Comments Off on Đầu năm, Việt Nam bất ngờ nhập siêu gần 1 tỷ USD
Ngày 21/01/2019 lúc 08:19 Logistics(VLR) Nửa đầu tháng 01/2019, nhập khẩu cả nước đạt gần 10,2 tỷ USD, tăng mạnh 646 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa tháng đầu năm 2019, Việt Nam bất ngờ nhập siêu trở lại – Ảnh minh họa
Theo
số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, 2 tuần đầu tháng 01/2019,
tổng trị giá xuất khẩu cả nước đạt 9,2 tỷ USD, giảm nhẹ 71 triệu USD so
với cùng kỳ 2018. Trong khi đó nhập khẩu đạt gần 10,2 tỷ USD, tăng mạnh
646 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái với kỷ lục xuất siêu gần 6,8 tỷ USD trong năm 2018, 15 ngày đầu năm mới 2019, cả nước bị thâm hụt gần 1 tỷ USD.
Cũng
thời gian này, có 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở
lên đó là dệt may, điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện
tử và linh kiện. Trong đó, kim ngạch của nhóm hàng điện thoại bị sụt
giảm mạnh, chỉ đạt 1,293 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến hơn
2,1 tỷ USD.
Như vậy, riêng nhóm hàng
này bị sụt giảm đến hơn 800 triệu USD, tương đương hơn 39% kim ngạch.
Đây cũng là lý do chính khiến trị giá xuất khẩu cả nước bị sụt giảm.
Ngoài ra, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng bị sụt giảm
nhẹ gần 50 triệu USD.
Trong 3 nhóm
hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ nhóm hàng dệt may đạt được sự tăng trưởng về
kim ngạch với kết quả 1,245 tỷ USD, tăng gần 13%, tương đương gần 150
triệu USD.
Theo lý giải của các chuyên gia trong ngành, 15 ngày vừa qua là giai đoạn cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nên việc giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu là điều có thể hiểu được bởi thời điểm này hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi lịch nghỉ Tết, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết tăng lên.
Comments Off on Cảng biển Việt Nam tăng vọt nhiều lần sau gần hai thập kỷ
Sau gần 20 năm thực hiện quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần chiều dài bến cảng.
Mạng lưới cảng biển Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và năng lực
Theo
Cục Hàng hải VN, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có tổng số bến
cảng được công bố là 272 bến cảng với khoảng 92,2km chiều dài cầu cảng,
tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm.
Ông
Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, so với năm 2000 –
năm đầu tiên thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt
Nam, hệ thống cảng biển đã tăng 4,4 lần chiều dài bến cảng.
“Năng
lực bến cảng ngày càng được quan tâm nâng cấp, cải tạo để tiếp nhận các
tàu có trọng tải ngày càng lớn. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối đã
đón được tàu có trọng tải đến 30.000 DWT. Có những bến cảng được đầu tư,
có khả năng đón được tàu container lớn nhất từ trước đến nay (196.000
DWT) như bến cảng CMIT ở khu vực Cái Mép – Thị Vải”, ông Sang nói.
“Năm
2018 bến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện chính thức khánh
thành, đưa vào khai thác 2 bến khởi động, có thể tiếp nhận tàu trọng
tải 100.000 DWT. Cùng đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bến cảng chuyên
dùng hành khách đã được đầu tư xây dựng tại Hòn Gai (Quảng Ninh) và Phú
Quốc (Kiên Giang), cho phép tiếp nhận tàu khách quốc tế trọng tải đến
225.000GT khi hoàn thành”, ông Sang chia sẻ thêm.
Cũng trong năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 524,7 triệu tấn, trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển ước đạt 17,8 triệu TEUs, tăng lần lượt 19% và 24% so với năm 2017. Lượng hành khách qua cảng cũng tăng 28,9% so với năm 2017, đạt 5,8 triệu hành khách.
