Cảng Hải Phòng liên tiếp đón tàu “khủng”

Những ngày gần đây, Công ty Cảng container quốc tế Hải Phòng (cảng HICT) liên tiếp đón tàu trọng tải lớn quốc tế.

Tàu mẹ NorthernJaguar2 cập cảng làm hàng tại cảng HITC

Tàu mẹ NorthernJaguar2 cập cảng làm hàng tại cảng HITC

Ngày 29/4, cảng HICT đón thành công tàu mẹ Kota Panjang sức chở 12.000 TEU, trọng tải 132.000 DWT, chiều dài 330m. Tàu Kota Panjang là tàu mẹ của liên minh 3 hãng tàu Wan Hai (Đài Loan), Cosco (Trung Quốc), PIL (Singapore), khai thác thường xuyên tại cảng HICT trên tuyến dịch vụ CP1/SEA/AC5 kết nối trực tiếp miền Bắc Việt Nam với khu vực bờ Tây Hoa Kỳ theo hải trình HICT – Nansha – Hong Kong – Yantian – Long Beach – Oakland – Yantian. Trước đó, ngày 11/4, Cảng HICT đón thành công tàu mẹ Northern Jaguar của hãng tàu Ocean Network Express (ONE) vào làm hàng. Tàu Northern Jaguar có trọng tải 108.700 DWT, sức chở 8.814 TEU, chiều dài 334m.

Hiện, sản lượng hàng qua cảng Hải Phòng chiếm 16% cả nước; riêng sản lượng container chiếm 27%. Tỷ trọng này tiếp tục nâng lên trong thời gian tới khi xu hướng các tàu lớn của các liên minh hãng tàu lớn trên thế giới liên tục cập cảng biển Hải Phòng để làm hàng.Theo baogiaothong.vn

Tăng cường kết nối, gia tăng giá trị hàng nông – thủy sản ĐBSCL

Ngày 23/4, UBND TP. Cần Thơ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long”.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Phó Bá Cường)

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Phó Bá Cường)

Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 200 đại diện đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng nông sản và thủy sản, các doanh nghiệp vận tải, logistics,… Đặc biệt trong dịp này các doanh nghiệp trong nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) hàng nông sản và thủy sản, dây chuyền cung ứng hàng lạnh đến từ Hàn Quốc và Cảng Pyeongteak.

Thực trạng và những thách thức trong quản trị chuỗi cung ứng

Việt Nam là nước nhiệt đới, thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có trồng cây ăn quả. Tính riêng 15 loại cây ăn quả có diện tích trên 10 ngàn hecta/loại, hiện chiếm hơn 86% tổng diện tích. Trong đó, ĐBSCL là vùng cây ăn trái chủ lực, chiếm 50% tổng diện tích và 60% sản lượng trái cây của cả nước (theo VINAFRUIT).

Việt Nam hiện đang là 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu (XK) thủy sản hàng đầu thế giới với tỷ lệ XK cao sang các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Nhật, đứng thứ 3 thế giới về nuôi trồng thủy sản (sau Trung Quốc, Ấn Độ). Tổng sản lượng thủy sản 2018, cả nuôi trồng và đánh bắt, là 7,74 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 8,9 tỷ đô la Mỹ, trong đó chủ yếu là khu vực ĐBSCL chiếm 4% – 5% GDP (theo VASEP).

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc tại Hội nghị (Ảnh: Phó Bá Cường)

Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc tại Hội nghị (Ảnh: Phó Bá Cường)

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho rằng: “Hệ thống logistics của ĐBSCL đang có nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ. Cảng Cái Cui dù được kỳ vọng có thể đưa hàng hóa XK cho vùng nhưng trên thực tế tàu tải trọng lớn không vào cảng được do vướng luồng vào. Hiện tại, Cần Thơ đã quy hoạch hơn 242ha tại Cảng Cái Cui để làm trung tâm logistics hạng II, với hy vọng đây sẽ là cơ sở tác động giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp XK hàng nông thủy sản”.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA cho rằng chi phí logistics cho hàng nông thủy sản xuất khẩu tại ĐBSCL hiện nay là khá cao (Ảnh: Phó Bá Cường)

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA cho rằng chi phí logistics cho hàng nông thủy sản xuất khẩu tại ĐBSCL hiện nay là khá cao (Ảnh: Phó Bá Cường)

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phát biểu tại hội thảo: “Xuất khẩu nông thủy hải sản đã và đang là thế mạnh của của Việt Nam nói chung cũng như của đồng bằng sông Cửu Long và TP. Cần Thơ nói riêng, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch XNK của nước ta cũng như sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí logistics cho XK thủy sản và trái cây chiếm tỷ lệ vào khoảng 20% – 25% , như vậy là khá cao so với các nước trong khu vực (vào khoảng 10% – 15%), kết nối hạ tầng logistics tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập, ngay cả các cơ quan chức năng TW và địa phương còn chưa rõ nên đẩy mạnh theo hướng nào”.

