Tiếp tục đóng cửa khẩu giao thương, doanh nghiệp phải làm gì?

Chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã quyết định lùi thời gian mở cửa khẩu ít nhất tới cuối tháng 2. Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn, doanh nghiệp cần làm gì trong tình thế này?

Các cửa khẩu phụ sẽ tiếp tục đóng ít nhất đến hết tháng o2/2020

Các cửa khẩu phụ sẽ tiếp tục đóng ít nhất đến hết tháng o2/2020

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, ít nhất là tới cuối tháng 02/2020.

Chính quyền tỉnh Vân Nam hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch nCoV gây ra, nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Như vậy các cửa khẩu phụ, con đường chủ yếu để xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như Tân Thanh, Na Hình, Bình Nghi (Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai – Vân Nam… sẽ tiếp tục đóng.

Quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự tính và liên tục cảnh báo trong những ngày qua.

Tuy nhiên, quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam chỉ ảnh hưởng tới hàng hóa đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân.

Các lô nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, kể cả thanh long, vẫn được làm thủ tục thông quan bình thường dù tiến độ có phần chậm hơn do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, theo khuyến nghị của 2 Bộ, các doanh nghiệp đã có các biện pháp điều tiết nên lượng thanh long và dưa hấu đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân đã chậm lại đáng kể.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước quyết định vẫn tiếp tục đóng biên giới, Bộ đã có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới.

Nhưng đại diện bộ này cũng nhận định, trước diễn biến phức tạp và dự kiến còn kéo dài của dịch bệnh, khả năng 2 Bên có thể sớm đưa ra những biện pháp hữu hiệu là không nhiều.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có văn bản khuyến nghị đến các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân có biện pháp để điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các biện pháp để gia tăng sản lượng vào thời điểm này.

Với sản lượng đã hoặc sắp thu hoạch, tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch; Hoặc liên hệ với chủ hàng để đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch.

Đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc…

Bộ Công Thương cam kết sẽ chỉ đạo các Phòng giấy phép của Bộ tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch.

Theo Pháp luật Việt Nam

Giảm hơn 17.500 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển

Năm 2019, số container phế liệu tại cảng biển giảm hơn 17.500 container so với năm trước.

Số container hàng hóa phế liệu tại cảng biển giảm mạnh nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chức năng

Số container hàng hóa phế liệu tại cảng biển giảm mạnh nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chức năng

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2019, số container hàng hóa là phế liệu tồn đọng lưu giữ tại các cảng đã giảm 17.567 container so với năm 2018.

Tính đến tháng 11/2019, số lượng container phế liệu được lưu giữ tại cảng biển là 8.748 container. Trong đó, có 3.102 container được lưu dưới 30 ngày, 46 container lưu tại kho, bãi từ 30 – 90 ngày và 5.600 container tồn đọng tại kho, bãi, cảng trên 90 ngày.

Phía Cục Hàng hải VN cho hay, để kéo giảm lượng container phế liệu tồn đọng tại cảng biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 27 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Đến tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 35 ban hành quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu. Trong đó quy định rõ, khi phát sinh các vấn đề cần xử lý thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì và các đơn vị khác phối hợp; Khi phát sinh vụ việc thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên sẽ chủ trì xử lý.

“Hiện tại, Cục Hàng hải VN vẫn tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đưa về Việt Nam.

Cục cũng liên tục có văn bản yêu cầu các DN cảng biển phải thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, đốc thúc hãng tàu biển báo cáo thông tin về các chủ hàng của lô hàng phế liệu bị tồn tại cảng; Kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định; Đồng thời, thực hiện miễn giảm giá dịch vụ lưu kho, lưu bãi để tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu có thể rút hàng về”, đại diện Cục Hàng hải nói.

Được biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và ý kiến của Bộ, ngành liên quan, vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất Chính phủ hướng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển.

Với những lô hàng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu hết thời hạn thông báo theo quy định nhưng không có người đến nhận, Hội đồng xử lý hàng hóa phải phối hợp với tổ chức giám định kiểm kê, phân loại. Nếu hàng tồn đọng là phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan phải yêu cầu hãng tàu vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Trường hợp hãng tàu cố tình không vận chuyển, cơ quan hải quan lập danh sách làm cơ sở kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Khoa học – Công nghệ có biện pháp xử lý hoặc dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.

Theo Báo Giao Thông

Hơn 13 triệu tờ khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử

Thực hiện thủ tục hải quan điện tử là một trong những kết quả nổi bật trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan trong năm 2019.

