Mức độ chi tiết đưa vào vận đơn (thường gọi là “viện dẫn” – incorporated) các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến quyết định hiệu lực thi hành của nội dung được viện dẫn. Tranh chấp dưới đây khá thú vị về việc viện dẫn câu chữ mà những người liên quan đến vận đơn cần chú ý khi sử dụng chứng từ này và khi giải quyết tranh chấp hàng hải.
Tóm tắt nội dung tranh chấp
Năm 2014, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã thụ lý vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (sau khi được thế quyền của người nhận hàng – người được bảo hiểm) giữa Nguyên đơn – người bảo hiểm là công ty cổ phần bảo hiểm (BH) và Bị đơn là công ty cổ phần vận tải biển (VPR) với những vấn đề cụ thể mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là buộc VPR bồi thường cho BH số tiền là 392.605.146 đồng (VNĐ) do thiếu hàng, giảm giá trị thương mại và lãi phát sinh do chậm thanh toán.
VPR ký hợp đồng vận chuyển theo chuyến (charter party) với một công ty Singapore – người thuê vận chuyển (đồng thời là người bán hàng theo điều kiện CFR Incoterms 2010) để vận chuyển 6.500 tấn phân bón NPK từ cảng Isabel, Leyte, Philippines đến cảng Quy Nhơn, Việt Nam, vận đơn (bill of lading) theo mẫu “Congenbill” edition 1994. Đây là loại vận đơn dùng với hợp đồng vận chuyển theo chuyến, trên đó ghi rõ (ngoài những điều khoản khác): “Mọi điều khoản, điều kiện, biệt lệ, miễn trừ của Hợp đồng vận chuyển theo chuyến có ngày ký nêu ở trang trước, bao gồm Điều khoản Luật áp dụng và Trọng tài được viện dẫn vào vận đơn này” (All terms and conditions, liberties and exceptions of the Charter Party dated as overleaf, including the Law and Arbitration Clause, are herewith incorporated).
Chúng ta có thể thấy việc viện dẫn là rất rõ ràng và chi tiết. BH cho rằng Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt để giải quyết vụ án này, căn cứ vào khoản b) điểm 1 Điều 411 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Điều 411. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. 1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam: … b) Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam”. VPR đã phản bác ý kiến này với lập luận rằng Hợp đồng vận chuyển đã được ký giữa VPR và công ty Singapore như nêu ở phần trên, VPR không ký bất kỳ hợp đồng nào với công ty trong nước. Vì vậy, “tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển” nêu tại điểm b) khoản 1 Điều 411 Bộ luật Tố tụng Dân sự là tranh chấp giữa VPR với công ty Singapore (nếu có). Do đó, thẩm quyền giải quyết vụ án này không thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam mà thuộc thẩm quyền của cơ quan giải quyết tranh chấp nêu trong hợp đồng vận chuyển ký giữa VPR và công ty Singapore.
Tuy cho rằng không áp dụng nhưng để Tòa và BH tham khảo tương tự đối với loại vận đơn của vụ tranh chấp, VPR đã trích dẫn Điều 100 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 (“Bộ luật HH”) về ký phát vận đơn trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến như sau: “Trường hợp vận đơn được ký phát theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến và người giữ vận đơn không phải là người thuê vận chuyển thì các quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển và người giữ vận
đơn sẽ được điều chỉnh bằng các điều khoản của vận đơn; nếu các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến đã được đưa vào vận đơn thì các điều khoản này được áp dụng”.
Chúng ta thấy, “viện dẫn” (đưa vào) nêu ở điều này không nêu chi tiết điều khoản nào, mà chỉ nêu chung chung là “các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến”, trong khi vận đơn “Congenbill” nêu ở trên viện dẫn rất chi tiết là “bao gồm Điều khoản Luật áp dụng và Trọng tài được viện dẫn vào vận đơn này”.
