Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu

(Vietnam Logistics Review) Chỉ trong 10 năm, từ 2003 đến 2013, kim ngạch xuất khẩu của VN đã tăng hơn 6 lần. Điều này cho thấy tốc độ phát triển kinh tế thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO. Tuy nhiên làm thế nào để gia tăng lợi ích thực sự từ XNK vẫn còn là bài toán cần lời giải

VUI BUỒN CON SỐ

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy nếu như năm 2003, tổng kim ngạch XNK của VN mới đạt mức 45,4 tỷ USD, thì đến 2007 con số này đã đạt 111,2 tỷ USD và nâng lên 132 tỷ USD vào năm 2013. Trong số này trước năm 2011, kim ngạch nhập khẩu luôn cao hơn xuất khẩu trên 10%. Duy có năm 2012, VN đã xuất siêu 749 triệu USD.

Vẫn theo số liệu của đơn vị này, tổng kim ngạch XNK hàng hóa lũy kế từ đầu năm đến 15.8.2014 đạt gần 178,35 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2013. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư hơn 1,81 tỷ USD.

Một con số tưởng chừng như vui nhưng nếu nhìn vào cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của VN thì khối DN FDI luôn “áp đảo” với tỷ trọng lớn hơn trên 60% tổng giá trị với những mặt hàng công nghiệp như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, hàng điện tử… và con số thặng dư cũng do các DN FDI đem lại. Trong khi đó, khu vực trong nước vẫn tiếp tục “ì ạch” nhập siêu lên tới 10,2 tỷ USD 8 tháng đầu năm 2014.

Các nhóm hàng xuất khẩu của VN nằm trong “top” đầu có hai loại phổ biến là hàng gia công như giày dép, dệt may… và các loại khoáng sản (dầu thô, than), hàng nông lâm thủy sản. Những mặt hàng mà theo các chuyên gia chỉ thiên về lượng còn về chất và giá trị chẳng được bao nhiêu. Đặc biệt trong nhóm hàng gia công như dệt may, giày dép… hầu hết nguyên liệu đều nhập khẩu từ bên ngoài. Đơn cử như tổng giá trị hàng dệt may xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD thì riêng vải đã nhập khẩu gần 6 tỷ USD.

Còn về thị trường thì sao, ngoài mặt hàng của khối FDI thì nhóm hàng hóa của VN vẫn phần lớn dựa vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, châu Á…

Một điều đáng buồn nữa, dù vẫn được coi là một nước nông nghiệp thành công nhưng hàng năm VN vẫn phải bỏ một khoản tiền lớn để nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, rau hoa quả, thực phẩm hàng chục tỷ USD.

Trong một buổi tọa đàm gần đây, ông Pascal Lamy – nguyên Tổng giám đốc WTO cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu thì việc XNK là chuyện bình thường của mỗi quốc gia vì mục tiêu cuối cùng là cung cấp hàng hóa với chất lượng tốt, mức giá tối ưu cho người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điều đó đúng nhưng vấn đề là VN sẽ còn lại gì từ thặng dư thương mại, ngoại trừ giải quyết được một vài vấn đề xã hội như giải quyết việc làm trong khi phải đối mặt với nhiều hệ lụy khác như môi trường, sự thao túng thị trường của các DN nước ngoài.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CẠNH TRANH

Nhìn nhận một cách khách quan, thì việc mở rộng quan hệ thương mại đa phương, tham gia các hiệp định FTA, thúc đẩy XNK, từng bước cân bằng cán cân thương mại… cũng là điều đáng mừng cho VN. Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN, sau giai đoạn tích cực đến một giai đoạn nhất định, nền kinh tế VN có sự chững lại. Và có vẻ như nó đang trở nên mong manh so hơn với nền kinh tế thế giới.

Mục đích cuối cùng của chính sách XNK vẫn là mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, bền vững. Và muốn làm được điều này đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược xứng tầm, tạo điều kiện cho DN cũng như cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy để tận dụng cơ hội phát triển.

Theo ông Pascal Lamy, để phát triển kinh tế thương mại nói chung, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu cần phải vượt qua những rào cản trong thế giới mới. Vấn đề là phải biết tận dụng lợi thế của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dù ở phân khúc thị trường nhỏ bé. Bởi lẽ, khi con người không còn phải lo đói thì sẽ có yêu cầu cao hơn về sản phẩm. Đây cũng là lựa chọn duy nhất của VN. Đơn cử như việc đánh bắt cá, vấn đề không phải nằm ở chỗ thu được số lượng bao nhiêu cá mà phải tính đến việc sử dụng công nghệ, nguồn nhân lực để đánh bắt và chế biến cá tốt nhất, hiệu quả nhất, làm ra sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường.

Cũng theo ông Pascal Lamy, để thành công trong phát triển kinh tế, ngoài việc VN cần đảm bảo việc gia nhập các tổ chức thương mại thế giới, thì cần chính sách thương mại tốt nhất của VN là đầu tư và nâng cao giáo dục và đào tạo.

Một số người cho rằng, ý kiến này nghe có vẻ lý thuyết, bởi vì để thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển thương mại, XNK, từ trước tới nay VN luôn tập trung xây dựng các quy hoạch – sản xuất, triển khai các phương thức xúc tiến thương mại. Nhưng do thiếu các kiến thức cập nhật, trình độ không đồng đều, thiếu các chuyên gia tư vấn, nghiên cứu, thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan nên các chính sách đưa ra thường nửa vời, không hiệu quả. Cộng thêm những tồn tại của nền kinh tế bao cấp, cơ chế xin cho… đã dẫn tới tình trạng “mạnh ai nấy làm” và kết quả là hàng hóa sản xuất ra nhiều nhưng chất lượng không được chú ý, nguy hiểm hơn hình thành tư tưởng làm ăn chụp giật thiếu trách nhiệm làm ảnh hưởng đến danh tiếng và thương hiệu hàng hóa VN trên thị trường
thế giới.

Chỉ lấy một ví nhỏ trong hoạt động XNK, có lẽ rất ít các DN chú ý đến công tác đào tạo cho nhân viên của mình về kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành, cũng như cập nhật các văn bản pháp lý, rào cản và các chính sách liên quan khác của các thị trường xuất khẩu…

Nói như vậy, để thấy rằng chính sách đào tạo sẽ cho ra đời những con người dù làm chính sách hay triển khai thực hiện công việc tốt, từ đó mới xây dựng được các chiến lược, giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế thương mại hiệu quả trong đó có XNK.

Bookmark the permalink.

Comments are closed.