Cơ cấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan theo 4 cấp độ đang được quy định hiện nay

Cơ cấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan theo 4 cấp độ đang được quy định hiện nay

Thực hiện kế hoạch của Bộ Tài chính, trong năm 2019, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục nâng cấp 2 dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 1 lên mức độ 4.

Qua đó, đưa tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 lên đến 172/193 thủ tục hành chính (chiếm 89%), trong số đó có 163 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các thủ tục hành chính cốt lõi như thông quan hàng hóa, thu thuế xuất nhập khẩu đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mức độ cao nhất, cho phép tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thanh toán thuế, phí, lệ phí và trả kết quả hoàn toàn thông qua mạng internet.

Năm 2019, ngành Hải quan đã tiếp nhận và xử lý 13,24/13,33 triệu tờ khai hải quan điện tử (chiếm tỷ lệ 99,34%); tỷ lệ kim ngạch cũng đạt tới 99,94%.

Cùng với đó, số tiền thuế, phí thu bằng phương thức điện tử chiếm tỷ lệ 96,8% số thu của Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện công tác chuẩn bị cho việc tích hợp một số dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch phát triển, vận hành hệ thống Cổng thông tin điện tử ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020, từ ngày 10/10/2019, Tổng cục Hải quan đã triển khai phiên bản mới của Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan và triển khai cổng Thông tin điện tử cho 4 Cục Hải quan: Điện Biên, Cao Bằng, Hà Nam Ninh và Khánh Hòa (những đơn vị chưa có cổng Thông tin điện tử).

Theo Báo Hải quan

Logistics sẽ quyết định cuộc chơi EVFTA

Trong khi nhiều hiệp hội ngành hàng đã có quỹ thời gian hàng năm để chuẩn bị cho Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thì nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực logistics (dịch vụ vận chuyển, hậu cần) đang bị động khi Hiệp định này sắp có hiệu lực…

Nửa đầu 2020, EVFTA có hiệu lực?

Theo Bộ Công Thương, quan hệ thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EU) đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả khi giai đoạn 2000 – 2018 kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng hơn 13,6 lần. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã và đang có xu hướng giảm.

Cụ thể, tính đến tháng 11/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU đã giảm 1,26% so với cùng kỳ năm 2018. Thống kê kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường EU cũng cho thấy sự sụt giảm. Trong đó điện thoại và linh kiện giảm 16%, cà phê giảm 16,4%, thuỷ hải sản gần 13%. Dự kiến, trong năm 2019, xuất khẩu vào EU đạt khoảng 41,8 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm 2018.

Ông Vũ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho kim ngạch sụt giảm là do xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển nóng.

Các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… chủ yếu là xuất khẩu thô bị tác động mạnh từ giá cả thế giới giảm mạnh do nguồn cung tăng. Nhóm hàng thủy sản cũng gặp khó khăn khi Việt Nam đang chịu tác động của việc bị EU rút thẻ vàng do chưa tuân thủ các quy định của Ủy ban Châu Âu.

Ngoài ra, việc sụt giảm kim ngạch mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử cũng tác động đến kết quả xuất khẩu sang châu Âu. Việc sụt giảm này được lý giải là do phụ thuộc vào DN đầu tư nước ngoài, trong đó điển hình là việc Samsung kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10 và mặt hàng máy tính bảng sang EU nên giá trị xuất khẩu mặt hàng này cũng bị giảm theo.

Một nguyên nhân khác nữa cũng được nhắc đến là có thể xuất hiện hiện tượng chững lại trước khi EVFTA có hiệu lực. Các DN có thể muốn “găm” hàng để hưởng lợi từ các cam kết trong EVFTA? Bởi theo một số nguồn tin, nhiều khả năng, EVFTA sẽ có hiệu lực trong nửa đầu năm 2020. Trong khi Việt Nam cũng đang có các biện pháp nhằm thúc đẩy thực thi EVFTA sớm hơn.

Chi phí logistics Việt Nam còn cao

Trong khi nhiều hiệp hội ngành hàng hưởng lợi từ các cam kết trong EVFTA như dệt may, da giày, nông thủy sản… đã có quỹ thời chuẩn bị hàng năm cho vấn đề chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm… để có thể đạt được những tiêu chuẩn khắt khe của EU, thì một vấn đề khá quan trọng, tác động mạnh đến giá trị kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu, chính là logistics lại chưa được quan tâm đúng mức.