Tại hội thảo, PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) chia sẻ về những thách thức mà ngành logistics ĐBSCL đặc biệt là logistics nông sản. đang gặp phải. “Tính kết nối giữa ĐBSCL và thị trường XNK còn kém, khả năng kết nối giao thông nội vùng bị hạn chế; thiếu các trung tâm logistics trọng điểm, bãi container rỗng, hệ thống kho lạnh cho sản phẩm nông nghiệp và thủy sản ở các cảng, nguồn nhân lực còn hạn chế về cả số lượng lẫn chất lượng” – PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa chia sẻ.

Giải pháp tăng hiệu quả vận tải và giảm chi phí logistics

Việc phát triển ngành dịch vụ logistics ở Cần Thơ nói chung và xây dựng phát triển một trung tâm logistics hạng II cấp vùng ở Cần Thơ là nhu cầu cách bách và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, cũng như chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước ta.

Phiên thảo luận về các giải pháp tăng hiệu quả vận tải và logistics (Ảnh: Phó Bá Cường)

Phiên thảo luận về các giải pháp tăng hiệu quả vận tải và logistics (Ảnh: Phó Bá Cường)

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ, để xây dựng phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm logistics vùng ĐBSCL, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau: Một là, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển logistics; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics; dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước; Hai là, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển thêm hệ thống các kho ngoại quan tại các cảng đầu mối theo hướng hiện đại hóa, tăng lưu lượng hàng hóa qua các cảng, giúp hàng hóa được thông quan thuận tiện, giảm chi phí xuất nhập khẩu; Ba là, cần quan tâm đào tạo phát triển và thu hút nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics, cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố”.Hội thảo tạo ra diễn đàn trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề tồn tại và đưa ra các giải pháp, các mô hình vận tải và logistics hiệu quả để cắt giảm chi phí logistics hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu hàng nông sản và thủy sản tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Logistics Hiệp hội VLA, đánh giá: “ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa cất cánh. Muốn có nguồn hàng, có ngành dịch vụ logistics chuẩn và đủ lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển thì cần những người tiên phong trong lĩnh vực này, nhất là các nhà quản lý địa phương. ĐBSCL nếu có trung tâm logistics đủ lớn sẽ giảm chi phí một cách bài bản cho vùng. Đồng thời phải tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL. Các công ty logistics cũng cần có nguồn hàng ổn định để thiết kế bài toán phát triển”.

Cũng theo PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, các đơn vị XK nông sản cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất; Tăng tỷ lệ thuê ngoài logistics để tăng tính chuyên môn hóa, giảm tỷ lệ hao hụt, tổn thất; Kết hợp với các doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ logistics để tận dụng lợi thế nhờ quy mô; tạo sức mạnh của mạng lưới chủ hàng.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Tổng công ty Cảng biển Pyeongtaek - Hàn Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao thương và phát triển ngành logistics (Ảnh: Phó Bá Cường)

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Tổng công ty Cảng biển Pyeongtaek – Hàn Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao thương và phát triển ngành logistics (Ảnh: Phó Bá Cường)

Còn đối với đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, liên kết các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ tại ĐBSCL giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian; Thiết lập địa điểm tập kết container chuẩn trong hệ thống khai thác của hãng tàu cho khu vực ĐBSCL ở Cần Thơ hoặc lân cận để có địa điểm tập kết container rỗng, qua đó khuyến khích phát triển vận tải thủy.

Đối với các cơ quan quản lý, cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics (hạ tầng cứng bao gồm hạ tầng giao thông và trung tâm logistics và hạ tầng mềm ICT) và đầu tư hạ tầng cho khu vực, đặc biệt hạ tầng vận tải thủy nội địa; Truyền thông về kết nối hạ tầng logistics cho các tuyến, luồng hàng hóa, định tuyến lại để phục vụ tăng trưởng xuất khẩu nông sản khu vực ĐBSCL; Có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics.

Theo Vietnam Logistics Review.

Việt Nam – Hà Lan hợp tác phát triển logistics trong nông nghiệp

Ngày 11/4/2019, Hội thảo bàn tròn Hợp tác Đường thủy Việt Nam – Hà Lan với chủ đề “Hướng tới Hành lang logistics nông nghiệp (agro-logistics) đa phương thức và bền vững đồng bằng sông Mê Kông” sẽ diễn ra tại TP. HCM. Đây là một hoạt động quan trọng và có nhiều ý nghĩa được tiến hành bên lề chuyến thăm Việt Nam chính thức của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Tháp tùng Thủ tướng có các quan chức cấp cao Chính phủ Hà Lan và hơn 70 công ty của Hà Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực logistics.

Ngài Willen Schoustra - Tham tám nông nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (thứ 2 từ phải sang trái) tại sự kiện Hortex Vietnam 2019

Ngài Willen Schoustra – Tham tám nông nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (thứ 2 từ phải sang trái) tại sự kiện Hortex Vietnam 2019

Hà Lan là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển, đóng góp giá trị hơn 10% tổng sản phẩm xã hội và thương mại thặng dư hơn 40% trị giá 20 tỷ Euro. Ngành dịch vụ logistics nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thành tích này. Tại Hội thảo bàn tròn này, các doanh nghiệp Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển logistics nông nghiệp và kết nối việc phát triển các trung tâm nông nghiệp với việc phát triển các trung tâm cảng biển và đường thủy, một trong những ưu tiên phát triển của Hà Lan và Việt Nam.