Comments Off on Navtex đem lại nhiều lợi ích cho các phương tiện trên biển
Hệ thống Navtex quốc tế giúp
thuyền viên trên tàu tiết kiệm về thời gian trực canh và thời gian chủ
động thu nhận bản tin, đặc biệt đối với những đội tàu có cường độ lao
động cao.
Thông
tin thu được từ hệ thống Navtex vô cùng quan trọng cho sự an toàn của
các thuyền viên và con tàu hoạt động trên hải phận quốc tế
Mọi phương tiện đi biển có thể thu được thông tin an toàn
Trước
năm 1988, trên những tuyến hành hải, ngoài những bản tin thu nhận từ
phương thức thông tin như Morse trên tần số 500 kHz, thoại vô tuyến trên
tần số 2182 kHz, các thuyền viên trên tàu không có phương thức thông
tin liên lạc khác. Điều này khiến số lượng tàu vận tải gặp tai nạn, rủi
ro tương đối lớn, đặc biệt ở những khu vực có mật độ tàu thuyền qua lại
nhiều.
Nhằm giải quyết vấn đề này, hệ
thống Navtex quốc tế ra đời, cung cấp phương tiện thu trên các đài tàu
trong các vùng nước ven biển với giá rẻ, đơn giản và tự động.
Các
thông tin an toàn hàng hải bao gồm: Cảnh báo hành hải (cảnh báo về
luồng lạch, chướng ngại vật nguy hiểm), cảnh báo động đất sóng thần,
diễn tập quân sự, cảnh báo khí tượng như bão, áp thấp nhiệt đới, gió
mùa, thời tiết nguy hiểm, dự báo thời tiết biển, các bản tin tìm kiếm
cứu nạn và bản tin khẩn cấp khác liên quan đến an toàn hàng hải.
Sự
ra đời của hệ thống Navtex đem lại rất nhiều lợi ích cho các phương
tiện hành hải trên biển. Hệ thống này có ưu điểm vượt trội khi các tàu
chỉ cần bật máy có trang bị máy thu Navtex là có thể thu tự động các
thông tin an toàn hàng hải. Máy thu sẽ tự động in ra các bản tin an toàn
hàng hải trên giấy để các tàu dễ dàng cập nhật thông tin về điều kiện
thời tiết, địa hình… tại khu vực tàu hành hải qua và từ đó có hướng điều
chỉnh phù hợp. Điều này giúp thuyền viên trên tàu tiết kiệm thời gian
trực canh và thời gian chủ động thu nhận bản tin, đặc biệt đối với những
đội tàu có cường độ lao động cao.
Với
đặc tính loại bỏ các bức điện đã thu, hệ thống Navtex có thể thích hợp
với tất cả các cỡ tàu và loại tàu, đảm bảo mọi phương tiện đi biển có
thể thu được bản phát quảng bá thông tin an toàn theo nhu cầu riêng của
mình. Hệ thống Navtex đóng một vai trò không thể thiếu trong hệ thống
cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu, đồng thời cũng là một thành phần
của dịch vụ cảnh báo hành hải trên toàn thế giới của IMO và ILO.
Các bản tin an toàn hàng hải phát trên tần số 518 kHz, 490 kHz, 4209.5 kHz
Tại
Việt Nam, các bản tin về an toàn hàng hải đã và đang được hệ thống Đài
TTDH Việt Nam phát hàng ngày tới tất cả các tàu thuyền trong nước cũng
như nước ngoài khi hành hải trong khu vực theo dịch vụ Navtex quốc tế
trên tần số 518 kHz bằng tiếng Anh và dịch vụ Navtex quốc gia trên tần
số 490 kHz và 4209.5 kHz bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Thực
tế cho thấy, những thông tin thu được từ Navtex vô cùng quan trọng cho
sự an toàn của các thuyền viên cũng như những con tàu hoạt động trên hải
phận quốc tế. Đặc biệt, khi hành hải qua những địa phận của các quốc
gia khác, việc thu được các bức điện bằng tiếng Anh đã giúp ích đáng kể
cho thuyền viên trong việc biết và phòng tránh những nguy hiểm đang rình
rập.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến ra khơi và tiết kiệm thời gian khai thác, việc quan trọng và không thể thiếu cho mỗi phương tiện khi hành hải là trang bị máy thu Navtex cùng những kiến thức cần thiết về dịch vụ này. Hãy liên hệ với bất kỳ đài TTDH nào để được hướng dẫn miễn phí về cách cài đặt và thu nhận thông tin an toàn hàng hải trên biển bằng phương thức Navtex.