Vụ trưởng Linh cho biết, với EVFTA, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tác động tích cực đến triển vọng thị trường và phát triển của ngành logistics Việt Nam. Cơ hội rộng mở của giao dịch thương mại song phương giữa EU và Việt Nam có thể làm tăng nhu cầu vận chuyển không chỉ giữa EU và Việt Nam mà còn với cả EU và Đông Nam Á.

Đặc biệt, sau EVFTA, nhu cầu nâng cao chất lượng, điều kiện của kho bãi và công tác vận chuyển cũng sẽ được đặt ra, nhất là trong bối cảnh ngành logistics Việt Nam và châu Âu còn rất nhiều khoảng cách.

Theo điều tra năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia về chỉ số năng lực logistics, đứng thứ 4 trong ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan). Từ năm 2017, Việt Nam cũng đã xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực vào năm 2025. Chính sách này đã và đang được dần hiện thực hóa với rất nhiều nỗ lực như thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hải quan và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, đại diện nhiều DN logistics cho rằng, họ rất bị động trong kế hoạch phát triển bởi họ không nắm được quy hoạch cụ thể, ngoài ra còn chưa kể chi phí vận chuyển trong tổng cấu thành chi phí logistics khá cao.

Ông Nguyễn Tuấn Vinh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty RATRACO cho biết nguyên nhân khiến cho chi phí vận chuyển cao là do kết nối hạ tầng yếu, kết nối phương tiện kém, vận tải đa phương thức cũng chưa phát triển, nhận thức của DN Việt Nam về các vấn đề liên quan đến logistics còn thấp…

Theo doanh nhân này, nếu có thể khắc phục được những hạn chế trên, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng tính kết nối của phương tiện thì sẽ giảm chi phí vận tải, nâng cao được chất lượng dịch vụ logistics. Chỉ khi giảm được chi phí logistics thì mới có thể tận dụng tối đa các cam kết có lợi cho Việt Nam trong EVFTA, mới tăng được sức mạnh cho hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, hiện nay ở nhiều nước, Chính phủ rất tích cực trong việc hỗ trợ phát triển cho logistics như “chấp nhận chạy xe không sang các nước để đón hàng về” nên Việt Nam cũng cần có nhiều chính sách cụ thể hơn để giúp DN logistics nội có thể đứng vững được trước sức mạnh cạnh tranh cực lớn từ các DN logistics ở EU khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Theo Pháp luật .

Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đã đến ngưỡng?

Bộ Công Thương vừa có báo cáo thống kê về xu hướng và tình hình xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Theo báo cáo này, nhiều dấu hiệu đáng lo ngại với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Nhiều dấu hiệu đáng lo ngại với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới

Nhiều dấu hiệu đáng lo ngại với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới

Đáng quan tâm nhất là xuất khẩu điện thoại các loại, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 48,7 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2019 đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức. Cụ thể, tính chung 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 23,134 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ. Có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm hàng xuất khẩu này có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2018. Trong đó, thủy sản giảm 2,3%, rau quả giảm 2,4%, cà phê giảm 22,2%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,3%. Một số mặt hàng tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch do giá giảm như: Hạt điều, hạt tiêu, gạo.

Với mặt hàng thủy sản và nông sản, theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm.

Việc Việt Nam tăng nhanh và mạnh xuất khẩu sang Mỹ nhiều mặt hàng cũng được cảnh báo có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

Để gỡ khó cho xuất khẩu, Bộ Công Thương cho hay sẽ nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Theo Tiền Phong

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 Logistics nâng cao giá trị nông sản

Trong hai ngày 22 và 23/11, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019. Tham dự có đồng chí Vương Đình Huệ, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UB Chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; lãnh đạo Hiệp hội Doanh ngiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); đại diện lãnh đạo các Bộ Công thương, NN-PTNT, GTVT, Tài chính, KH&CN; đại diện lãnh đạo Tp. Đà Nẵng, Hải Phòng và các tỉnh TTHuế, Cần Thơ, Bình Định, Quảng Ngãi. Ngoài ra còn có đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế.

Phiên thảo luận cấp cao của Diễn đàn

Phiên thảo luận cấp cao của Diễn đàn

Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 7 – 2019 đã diễn ra một chuỗi sự kiện bao gồm chương trình khảo sát cảng và Trung tâm Logistics Chu Lai, thăm nhà máy ô tô Trường Hải; hai hội thảo chuyên đề “Logistics kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây” và “Kinh tế chia sẻ trong logistics”

Phiên toàn thể của Diễn đàn diễn ra vào sáng 23/11 với chủ đề Logistics nâng cao giá trị nông sản với hơn 1.000 lượt đại biểu từ các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; hơn 50 chuyên gia quốc tế trên các lĩnh vực thuộc logistics.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Theo Báo cáo của World Bank về Chỉ số hoạt động logistics (LPI), công bố ngày 24/7/2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Word Bank thực hiện việc xếp hạng Chỉ số hoạt động logistics trong thập niên vừa qua.

Trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13% – 15%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không… Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời đã tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.

Với mục tiêu khơi thông dòng chảy logistics, Diễn đàn đã đề cập và bàn thảo các vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan giữa bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế trước xu hướng phát triển kỹ thuật số. Diễn đàn đã tập trung phân tích và đề xuất các giải pháp phát triển logistics trên hành lang kinh tế Đông – Tây, các mô hình kinh tế chia xẻ và đặc biêt là hiến kế các biện pháp có tính đột phá và thực tiễn nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản.

Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 cũng đặt mục tiêu tăng cường kết nối đa phương, kết nối những giá trị và nền tảng bền vững, nâng cao giá trị đóng góp của logistics trong GDP của cả nước cho những năm tới.

Diễn đàn Logistics Việt Nam được khởi xướng từ năm 2013, Bộ Công Thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan có liên quan duy trì tổ chức thường niên trong suốt hành trình 7 năm liên tiếp và đã trở thành một diễn đàn cấp quốc gia kết nối quốc tế thể hiện mạnh mẽ tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong hoạt động logistics.

Các bài phát biểu và tham luận trong Diễn đàn đều đề cập về thực trạng những vấn đề đặt ra cho việc phát triển hệ thống logistics, đáp ứng nhu cầu phát triển của chuỗi giá trị nông nghiệp; nêu các ý kiến và hiến kế của doanh nghiệp. Đặc biệt là phần thảo luận cấp cao.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, chúng tôi mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cả nước đối thoại với các Bộ ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, để logistics trở thành ngành mũi nhọn, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành kinh tế khác, trước hết là hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản Việt Nam; thúc đẩy kết nối phát triển logistics dọc các hành lanh kinh tế chính và giải pháp tận dụng hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics để tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí logistics.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA phát biểu tại Diễn đàn

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA phát biểu tại Diễn đàn

Chung quanh chủ đề Logistics nâng cao giá trị nông sản, tại Diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cũng đã phát biểu nêu lên một số mặt còn yếu kém trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho nông nghiệp, nhất là hệ thống thiết bị lạnh. Với kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế và từ các diễn đàn khu vực ASEAN ông Lê Duy Hiệp cho rằng, chúng ta nên quan tâm tạo điều kiện trong việc đầu tư hoàn thiện cung ứng trong công nghệ logistics đối với chuỗi lạnh nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao giá trị cho nông sản.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới và các kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT, các ý kiến tại Diễn đàn để phát triển logistics. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ ngành cần xác định logistics ở trong thời gian tới sẽ là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế – chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động tới khu vực cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt chú trọng những nghiên cứu mang tính chiến lược tổng thể trong quan hệ với các nước ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta và quan tâm thích đáng đến các vấn đề của khu vực, từ Tiểu vùng Mê Kông, ASEAN đến thế giới; tiếp tục thực hiện và mở rộng các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước trong khu vực. Cấp thiết nghiên cứu, xây dựng một Chiến lược tổng thể đi đôi với một Quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Kiện toàn tổ chức bộ máy của Ủy ban chỉ đạo quốc gia cùng với cơ chế phân cấp quản lý linh hoạt giữa Trung ương và địa phương; tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác logistics có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ giỏi, phẩm chất đạo đức đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới trong thời gian tới. Đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải.

Theo Vietnam Logistics review.

Hành chính một cửa, người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Khách hàng đến nhận giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe ô tô tại bộ phận một cửa Cục Đăng kiểm VN

Chưa ai phàn nàn về chất lượng phục vụ của bộ phận một cửa

Công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng loạt ở các cơ quan, đơn vị trong từng lĩnh vực ngành GTVT trong thời gian qua.

Cuối tuần qua, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại khu vực tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa của cơ quan Cục Đăng kiểm VN (18 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Quan sát cho thấy, khu vực này được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ, có dãy ghế ngồi, cây nước uống và wifi miễn phí cho khách đến làm thủ tục.

