Việt Nam tích hợp được chia tự động hàng nặng đến 50kg và hàng nhỏ trên cùng một kịch bản chia, do Viettel Post làm chủ sáng kiến và công nghệ.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát an ninh và giám sát tại Trung tâm Logistics miền Nam cũng được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát luồng vận hành “Một vào – Một ra” duy nhất, nhận diện người vào, xe vào; tự động cảnh báo khói, cháy nổ trong kho…
Ứng dụng công nghệ hiện đại, tự chủ thiết kế để phù hợp với thị trường Việt Nam, đại diện Viettel Post khẳng định: Trung tâm Logistics miền Nam là một hạ tầng logistics hoàn chỉnh giúp lưu thông dòng chảy hàng hóa đạt cả 2 yếu tố là tốc độ và chính xác, giảm thời gian toàn trình kết nối bưu phẩm đến 6 giờ, tỷ lệ sai sót trong chia chọn gần như bằng không, tối ưu 91% nhân lực và cung cấp giải pháp hoàn tất đơn hàng tự động cho khách hàng.
Theo Tổng Giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng, sự kiện khai trương Trung tâm Logistics miền Nam đánh dấu bước phát triển mới của Tổng công ty trong lộ trình dịch chuyển từ doanh nghiệp bưu chính chuyển phát sang doanh nghiệp Logistics, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp Logistics số 1 Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao vào năm 2025.
“Tại Việt Nam, hiện doanh nghiệp logistics nước ngoài đang kiểm soát đến 80% dòng chảy hàng hóa. Nếu chúng ta không thay đổi, vươn mình, làm chủ về công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, một ngày nào đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ “biến mất” trên chính đất nước mình. Việc Viettel Post khai trương Trung tâm Logistics miền Nam không chỉ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty mà còn góp phần xây dựng hạ tầng Logistics quốc gia, là nền tảng để phát triển kinh tế số đất nước”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trong định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2021, với lĩnh vực Bưu chính, Bộ TT&TT đã xác định mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số.
Theo Ictnews