Trong kinh doanh, quy mô vốn là một lợi thế mà DN cần có để tạo ra sức cạnh tranh đủ lớn để thực hiện các chiến lược phát triển. Bài viết phân tích quy mô vốn tối ưu đối với các DN logistics Việt Nam trong giai đoạn (2011 – 2015) từ đó đưa ra một số định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành cũng như cả nền kinh tế ngày nay.
Trong kinh doanh, quy mô vốn là một lợi thế mà DN cần có để tạo ra sức cạnh tranh đủ lớn để thực hiện các chiến lược phát triển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa vốn càng nhiều thì càng có lợi thế cạnh tranh và có kết quả kinh doanh hiệu quả. Quy mô vốn cần phải tương thích với năng lực cốt lõi, sức mạnh của sản phẩm dịch vụ, cấu trúc của thị trường… Bài viết phân tích quy mô vốn tối ưu đối với các DN logistics Việt Nam trong giai đoạn (2011 – 2015) từ đó đưa ra một số định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành cũng như cả nền kinh tế.
Mức vốn phổ biến
Phân tích bảng 1, ta có số lượng các DN logistics tại Việt Nam tương ứng với các mức vốn: mức vốn có số lượng DN nhiều nhất là mức từ 1 – 5 tỷ (khoảng 8.000 DN, năm 2011 và tăng lên trên 10.500 nghìn DN, năm 2015). Số DN có vốn trên 200 – 500 tỷ, chỉ có khoảng dưới 200 DN, và số DN có vốn trên 500 tỷ xấp xỉ trên dưới 100 DN. Số lượng DN có mức vốn 5 – 10 tỷ và 10 – 50 tỷ chiếm tỷ trọng thứ hai. Số lượng DN ở quy mô này có sự tăng dần qua từng năm, cho thấy đây là mức quy mô được nhiều DN lựa chọn để hoạt động. (Bảng 1)
Bảng 1. Số lượng DN logistics theo quy mô vốn (Nguồn: VLA)
Xét về tình hình lãi lỗ toàn ngành, có thể thấy tổng lãi có tăng lên qua các năm. Trong khi đó, mức lỗ tương đối ổn định ở mức từ 11,5 – 13 nghìn tỷ. Do đó, lãi thuần của ngành cũng có tăng, giảm và trong hai năm 2014 – 2015 hoạt động của ngành khá hiệu quả với lãi thuần dương (cụ thể đạt khoảng 11 nghìn tỷ năm 2014 và đạt 17,4 nghìn tỷ năm 2015). (Bảng 2)
![]() |
Bảng 2. Tình hình lãi lỗ của DN logistics Việt Nam
(Nguồn: Tính toán từ số liệu Tổng Cục Thống kê) |
Quy mô vốn nào thích hợp?
Dựa vào tính toán của tác giả, có thể thấy quy mô vốn dưới 1 tỷ là mức tối ưu nhất cho các DN logistics Việt Nam tương ứng với bối cảnh của ngành trong giai đoạn (2011 – 2015), ở mức này, các DN lãi trung bình 8,59 tỷ. Kế tiếp là quy mô vốn từ 10 đến dưới 200 tỷ có mức lãi là 19 tỷ. Các quy mô vốn còn lại, thường ở mức lỗ với mức độ -1,5; 4,06 và -275,76 tỷ tương ứng với các mức 1 – 5 tỷ, 5 – 10 tỷ, và trên 200 tỷ.
Điều này cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam phù hợp với DN logistics quy mô nhỏ, hoạt động dựa trên việc cung cấp các dịch vụ có trình độ vừa phải, kết hợp làm đại lý hay đầu mối chứ không phải là DN lớn có đầy đủ các bộ phận chức năng để cung cấp dịch vụ trọn gói. Mặc dù vậy, mức lợi nhuận 19 tỷ do quy mô DN từ 10 – 200 tỷ cũng cho thấy cần có những DN quy mô khá để cung cấp cho phân khúc các khách hàng cần dịch vụ trọn gói. Tuy nhiên, các kết quả này không có nghĩa là chỉ có 2 mức quy mô trên có lãi thuần, còn quy mô khác thì lỗ mà nhận định có thể rút ra ở đây là cơ cấu các DN logistics Việt Nam tương ứng với các quy mô vốn là chưa ổn (chưa nói đến cấu trúc tối ưu). Cần có sự tính toán để số lượng các DN logistics trong ngành là phù hợp tương ứng với việc các DN này có quy mô vốn hiệu quả.
Định hướng phát triển
Từ việc xác định được hiệu quả thật sự của các mức quy mô vốn của các DN logistics Việt Nam, một số định hướng về chiến lược vốn có thể cần thực hiện trong thời gian tới là như sau:
– Tổ chức lại cơ cấu của ngành theo quy mô các DN một cách hợp lý. Khuyến khích thị trường thực hiện hoạt động nhập hoặc tách DN một cách hợp lý để tạo ra các thành phần hoạt động hiệu quả.
– Có chính sách thích hợp để thực hiện cấu trúc vốn hiệu quả và hợp lý. Hiện nay, mối liên hệ giữa quy mô vốn và hiệu quả là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là mối quan hệ này có quy luật và cần thực hiện việc nghiên cứu xác định được mối liên hệ phổ biến để có thể hoạch định hiệu quả việc phân bổ nguồn lực, phân bổ vốn thích hợp, tạo nên các phân khúc hoạt động hiệu quả nhất, tạo nên một cấu trúc phát triển bền vững của lĩnh vực logistics.
– Điều tiết dòng vốn tín dụng của ngân hàng, các nguồn vốn trung và dài hạn khác để phân bổ vào ngành một cách hiệu quả.
– Cải thiện tính chất và trình độ của DN logistics theo hướng ngày càng tinh và có sức cạnh tranh mạnh với năng lực cốt lõi phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến phát triển ra ngoài lãnh thổ.
– Trước mắt, có thể thực hiện việc đánh giá sâu vai trò của vốn trong mối quan hệ với cách thức vận hành của các DN, khách hàng và các chủ thể khác trong lĩnh vực logistics, để xác định những cách thức và quy mô hoạt động hiệu quả nhất nhằm xây dựng các chương trình hỗ trợ. Như trong bài phân tích này, các DN logistics có quy mô vốn nhỏ lại hoạt động có hiệu quả cao, đạt những kết quả hoạt động kinh doanh tích cực, nên chăng việc xây dựng chiến lược có thể bắt đầu từ nền tảng của DN quy mô vốn dưới 1 tỷ?
Theo: Vietnam Logistics Review.