Đây là một bài học tốt cho Việt Nam trong việc phát triển logistics và giao thông thủy của đồng bằng sông Cửu Long. Tại Hội thảo này, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng sẽ có bài trình bày để các doanh nghiệp Hà Lan hiểu được hiện trạng của ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ logistics nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, những vấn đề khó khăn trước mắt và hướng phát triển của dịch vụ logistics nông nghiệp để có thể tìm ra hướng tối ưu hóa khả năng kết nối nhằm tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển và cải thiện tính kết nối với các địa phương trong nước nhằm phát triển thương mại. Tìm ra cách hợp tác phát triển ngành dịch vụ này giữa Việt Nam và Hà Lan.

Nằm trong chuỗi hoạt động chung Việt Nam – Hà Lan, trước đó ngày 15/3/2019 tại TP.HCM, hơn 100 đại biểu chủ yếu từ các công ty rau quả và logistics Việt Nam và Hà Lan đã tham gia Hội thảo về Các cơ hội dây chuyền giá trị lưu chuyển hàng nông nghiệp – thực phẩm trong khuôn khổ Hortex Vietnam 2019 “Thúc đẩy quá trình chuyển đổi” ở TP. HCM, do Postharvest Network phối hợp với Trường đại học & Nghiên cứu Wageningen, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và VLA tổ chức.

Các đại biểu đã thảo luận biện pháp để Việt Nam có thể thúc đẩy giây chuyền giá trị cung ứng lưu thông hàng thực phẩm nông nghiêp và giảm thiểu hao hụt trong quá trình lưu chuyển này.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLA trình bày về dây chuyền cung ứng lạnh của Việt Nam tại Hortex Vietnam 2019

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLA trình bày về dây chuyền cung ứng lạnh của Việt Nam tại Hortex Vietnam 2019

Tại Hội thảo này, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Đào Trọng Khoa đã có bài trình bày chi tiết về “Dây chuyền cung ứng lạnh tại Việt Nam: Tình hình phát triển hiện nay tại Việt Nam”, nêu bật cơ hội phát triển dịch vụ logistics cung ứng hàng lạnh và khả năng hợp tác giữa Việt Nam với các doanh nghiệp Hà Lan giàu kinh nghiệm, nhằm thúc đẩy thương mại hàng hải sản đông lạnh và hàng rau quả với trọng tâm là khu vực đồng bằng sông Mê Kông.Tiếp theo các Hội thảo trên đây, với mục tiêu hợp tác và phát triển ngành dịch vụ logistics, trong đó có logistics nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long như khuyến nghị của VLA với Chính phủ được nêu trong Sách trắng VLA 2018, ngày 23/4/2019, Hiệp hội VLA phối hợp cùng UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo về “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông – thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long” tại Khách sạn Vinpearl Cần Thơ. Đây sẽ là một dịp tốt nữa để các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics trong khu vực thảo luận các biện pháp phất triển ngành dịch vụ logistics trong nông nghiệp của nước ta.Nguyễn Tương

Theo: Vietnam Logistics Review

Triển lãm VIPILEC 2019 lần I – Lối đi mới của ngành logistics tại Việt Nam

Buổi sáng ngày 4/4/2019, tại Trung tâm hội nghị Deutsches Haus – Regus, Tp. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra họp báo lần thứ nhất của VIPILEC 2019 – Triển lãm quốc tế về cơ sở hạ tầng cảng biển và logistics tại Việt Nam (VIPILEC 2019 ), đánh dấu sự hợp tác chính thức của đơn vị tổ chức triển lãm UBM kết hợp cùng Informa. VIPILEC 2019 nhận được bảo trợ từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM).

Triển lãm VIPILEC 2019 lần thứ nhất – Lối đi mới của ngành logistics tại Việt Nam

Triển lãm VIPILEC 2019 lần thứ nhất – Lối đi mới của ngành logistics tại Việt Nam Trong hơn ba thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng là nhờ sự đóng góp không nhỏ của việc mở cửa thị trường thương mại và đầu tư quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới: Theo IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế), chỉ trong 15 năm qua, tỷ trọng thương mại thế giới đã tăng gấp đôi, với xuất nhập khẩu hiện nay khoảng 160% – 170% GDP. Việt Nam có thuận lợi về vị trí địa lý, ổn định chính trị, xã hội và đặt biệt là sự nhất quán của pháp luật về thương mại, tất cả trở thành một cơ sở tự nhiên, là nơi đang tin cậy cho các nhà sản xuất cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thêm vào đó, ngành logistics là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đang được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển. Nhằm đẩy mạnh phát triển, thu hẹp khoảng cách nội bộ và tăng cường khả năng cạnh tranh trong khu vực, Chính phủ đã có nhiều quy hoạch xây dựng và đưa vào vận hành các trung tâm logistics, các khu công nghiệp logistics, cụm logistics; nâng cấp đáng kể hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó việc xây dựng cảng nước sâu ở TP. HCM gần đây đã cải thiện dòng chảy thương mại và giảm chi phí vận chuyển.

