(Dân trí) – Trong lúc lặn bắt cá mặt quỷ ở vùng biển quần đảo Trường Sa, anh Phạm Ngọc Phú (20 tuổi, trú huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận) bất ngờ bị loài cá này đâm vào mu bàn tay rồi nguy kịch vào rạng sáng 30/4.
Sau khi bị cá mặt qủy tấn công, anh Phú lập tức được đưa tới Bệnh xá Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) cấp cứu trong tình trạng cánh tay phải sưng to; huyết áp, nhịp tim, nhịp thở rối loạn…
Các bác sỹ Bệnh xá Song Tử Tây cho biết, do ngư dân Phú được đưa đến bệnh xá cấp cứu kịp thời và được dùng thuốc để trị các triệu chứng do độc của cá mặt quỷ gây ra nên bệnh nhân hiện đã qua cơn nguy kịch.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, khi bị cá mặt qủy tấn công nếu không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ dẫn đến tử vong vì độc của loài cá này sẽ chạy vào tim.
Cá mặt quỷ thuộc họ cá mao mặt quỷ, tên khoa học là Synanceia. Chúng có thân hình lớn, xù xì, nhiều vây ở sống lưng, thô kệch như một tảng đá với lớp da loang lổ màu nâu đỏ, sần sủi, lởm chởm…
Trái ngược lại với vẻ ngoài đáng sợ đó, cá mặt qủy lại sở hữu những thớ thịt chắc, ăn rất ngon, giàu dưỡng chất…
Cá mặt quỷ có thể sống trên cạn trong một vài ngày trong điều kiện đảm bảo đủ độ ẩm. Chiều dài tối đa của một con cá mặt quỷ có thể lên tới gần 1m, tuy nhiên, ở nước ta, cá mặt quỷ có kích thước nhỏ hơn, khoảng 30 đến 50cm.
Theo các nhà chuyên môn, cá mặt quỷ có 13 tia vây lưng chứa độc tố và độc có thể tồn tại nhiều ngày sau khi cá chết. Khi đâm vào thịt nạn nhân, độc tố sẽ tác động trực tiếp đến hệ cơ vận động, hệ thần kinh và hệ cơ trơn của tim ở người.