Khi có khách hàng đến làm thủ tục, cán bộ tham gia bộ phận một cửa sẽ kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn khách hàng. Nếu hồ sơ của khách hàng đầy đủ theo quy định sẽ được tiếp nhận, cán bộ một cửa sẽ nhập đầy đủ thông tin lên phần mềm một cửa điện tử của Bộ GTVT để quản lý. Trên phần mềm quản lý, mỗi hồ sơ được cấp một mã số quản lý để thuận tiện cho việc tra cứu trong suốt quá trình thực hiện. Khách hàng khi đến nhận kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa, cán bộ thường trực chỉ mất khoảng 3-5 phút để hoàn tất công việc trả hồ sơ.

Ông Nguyễn Văn Tâm, nhân viên Công ty TNHH Đại Phát Tín đến nhận hồ sơ thẩm định thiết kế xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bày tỏ: “Trước đây, chúng tôi phải trực tiếp đến phòng chuyên môn để làm thủ tục, lúc gặp nhân viên này, khi lại gặp nhân viên khác để giải quyết và cũng không biết khi nào hồ sơ sẽ giải quyết xong để đến lấy. Còn bây giờ, chỉ cần đến bộ phận một cửa để nộp, nhận kết quả và có thể tra trên máy tính là biết được hồ sơ đã được giải quyết xong chưa để đến lấy”.

Ông Phan Trung Nghĩa, Phó chánh văn phòng Cục Đăng kiểm VN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, từ ngày 1/7/2019, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của Cục Đăng kiểm VN chính thức đi vào hoạt động. Hiện, Cục Đăng kiểm VN có 24 thủ tục hành chính được tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ theo hình thức một cửa, một cửa liên thông. Sau hơn 4 tháng thực hiện, đã tiếp nhận, xử lý hơn 1.100 hồ sơ.

“Ngoài cán bộ thường trực tại bộ phận một cửa, mỗi khi đông khách hàng, các phòng chuyên môn đều cử 1-2 cán bộ để hỗ trợ tiếp nhận và trả hồ sơ nên khách không phải chờ đợi lâu. Từ khi triển khai đến nay, chưa thấy cá nhân, doanh nghiệp nào phàn nàn về chất lượng phục vụ của bộ phận một cửa”, ông Nghĩa chia sẻ.

Khác với không khí sôi động, tấp nập ở bộ phận một cửa của Cục Đăng kiểm VN, tại khu vực bộ phận một cửa của Cục Đường sắt VN lại rất vắng vẻ. Lý giải hiện tượng trên, ông Trần Trường Giang, Chánh văn phòng Cục Đường sắt VN cho biết, đối với lĩnh vực đường sắt, hiện người dân, doanh nghiệp chủ yếu thực hiện các thủ tục qua mạng theo dịch vụ công trực tuyến cấp 3, cấp 4.

“Đối với dịch vụ một cửa, một cửa liên thông, họ có thể thực hiện qua mạng, gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Cục nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa. Tuy nhiên, rất ít người đến trực tiếp Cục Đường sắt VN để nộp hồ sơ vì họ chủ yếu là làm qua mạng để đỡ mất thời gian đi lại”, ông Giang nói.

Liên quan đến các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, kể từ ngày 1/7/2019, tất cả các hồ sơ có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính đều thực hiện theo quy định. Tính đến tháng 10/2019 đã có 245 hồ sơ từ các tổ chức đến làm thủ tục, 178 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn, 15 hồ sơ đang giải quyết, 1 hồ sơ đang chờ kết quả, 1 hồ sơ từ chối giải quyết, 20 hồ sơ chờ hoàn thiện bổ sung, 30 hồ sơ chờ thanh toán phí.

Doanh nghiệp lợi lớn từ cải cách TTHC

Liên quan đến công tác cải cách TTHC tại lĩnh vực hàng hải, ông Trần Công Sáng, Trưởng phòng Pháp chế (Cục Hàng hải VN) cho biết, chỉ trong năm 2019, Cục Hàng hải VN đã rà soát 101 TTHC và đề nghị cắt giảm được 6 TTHC, đơn giản hóa 2 TTHC.

Trên cơ sở các TTHC được công bố, đến nay, Cục Hàng hải VN đã xây dựng lộ trình và triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, gồm: 51 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 2; 35 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 9 TTHC về quản lý thuyền viên được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Cũng theo ông Sáng, với tính năng khai báo thông tin trên hồ sơ điện tử, các chủ tàu, hãng tàu cũng tiết kiệm được nhiều chi phí nhân sự và đi lại. Đặc biệt là tăng an toàn, an ninh cho người làm thủ tục vì không còn phải đem hồ sơ, giấy tờ bản chính theo bên mình. Trước đó, đã có không ít trường hợp người làm thủ tục bị cướp hồ sơ, giấy tờ, trong đó có cả hộ chiếu thuyền viên làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của tàu do phải xin cấp lại toàn bộ hồ sơ.

Đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng hãng tàu T.S Lines (Hải Phòng) cho biết, việc “điện tử hóa” thủ tục tàu ra – vào cảng biển đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được cả thời gian và chi phí.

“Cách đây khoảng 5 năm, trước khi cập cảng làm hàng, hãng tàu phải cử nhân viên mang hồ sơ chuyến hàng xin xác nhận của từng đơn vị, từ hải quan, cảng vụ hàng hải, kiểm dịch động vật, y tế… thời gian hoàn thành thủ tục phải mất gần hơn 8 tiếng. Trường hợp giấy tờ phải thay đổi thông tin, việc xin xác nhận của các cấp chức năng phải mất đến vài ngày. Đến nay, việc khai báo, kiểm duyệt được tích hợp trên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, thời gian làm thủ tục của hãng tàu chỉ mất từ 20 – 30 phút”, ông Mạnh nói và cho biết, theo tính toán, một ngày nằm chờ, tàu nhỏ mất khoảng 10.000 USD/ngày tiền thuê tàu, tàu cỡ lớn hơn có thể từ 20.000 – 30.000 USD/ngày.

“Thời gian làm thủ tục kéo dài càng lâu, chi phí thuê tàu càng lớn, chưa kể, việc chậm cập cảng làm hàng sẽ khiến tàu tiếp tục bị lỡ thời gian cập các cảng tiếp theo trên tuyến hành trình”, ông Mạnh nói và dẫn chứng, có những DN lớn như: Samsung, LG, Canon cần nguyên vật liệu sản xuất đúng thời gian vì hàng của họ là hàng linh kiện sản xuất điện tử, độ chính xác cực cao, nếu bị trễ, họ luôn nghĩ ra đủ mọi lý do khiếu kiện, buộc hãng tàu phải nộp tiền phạt.

Theo Báo Giao thông

Đẩy mạnh thực thi Hiệp định vận tải đa phương thức

Hiệp định khung ASEAN về Vận tải đa phương thức (AFAMT) được ký kết tháng từ 11/2005. Trải qua 14 năm, nhưng Hiệp định mới chỉ được 7 nước thành viên ASEAN phê chuẩn và việc thực hiện được tiến hành giữa các nước này. Hiện còn 3 nước chưa phê chuẩn là Brunei Darussalam, Malaysia và Singapore.

Yêu cầu về vận chuyển hàng hóa từ điểm đầu đến điểm cuối “end-to-end” thay cho cách vận chuyển “door-to-door” đã thúc đẩy vận tải đa phương thức (VTĐPT) phát triển, nhất là giữa các nước thành viên ASEAN. Vì vậy, các thành viên cần phải có một khung khổ pháp lý cho việc thúc đẩy thực hiện AFAMT. Từ ngày 26 – 29/8/2019, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Ban Thư ký ASEAN và các chuyên gia 10 nước ASEAN đã thảo luận và nhất trí Kế hoạch Hành động khu vực thực hiện AFAMT từ 2020 – 2025. Bản dự thảo Kế hoạch này sẽ được Nhóm công tác ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải thông qua để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) các nước ASEAN, họp vào tháng 11/2019 tại Hà Nội phê duyệt. Để thực hiện đầy đủ Hiệp định này, các nước ASEAN phải hoàn thiện công tác pháp lý, theo kế hoạch như sau:

1. Hoàn thành việc phê chuẩn Hiệp định: theo kế hoạch, Brunei Darussalam sẽ hoàn thành năm 2020; Malaysia năm 2021; Singapore năm 2020.

2. Tạo khung khổ pháp lý quốc gia cho VTĐPT: Các nước phải xây dựng và luật hóa AFAMT nhằm thực hiện Hiệp định: Từ nay đến năm 2020 – 2022, Brunei Darussalam, Cambodia, Lào, Malaysia, Philippine và Singapore sẽ hoàn thành việc xây dựng các văn bản pháp luật cụ thể điều chỉnh VTĐPT của mỗi quốc gia. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ VTĐPT (Multimodal Transport Operator – MTO) ở các nước thành viên ASEAN khác kinh doanh trên các nước này.

Từ ngày 26 – 29/8/2019, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Ban Thư ký ASEAN và các chuyên gia 10 nước ASEAN đã thảo luận và nhất trí Kế hoạch Hành động khu vực thực hiện AFAMT từ (2020 – 2025). Bản dự thảo Kế hoạch này sẽ được Nhóm công tác ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải thông qua để trình lên Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN, họp vào tháng 11/2019 tại Hà Nội phê duyệt.

