Nền tảng quản trị tốt giúp doanh nghiệp tạo năng lực cạnh tranh, ứng phó với bất ổn

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), Chuyên gia tư vấn quản trị công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nên bắt đầu củng cố từ nền tảng quản trị doanh nghiệp, sau đó mới có thể đề ra chiến lược kinh doanh hợp lý.

Nền tảng quản trị tốt giúp doanh nghiệp tạo năng lực cạnh tranh, ứng phó với bất ổn
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), Chuyên gia tư vấn quản trị công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam.

Xin bà cho biết vai trò của việc xây dựng quản trị doanh nghiệp với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam?

Tại Việt Nam trong rất nhiều năm trước, khi nói đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thì yếu tố rất quan trọng là quản trị doanh nghiệp lại ít khi được nhắc tới. Nên sau khi đối mặt với khủng hoảng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều đã nhận thấy rất rõ một trong ba giá trị quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó linh hoạt, phục hồi nhanh chóng là việc phải có nền quản trị tốt, bên cạnh nguồn lực về tài chính và con người.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm năng lực về thị trường sản phẩm dịch vụ, con người gồm lãnh đạo, đội ngũ nhân viên, văn hóa doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp. Khi gắn quản trị công ty với năng lực cạnh tranh thì đây chính là một trong những điểm kết nối các nguồn lực và gia tăng các nguồn lực. Quản trị doanh nghiệp tốt còn giúp gia tăng về hình ảnh, thương hiệu, qua đó giúp doanh nghiệp thu hút những khoản đầu tư mới. Bởi hiện nay, những nhà đầu tư trực tiếp hay gián tiếp đều rất coi trọng vấn đề quản trị doanh nghiệp, để thấy được sự minh bạch và công khai trong hoạt động doanh nghiệp mới quyết định đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp quản trị tốt sẽ là lực đỡ giữ chân người lao động, gia tăng nguồn lực lao động mới.

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh khóc liệt, các doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững theo xu hướng ESG. ESG cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.

Làm tốt những vấn đề trên, các doanh nghiệp sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh, ứng phó với những bất ổn của kinh doanh bây giờ, không chỉ do đại dịch, mà còn cả những bất ổn từ chuỗi cung ứng. Nên hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách phải hiểu được vai trò của quản trị doanh nghiệp để đưa vào đánh giá năng lực cạnh tranh và đưa vào chiến lược kinh doanh.

Đi cùng quản trị doanh nghiệp là văn hóa doanh nghiệp, theo bà, các doanh nghiệp cần cải thiện vấn đề này như thế nào?

Dù nắm bắt xu thế mới, văn hóa vẫn là điều cần được xây dựng và bồi đắp. Bởi lẽ, văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp. Trong hơn hai năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó, đối phó và “sống sót” vượt qua cơn bão của Covid-19. Một trong những yếu tố rất quan trọng giúp họ làm được điều này, đó chính là nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp như lực đỡ và cũng là lực đẩy để khi doanh nghiệp có bị khủng hoảng thì không bị rơi xuống.

Vì thế, văn hóa doanh nghiệp từ các lãnh đạo cấp cao cần được định danh, định vị và định hướng để trở thành “ngọn đèn hải đăng” dẫn dắt và xây dựng văn hóa công ty, hướng đến phát triển bền vững.

Với riêng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần những hành động gì để nâng cao năng lực cạnh tranh khối này, thưa bà?

Sau đại dịch Covid-19, tất cả năng lực hiện có của doanh nghiệp đều được thể hiện ra hết. Các doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động dưới mức độ áp lực ngày càng tăng cao và lớn chưa từng có so với trước đây.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi quy mô chưa lớn, nguồn lực chưa mạnh thì nên cải thiện năng lực cạnh tranh bằng việc thực hiện quản trị doanh nghiệp theo mức tối thiểu đó là tuân thủ, để đảm bảo không phát sinh chi phí do việc không tuân thủ đưa ra. Cùng với đó, giải pháp làm được ngay là các doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển nguồn lực con người bằng các chính sách phù hợp để khuyến khích, phát triển và giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp phải luôn coi người lao động là nguồn lực phát triển doanh nghiệp, không phải đối tượng để đi thuê.

Theo HQ Online

Bookmark the permalink.

Comments are closed.