Phiên bản đầu tiên của VIPILEC 2019 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 12 – 14/6/2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP. HCM. Với diện tích trưng bày lên đến 3000m2, VIPILEC 2019 sẽ mang đến hơn 100 đơn vị triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ – là cơ hội để các doanh nghiệp tham dự trưng bày những cơ hội kinh doanh và khách hàng giàu tiềm năng, tiếp cận các đơn vị triển lãm quốc tế và sản phẩm công nghệ tân tiến hàng đầu của ngành logistics, với danh mục sản phẩm đa dạng gồm: 3PLs và Đơn vị giao nhận vận tải, vận tải hàng không, vận chuyển hàng hóa bằng thùng lạnh, thiết bị xếp dỡ hàng hóa, chuỗi lưu trữ lạnh và Đơn vị sản xuất thùng lạnh, đơn vị sản xuất & cho thuê container, hệ thống phân tích dữ liệu, đơn vị cung cấp thiết bị và vận hành đường thủy nội địa, thiết bị & bất động sản Logistics, thiết bị & Công nghệ cảng, Intralogistics thông minh, Logistics thông minh và nhà kho thông minh và nhiều sản phẩm khác.

Theo Vietnam Logistics Review.

Cái Mép bất ngờ giành vị trí á quân về khai thác cảng tại châu Á

Cảng quốc tế Cái Mép giành vị trí á quân trong đánh giá thành tích khai thác năm 2018 giữa các cảng lớn khu vực châu Á.

CMIT vượt qua 3/4 tiêu chí đánh giá của CMA CGM và giành vị trí á quân trong cuộc đánh giá thành tích khai thác cảng giữa các cảng lớn khu vực châu Á

CMIT vượt qua 3/4 tiêu chí đánh giá của CMA CGM và giành vị trí á quân trong cuộc đánh giá thành tích khai thác cảng giữa các cảng lớn khu vực châu Á

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, hãng tàu CMA CGM của Pháp, một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới vừa công bố bảng đánh giá thành tích khai thác năm 2018 của 22 cảng và bến cảng chính trong khu vực châu Á mà hãng tàu này đưa tàu mẹ vào khai thác như: cảng Yokohama (Nhật bản), Pusan (Hàn Quốc), Kaohsiung (Trung Quốc), Shanghai (Trung Quốc), Hongkong, Manila (Philipines), Laem Chabang (Thái Lan), Singapore,… Danh sách này không bao gồm các cảng nhỏ tiếp nhận tàu nội Á và tàu gom hàng feeder.

Bảng đánh giá thành tích bao gồm 4 tiêu chí với 5 mức độ đánh giá, thấp nhất là mức 1 và cao nhất là mức 5. Các tiêu chí bao gồm: năng suất bến, thời gian chờ hoa tiêu, thời gian chờ cầu bến và thời gian tàu neo chờ tại cảng trước và sau khi làm hàng.

Đại diện Vinalines cho biết, tại đánh giá này, CMIT đạt được các đánh giá cao ở phần lớn các tiêu chí và giành được huy chương Bạc chung cuộc. Trong 4 tiêu chí đánh giá, CMIT có 3 tiêu chí kết quả ngang với cảng Xiamen là cảng đạt huy chương Vàng, duy chỉ có tiêu chí về thời gian tàu neo chờ tại cảng trước và sau khi làm hàng đạt không cao. Đây là tiêu chí phản ánh việc tàu đến cảng có được làm hàng ngay sau khi neo buộc và có rời cảng ngay sau khi làm hàng xong hay không.

“Hạn chế của Cái Mép là tàu ra vào vẫn còn phụ thuộc vào thuỷ triều, do vậy, dù cảng có nỗ lực kết thúc xếp dỡ hàng hoá sớm thì tàu vẫn phải chờ thuỷ triều để rời bến. Nếu luồng vào cảng vẫn không được sớm nạo vét sâu hơn đến -15,5m, các cảng khó cải thiện được tiêu chí này”, đại diện này chia sẻ.

Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải VN, Cảng Sài Gòn và APM Terminals – Đan Mạch. Trong vài năm gần đây, CMIT liên tục nằm trong top các cảng tăng trưởng nhanh nhất thế giới (trung bình khoảng gần 30%/năm – theo đánh giá của Alphaliner). Hàng tuần, CMIT đón 13 tuyến tàu mẹ đi thẳng bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, 2 tuyến tàu mẹ đi thẳng châu Âu và 5 tuyến tàu nội Á. Trung bình mỗi ngày có 2 tàu mẹ cập các bến ở Cái Mép để kết nối hàng hoá XNK Việt Nam với hai bờ nước Mỹ và 2 chuyến/tuần đi châu Âu.

Theo baogiaothong.vn

Miễn giảm giá lưu giữ, giải phóng hàng ngàn container tồn đọng tại cảng

Cục Hàng hải yêu cầu các đơn vị đề xuất phương án miễn, giảm giá lưu container, tạo điều kiện cho chủ hàng giải phóng hàng tồn đọng tại cảng.

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu DN chủ hàng phối hợp với cơ quan liên quan phân loại hàng hóa tồn đọng, đề xuất phương án miễn giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi hợp lý

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu DN chủ hàng phối hợp với cơ quan liên quan phân loại hàng hóa tồn đọng, đề xuất phương án miễn giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi hợp lý

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cảng biển và các hãng tàu về việc miễn, giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi cho các DN chủ hàng.

