Nửa đầu năm, cả nước xuất siêu 4 tỷ USD

Cả nước vẫn xuất siêu 4 tỷ USD, dù hoạt động xuất nhập khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng.

Xuất siêu 4 tỷ USD trong nửa đầu năm

Xuất siêu 4 tỷ USD trong nửa đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 121,21 tỷ USD, giảm1,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%.

Trong 6 tháng đầu năm Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều nhập khẩu khẩu, trong 6 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Dù có một số chỉ số tích cực, song hoạt động ngoại thương của Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN…

Liên quan tới vấn đề xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay, theo kết quả khảo sát gần 130 nghìn doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Thời gian tới, Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.

Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.

Trong quý II, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ở một số quốc gia, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng khả quan hơn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, khi đã suy giảm trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật tăng lên trong những tháng tới. Tuy không ở mức quá cao, song ít nhiều cũng bù đắp phần nào mức giảm những tháng vừa qua, tiệm cận dần mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra từ đầu năm.

Theo: Báo Công Thương

TP. HCM: Có 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

5 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm đến trên 80% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của TPHCM.

Nhiều nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao

Nhiều nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố xuất qua các cảng thành phố (kể cả dầu thô) 6 tháng năm 2020 ước đạt 19.087,6 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.203,6 triệu USD, giảm 23,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 5.239,3 triệu USD, giảm 6,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12.644,7 triệu USD, tăng 15,7%.

Điểm nhấn đáng chú ý, trong 6 tháng có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước;

Kế đến là nhóm hàng hoá khác đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 17,1%, giảm 12,5%; thứ 3 là hàng dệt may đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 11,2%, giảm 20,1%; thứ 4 là nhóm hàng giày dép đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 5,9%, giảm 8,4%; thứ 5 là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 5,4%, tăng 0,8%.

Thị trường xuất khẩu hàng hoá chủ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu qua các cảng thành phố vẫn là Trung Quốc (đạt 5.092,3 triệu USD, chiếm 26,7% tỷ trọng xuất khẩu, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước), Hoa Kỳ (đạt 3.182,5 triệu USD, chiếm 16,7%, tăng 2,8%), Nhật Bản (đạt 1.466,7 triệu USD, chiếm 7,7%, giảm 7,7%).

Theo: Báo Hải Quan

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra

Sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” trong khuôn khổ Phiên chợ các sản phẩm thủy sản năm 2020″ giúp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Sản phẩm cá tra đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam

Sản phẩm cá tra đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam

Theo Tổng Cục thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm sút do tác động kép của đại dịch cúm COVID-19 và hạn hán xâm nhập mặn.

Cùng với đó, sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã khiến ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị đối tác hủy hoặc hoãn giao hàng do lệnh giãn cách xã hội ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ở các thị trường EU, ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đều sụt giảm.

Các doanh nghiệp sẽ trưng bày và giới thiệu sản phẩm cá tra bên lề sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” vào chiều ngày 09/6. Trước tình hình này, từ ngày 09/6 – 12/6 tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” trong khuôn khổ Phiên chợ các sản phẩm thủy sản năm 2020.

Theo ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản: “Cá tra là sản phẩm thuỷ sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi hơn 120 nước trên thế giới với gần 100 sản phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước lại chưa có nhiều cơ hội thưởng thức các món ăn được chế biến từ cá tra. Khó khăn từ đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để cơ cấu lại thị trường trong nước – xuất khẩu với các sản phẩm cá tra nói riêng và sản phẩm thuỷ sản nói chung. Sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” cũng là dịp để kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các tập đoàn phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và phát triển bền vững ngành hàng cá tra”.

Được biết, lần đầu tiên, trong khuôn khổ sự kiện diễn ra lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các DN cá tra với các tập đoàn bán lẻ lớn của Việt Nam và các khu công nghiệp.

Trước đó, tại Hội nghị ngành hàng cá tra diễn ra tại tỉnh An Giang ngày 07/5, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có chỉ đạo về việc thúc đẩy phát triển tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm cá tra, tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng này.

Theo VOV

Đề xuất tăng giá dịch vụ bốc dỡ tại cảng biển

Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị tiếp tục tăng giá tác nghiệp từ tàu (sà lan) – ô tô và ngược lại để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp cảng.