3. Dịch và công bố luật về VTĐPT: Từ nay đến năm 2020, các nước Indonesia và Thái Lan là những nước đã luật hóa Hiệp định VTĐPT phải dịch ra tiếng Anh các văn bản luật bằng quốc ngữ nước mình và công bố công khai nhằm tạo thuận lợi cho các nước thành viên trong việc tiến hành VTĐPT ở các nước đó.

4. Thành lập Cơ quan quốc gia có thẩm quyền tại mỗi nước ASEAN: Đây là nhà chức trách chịu trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động của MTO. Ở Việt Nam hiện nay, Bộ GTVT cấp phép cho các MTO hoạt động. Ở Thái Lan là Cục hàng hải và hàng năm các MTO phải báo cáo đầy đủ với nhà chức trách cấp phép về số lượng hợp đồng ký kết và thực hiện cho việc vận chuyển container (FCL và LCL). Còn ở Singapore, hiện nay Hiệp hội Logistics Singapore tiến hành cấp phép hoạt động của các MTO. Muốn được cấp phép, doanh nghiệp phải là hội viên của Hiệp hội và hàng năm phải đóng phí hoạt động cho Hiệp hội. Việt Nam là nước thành viên đã hoàn thành 4 mục nêu trên đây. Bộ GTVT cho biết, trong tháng 10/2019, Bộ sẽ đăng công khai trên website của Bộ Danh sách các MTO được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

5. Tăng cường thể chế qua việc xây dựng Chương trình hỗ trợ khu vực để tiếp tục phát triển, giáo dục và nêu bật tầm quan trọng của VTĐPT. Trong thời gian tới ASEAN sẽ tổ chức các khóa đào tạo và tham quan thực tế ở các nước châu Âu phát triển VTĐPT, ngoài việc các nước thành viên tự tổ chức việc đào tạo. Ban Thư ký ASEAN cứ hai năm một lần sẽ tiến hành công bố các số liệu thống kê về VTĐPT trong khu vực.

6. Một trong những vấn đề được các nước thành viên ASEAN quan tâm trong việc phát triển VTĐPT là giải quyết chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của các MTO. Dự kiến các nước thành viên Hiệp hội AFFA sẽ đưa ra thảo luận và thông nhất Chế độ bảo hiểm chung cho các thành viên của Hiệp hội tại Hội nghị lần thứ 29 của Hiệp hội (AGM-29) ở TP. HCM vào cuối tháng 11/2019.

Chương V, Điều 14, của AFAMT quy định về giới hạn trách nhiệm của MTO nêu rõ: “Trừ khi tính chất và giá trị của hàng hóa đã được người gửi hàng khai báo trước khi hàng hóa được người kinh doanh vận tải đa phương thức đảm trách chuyên chở và đã được ghi trong chứng từ VTĐPT, người kinh doanh VTĐPT sẽ không chịu trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp nào về tổn thất hoặc hư hỏng đối với hàng hóa với số tiền tương đương vượt quá 666,67 SDR cho mỗi kiện hoặc đơn vị tính cước, hoặc 200 SDR cho mỗi ki-lô-gram trọng lượng cả bì của hàng hóa mất mát hoặc hư hỏng, cách tính nào cao hơn thì chọn… Bất kể các quy định của Điều 14 và 15, theo như hợp đồng quy định nếu, người kinh doanh VTĐPT không tiến hành việc chuyên chở hàng hóa bằng đường biển hoặc đường thủy nội địa, thì trách nhiệm bồi thường của người kinh doanh VTĐPT sẽ được giới hạn bởi số tiền không vượt quá 8,33 SDR cho một ki-lô-gam trọng lượng cả bì của hàng hóa mất mát hoặc hư hỏng”. (Theo bản dịch đăng trên trang website của Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Theo luật Việt Nam, các quy đinh về giới hạn trách nhiệm của MTO, tại Nghị định số 144/2018/NĐ-CP, ngày 16/10/2018 Sửa đổi, bổ sung các Nghị định về VTĐPT (Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về VTĐPT, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2011/NĐ-CP ngày 10/10/2011 của Chính phủ) đều phù hợp với các quy định trên đây của AFAMT.

Một khi các nước thành viên ASEAN thực hiện đầy đủ các quy đinh trong AFAMT thì việc kinh doanh VTĐPT của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam trong các nước ASEAN sẽ được thuận lợi, nhất là khi không còn đòi hỏi phải thực hiện thông qua các đại lý của nước sở tại, giúp cho việc giảm chi phí VTĐPT.

