Dù đã triển khai được dịch vụ 3PL, chủ tịch Bùi Tuấn Ngọc của Transimex vẫn đánh giá doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia vào logistics ở mức sơ cấp.
Ngày 12.8 vừa qua, công ty Transimex Sài Gòn chính thức khởi công xây dựng “kho ngoại quan và trung tâm logistics khu công nghệ cao” sau hơn nửa năm nhận giấy phép đầu tư. Đây là dự án có diện tích 10 ha với nhiều loại kho, đạt tiêu chuẩn quốc tế và dự kiến sẽ đi vào khai thác vào đầu năm 2016. Ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch Transimex Sài Gòn, bày tỏ hy vọng dự án sẽ tạo thêm cơ sở để Công ty tập trung phát triển cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng và cung cấp logistics trọn gói bên thứ 3 (3PL).
Ngoại – nội song toàn
Không chỉ riêng Transimex mong muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics toàn diện, mà cũng chính là đích ngắm của rất nhiều công ty khi tham gia vào ngành này. Sự tác động từ các hiệp định tự do thương mại cùng những hoạt động mang tính bành trướng về thị trường là bàn đẩy cho doanh nghiệp logistics tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Có đến 40-50% công ty ở các nước phát triển sử dụng “dịch vụ logistic thuê ngoài trọn gói” để luân chuyển hàng hóa của họ. Ở Việt Nam, các công ty lớn như Masan, Vinaphone đã đi đầu trong xu hướng này.
Thực tế ngành cho thấy, các tập đoàn logistics có doanh thu cao nhất thế giới cũng là những đơn vị dẫn đầu về cung cấp hợp đồng logistics trọn gói toàn diện. Có thể kể đến những cái tên như DHL, Kuehne + Nagel hay DB Schenker.
Tại Việt Nam, tổ chức Amstrong & Associates công bố rằng thị trường cung cấp dịch vụ logistics tổng hợp 3PL trong năm 2014 mới chỉ đạt giá trị khoảng 1,2 tỉ USD, còn rất thấp so với thế giới và đang nằm trong tay các ông lớn nước ngoài như DHL Logistics, Damco, FedEx, APL. Tuy nhiên, phía Việt Nam đã nổi lên những cái tên như Gemadept, Vinafco hay Transimex cũng rất nỗ lực để trở thành nhà cung cấp dịch vụ 3PL.
Hãy xem những “con số biết nói” mà các doanh nghiệp logistics của Việt Nam đã đạt được kể từ khi tham gia cung cấp dịch vụ trọn gói này.
Đầu tiên là Gemadept. Năm 2014, mảng dịch vụ logistics tổng hợp 3PL của công ty này đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 28% và lợi nhuận trước thuế tăng 175% so với năm 2013. Họ có 8 trung tâm phân phối logistics từ Nam ra Bắc và đang phục vụ cho hơn 40 khách hàng lớn, cả đa quốc gia (Samsung) lẫn trong nước (Vinamilk, Masan, Kinh Đô).
Tiếp theo là Transimex Sài Gòn. Sau khi nâng cấp cảng ICD (cảng thông quan nội địa) vào năm 2011 và đầu tư thêm trung tâm phân phối hồi năm 2013, doanh thu năm 2014 của Transimex Sài Gòn là 480,8 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt 138 tỉ đồng. Ðây là mức tăng gấp 2,7 lần doanh thu và gấp 3,7 lần lãi sau thuế so với 5 năm về trước.
Và không thể không nhắc đến “ngôi sao” khác là Vinafco. Từ khả năng cung cấp trọn gói dịch vụ logistics 3PL, Vinafco cũng đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành những hợp đồng quốc tế lớn như Akzo Nobel (Sơn Dulux), Kimberly-Clark (Kotex). Vinafco đang có khả năng cung cấp dịch vụ 3PL tại các vị trí kinh tế chiến lược như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Hậu Giang. Công ty này cũng triển khai phần mềm quản lý kho tiên tiến, giúp giảm 50% thời gian làm việc, phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường.