Comments Off on Xóa bỏ 7.819 dòng thuế nhập khẩu từ Hồng Kông vào năm 2022
Từ 2019 – 2022, 72% dòng thuế của biểu thuế trong Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc (AHKFTA), tương ứng 7.819 dòng thuế sẽ được xóa bỏ.
Nếu được thông qua, từ 2019 – 2022 sẽ có 72% dòng thuế của biểu thuế AHKFTA, tương ứng 7819 dòng thuế sẽ được xoá bỏ
Để thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2022. Theo đó, nếu được thông qua, từ 2019 – 2022 sẽ có 72% dòng thuế của biểu thuế AHKFTA, tương ứng 7.819 dòng thuế sẽ được xóa bỏ.
Theo Bộ Tài chính, do biểu cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc được ký kết trên cơ sở danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) 2012 và phiên bản 2017 nên Bộ Tài chính đã chuyển đổi biểu thuế Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc từ AHTN 2012 sang AHTN 2017 để làm cơ sở ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt AHKFTA của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2022.
Theo đó, có 83 dòng hàng bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Đối với những dòng hàng này, Bộ Tài chính xây dựng thuế suất theo nguyên tắc, không làm xói mòn cam kết quốc tế theo các phương thức chuyển đổi của WTO, đồng thời, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, thuế suất để thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc được xây dựng trên nguyên tắc, tuân thủ cam kết theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định thương mại hàng hoá giữa ASEAN và Hồng Kông. Về tổng thể, biểu thuế theo AHTN 2017 giai đoạn 2018 – 2022 gồm 10.856 dòng thuế. Trong đó, gồm 10.775 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 81 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Lộ trình cắt giảm thuế quan trong biểu thuế ban hành được áp dụng cho 4 giai đoạn: từ 01.01 – 31.12.2019; từ 01.01.2020 – 31.12.2020; từ 01.01.2021 – 31.12.2021; từ 01.01.2022 – 31.12.2022.
Nhìn chung, các danh mục cam kết theo AHTN 2017 đều tăng hơn so với AHTN 2012. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ của từng danh mục trên tổng biểu thuế thì hầu như không thay đổi. Tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019 – 2022 vào khoảng 72% số dòng thuế của biểu thuế , tương ứng 7.819 dòng thuế với kim ngạch nhập khẩu trị giá khoảng 658,7 triệu USD.
Thống kê cho thấy, nhập khẩu từ thị trường Hồng Kông có sự tăng trưởng tương đối cao trong giá trị nhập khẩu thời gian gần đây. Năm 2017 giá trị nhập khẩu tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, từ khoảng 1,495 tỷ USD lên 1,660 tỷ USD. Những mặt hàng nhập khẩu chính từ Hồng Kông tập trung vào các nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da giày; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; phế liệu sắt thép; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử…
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ 2019 – 2022, mức thuế suất trung bình tại Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc giảm từ 6,97% năm 2019 xuống 4,98% năm 2022. Mức thay đổi thuế suất trung bình lớn nhất diễn ra trong năm 2021, với mức giảm từ 6,52% năm 2020 xuống 4,98% trong năm 2021 tương ứng với mức sụt giảm 63,8 tỷ đồng số thu thuế nhập khẩu.