Theo Vietnam Logistics Review.

Tổng rà soát mặt hàng gửi kho ngoại quan có nguy cơ gian lận

Để tăng cường công tác quản lý, phòng chống vi phạm từ hoạt động gửi kho ngoại quan, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Quảng Trị rà soát tình hình, đánh giá mặt hàng có nguy cơ gian lận cao.

Công chức Hải quan Quảng Ninh thực hiện giám sát hàng hóa tại một kho ngoại quan trên địa bàn TP. Móng Cái - Ảnh: Q.H

Công chức Hải quan Quảng Ninh thực hiện giám sát hàng hóa tại một kho ngoại quan trên địa bàn TP. Móng Cái – Ảnh: Q.H

Đây sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 85 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ thì thẩm quyền quy định Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Do đó, để có cơ sở báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh rà soát, đánh giá hoạt động của loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan xuất qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn đối với các mặt hàng có nguy cơ lợi dụng hình thức gửi kho ngoại quan để gian lận thương mại, buôn lậu, thẩm lậu vào nội địa trên địa bàn quản lý; đồng thời nêu thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu biên giới trên địa bàn quản lý.

Sau khi rà soát, đánh giá, xác định các mặt hàng gửi kho ngoại quan có nguy cơ lợi dụng loại hình này để gian lận thương mại, buôn lậu, thẩm lậu, đề nghị UBND các tỉnh có ý kiến để Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công bố Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan theo thẩm quyền.

Trước đó, tháng 7/2019, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đề xuất Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương xem xét, quyết định công bố tạm ngừng hoạt động kinh doanh TNTX, kho ngoại quan đối với mặt hàng thuốc lá điếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Cũng liên quan đến hoạt động quản lý kho ngoại quan, thời gian qua, để đảm bảo công tác quản lý hải quan, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định, trình tự, thủ tục hải quan, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với loại hình gửi kho ngoại quan xuất đi nước ngoài qua các cửa khẩu biên giới đường bộ đảm bảo quản lý, giám sát hàng hóa xuyên suốt từ khi phương tiện vận chuyển đến kho, dỡ hàng từ phương tiện vận tải nhập vào lưu giữ tại kho ngoại quan cho đến khi xếp hàng lên phương tiện vận tải xuất khỏi kho ngoại quan và di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để vận chuyển xuất khẩu ra nước ngoài.

Đồng thời rà soát, đánh giá tình hình hoạt động các kho ngoại quan trên địa bàn, đề xuất tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động các kho ngoại quan không đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định 68/2016/NĐ-CP.

Theo Báo Hải quan

Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Tự chứng nhận xuất xứ bản chất là cho phép nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu được tự khai báo hàng hóa thuộc sở hữu của mình, hoặc được ủy quyền khai báo hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa. Bản thân nhà sản xuất phải hiểu rõ quy trình, xuất xứ và sản phẩm của họ hơn bất kỳ bên thứ ba nào, nên việc tự chứng nhận xuất là một xu thế tất yếu.

Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ sẽ là xu thế tất yếu

Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ sẽ là xu thế tất yếu

Trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có quy định về việc tự chứng nhận xuất xứ vào Liên minh châu Âu – EU (hậu kiểm).Theo đó, bên cạnh cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, hai bên thống nhất cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.

Thay vì bên thứ ba cấp chứng nhận xuất xứ (Bộ Công Thương, VCCI hoặc các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền), doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước, trong đó có Việt Nam.

Hậu kiểm là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hậu kiểm rút ngắn thời gian thông quan, còn việc kiểm tra sau thông quan có thể lên tới từ 5 đến 10 năm…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 2.700 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi GSP.

Thực tế hiện nay, phần lớn các DN tự chứng nhận xuất xứ là những DN lớn, còn lại những DN nhỏ do không đủ thông tin và nhân lực để tự thực hiện chứng nhận xuất xứ nên cần nhờ bên thứ ba. Với việc 95% DN nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bỏ hoàn toàn cơ chế cấp C/O vẫn cần khoảng thời gian không ngắn để thực hiện, cho đến khi các DN có đủ khả năng tự thực hiện chứng nhận xuất xứ.

Bản thân các DN Việt Nam cần cập nhật thông tin liên tục thông qua các khóa đào tạo về các quy định của FTA, cần tham vấn với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, từ đó chủ động hơn, tiết kiệm được thời gian, nhân lực và chi phí logistics.

Theo Thương trường