BH cho rằng có xung đột pháp luật theo khoản 4 Điều 3 của Bộ Luật HH nhưng VPR không đồng ý vì tuy Bộ luật HH không được áp dụng ở đây nhưng ngay cả khi được áp dụng thì cũng không có xung đột pháp luật và vì vậy, không thể dẫn chiếu Bộ luật HH. Cụ thể: Không có xung đột pháp luật như lập luận của BH vì hai hệ thống pháp luật Việt Nam và Singapore (luật điều chỉnh hợp đồng vận chuyển ký giữa VPR và công ty Singapore) không cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng thể hiện ở chỗ BH đã xác nhận không có quan hệ hợp đồng giữa người nhận hàng với công ty Singapore. Do đó, chỉ có hệ thống pháp luật Singapore điều chỉnh quan hệ hợp đồng nêu trên.
Vụ án chưa kết thúc vì Tòa án có Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự để tống đạt các văn bản tố tụng, thu thập, cung cấp chứng cứ và yêu cầu Công ty Singapore tham gia tố tụng.
Bình luận
Viện dẫn rõ ràng và chi tiết của vận đơn do VPR ký phát hoàn toàn phù hợp với phán quyết của Tòa án Anh trong vụ tranh giữa Siboti K/S và BP France SA dưới đây, theo tài liệu “Siboti K/S v BP France SA; 1278; [2003] 2 Lloyd’s Rep.364, Shipping law update, Issue 11, Ince & Co 2003, liên quan đến cùng loại vận đơn mà VPR đã ký phát.
Tàu được thuê để vận chuyển dầu sạch (clean peroleum) từ Ấn Độ đến Pháp. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến (charter party) có điều khoản về áp dụng luật Anh và quyền tài phán đặc biệt (exclusive jurisdiction clause). Điều khoản này cũng quy định rằng tất cả vận đơn cấp theo Hợp đồng vận chuyển theo chuyến “… phải viện dẫn (incorporated) điều khoản giải quyết tranh chấp đặc biệt này”. Hàng hóa được vận chuyển theo vận đơn có tham chiếu rõ ràng đến Hợp đồng vận chuyển theo chuyến và quy định rằng “… tất cả và bất kỳ điều khoản nào của Hợp đồng vận chuyển theo chuyến đã nêu đều áp dụng và điều chỉnh quyền của các bên có liên quan đến chuyến hàng này” ([ … ] all terms whatsoever of the said charter party apply to and govern the rights of the parties concerned in this shipment”). Do người thuê vận chuyển không trả cước phí vận chuyển (giá dịch vụ vận chuyển) nên chủ tàu đã tiến hành cầm giữ hàng và khởi kiện người nhận hàng tại Tòa án Anh theo luật vận chuyển hàng hóa bằng đường biển năm 1992 (COGSA 1992). Người nhận hàng là một công ty Pháp (French domiciled company) được cho là người nhận ký hậu và cầm vận đơn hợp pháp (endorsees and lawful holders of the bill).
Người nhận hàng đề nghị Tòa bác đơn khởi kiện của chủ tàu với lập luận theo Điều 2 của Quy tắc Hội đồng châu Âu (Council Regulation (EC) 44/2001) – văn bản kế thừa của Công ước Brussels (Brussels Convention) – rằng bất kỳ việc khởi kiện nào chống lại họ phải được tiến hành ở nước mà họ có trụ sở chính. Để đáp lại, chủ tàu cho rằng người nhận hàng được xem là một bên của hợp đồng bằng vận đơn (bill of lading contract) đã được việc dẫn bằng điều khoản tài phán đặc biệt tại Anh (exclusive English jurisdiction clause) ghi rõ trong Hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Tòa đã ra phán quyết, chấp nhận yêu cầu của người nhận hàng với lập luận rằng, những từ ngữ nêu chung chung như “tất cả mọi điều khoản” (all terms) không đủ để viện dẫn điều khoản trọng tài trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến vào vận đơn. Tương tự như vậy, điều khoản về quyền tài phán đặc biệt nêu trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến cũng không được chấp nhận để viện dẫn vào vận đơn. Việc viết thêm từ “whatsoever” (bất kỳ điều gì) cũng không làm cho kết quả khác đi và nếu như các bên, ngay từ đầu, định viện dẫn điều khoản tài phán đặc biệt thì lẽ ra phải và có thể nêu rõ ràng bằng cách dùng nhóm từ “bao gồm cả điều khoản về giải quyết tranh chấp” (including the dispute resolution clause).