Văn bản số 646 do ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ký cho biết, tính đến ngày 25/01/2019, hệ thống cảng biển trên toàn quốc đang lưu giữ hơn 24.100 container phế liệu. Trong đó, tại cảng Hải Phòng có gần 7.000 container phế liệu.

“Trường hợp container lưu giữ tại cảng dưới 90 ngày, các DN vẫn đang thực hiện thủ tục hải quan để thông quan theo quy định. Tuy vậy, vẫn còn hơn 3.000 container quá hạn lưu giữ 90 ngày tại cảng, cơ quan chức năng đang phải tích cực tìm chủ hàng đến nhận để trả lại không gian cho cảng biển, hạn chế tình trạng hư hỏng của hàng hóa”, Cục Hàng hải cho biết.

Trước thực trạng trên, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các DN chủ hàng, hiệp hội ngành hàng (hiệp hội giấy, hiệp hội nhựa, hiệp hội thép,…) chủ động phối hợp với các hãng tàu, đại lý hãng tàu, DN cảng biển khẩn trương thực hiện rà soát, thống kê, phân loại hàng hóa container phế liệu hiện đang tồn đọng tại cảng biển thuộc diện miễn, giảm phí lưu container, lưu bãi, gồm: tên hàng, số container, số seal, số vận đơn/ngày vận đơn, tên phương tiện vận tải/ngày nhập cảnh, vị trí, địa điểm lưu giữ hàng hóa, thời gian lưu bãi.

Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục nhập khẩu, báo cáo đề xuất miễn giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi cho các DN chủ hàng đối với từng lô hàng phù hợp với điều kiện thực tế và quy định pháp luật hiện hành.

“Các hiệp hội ngành hàng cũng cần thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên về chủ trương miễn, giảm giá lưu container, lưu bãi cho các DN chủ hàng nhập khẩu và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xây dựng phương án miễn, giảm giá dịch vụ hợp lý, tránh thiệt hại cho các bên liên quan ở mức tối đa”, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị.

Theo baogiaothong.vn

Nhập siêu 900 triệu USD trong tháng 02/2019

Tính riêng tháng 02/2019, ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Lũy kế hai tháng đầu năm, cả nước nhập siêu 84 triệu USD.

Tính riêng tháng 2/2019, ước tính nhập siêu 900 triệu USD

Tính riêng tháng 2/2019, ước tính nhập siêu 900 triệu USD

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 02/2019 ước tính đạt 14,60 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng trước do tháng 2 có 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 4,3%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong 2 tháng đầu năm như điện thoại và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 4,9 tỷ USD, tăng 19%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 1,9%; giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 18,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 2,6 tỷ USD, tăng 19,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 12,7%.

Một số mặt hàng nông sản, thủy sản tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 2,3%; rau quả đạt 555 triệu USD, giảm 14,4%; cà phê đạt 500 triệu USD, giảm 26,9% (lượng giảm 19,6%); hạt điều đạt 371 triệu USD, giảm 21% (lượng giảm 2,3%); gạo đạt 335 triệu USD, giảm 17,5% (lượng giảm 4,9%); cao su đạt 278 triệu USD, tăng 1,3% (lượng tăng 16,6%); hạt tiêu đạt 92 triệu USD, giảm 20,6% (lượng tăng 7,8%).

Trong 2 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD. Trung Quốc đạt 5,1 tỷ USD, giảm 9,3%. Thị trường ASEAN đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,5%. Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đạt mức xuất khẩu 3,2 tỷ USD và 3,1 tỷ USD.

Chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 ước tính đạt 15,5 tỷ USD, giảm 27,1% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong 2 thánglà điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 11,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,6 tỷ USD, tăng 14,6%; điện thoại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, giảm 12,6%; vải đạt 2,1 tỷ USD, tăng 16%; sắt thép đạt 1,4 tỷ USD, giảm 1,2%; chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,6%; ô tô đạt 1 tỷ USD, tăng 105,1%; riêng dầu thô đạt 693 triệu USD, gấp 16,6 lần cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,7 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam là Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,4 tỷ USD, giảm 2,1%. Thị trường ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 1,4%. Nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 6,7% đạt 2,6 tỷ USD. Hoa Kỳ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 14,6%, chủ yếu là thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng; điện tử, máy tính và linh kiện.

Tính riêng tháng 2/2019, Việt Nam ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Lũy kế hai tháng đầu năm, cả nước nhập siêu 84 triệu USD.

Theo Nhịp sống kinh tế.

Cảng nước sâu Việt Nam đón sóng CPTPP

Hãng tàu container lớn thứ 4 thế giới có kế hoạch thực hiện các chuyến tàu trực tiếp từ TP. HCM sang Úc trong năm 2019.

Doanh nghiệp của chị Ý Nhi (TP. HCM) mỗi tháng phải xuất 2 lô hàng hạt tiêu đi Australia. Container hạt tiêu của doanh nghiệp này được chuyển qua cảng Singapore hoặc Malaysia, sau đó chờ tàu nối sang Australia.