Đề xuất cân bằng giá dịch vụ giữa các tác nghiệp bốc dỡ sẽ đảm bảo được quyền lợi cho doanh nghiệp cảng Việt Nam - Ảnh minh họa

Đề xuất cân bằng giá dịch vụ giữa các tác nghiệp bốc dỡ sẽ đảm bảo được quyền lợi cho doanh nghiệp cảng Việt Nam – Ảnh minh họa

Tại tờ trình dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 54/2018 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam vừa đề xuất tiếp tục tăng giá tác nghiệp bốc dỡ tại cảng biển.

Cục Hàng hải VN cho biết, Thông tư 54/2018 đã điều chỉnh tăng giá dịch vụ của tác nghiệp tàu (sà lan) – ô tô (shipside) bằng 80% so với mức giá tác nghiệp tàu (sà lan) – bãi cảng (CY). Hiện nay, tất cả các hãng container trên thế giới không sử dụng dịch vụ shipside, kể cả các cảng khu vực 2 và 3 của Việt Nam. Dịch vụ shipside trước đây chỉ tồn tại ở một số cảng khu vực Hải Phòng không đủ bãi nên phải đưa một phần hàng hóa ra tập kết ở bãi ngoài.

“Trước đề xuất của các doanh nghiệp cảng khu vực 1, Thông tư lần này kiến nghị điều chỉnh tăng mức giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container khu vực 1. Do vậy, giá tổi thiểu dịch vụ shipside cũng điều chỉnh tăng lên tương ứng 10%, từ 26 USD lên 29 USD/cont’20 (có hàng), 40 USD lên 44 USD/cont’40, từ 46 USD lên 51 USD/container trên 40 feet”, tờ trình nêu.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) cho rằng, thực tế, tác nghiệp bốc dỡ giữa tàu đến bãi cảng hay ô tô đều được tiến hành với quy trình, trang thiết bị như nhau. Việc quy định khung giá shipside quá thấp sẽ tạo điều kiện cho hãng tàu ép cảng lựa chọn dịch vụ shipside, làm kìm hãm sự phát triển của cảng.

“Đặc biệt, với mức chênh lệch trên, nhiều hãng tàu vẫn đưa hàng ra bãi ngoài cảng, gây ùn tắc giao thông khu vực sau cảng”, ông Tuấn nói và cho rằng, trong các lộ trình tiếp theo, Bộ GTVT cần nghiên cứu cân bằng mức giá của hai tác nghiệp bốc dỡ hàng từ tàu (sà lan) đến bãi cảng và từ tàu (sà lan) đến ô tô để giải quyết các bất cập đang tồn tại, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cảng.

Theo Báo Giao thông

Khủng hoảng COVID-19 thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả hơn cho bán lẻ

Dù COVID-19 đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho lĩnh vực bán lẻ nhưng nhìn theo hướng tích cực đây sẽ là cơ hội để kích hoạt sự đổi mới, giúp bán lẻ chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới.

Việc đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt giúp các nhà bán lẻ kịp thời cung cấp hàng hóa trong mọi tình huống

Đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt

Nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar chỉ ra rằng, sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong mùa dịch đang mang lại cơ hội cho nhiều nhà bán lẻ khác nhau. Các nhà bán lẻ truyền thống như Big C, MM Mega Market… đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong khoảng thời gian trước khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Thậm chí sau giãn cách, sức mua tại các kênh bán lẻ này vẫn được duy trì ổn định.

Theo chia sẻ từ Tập đoàn Masan Group, kết thúc quý I/2020, kênh bán lẻ VinCommerce (được Masan hoàn tất sáp nhập vào cuối năm 2019) của tập đoàn này đã đạt tăng trưởng doanh thu thuần 40%, lợi nhuận cũng cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Để có doanh thu lợi nhuận như trên, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, Masan đã đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động thông suốt, cung cấp đầy đủ hàng hóa với giá cả bình ổn, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Đáng chú ý, COVID-19 bùng phát đúng thời điểm dịch tả lợn châu phi có dấu hiệu quay trở lại tại một số địa phương song Masan MEATLife (công ty thành viên của Masan – đơn vị sở hữu thương hiệu thịt mát MEATDeli) đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cao nhất nên đảm bảo đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm thịt lợn an toàn nhất.