Comments Off on Logistics Việt Nam nhìn lại để bước tới
Ngành logistics Việt Nam được hình thành trên cơ sở của nhiều lĩnh vực. Nếu tính từ ngày thành lập Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (tiền thân của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam – VLA) thì đến nay ngành logistics Việt Nam đã được 25 năm. Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận song ngành logistics vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết để hướng tới tương lai trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Bức tranh nhiều mảnh ghép
Trước hết phải khẳng định, logistics là một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng mang tính hệ thống liên quan đế nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau. Dù nó tương đối phát triển nhưng còn mới mẻ tại Việt Nam, kể cả đến khái niệm cũng còn nhiều cách gọi/hiểu khác nhau. Vì những lý do trên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể đầy đủ nào về ngành logistics Việt Nam (ngoại trừ một vài nghiên cứu phục vụ đào tạo) và các con số cũng chỉ là ước tính.
Thuật ngữ Logistics được chính thức đề cập tại điều 233 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, trong đó nêu rõ: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Trên quan điểm học thuật, các nhà nghiên cứu đã đưa ra cách hiểu khác nhau nhưng tựu chung lại, logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Nó liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu – thương mại, kênh phân phối, bán lẻ… Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, logistics liên quan đến nhiều bộ ngành như: Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, Công nghệ thông tin, Lao động…
Xét về mặt pháp lý, cho đến thời điểm này, quy định về kinh doanh dịch vụ logistics mới chỉ có Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30.12.2017 (có hiệu lực từ ngày 20.2.2018), thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 5.9.2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Bên canh đó, còn lại nằm rải rác ở những văn bản Luật khác như: Bộ luật dân sự, Luật: doanh nghiệp, đầu tư, cạnh tranh, hải quan, giao thông đường bộ, đường sắt, giao thông thủy nội địa, hàng không dân dụng, hàng hải, bảo hiểm và các điều lệ, văn bản hướng dẫn thi hành.
Về hiệp hội chuyên ngành liên quan đến dịch vụ logistics cũng còn khá nhiều, chưa có sự thống nhất hoặc sự liên kết chặt chẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động đôi khi còn hạn chế.
Những thành quả
Trên cơ sở nghiên cứu và hiểu biết của người viết, ở góc độ kinh tế, dịch vụ logistics với nghĩa “hậu cần”, “giao nhận hàng hóa” ở Việt Nam đã hình thành khá lâu và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Cùng với quá trình mở cửa từ năm 1994 đến nay, đặc biệt sau khi Việt Nam tham gia WTO năm 2007, tốc độ tăng trưởng của ngành logistics nói chung luôn duy trì ở mức cao với 2 con số.
Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực đã được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; các kết quả từ hợp tác kinh tế quốc tế… đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu; hình thành nên các chuỗi cung ứng logistics toàn diện, đa dạng và ngày càng chuyên sâu hơn, góp phần quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế.
Cụ thể, theo báo cáo chuyên ngành logistics của Bộ Công Thương, đến cuối năm 2017, cả nước đã có 13 tuyến đường cao tốc, 146 tuyến đường quốc lộ chính với tổng chiều dài là 23.816km; 3.161km đường sắt; 44 cảng biển; 42 tuyến luồng hàng hải công cộng vào cảng quốc gia với tổng chiều dài là 935,9km và 10 luồng vào cảng chuyên dùng có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời đến 200.000 DWT; 45 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài khoảng 7.075km; 21 cảng hàng không đang khai thác. Lượng hàng hóa luân chuyển ngày càng tăng.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% – 16%, có quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm có khoảng 3.000 doanh nghiệp nội và còn khoảng có 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức.
Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Năm 2017 thời gian thông quan hàng xuất khẩu là 105 giờ, hàng nhập khẩu là 132 giờ. Việt Nam cũng đang đứng thứ 39/160 nước về chỉ số hoạt động logistics và đứng thứ 3 trong ASEAN chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Triển vọng và định hướng
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng đến nay năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn hạn chế bởi cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách, quy mô và năng lực của doanh nghiệp, nguồn nhân lực… vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Theo dự báo, quy mô thị trường logistics toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 6,54%/năm trong giai đoạn năm 2017 – 2020, và đạt 15,5 nghìn tỷ USD vào năm 2024, gần gấp đôi so với mức 8,2 nghìn tỷ USD vào năm 2016. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, các xu hướng, công nghệ mới hình thành và phát triển hay thương mại điện tử đang và sẽ là nhân tố dẫn dắt chính sự phát triển của logistics toàn cầu trong thời gian tới với mức tăng trưởng cao, nhất là ở các nước châu Á.