“Tôi phải theo dõi các chuyến tàu này rất sát sao, chỉ thở phào khi tàu đã cặp bến”, chị Ý Nhi chia sẻ. Chị cho biết không yên tâm là tâm trạng chung của các chủ hàng khi xuất khẩu hàng hóa đi Úc bằng đường biển, do không có tuyến vận chuyển đi thẳng từ TP. HCM.

Tàu của hãng CMA CGM đi tuyến châu Âu cập cảng CMIT làm hàng

Tàu của hãng CMA CGM đi tuyến châu Âu cập cảng CMIT làm hàng

Bên cạnh đó, nguồn cung thị trường cũng hạn chế dẫn đến mức cước cao và dễ biến động bất ngờ. Điều này dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, container phải xếp dỡ nhiều lần, doanh nghiệp không chủ động về cước vận chuyển.

Tuy nhiên, năm 2019, tình trạng này chắc chắn sẽ được cải thiện.

Lợi ích từ CPTPP: Cảng nước sâu được lợi

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các văn kiện có liên quan có hiệu lực chính thức với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Như thường lệ, các Hiệp định FTA thường có xu hướng làm tăng xuất khẩu sang các nước ký kết Hiệp định. Theo một tính toán được công bố bởi Ngân hàng Thế giới cho trường hợp CPTPP thì tính đến năm 2030, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 13,1 tỷ USD so với kịch bản cơ sở, một con số không nhỏ, gần bằng giá trị xuất khẩu của mặt hàng giày dép trong năm 2018 của Việt Nam (16,3 tỷ USD).

Lượng hàng xuất khẩu tăng đồng nghĩa với khả năng các tuyến hàng hải trực tiếp đến các thị trường xuất khẩu mục tiêu được hiện thực hóa. Đây là điều không phải do doanh nghiệp xuất khẩu hàng quyết định, mà chính là các hãng tàu.

Đối với các thị trường xuất khẩu tuyến trung bình và tuyến xa, trước năm 2009, các hãng vẫn sử dụng các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như Hong Kong, Singapore, Klang (Malaysia),.. để trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các hãng tàu phải khai thác như vậy bởi trước đó, Việt Nam không có cảng container nước sâu nào.

Nhưng kể từ tháng 6/2009, khi cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) đi vào hoạt động, đã có những tuyến hàng hải trực tiếp kết nối Việt Nam đến các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Những tuyến dịch vụ được các hãng tàu lớn nhất thế giới như Maersk, CMA-CGM, MSC, NYK, COSCO, Evergreen.. triển khai với cỡ tàu từ 8.000 TEU lên đến 18.000 TEU, cỡ tàu rất lớn mà không nhiều cảng trên thế giới có thể tiếp nhận.

Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) ở Lạch Huyện cũng sẽ đón tuyến dịch vụ đi Bắc Mỹ trong năm 2019 này, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên có tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp từ các cảng miền Bắc Việt Nam đến thị trường Mỹ.

Nhưng không dừng lại ở các tuyến biển xa, sự ra đời của các cảng nước sâu kết hợp với tiến trình ký kết các FTA của Việt Nam trong thời gian qua cũng đã giúp cho các hãng tàu đưa các tuyến trung bình đến Việt Nam, điển hình là các tuyến dịch vụ kết nối Ấn Độ hay châu Phi với Việt Nam.

Các tuyến này có thể không sử dụng tàu mẹ, nhưng những con tàu 4.000 TEU – 5.000 TEU không thể vào các cảng ở TP. HCM hay Hải Phòng trước đây, nay đã có thể ghé trực tiếp vào Cái Mép – Thị Vải, Lạch Huyện hay Cái Lân.

Các hãng tàu như Hapag-Lloyd, Hyundai, ZIM, Yang Ming.. đều đã đưa các tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam – Ấn Độ vào các cảng nước sâu ở Việt Nam. Hay một số hãng mạnh trên thị trường châu Phi như Maersk, ZIM, MOL đã từng đưa tàu trực tiếp từ các nước châu Phi về cảng TCIT và TCTT ở Cái Mép – Thị Vải để dỡ lượng hàng hạt điều thô nhập về Việt Nam.

Cơ hội cho Cái Mép – Thị Vải

Năm 2019 sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng mới đối với hệ thống cảng biển Việt Nam. Nhằm đón đầu lượng hàng tăng trưởng từ CPTPP, các hãng tàu sẽ triển khai tuyến dịch vụ đầu tiên kết nối trực tiếp Việt Nam và Australia, 2 thành viên trong CPTPP với kim ngạch hai chiều trong 10 tháng năm 2018 đạt gần 6,4 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực sang Australia như điện thoại và linh kiện, giày dép, hàng dệt may, thủy sản, gỗ.. Đồng thời, nhập về các mặt hàng cần thiết như bông, lúa mì, than, sắt phế liệu… Với CPTPP, thương mại giữa hai nước sẽ tăng đáng kể và rõ ràng những tuyến hàng hải trực tiếp giữa hai nước là hoàn toàn khả thi.

Hãng tàu Pháp CMA-CGM, hiện là hãng tàu container lớn thứ tư trên thế giới sẽ là hãng tiên phong thực hiện tuyến dịch vụ này trong năm 2019 thông qua 2 hãng trực thuộc là APL và ANL. Theo công ty tư vấn hàng hải Alphaliner, tuyến dịch vụ này (có tên là AAX2) sẽ bao gồm 5 tàu với hải trình đi từ cảng TP HCM qua các cảng ở Đông Nam Á là Klang, Singapore và Jakarta, sau đó sẽ cập ba cảng lớn tại Australia là Brisbane, Sydney và Townsville rồi quay lại TP. HCM.

