Tăng cường thu thập thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro

Đối với doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin, bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể phá sản, tạm ngừng hoạt động…, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Thuế tiến hành xác minh để đảm bảo việc đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro phù hợp.

Tăng cường thu thập thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh (Cục Hải quan Bắc Ninh). Ảnh: Quang Hùng

78,53% doanh nghiệp hợp tác cung cấp thông tin

Thống kê sơ bộ và rà soát trên Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (Hệ thống CRMS) của Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho thấy, năm 2022, toàn Ngành đã chủ động thu thập thông tin đối với 25.670 doanh nghiệp, trong đó có 16.030 doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan phân bổ.

Trên cơ sở Kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2022 của Tổng cục Hải quan, 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và phân bổ chỉ tiêu cho các chi cục thu thập, cập nhật thông tin doanh nghiệp vào hệ thống. Trong đó có 12.588 doanh nghiệp hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan (chiếm 78,53%). Ngoài ra, các đơn vị cũng ghi nhận có 3.442 doanh nghiệp (chiếm 21,47%) không hợp tác cung cấp thông tin, bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể phá sản, tạm ngừng hoạt động. Đối với số doanh nghiệp này, các đơn vị đã và đang phối hợp với cơ quan Thuế tiến hành xác minh để đảm bảo việc đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro phù hợp. Ngoài số doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan phân bổ, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động tiến hành thu thập, cập nhật 9.640 hồ sơ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý tại đơn vị.

Bên cạnh đó, căn cứ vào thực tế phát sinh trên địa bàn, đối với các thông tin liên quan đến đại lý làm thủ tục hải quan (gồm quyết định cấp mới/thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải qua, quyết định chấm dứt/tạm dừng hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan, quyết định thành lập kho, bãi…); thông tin về phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; thông tin doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và thông tin doanh nghiệp kinh doanh giám định… đã được các đơn vị chủ động thu thập, lưu giữ trên hệ thống exel để đảm bảo yêu cầu quản lý, phục vụ triển khai việc số hóa.

Theo đại diện Cục Quản lý rủi ro, thời gian qua, công tác thu thập xử lý thông tin doanh nghiệp đã đảm bảo cơ bản về số lượng, chất lượng chỉ tiêu phân bổ. Ngoài ra, các đơn vị đã chủ động, cũng như kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị trong quá trình thực hiện cho Cục để có phương án phối hợp giải quyết, đảm bảo công tác thu thập, xử lý thông tin đạt hiệu quả.

“Qua theo dõi tình hình vi phạm pháp luật của doanh nghiệp XNK trong năm 2022, tình trạng doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp thành lập mới rồi giải thể để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại giảm rõ rệt so với những năm trước. Một phần nguyên nhân là do sự chủ động, tích cực của các cục hải quan tỉnh, thành phố trong việc phối hợp với cơ quan Thuế để xác minh làm rõ tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh… đảm bảo theo dõi, quản lý chặt chẽ doanh nghiệp trên địa bàn”, đại diện Cục Quản lý rủi ro chia sẻ thêm.

Thu thập thông tin theo loại hình XNK

Tiếp tục công tác phân loại doanh nghiệp mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2023, nêu rõ các nội dung về cách thức, biện pháp thực hiện, đồng thời phân bổ chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp cần thu thập thông tin cho các đơn vị và hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Tổng cục Hải quan đặt ra yêu cầu đối với các cục hải quan tỉnh, phố phải nắm rõ thông tin, tình hình hoạt động doanh nghiệp XNK trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp gia công sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất… Đồng thời, các đơn vị phải chủ động và có trách nhiệm trong công tác thu thập thông tin, việc phân bố chỉ tiêu thu thập thông tin doanh nghiệp năm 2023.

Ngoài ra, cách thức phân bổ đảm bảo việc thu thập thông tin doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn theo loại hình như doanh nghiệp gia công sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Đối với doanh nghiệp hoạt động XNK trên địa bàn, giao các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động lập kế hoạch thu thập, cập nhật vào hệ thống, đảm bảo từ 5 đến 10% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, việc thu thập thông tin tập trung vào các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh hàng tiêu dùng, doanh nghiệp xin mang hàng về bảo quản, doanh nghiệp không có trụ sở đóng trên địa bàn nhưng mới hoạt động, doanh nghiệp hoạt động không thường xuyên, doanh nghiệp có thay đối về thông tin doanh nghiệp trong khai báo hải quan…

Tới đây, Cục Quản lý rủi ro tiếp tục thực hiện vai trò đầu mối trong công tác trao đổi thông tin với cơ quan Thuế, đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin của hai cơ quan trong môi trường điện tử. Đồng thời, tập trung sửa đổi các biểu mẫu và xây dựng bài toán phục vụ thu thập xử lý thông tin đáp ứng kế hoạch hàng năm và đáp ứng Hải quan số, Hải quan thông minh đối với một số đối tượng đặc thù như đại lý làm thủ tục hải quan; kho, bãi, cảng.

Theo Haiquanonline.

Bookmark the permalink.

Comments are closed.