Hát trên chiến hào còn vương mùi bom đạn

(Dân trí) – Trong những hầm thương binh, trên những bãi đất còn vương mùi bom đạn, những người văn công đã hát, múa một cách say sưa. Không có hoa, không có quà, chỉ có những tràng pháo tay và nụ cười xua tan mệt mỏi, xua tan nỗi đau và sự khốc liệt của chiến tranh.

82 tuổi, bà Lê Thị Sáu (phường Hưng Dũng, Tp Vinh, Nghệ An) vẫn thong dong đạp xe tới nhà những người bạn để hàn huyên tâm sự. Những lúc vui, bà vẫn ngân nga hát những bài hát ngày xưa – “cái hồi đi văn công Điên Biên” – như bà nói bằng giọng hát cao vút. Lời bài hát có đoạn nhớ, đoạn quên, tên bài hát thì chẳng thể nào nhớ nổi nữa nhưng 1 tháng phục vụ ở chiến trường Điện Biên thì dường như vẫn in đậm trong tâm trí bà.

Từ nhỏ, cô bé Lê Thị Sáu đã nổi tiếng hát hay múa dẻo nhất làng. Những buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ kỉ niệm nào đấy không thể vắng tiếng hát trong trẻo, cao vút của Sáu. “Đầu năm 1954, tôi được điều tới hát phục vụ kỉ niệm ngày Lâm – thổ – sản. Dịp đó, đoàn Tuyên truyền Bình – Trị – Thiên trên đường ra Bắc tham dự Đại hội văn nghệ toàn quân lần thứ Nhất. Tôi được tuyển vào đoàn”, bà Sáu nhớ lại.

Đoàn hành quân lên Phú Thọ để tham dự đại hội. Đến Phú Thọ, nhận được chỉ thị của Bác Hồ “Tạm hoãn đại hội. Các cô, các chú lên Điện Biên Phủ phục vụ chiến sỹ”. Lê Thị Sáu nhập vào đoàn văn công Tổng cục chính trị, hành quân lên Điện Biên Phủ khi cuộc chiến đã vào giai đoạn cực kỳ ác liệt.

“Chiến trường ngổn ngang. Súng, pháo nổ vang trời suốt ngày đêm. Chúng tôi chẳng kịp luyện tập các tiết mục mới, cứ mang những bài hát chuẩn bị cho đại hội ra biểu diễn. Buổi biễu diễn đầu tiên là ngay trong hầm thương binh. Căn hầm chật chội, không thể múa được. Bằng tiếng đệm của cây đàn ghita, chúng tôi đã hát. Hát say sưa, hát bằng cả tấm lòng, tình cảm và tình yêu dành cho những người chiến sỹ vừa bị thương trong trận đánh trước đó”, bà Sáu kể tiếp.

Bà Lê Thị Sáu thời trẻ.

Bà Lê Thị Sáu thời trẻ.

Ngoài những lúc biểu diễn, những văn công như Lê Thị Sáu kiêm luôn công việc của người y tá, của người “săn sóc”, chăm lo cho thương binh từng thìa cháo, từng miếng nước, từng viên thuốc. Rồi chính những bàn tay mềm mại ấy khâu từng bộ quân phục rách bươm vì súng đạn để bộ đội có bộ quần áo lành lặn hơn khi ra chiến trường.

Vuốt mái tóc đã bạc trắng gần hết, bà kể tiếp: “Khi cần thiết, văn công chúng tôi cũng tham gia đưa cơm, nước ra tận chiến hào cho bộ đội đánh giặc. Trong cuộc chiến đấu này, chúng tôi không thể tự cho phép mình đứng ngoài. Mỗi người, bằng sức khỏe, bằng khả năng của mình đều muốn đóng góp vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc”.

Nhiệm vụ chính của đoàn nói chung và của cô văn công Lê Thị Sáu nói riêng vẫn là biểu diễn văn nghệ cho các chiến sỹ. Và họ đã có những buổi biểu diễn “để đời” của riêng mình. Đó là những đêm biểu diễn ngay trên trận địa, khi tiếng súng đã tạm dứt. Khán giả đứng chung quanh, văn công đứng ở giữa biểu diễn. Đang say sưa hát, địch thả pháo sáng đỏ rực cả trời, cả đoàn lại chạy vào hầm cá nhân để trú. Pháo sáng tắt, lại chạy ra biểu diễn tiếp. Có những đêm, buổi biểu diễn phải gián đoạn 2-3 lần vì pháo sáng của địch.

Bookmark the permalink.

Comments are closed.