Điều đáng mừng cho logistics Việt Nam là đã được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quan tâm, công tác truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh. Cho đến nay, khung pháp lý và chính sách liên quan đến logistics đang dần hoàn thiện. Chúng ta cũng đã có quy hoạch, xây dựng kế hoạch hành động trong Quyết định số 200/QĐ-TTg với 60 nhiệm vụ thuộc 6 nhóm, bao gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; và các nhiệm vụ khác. Trong đó, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội VLA là những đơn vị được giao chủ trì nhiều nhiệm vụ nhất.
Mục tiêu của kế hoạch trên là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8% – 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% – 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên.
Các chuyên gia cho rằng để đạt được kế hoạch đề ra, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ nêu trong Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng logistics trọng điểm; Lồng ghép các hoạt động hội nhập và hợp tác trong khu vực với việc mở cửa thị trường, tiếp cận nguồn hàng từ các nước láng giềng, đồng thời với việc nâng cao chất lượng và chuẩn hóa dịch vụ logistics; Mở rộng mạng lưới đào tạo về logistics, đẩy mạnh tuyên truyền về logistics cho các cấp, các ngành và các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh; Tiếp tục hoàn thiện khung thể chế và bộ máy quản lý nhà nước hỗ trợ logistics phát triển; Đa dạng hóa nguồn vốn phát triển hạ tầng logistics dưới các hình thức khác nhau; Tăng cường liên kết để cùng phát triển, tạo dựng thương hiệu logistics Việt Nam.
Comments Off on Hải quan Bình Định gỡ vướng cho gần 150 doanh nghiệp
Sáng ngày 08.11.2018, Cục Hải quan Bình Định đã tổ chức Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp lần thứ 2 năm 2018 nhằm giải đáp, tháo gỡ cho gần 150 doanh nghiệp XNK trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Bình Định, Cục Thuế Bình Định, Sở Công Thương Bình Định, Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 4, Kho bạc Nhà Nước tỉnh Bình Định và nhiều ngân hàng thương mại cùng hơn 150 đơn vị là doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực Xuất nhập khẩu, vận tải trên 2 địa bàn tỉnh Phú Yên và Bình Định.
Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định Nguyễn Văn Đông giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, Cục Hải quan Bình Định đã giải đáp thắc mắc của các DN xung quanh các thủ tục hành chính và việc thực hiện theo Nghị định 59/2018/NĐ – CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ – CP ngày 21/01/2015, và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, Cục Hải quan Bình Định còn triển khai rộng rãi Hệ thống giám sát tự động đã được triển khai thành công tại cảng Quy Nhơn trên cả 2 địa bàn Phú Yên và Bình Định.
Cũng trong hội nghị, đại diện Cục Thuế Bình Định và các ngân hàng thương mại đã hướng dẫn, giải đáp thêm một số nội dung liên quan đến chính sách thuế nội địa, đồng thời khuyến khích các DN thực hiện nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7.
Ông Nguyễn Văn Đông – Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định, đã đánh giá cao tinh thần hợp tác của các DN, báo cáo cho Tổng cục Hải quan những ý kiến, kiến nghị của DN để xem xét giải quyết, phản hồi theo đúng quy định. Cùng với đó, Cục Hải quan Bình Định cũng sẽ tăng cường các kênh thông tin để DN kịp thời cập nhật và áp dụng chính sách, quy định mới liên quan đến hoạt động hải quan; góp phần tiết kiệm được chi phí và hạn chế được rủi ro.
Comments Off on Nhiều Doanh nghiệp vận tải TP HCM khó khăn, giải thể vì giá nhiên liệu và phí, thuế
Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu liên tục tăng cao, khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TPHCM gặp khó, nhiều doanh nghiệp phải giải thể.