Tương tự, Saigon Co.op với hơn 800 điểm bán đã làm rất tốt việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong mùa dịch bệnh. Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng giám đốc Saigon Co.op – chia sẻ, nhà bán lẻ này đã luôn đảm bảo được lượng hàng cung ứng đầy đủ trong suốt mùa dịch nhờ lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2/2020 và đặt hàng dự trữ về các kho trung tâm tại Bình Dương, miền Tây, miền Bắc. Saigon Co.op cũng thực hiện đàm phán ký thỏa thuận dự trữ hàng tại kho các nhà cung cấp; dự trữ tại kho các siêu thị để kịp thời cung ứng hàng; có kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị để kịp thời cung cấp hàng hóa cho khách hàng.

Chuyển đổi theo xu hướng

Giới chuyên gia cho rằng, COVID-19 dù đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực bán lẻ song đây là cuộc khủng hoảng để kích hoạt sự đổi mới, khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, xu hướng mua sắm qua online trong bối cảnh mọi người phải hạn chế đi lại, tụ tập đến nơi đông người để phòng chống dịch bệnh đã được các nhà bán lẻ tại Việt Nam tận dụng phát triển. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu trong dịch mà còn trở thành xu hướng (kênh) mua sắm trong tương lai.

Theo đại diện Công ty AEON Việt Nam, ngay từ đầu tháng 2, khi dịch chưa bùng phát, AEON Việt Nam đã nhận thấy được xu hướng mua sắm online sẽ tăng mạnh nên công ty đã tăng cường thêm nhân sự cho bộ phận giao hàng, thúc đẩy mua sắm online. Nhờ vậy kết quả kênh bán hàng online của AEON Việt Nam đã tăng trưởng rất ấn tượng, số lượng đơn hàng online tăng gấp 3 lần trong dịch vừa qua. Đặc biệt đơn vị còn có dịch vụ đi chợ hộ qua điện thoại nhằm hỗ trợ các khách hàng chưa rành về công nghệ mua sắm trên app và website, người tiêu dùng chỉ cần gọi đến số điện thoại quầy dịch vụ khách hàng sẽ có nhân viên hỗ trợ lựa chọn hàng hoá rồi thanh toán tiền mặt khi nhận hàng hoặc trả qua thẻ. Đại diện của AEON Việt Nam cho biết, đây cũng là xu hướng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới kể cả khi hết dịch.

Cách mà AEON Việt Nam thực hiện cũng được Saigon Co.op triển khai. Ông Đỗ Quốc Huy – Giám đốc Marketing của Saigon Co.op – cho biết, việc đẩy nhanh các hình thức này đã giúp doanh số bán ra của Saigon Co.op được duy trì, trong đó kênh bán online đã tăng gấp 10 lần so với trước đây.

Với Masan, việc triển khai bán hàng online, đặt hàng qua điện thoại không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng mà còn để đảm bảo mục tiêu doanh thu cho VinCommerce sẽ đạt 45.000 – 48.000 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.

Trong khi đó siêu thị Big C, ngoài kịp thời triển khai bán hàng qua điện thoại đã bổ sung tính năng đi chợ online trên ứng dụng Chopp còn Lotte Mart có ứng dụng mua sắm trực tuyến Speed L và tất cả đều được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

“Có thể thấy, COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta” – Chủ tịch Tập đoàn Masan Group – ông Nguyễn Đăng Quang – khẳng định.

Theo Báo Công Thương điện tử

Doanh nghiệp vận tải xin miễn nộp phí bảo trì đường bộ

Trong bối cảnh phải dừng hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ vì dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đề nghị được miễn phí bảo trì trong thời gian xe không chạy. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp bớt khó khăn…

Hơn 87 đầu xe của Công ty CP Vận tải ô tô Tiền Giang ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Hơn 87 đầu xe của Công ty CP Vận tải ô tô Tiền Giang ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Quá nhiều thủ tục, doanh nghiệp nản

Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%. Những chặng tuyến còn hoạt động cũng không hiệu quả. Thực tế trên khiến hầu hết các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải ôtô và bến xe đều “lao đao” vì dịch COVID-19. Khó càng thêm khó, các DN phải “cầu cứu” cơ quan chức năng giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ vay. Miễn phí bảo trì đường bộ cũng là một trong những đề xuất được các DN tha thiết gửi đến các cơ quan chức năng.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng nói: “Để được miễn phí bảo trì đường bộ, trước tiên, DN phải nộp lại phù hiệu cho Sở GTVT, sau đó cơ quan này mới xác nhận xe đã dừng hoạt động. Tiếp đó, phải mang giấy xác nhận và sổ đăng kiểm nộp cho cơ quan đăng kiểm mới được trừ vào tiền phí bảo trì đường bộ của kỳ tiếp theo.