Nhưng dù đã triển khai được dịch vụ 3PL, ông Bùi Tuấn Ngọc, Transimex, vẫn đánh giá rằng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào logistics mới chỉ ở mức sơ cấp. Bài toán không dễ trong ngành này là các công ty buộc phải ứng dụng trình độ công nghệ thông tin, thuật toán ở mức độ cao liên tục. Bên cạnh đó, các công ty cũng phải có những mở rộng lớn về cơ sở hạ tầng để tận dụng “lợi thế quy mô” trong quá trình vận tải, lưu kho, lưu bãi. Từ đó mới tối ưu hóa hoạt động, loại bỏ các chi phí vô ích.
Sự tự thân vận động sẽ không hoàn hảo nếu không nhận được tác động từ các yếu tố khách quan. Với ngành này, ai cũng có thể hiểu rằng cơ sở hạ tầng gồm cầu đường, bến cảng phải phát triển thì tần suất lưu thông hàng hóa mới gia tăng; hoặc quy trình thủ tục thông quan, các giấy tờ phải nhanh chóng, tinh gọn. Song điều này ở Việt Nam vẫn còn là một câu chuyện dài.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước lân cận. Tỉ lệ này ở Thái Lan là 19%, Trung Quốc 18%, Nhật 11%, Singapore 8%. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam, dù xét chỉ số đo lường hiệu quả logistics (LPI) thì Việt Nam đạt 3,5/5 điểm vào năm 2014, tăng 5 bậc so với năm 2013.
Đi tìm vùng trũng
Dù còn nhiều bất cập, các công ty kinh doanh logistics của Việt Nam vẫn liên tục mở rộng quy mô. Điều này không khó hiểu khi logistics là ngành có quy mô 20-22 tỉ USD, có tốc độ tăng trưởng trung bình 16-20%/năm. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Viện Nomura (Nhật), các doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường logistics và đang dừng ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ khổng lồ này. Doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào logistics còn để đón đầu các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Đi sâu vào các mảng tạo chuỗi giá trị của logistics, thì giao nhận hàng hóa qua khai thác cảng (biển và hàng không) và vận tải (nội địa và quốc tế) là lĩnh vực có nhiều cơ hội, bên cạnh 2 dịch vụ khác là quản lý chuỗi cung ứng và kho bãi. 90% hàng hóa xuất nhập khẩu vào Việt Nam vận chuyển qua đường biển với khoảng 500-600 triệu tấn/năm. Dự kiến đến năm 2020, hàng hóa qua các cảng biển sẽ đạt 1,1 tỉ tấn. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Gemadept, tiết lộ doanh thu từ khai thác cảng ở Gemadept ước góp khoảng 60% tổng doanh thu năm 2015 của công ty này. Đó là vì Gemadept đã đưa vào khai thác 4 trong 6 cảng mà họ đầu tư. Trong đó, cảng Nam Hải Đình Vũ tuy chỉ mới đưa vào khai thác từ tháng 5.2014, nhưng ngay năm đầu tiên đã đạt công suất khai thác 60% và ghi nhận lợi nhuận.
Điều mà Gemadept đạt được là rất đáng nói, bởi các cảng biển thường phải chịu lỗ 2-3 năm đầu tiên và hoàn vốn trong một thời gian không ngắn, khoảng hơn 10 năm. Nam Hải Đình Vũ là trọng điểm chiến lược trong chuỗi cảng biển toàn quốc của Gemadept. Cho nên, ông lớn này sẽ khai thác triệt để 2 cảng Nam Hải và Nam Hải Đình Vũ ở mức 100% công suất trong năm 2015.
Nam Hải và Nam Hải Đình Vũ đều là cảng nằm trong khu vực Hải Phòng. Báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán BIDV cho thấy đây là khu vực mà hàng hóa xuất nhập khẩu đi qua đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 14,6%/năm trong giai đoạn 2009-2014. Các cảng hoạt động tại đây như Đình Vũ, Hải An, Greenport đều có vị trí thuận lợi khi gần các khu công nghiệp lớn, có khả năng đón tàu trọng tải lớn nên đạt hiệu quả khai thác tối ưu.