Theo ông Lâm Đại Vinh, chủ một doanh nghiệp vận tải lớn, doanh nghiệp của ông đang phải “co mình lại”, hoạt động cầm chừng và chỉ mong không lỗ để duy trì hoạt động. Ngoài vận chuyển thì doanh nghiệp đang mở rộng ra các lĩnh vực khác, như: Cung cấp dịch vụ, cho thuê xe…
Theo lý giải của doanh nghiệp này, khoảng 3 năm gần đây giá dầu tăng cao, từ mức 12.000 đồng/lít nay tăng lên 18.000 đồng/lít (chênh nhau 6.000 đồng), dẫn đến chi phí cho một chuyến xe tăng lên.
Trong khi đó, giá dịch vụ lại không đổi, thậm chí còn giảm so với thời điểm 3 năm trước, dẫn đến doanh nghiệp phần lớn làm ăn không có lãi, thậm chí là lỗ. Thêm nữa nhiều khoản phí liên tục tăng cao như: phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ, xin giấy phép, đầu tư thiết bị giám sát hành trình, ra đường thì kẹt xe, ùn tắc dẫn tới thời gian hoạt động ngoài đường giảm từ 10 giờ/ngày xuống còn 4-5 giờ/ngày.
Xe phải dừng đỗ trên đường vì kẹt xe dẫn đến chi phí kéo dài, chi phí cho nhiên liệu trên một chuyến đi thường chiếm 30-40% tổng chi phí nhưng hiện nay con số này có thể vượt qua mốc 40%. Xe nằm bãi cũng phải tốn nhiều chi phí bảo trì… Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng thường xuyên thay đổi quy định về thông số kỹ thuật của container, thùng hàng… dẫn đến nhiều doanh nghiệp lao đao vì phải chạy theo để thay đổi.
Doanh nghiệp vận tải mong các cơ quan nhà nước có biện pháp để ổn định hoạt động.
“Hiện giờ giá xăng dầu tăng như vậy nhưng giá cước vận chuyển lại không tăng, BOT giữ nguyên hoặc tăng lên là bất hợp lí. Một chuyến hàng từ Cát Lái đi Cái Mép – Thị Vải chỉ khoảng 3 triệu mà phí cầu đường đã 600-700.000 đồng, thêm nữa, giá cước xăng dầu tăng cao như vậy thì doanh nghiệp vận tải bị lỗ. Loại hình container như vậy rất khó khăn nên nhà nước cần có chính sách hỗ trợ”, ông Đỗ Xuân Phú cho biết..Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Minh Liên cũng ngao ngán khi nói đến hoạt động kinh doanh vận tải hiện nay. Ngoài vấn đề chung về chi phí giá nhiên liệu tăng cao trong khi giá dịch vụ lại đi xuống, các doanh nghiệp vận tải container tại TP. HCM còn gặp nhiều khó khăn về bến bãi đậu xe, các loại cước phí cầu đường quá cao áp lên đầu doanh nghiệp vận tải khiến họ “không thở nổi”. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã nhiều lần kiến nghị về việc giảm phí, thuế, và ổn định giá nhiên liệu nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. HCM, hiện nay các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn. Con số từ chỗ vài trăm doanh nghiệp tham gia hiệp hội trước kia đã giảm còn khoảng 100 doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động xuống còn một nửa, hoặc chuyển đổi sang loại hình khác. Trong đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang “đi vào ngõ cụt” bởi nợ ngân hàng, hoạt động thì không lời nhưng vẫn phải duy trì vì đã trót lỡ vay tiền ngân hàng đầu tư, giờ bán phương tiện cũng không ai mua hoặc có mua thì giá phương tiện cũng chỉ còn 1/3 so với trước, cá biệt có phương tiện chỉ định giá với mức bán phế liệu.
So với lần điều chỉnh giá nhiên liệu từ đầu năm, hiện nay, giá nhiên liệu đang có độ chênh tới gần 3.000 đồng, gây khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đề nghị Nhà nước cần phải có biện pháp để giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thương thảo, đảm bảo hoạt động: “Giá nhiên liệu tăng nhưng cước vận tải không tăng nên doanh nghiệp cũng bức xúc. Mong rằng thời gian tới, Nhà nước sẽ ổn định giá nhiên liệu, nếu có biến động thì dùng quỹ bình ổn và các hình thức khác để ổn định nhiên liệu”.