“Một vài DN thì dễ, nhưng hàng trăm DN với hàng chục nghìn xe cùng xin miễn sẽ mất nhiều thời gian để Sở GTVT xác nhận xong”, ông Hải nói và cho biết thêm: Chưa tính xe tuyến cố định và xe hợp đồng, chỉ riêng taxi Hải Phòng đã có khoảng 4.000 xe. DN có hàng trăm xe phải đi xin xác nhận cho từng xe với nhiều thủ tục hành chính phiền hà khiến DN ngại. Chưa kể, khi DN muốn hoạt động trở lại, quy trình xin cấp lại phù hiệu như xin cấp mới, phải lấy sổ đăng kiểm nộp lại cho Sở GTVT mới được cấp lại phù hiệu.

“Nhiều DN xe hợp đồng đã dừng hoạt động mấy tháng nay, nhưng không dám nộp lại phù hiệu vì biết đâu ngày mai có thể hết cách ly được chạy lại ngay. Khi đó, thời gian làm thủ tục, mất mấy ngày kinh doanh còn mất nhiều tiền hơn số tiền được miễn giảm. Với số lượng hàng trăm xe, số tiền phí nộp hàng tháng cả trăm triệu đồng nhưng nhiều DN thấy thủ tục phiền hà nên ngại không muốn làm”, ông Hải nói.

Chưa phương tiện nào đủ thủ tục

Là DN có hơn 200 xe, chiếm phần lớn thị phần vận tải khách tại Bắc Giang, Công ty CP Xe khách Bắc Giang đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Ông Nguyễn Trần Chung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Bắc Giang cho biết, từ ngày 1 – 15/4, công ty đã dừng hẳn hoạt động kinh doanh để phòng dịch theo chỉ đạo của Chính phủ. “Công ty đã có văn bản đề nghị được hỗ trợ như: Giảm thuế VAT xuống 5%; giảm phí BOT từ 10 – 20% đối với các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên. Nhất là chính sách miễn phí bảo trì đường bộ cho DN. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT tỉnh Bắc Giang đã trả lại đơn vị với lý do chờ hướng dẫn của Bộ GTVT”, ông Chung nói.

Xác nhận trường hợp này, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết: “Công ty CP Xe khách Bắc Giang và một số DN có đến hỏi, đề nghị triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ. Sau đó, Sở có viện dẫn quy định hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc các đơn vị bị ảnh hưởng trong thời gian tối thiểu là 30 ngày mới đủ điều kiện hỗ trợ. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị mới chỉ bị ảnh hưởng trong 15 ngày nên đề nghị tiếp tục chờ hướng dẫn triển khai cụ thể của các bộ, ngành. Từ đó đến nay, toàn tỉnh chưa có DN vận tải nào kê khai, đề nghị hỗ trợ tiếp”.

Tại Long An, ông Đặng Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, chưa nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT về miễn, giảm phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, Sở đã chủ động triển khai đến các doanh nghiệp Thông tư 293/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí đường bộ. Nhưng, đến nay Long An chưa có DN nộp hồ sơ xin miễn, giảm theo thông tư này.

Tương tự, lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm cho biết, một số chủ phương tiện, DN kinh doanh vận tải đề nghị được giảm phí sử dụng đường bộ do xe bị tạm dừng vận tải để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy vậy, chưa có trường hợp xe nào được miễn phí do thiếu thủ tục, giấy tờ xác nhận của Sở GTVT địa phương được quy định tại Thông tư 293/2016 của Bộ Tài chính.