Tuy nhiên khả năng cao là các cảng ở TP. HCM sẽ không được lựa chọn để triển khai tuyến dịch vụ này do vấn đề cỡ tàu. Trong số 20 tuyến dịch vụ từ châu Á đi châu Đại Dương hiện nay, cỡ tàu phổ biến nhất được các hãng sử dụng là cỡ tàu trên 4.200 TEU, chỉ có ba tuyến dùng tàu dưới 4.000 TEU, là cỡ tàu ghé ít cảng hoặc dùng để khai thác tại các cảng ở New Zealand, thị trường có lượng hàng hóa ít hơn so với Australia. Với đặc tính khai thác của tuyến đi Australia, APL/ANL nhiều khả năng sẽ sử dụng cỡ tàu đến hơn 5.000 TEU và như vậy tuyến dịch vụ này chắc chắn sẽ phải cập một trong các bến cảng tại Cái Mép – Thị Vải.

CMA-CGM là hãng triển khai đầu tiên, và nếu hãng này triển khai thành công, những hãng khác cũng khá mạnh trên thị trường Australia và New Zealand như Maersk, COSCO, Ocean Network Express.. chắc chắn sẽ không ngồi yên.

Chỉ mới có hiệu lực chưa lâu, nhưng CPTPP sẽ sớm giúp ngành các cảng nước sâu Việt Nam có được những lợi ích nhất định.

Theo Người đồng hành

Logistics chưa theo kịp thương mại điện tử

Tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam chiếm đến 20,9%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.

Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong hỉ số LPI năm 2018

Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong hỉ số LPI năm 2018

Sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu giao nhận hàng hóa không chỉ gia tăng về số lượng mà còn cả về chất lượng. Tuy nhiên, dịch vụ logistics trong nước hiện nay vẫn đang tụt hậu, chưa bắt kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, ngành logistics Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng 16%/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong chỉ số LPI (Logistics Performance Index – chỉ số đánh giá kết quả hoạt động logistics) trong năm vừa qua.

Nếu như năm 2016, Việt Nam có chỉ số LPI là 2,98, xếp hạng 64/160 quốc gia được đánh giá và xếp thứ 5 trong khối ASEAN, thì năm 2018 chỉ số này tăng 25 bậc. Theo đó, Việt Nam vượt lên ở vị trí 39 với điểm số LPI được cải thiện đáng kể là 3,27, cao nhất trong 6 lần xếp hạng, xếp thứ 3 trong khối ASEAN, sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), quy mô thị trường logistics Việt Nam cũng không ngừng tăng cùng với tăng trưởng nhanh của kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua, đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Trong đó, thương mại điện tử đang và sẽ là nhân tố dẫn dắt chính sự phát triển của logistics.

Thống kê của Công ty Armstrong & Associates (Hoa Kỳ) cho thấy, dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 7,2 – 7,5% tổng doanh thu logistics thế giới.

Thương mại điện tử lên ngôi

Với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh, mức độ phủ sóng ngày càng rộng của mạng Internet cùng các mạng không dây 3G và 4G, doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng. Nếu như giá trị thương mại điện tử trong năm 2012 mới chỉ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, đến năm 2017 đã tăng lên gấp 5 lần và đạt mức 25,7 nghìn tỷ đồng (số liệu của Euromonitor).

Với tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 33%/năm, dự kiến, giá trị thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mốc 106 nghìn tỉ đồng trong năm 2022, tương ứng với khoảng 4,6 tỷ USD.

Nhờ bàn đạp là sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thương mại điện tử ở Việt Nam đang ở thời kì “bình minh rực rỡ”, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới với sự xuất hiện của nhiều công ty thương mại điện tử, tiêu biểu như: Sendo, Adayroi!, Tiki, Lazada, Shopee… Kèm theo đó, áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho.

Ông Nguyễn Trần Thi, CEO Công ty cổ phần dịch vụ Giao Hàng Nhanh đánh giá: “Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử mỗi năm tăng trưởng lên đến 100% nhờ đại đa số giới trẻ đều dùng Internet và xu hướng mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến”.

Trong khi thương mại truyền thống chỉ tập trung phát triển ở một số thành phố lớn, thương mại điện tử lại được phủ sóng khắp mọi tỉnh thành trong toàn quốc. Tuy nhiên, thương mại điện tử không thay thế kênh mua sắm thông thường, mà đang chuyển đổi thành kênh mua sắm chính thức, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của mình.

“Miếng bánh thương mại điện tử trong thị trường thương mại chung sẽ ngày càng lớn hơn. Đây là cơ hội cực kỳ lớn cho những doanh nghiệp kinh doanh trong thị trường này”, ông Thi bày tỏ.

Trong xu thế chung của phát triển công nghệ, thương mại điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt do mang lại ngày càng nhiều ích lợi cho người tiêu dùng.