Thực tế của các doanh nghiệp vận tải hiện nay cho thấy, đây là hậu quả của việc phát triển rầm rộ của ngành vận tải những năm trước đó khi cung vượt quá cầu. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ can thiệp của các cơ quan quản lý để doanh nghiệp vận tải có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động, đóng góp nhiều cho nền kinh tế./.
Comments Off on Sôi động, hứng khởi với Vietnam Young Logistics Talents 2018
Được tạo ra với mục đích trở thành một sân chơi thiết thực dành cho sinh viên có niềm đam mê logistics và nâng cao nhận thức của giới trẻ về tầm quan trọng của ngành, cuộc thi “Vietnam Young Logistics Talents 2018”, do Bộ Công thương phối hợp cùng Mạng lưới đào tạo Logistics Việt Nam tổ chức, đang thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn sinh viên trên khắp cả nước. Nếu bạn là một sinh viên đam mê với Logistics đang tìm kiếm cơ hội tiếp cận với thực tế và khẳng định bản thân thì cuộc thi “Vietnam Young Logistics Talents 2018” chính là một lựa chọn thích hợp dành cho bạn.
Vietnam Young Logistics Talents 2018 – Bắt đầu từ ngày hội “Information Day”
Ngay từ những ngày đầu tiên, khi lễ phát động được tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong ngành, các thầy cô giáo và đông đảo các bạn sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng ở cả 2 điểm cầu là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Tại đây, chương trình đón nhận sự trao đổi thẳng thắn giữa doanh nghiệp và sinh viên về nhu cầu nhân lực và định hướng nghề nghiệp trong ngành logistics; đồng thời, giải đáp những thắc mắc của thí sinh về thông tin của cuộc thi.
Vòng thi Test online – Với nhiều sự bất ngờ
Logistics là một ngành mới nổi trong vài năm trở lại đây tại Việt Nam và cũng là lần đầu tiên, một cuộc thi về logistic được tổ chức với quy mô toàn quốc. Nhưng chỉ trong vòng 1 tuần mở cổng thi vòng loại trực tuyến (8/9 -16/9/2018), hệ thống của cuộc thi đã ghi nhận sự tham gia của hàng trăm nhóm thí sinh đến từ 28 trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước với gần 1000 lượt thi. Thứ hạng của các đội thi đã liên tục thay đổi và bất ngờ hơn nữa, các đội tham gia còn là từ những trường chưa hề có hoạt động đào tạo về logistics. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rất lớn từ phía cộng đồng sinh viên Việt Nam đối với lĩnh vực này.
Chung kết cấp trường – “vỡ òa” khi được trở thành đại diện duy nhất đi vào vòng trong
Vòng thi chung kết cấp trường đã chứng kiến rất nhiều niềm vui, sự phấn khích của các nhóm thí sinh khi trải qua rất nhiều phần thi kịch tính và cuối cùng, được trở thành đại diện duy nhất của trường mình tham dự Vòng Bán kết khu vực cuộc thi “ Vietnam Young Logistics Talents 2018”. Và chắc chắn, không thể không nhắc đến Vòng chung kết của Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) và Đêm chung kết của trường Đại học Ngoại thương (Cơ sở 1), vượt qua hơn 40 đội tham dự, những cái tên sáng giá đã được ghi danh.
Liệu cái tên nào sẽ tỏa sáng trong vòng thi Bán kết khu vực sắp tới?
Vào ngày 27/09 tới đây, tại cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh sẽ chính thức diễn ra Vòng thi Bán kết khu vực cuộc thi “Vietnam Young Logistics Talents 2018”. Sẽ có những đội được đi tiếp nhưng cũng có những cái tên sẽ dừng lại. Dù vậy, điều giá trị nhất mà các bạn sinh viên nhận được qua cuộc thi này, có lẽ là cơ hội được trau dồi kiến thức từ bạn bè, thầy cô và quan trọng hơn, đó là được học hỏi từ chính những người đi trước, những anh chị đã có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến thực tế “ trong ngành.