“Chủ xe kinh doanh vận tải có thể đến bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào để làm thủ tục giảm phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, quy định thủ tục là xe phải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên, nộp lại phù hiệu vận tải, giấy chứng nhận đăng kiểm cho Sở GTVT và có văn bản xác nhận của Sở GTVT về việc dừng lưu thông. Dù thực tế có phương tiện bị dừng do dịch nhưng chưa phương tiện nào thực hiện đủ thủ tục trên nên đơn vị đăng kiểm không thể tự miễn phí sử dụng đường bộ”, ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V nói.

Xe chạy hay không, xem thiết bị GSHT là biết

Là một trong số các hãng taxi có số lượng xe nhiều nhất tỉnh Nghệ An, lên đến gần 300 đầu xe, Vạn Xuân taxi hiện cũng đang lâm vào cảnh khó khăn khi hai tháng liên tiếp phải dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Vạn Xuân taxi băn khoăn: “Theo quy định, phải đủ 30 ngày xe không hoạt động mới được miễn phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, thực tế đến nay các xe đã ngừng chạy được 20 ngày, nhưng nếu sau 22 ngày, 25 ngày mà Chính phủ cho hoạt động trở lại, chúng tôi có được miễn nữa không? Thời gian trước ngày 1/4 cũng có rất nhiều phương tiện phải nghỉ vì giãn cách xã hội vì không có khách, vậy có được hỗ trợ miễn giảm hay không?”.

Theo ông Đạt, các cơ quan QLNN cần chủ động trong việc hỗ trợ DN vận tải như các ngành nghề khác. “Ngân hàng cho giảm lãi, thuế cho giảm thuế, bảo hiểm giảm phí… nên chăng cũng cần thực hiện miễn phí bảo trì đường bộ luôn, thay vì cứng nhắc buộc lái xe, DN tới nộp phù hiệu, làm hồ sơ, đi xác nhận. Xe chạy hay không thì cơ quan quản lý chỉ cần mở thiết bị GSHT lên là biết. Thêm nữa, việc dừng hoạt động này thực hiện trên cả nước theo Chỉ thị của Thủ tướng thì việc miễn phí là điều tất yếu, tại sao lại bắt phải làm hồ sơ xác nhận?”, ông Đạt đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải cũng cho rằng, quy định xe dừng trên 30 ngày mới được giảm phí là quy định trong điều kiện bình thường, còn trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh, xe dừng hoạt động là chủ trương chung toàn quốc. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Bộ GTVT đã quyết định cho dừng toàn bộ hoạt động của các tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô trong vòng 15 ngày. Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ VN cũng có văn bản tạm đình chỉ hiệu lực phù hiệu của kinh doanh vận tải, đương nhiên xe kinh doanh vận tải đã dừng hoạt động. Những văn bản có tính pháp lý đó hoàn toàn có thể thay được xác nhận của Sở GTVT về xe dừng hoạt động.

“Không nên nặng nề quá về thủ tục hành chính trong điều kiện dịch bệnh, hỗ trợ nửa tháng hay một tháng hay cũng là động viên DN. Cũng tương tự như ngân hàng tự động giảm lãi cho DN. Thay vì phải làm nhiều thủ tục, chỉ cần Sở GTVT xác nhận bằng email về số lượng xe dừng hoạt động và cơ quan đăng kiểm cập nhật vào hệ thống, tự khấu trừ phí bảo trì đường bộ tương ứng với thời gian xe dừng hoạt động vào kỳ đóng tiếp theo”, ông Hải đề xuất.

Ở góc độ cơ quan đăng kiểm, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết: Cơ quan đăng kiểm không thể tự quyết việc giảm trừ thu phí đường bộ đối với trường hợp xe kinh doanh vận tải bị cơ quan chức năng thu hồi phù hiệu vận tải để phục vụ mục đích phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ khi Bộ Tài chính có văn bản quy định, hướng dẫn đối với việc không thu phí đường bộ đối với trường hợp dừng dưới 30 ngày do dịch, cơ quan đăng kiểm mới không thu. “Nên xem xét việc dừng quyết định thu hồi phù hiệu vận tải của cơ quan chức năng để chống dịch, làm căn cứ để thực hiện việc miễn phí đường bộ trong thời gian xe tạm dừng hoạt động”, ông Bình cho biết.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V cho rằng, việc nhiều xe kinh doanh vận tải bị dừng do dịch COVID-19 là tình huống phát sinh, để tháo gỡ vướng mắc đối với trường hợp xe dừng dưới 30 ngày, Bộ Tài chính chỉ cần có văn bản hướng dẫn để Sở GTVT, đơn vị đăng kiểm có thể thực hiện, thay vì phải sửa đổi Thông tư 23/2016.