Cần cái bắt tay
Nhưng tham gia vào khai thác cảng biển là một cuộc chơi của tiền và tiền, cần sự bắt tay qua lại. Một dẫn chứng là cảng Nam Hải Đình Vũ có quy mô vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng và Gemadept nắm 84,66% vốn điều lệ. Tương tự, Transimex góp vốn liên doanh vào Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Transimex còn liên doanh với Công ty Nippon Express và Vinafreight. Ngoài hỗ trợ cho tham vọng chuyên sâu vào cung cấp dịch vụ 3PL của Transimex, tất cả các khoản góp vốn này đang góp hơn 50% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho Công ty.
Về vận tải, nhờ sự bảo hộ mà Việt Nam chiếm phần lớn các tuyến vận tải thủy bộ nội địa. Còn trên quốc tế, Việt Nam chỉ mới tham gia các tuyến ngắn và trong khu vực lận cận như Việt Nam-Phnom Penh. Phạm vi hoạt động của các công ty Việt Nam chưa đủ khả năng mở rộng như các “siêu trùm logistics quốc tế” là APL (gần 100 quốc gia) hay Maersk (60 quốc gia). Ngoài ra, do các công ty xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp FDI hoặc là công ty làm gia công, nên khâu giao nhận thường giao cho các công ty quốc tế triển khai. Hiếm có cơ hội để các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi logistics toàn cầu.
Tuy nhiên, cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong mảng vận tải lại nằm ở năng lực đưa ra các gói vận tải hàng hóa với mức cước tối ưu. Hiểu nôm na là triển khai gói hợp đồng vận tải đa phương thức gồm chọn lựa hãng tàu vận tải nội địa thủy bộ, đưa hàng đến cảng, sau đó lựa chọn hãng tàu, hãng hàng không vận tải quốc tế với mức cước rất cạnh tranh. Các công ty Việt Nam như Gemadept, Transimex, Vinafco đều đủ mạnh để triển khai các chiến lược này. Đặc biệt, theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam, khi vận tải chiếm từ 40-60% chi phí logistics và doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 18% tổng nhu cầu vận tải biển hàng hóa xuất nhập khẩu, tiềm năng thị trường dịch vụ vận tải của Việt Nam là rất hứa hẹn.
Mấu chốt trong triển khai vận tải là công ty phải xây dựng được các cảng thông quan nội địa (ICD). ICD là nơi tập kết hàng hóa xuất từ các chủ hàng, đóng thành container rồi sau đó chuyển ra cảng. Hoặc theo chiều ngược lại là nhận hàng nhập từ cảng, dỡ hàng khỏi container và vận chuyển đến người nhận.
Thực tế, trong triển khai dịch vụ kho bãi, mô hình “trung tâm phân phối (DC)” mới là bước phát triển tân tiến. Các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử như Samsung, Unilever, P&G, Vinamilk đều có nhu cầu sử dụng DC vì mô hình này cho phép truy xuất thông tin, hàng hóa nhanh và chính xác.
Vì thế, trong đầu tư cho logistics, hầu hết các công ty lớn đều ưu tiên mở rộng diện tích DC. Năm 2015, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Gemadept sẽ “Bắc tiến”. Gemadept dự kiến đầu tư mạnh vào các trung tâm logistics, kho, cảng tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương. Ngoài ra, Gemadept cũng vừa mở rộng hoạt động logistics xuống Đồng bằng Sông Cửu Long khi bắt tay với Công ty Thủy sản Minh Phú đầu tư Trung tâm logistics và Kho lạnh tại Hậu Giang.
Trong khi đó, với Transimex Sài Gòn, một khi đưa vào hoạt động Trung tâm logistics tại Đà Nẵng và Kho ngoại quan – Trung tâm Dịch vụ hậu cần Logistics ở Khu công nghệ cao (TP.HCM), công ty này có thể phát triển dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng cho các mặt hàng thiết bị, linh kiện điện tử từ dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đây là bước đầu tư giúp Transimex đẩy mạnh hơn nữa hoạt động cung cấp 3PL.
Nhìn ở tầm vĩ mô, dịch vụ logistics sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất nhập khẩu. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa mới ban hành quyết định về quy hoạch phát triển logistics trong cả nước đến năm 2020, với mục tiêu đạt tăng trưởng ở tầm 20-25% năm, góp 10% GDP của quốc gia. Trong đó, hình thức dịch vụ 3PL, thương mại điện tử và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ là những mũi nhọn.
Theo NCĐT.