Ông Hồ Châu Tài, Giám đốc Kế hoạch kinh doanh và hoạt động tại Tập đoàn Tiki phân tích “thương mại điện tử đem lại tính tiện lợi, giá rẻ, cạnh tranh so với các cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải đệ đơn xin phá sản vì sức ép của thương mại điện tử”.

Theo thời gian, những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng bị loại bỏ. Từ đó, thị trường sẽ đón nhận những doanh nghiệp có thực lực với mong muốn phục vụ cho lợi ích của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tăng niềm tin đối với thương mại điện tử.

Tất nhiên, “quả bóng tuyết càng lăn sẽ càng to, người tiêu dùng ngày càng có nhiều niềm tin hơn vào thị trường thương mại điện tử, sẽ giúp các công ty thương mại điện tử phát triển, cung cấp nhiều tiện ích hơn cho người dùng”, anh Tài ví von.

Tuy nhiên, dù có những bước tiến nhảy vọt trong chỉ số LPI, logistics tại Việt Nam vẫn còn nhiều “nút thắt cổ chai”, cản bước thương mại điện tử phát triển.

Nhiều điểm nghẽn cản bước “bệ phóng”

Để chiếc “tên lửa” thương mại điện tử có thể phóng được với tốc độ chóng mặt, không thể thiếu được “bệ phóng”, đó chính là sự quản lí chuỗi cung ứng và logistics trong thương mại điện tử.

Tuy nhiên, TS. Phạm Nguyên Minh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương đánh giá “doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước còn khá non trẻ, chỉ chiếm thị phần nhỏ. Năng lực của các doanh nghiệp không đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng tăng thuê ngoài dịch vụ logistics”.

Ngoài ra, điểm yếu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.

“Nguyên nhân chính là do hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động quốc tế”, ông Minh phân tích.

Cũng theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA, tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam chiếm đến 20,9%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore. Đó là con số phản ánh mức chi phí logistics ở Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.

Về chi phí vận tải, hiện nay, trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, chiếm 59%. Chi phí này đang chiếm 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, mặc dù giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, tuy nhiên đến 90% đơn hàng hẹn thanh toán sau khi nhận hàng, hay tỷ lệ giao hàng không thành công khá cao, khoảng 8 – 10%. Điều này không chỉ tăng chi phí cho người bán hàng, mà khiến những doanh nghiệp logistics nảy sinh nhiều chi phí, từ chi phí lưu trữ hàng hóa, chi phí con người đến nhiều quy trình xử lý phức tạp phía sau để hoàn đơn.

Công nghệ là nhân tố bứt phá

Cạnh tranh giao nhận hàng hóa nhanh hay chậm trên thị trường ngày càng trở nên khắc nghiệt, khi “ông lớn” DHL cam kết giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hỏa tốc, Tiki với “tuyên ngôn” giao hàng trong vòng 2 giờ.

Đánh giá Giao Hàng Nhanh là đối tác tin cậy và lớn, có dịch vụ với chất lượng ổn định, dẫn đầu trên thị trường về tốc độ giao hàng và thời gian, Tiki đã chọn Giao Hàng Nhanh là một trong những đơn vị vận chuyển cho mình. Tiki cũng phải thừa nhận, chính công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp này.

Ông Tài lý giải, đầu tư vào công nghệ là đầu tư cho tương lai. Thứ nhất, Tiki chi tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ hơn. Thứ hai, đầu tư công nghệ để thay đổi thói quen, “educate” người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. “Đầu tư về công nghệ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử”, ông Tài cho hay.

Theo VnEconomy

Việt Nam ước nhập siêu 800 triệu USD trong tháng 01/2019

Tháng 01/2019, Việt Nam ước tính nhập siêu 800 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh giảm mạnh đã khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2019 giảm theo

Xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh giảm mạnh đã khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2019 giảm theo

Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 01/2019 ước tính đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng cuối cùng của năm 2018, tuy nhiên lại giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 0,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD, tăng 3,2%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng 12/2018 là hóa chất tăng 33,4%; rau quả tăng 30,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,8%; dầu thô tăng 19,3%; sắt thép tăng 19,2%.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị giảm như điện thoại và linh kiện giảm 0,9%; hàng dệt may giảm 4,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 4,6%.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, điện thoại và linh kiện đạt 2,9 tỷ USD, giảm 27,5%, đây là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 1 giảm.

Các nhóm hàng khác như điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD, giảm 5%; máy ảnh, máy quay phim đạt 450 triệu USD, giảm 9,1%.

Một số mặt hàng nông sản cũng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như cà phê đạt giảm 27,2%; hạt điều giảm 8,7% (lượng tăng 14,7%); gạo giảm 24,8%; hạt tiêu giảm 32,9%.

Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 ước tính đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,75 tỷ USD, tăng 0,7%.

Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong tháng o1/2019 là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,7 tỷ USD – tăng 0,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD – tăng 3,8%; điện thoại và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD – giảm 12%; vải đạt 1,1 tỷ USD – tăng 5,8%; sắt thép đạt 788 triệu USD – giảm 3,2%; chất dẻo đạt 780 triệu USD – tăng 0,3%.

Tính chung, tháng 1/2019 Việt Nam ước tính nhập siêu 800 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Theo VnEconomy