Về số lượng xe đã làm thủ tục miễn, Cục Đăng kiểm VN cho biết, thông thường các phương tiện tạm nghỉ lưu hành và được miễn phí sử dụng đường bộ, khi đi đăng kiểm tiếp theo mới làm thủ tục, tính toán đối trừ số phí được giảm. Do đó, hiện chưa thống kê được số lượng xe đã nghỉ lưu hành và được miễn phí.

“Cục Đăng kiểm VN đã thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, chủ phương tiện bằng cách gia hạn thời hạn giấy chứng nhận đăng kiểm đối với tàu biển chạy tuyến quốc tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời báo cáo Bộ GTVT đề xuất Bộ Tài chính xem xét, bỏ lệ phí cấp giấy chứng nhận xe cơ giới đang lưu hành đối với phương tiện bị ảnh hưởng”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Theo Báo Giao thông

Năm 2020, Việt Nam có thể xuất 6,5-6,7 triệu tấn gạo

Bộ NN&PTNT cho biết, tổng sản lượng lúa cả nước năm 2020 khoảng 43,5 triệu tấn, không những đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, còn đảm bảo lượng xuất khẩu 6,5 -6,7 triệu tấn gạo.

Năm 2020, Việt Nam có thể xuất 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo

Doanh nghiệp gặp khó

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, một trong những DN xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước cho biết, lệnh dừng xuất khẩu gạo bất ngờ, giới doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rúng động vì nhiều lô hàng đã chất lên tàu.

Lãnh đạo một DN xuất khẩu lớn khác cho biết, DN đã nhận được công văn của Hải quan tạm dừng xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24/3. Theo vị giám đốc này, do dịch bệnh, nên người dân ở một số địa phương đổ xô đi mua dự trữ, thị trường chưa kịp điều tiết, nên dẫn đến thiếu cục bộ, các bộ ngành mới lo lắng.

“Chúng tôi đang tăng ca tối đa để cấp gạo cho thị trường nội địa mùa dịch COVID-19. Điều đang lo, nhiều DN đã ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu vụ với giá thấp, nay giá gạo lên cao, họ phải mua vào với giá cao để giao hàng, nên đứng trước nguy cơ lỗ nặng”, vị giám đốc nói.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu đang ở mức 428-432 USD/tấn, so với khoảng mức 345 USD/tấn từ đầu vụ. Giá gạo xuất khẩu tới nay đã tăng 80-85 USD/tấn- mức cao nhất trong nhiều năm qua. Với mức giá trên, so với cùng phân khúc, giá gạo Việt Nam hơn gạo Thái khoảng 40 USD/tấn, nhưng cao hơn Ấn Độ tới 80 USD/tấn.

Theo ông Phạm Xuân Quế, Tổng Giám đốc Tổng Cty lương thực miền Bắc (Vinafood 1), nếu thị trường khả quan, chắc chắn mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn, kim ngạch trên 3 tỷ USD của ngành lúa gạo hoàn toàn có thể đạt được. Ông cho biết, giá gạo Việt Nam thu hẹp với gạo Thái, nhưng cao hơn gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar… là các đối thủ của Việt Nam. “Các nước tăng cường nhập khẩu gạo, các hợp đồng lớn liên tục bay về” – ông Quế nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số DN xuất khẩu gạo lớn cho biết, cùng với diễn biến bất thường của dịch COVID-19, các DN xuất khẩu gạo đang trong cảnh tiến thoái lưỡng nan nếu phải dừng xuất khẩu gạo kéo dài.

Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho hay, để đáp ứng đơn hàng, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã mua vào một lượng gạo tương đối lớn để chuẩn bị giao theo hợp đồng cho các đối tác. Như doanh nghiệp của ông, đã mua hơn 300 nghìn tấn gạo để thực hiện hợp đồng đã ký giao trong tháng 4.

Chủ tịch HĐQT một DN xuất khẩu gạo tại TPHCM cho hay, với việc tạm dừng không được xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ “đứng hình” vì không biết xử lý hợp đồng với khách hàng thế nào và lấy nguồn tiền đâu để trả lãi vay ngân hàng, trả tiền mua hàng các đại lý thu mua.

Theo vị này, các DN chắc chắn sẽ phải chấp hành yêu cầu dừng xuất khẩu gạo của cơ quan quản lý. Đặc biệt, nếu đã có cảnh báo về việc thiếu lương thực trong nước nếu không cân đối xuất khẩu thì việc tạm dừng cũng là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay các DN xuất khẩu gạo phần lớn là làm thương mại. Vì vậy, nếu không được xuất khẩu, chắc chắn hoạt động của DN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do khách hàng sẽ phạt hợp đồng, thậm chí hủy đơn hàng cho các lần sau.

Việt Nam có thực sự thiếu gạo?

Ngày 25/3, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương để chỉ đạo các giải pháp, đảm bảo được kế hoạch sản xuất lúa năm 2020, với sản lượng lúa dự kiến đạt 43,5 triệu tấn.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước sẽ được thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt khoảng 20,2 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh ĐBSCL khoảng 10,8 triệu tấn (hiện đã thu hoạch 1,3 triệu ha, sản lượng 9 triệu tấn), còn lại 9,4 triệu tấn ở các vùng miền còn lại.

Dự báo 6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa Hè Thu, Mùa, Thu Đông cả nước thu hoạch cho sản lượng 23,4 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 17,2 triệu tấn.

Lãnh đạo một DN xuất khẩu gạo có tiếng tại TPHCM cho biết, đơn vị “mắc kẹt” 4 container gạo tại cảng Sài Gòn. Số gạo này chuẩn bị xuất sang Úc, nhưng đến cảng mới được hải quan thông báo tạm ngừng thông quan từ 0h ngày 24/3. “Lô hàng lần này trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Để có đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi phải chuẩn bị cả tháng, tốn rất nhiều nhân công và chi phí. Quyết định tạm dừng xuất gạo không chỉ khiến đơn hàng dở dang, mà còn gây mất niềm tin với đối tác. Dù hôm nay đã được thông quan trở lại nhưng e rằng trễ hợp đồng. Chúng tôi đang thương lượng với đối tác và chưa nhận được phản hồi” – vị này cho hay.

Bộ NN&PTNT nhận định, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ. Do đó, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu Đông lên khoảng 800 nghìn ha nếu có thể.

Theo Tiền phong

Container tồn đọng tại cảng biển giảm hơn 60%

Số lượng container tồn đọng tại cảng biển liên tục được kéo giảm nhờ các biện pháp quyết liệt của cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 21/2/2020, số container tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày tại cảng biển Việt Nam là 3.423 container, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, tại thời điểm tháng 2/2019, hệ thống cảng biển Việt Nam lưu giữ hơn 23.000 container phế liệu. Trong đó, số lượng container lưu giữ trên 90 ngày lên tới hơn 9.800 container.

Theo Cục Hàng hải VN, kết quả trên đã phản ánh sự quyết liệt của các Bộ, ngành trong suốt thời gian qua. Trong đó, trên cơ sở chỉ đạo, chấp thuận của Chính phủ, Tổ công tác liên ngành gồm: Bộ Tài Chính, Bộ GTVT, Bộ Tài Nguyên – Môi trường; Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp được thành lập để chỉ đạo Hội đồng xử lý hàng hóa tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai xử lý các lô hàng phế liệu vô chủ.

Đối với những lô hàng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu hết thời hạn thông báo theo quy định nhưng không có người đến nhận, Hội đồng xử lý hàng hóa đã phối hợp với tổ chức giám định kiểm kê, phân loại. Nếu hàng tồn đọng là phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan phải yêu cầu hãng tàu vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Trường hợp hãng tàu cố tình không vận chuyển, cơ quan hải quan lập danh sách làm cơ sở kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Khoa học – Công nghệ có biện pháp xử lý hoặc dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.

“Riêng đối với ngành hàng hải, thực hiện Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Cục Hàng hải đã yêu cầu các DN cảng biển phải thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, đốc thúc hãng tàu báo cáo thông tin về các chủ hàng của lô hàng phế liệu bị tồn tại cảng.

Cùng đó, Cục đã yêu cầu DN cảng biển thực hiện miễn giảm giá dịch vụ lưu kho, lưu bãi để tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu rút hàng về, kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định”, đại diện Cục Hàng hải nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng Nam Hải – Đình Vũ (Hải Phòng) – một trong những cảng có lượng container có thời gian lưu giữ trên 90 ngày lớn nhất khu vực phía Bắc với hơn 1.000 container cho biết, từ tháng 5/2019, cảng Nam Hải – Đình Vũ đã áp dụng chính sách giảm chi phí lưu kho, bãi cho DN xuất nhập khẩu.

“Mức giảm phí dao động từ 50 – 70%, thậm chí, những container hàng giá trị thấp như giấy, cảng chấp nhận miễn hoàn toàn phí gửi. Với chính sách trên, thời gian qua, trung bình mỗi tháng, cảng giải phóng được khoảng 100 container, chủ yếu là mặt hàng nhựa phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”, ông Tuấn nói và cho biết, mặc dù tốc độ rút container vẫn tương đối chậm, song, số lượng container được rút ra đã giảm bớt gánh nặng chi phí gửi container tồn đọng cho cảng Nam Hải – Đình Vũ.

Theo Báo Giao thông

Việt Nam tiếp tục nhập siêu trong nửa đầu tháng 2

Trong kỳ 1 tháng 2, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thâm hụt 30 triệu USD, khiến luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/2, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 410 triệu USD.

Việt Nam tiếp tục nhập siêu trong nửa đầu tháng 2

Việt Nam tiếp tục nhập siêu trong nửa đầu tháng 2

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu , nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2020 (từ ngày 1/2 đến ngày 15/2) đạt 19,23 tỷ USD, tăng 32% so với kỳ 2 tháng 1/2020 và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ 1 tháng 2, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thâm hụt 30 triệu USD, khiến luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/2, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 410 triệu USD.

Cán cân thương mại của Việt Nam theo từng tháng

Cán cân thương mại của Việt Nam theo từng tháng

Về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 2, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu là 9,6 tỷ USD, tăng 30% so với kỳ trước đó là giai đoạn có một tuần nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu 6,78 tỷ USD.

Luỹ kế đến hết ngày 15/2, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 27,86 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 18,5 tỷ USD.

Tương tự các tháng trước đó, trong kỳ 1 tháng 2, Việt Nam tiếp tục có thế mạnh xuất khẩu ở một số mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Hàng dệt may; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và giày dép các loại.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2 đạt 9,62 tỷ USD, tăng 33,7% so với kỳ 2 tháng 1. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,8 tỷ USD.

Luỹ kế đến hết ngày 15/2, giá trị nhập khẩu của Việt Nam đạt 28,27 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,5%.

Cũng theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 2/2020 có 2 nhóm mặt hàng có giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,3 tỷ USD.

Theo Bizlive.

Trang chủ Logistics Hải Quan Đã tái xuất 25 cotainer phế liệu tồn tại cảng Cát Lái

Trong số phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái- TPHCM, cơ quan Hải quan đã làm thủ tục tái xuất 25 container.

Giám định phế liệu nhập khẩu qua cảng Cát Lái

Giám định phế liệu nhập khẩu qua cảng Cát Lái

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, trên 2.000 container phế liệu nhập khẩu qua cảng Cát Lái còn tồn đọng đang được đơn vị kiểm kê, phân loại.

Trong đó, có 25 container đã được tái xuất. Số còn lại có trên 100 container thuộc diện khóa trọng điểm, gần 300 container thuộc các chuyên án đang điều tra nên cũng đang được cơ quan chức năng tạm khóa, trên 160 container đã được doanh nghiệp mở tờ khai hải quan nhưng chưa nhận hàng.

Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã thực hiện phân loại được 300 container, số còn lại sẽ tiếp tục được phân loại để xử lý rốt ráo trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc vào cuối tuần qua với lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng yêu cầu Chi cục chủ động phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đẩy nhanh tiến độ phân loại, để khẩn trương xử lý số phế liệu tồn nêu trên, giải phóng mặt bằng cho cảng, thu hút hàng hóa XNK…

Theo Báo Hải Quan Online