Cùng chờ đón Vòng thi bán kết khu vực, “Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2018” chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ kịch tính dành cho cuối tuần của bạn. Cuộc thi cũng gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp: Tập đoàn U&I Logistics, Hãng hàng không Vietjet, Công ty cổ phần Bee Logistics, Công ty KSE High-Tech, Công ty Delta International, Công ty Vitranimex, Công ty CP Biển Đông, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam, Công ty Uni-Depot, Khu CX Tân Thuận, Công ty S&F Express, Công ty cổ phần vận tải và thương mại đường sắt Ratraco đã đồng hành và ủng hộ cuộc thi trong suốt thời gian vừa qua.
Comments Off on Tháo gỡ rào cản, tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Nhiều rào cản, vướng mắc… và những giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân được đưa ra thảo luận thẳng thắn trong buổi tọa đàm Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức vào sáng 5.10.2018, tại Hà Nội.
Tham dự buổi tọa đàm có Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE); Lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu; Lãnh đạo một số bộ, ngành; chuyên gia kinh tế, chuyên gia xã hội học và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí.
Các ý kiến của đại biểu đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc và đồng thời đề ra những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư đồng thời góp phần thay đổi cách nhìn nhận thiếu tích cực của một bộ phận công chúng và dư luận xã hội đối với giới doanh nghiệp trong nước.
Nói những rào cản đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng: “Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, khi triển khai công việc, chúng tôi vẫn gặp khá nhiều vướng mắc. Rào cản lớn nhất hiện nay đến từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Là doanh nghiệp BOT lớn nhất Việt Nam hiện nay, nhưng trong quá trình đàm phán làm việc, chúng tôi chưa được đối xử bình đẳng. Khung pháp lý có rất nhiều bất cập, điển hình là xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư”. Ông Thế lấy ví dụ, trong vòng hơn 1 năm nhưng thông tư Bộ Tài chính ban hành tới 4 lần. Cuối cùng, thông tư lại quay về cái đã được quy định trước đó khiến doanh nghiệp gặp khó.
Một khó khăn khác phát sinh từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Thế chỉ ra: “Cứ một người dân đi qua trạm BOT lại yêu cầu cung cấp hợp đồng BOT, mỗi ngày hàng chục nghìn chủ phương tiện đi qua, chúng tôi không thể giải trình cho từng người như vậy. Thêm vào đó, một bộ phận truyền thông chưa phản ánh đúng bản chất doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông do chưa thấu hiểu những khó khăn của nhà đầu tư. Họ thường nhìn nhận vấn đề phát sinh từ góc nhìn tiêu cực, làm nghiêm trọng tình tình”.
Nói về vấn đề tài chính ông Trần Văn Thế kiến nghị, cần tăng quy mô của các ngân hàng, bởi hiện nay ngân hàng quá nhiều nhưng quy mô quá nhỏ. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đồng hành với nhà đầu tư khi nhận ra tiềm năng lợi ích, tuy nhiên lại thiếu hợp tác khi gặp vướng mắc.
Đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, doanh nghiệp đang hoạt động trong môi trường kinh doanh bên cạnh các rủi ro thông thường còn phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, minh bạch, với sự áp dụng tùy ý, tùy tiện, doanh nghiệp không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức.
TS. Nguyễn Đình Cung còn cho rằng, phải đánh giá lại vai trò của kinh tế tư nhân về mặt kinh tế. Các con số thống kê đánh giá khu vực này đóng góp 9% GDP, con số này kéo dài từ khi có Luật doanh nghiệp đến hiện tại. Năm 2000, yếu tố này chỉ tăng 1 điểm % GDP. Ông Cung nghi ngờ sự xác thực con số này.
Ở khía cạnh quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.
“Mục tiêu của chúng ta từ nay đến năm 2030 là xóa dần ranh giới doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, chỉ còn doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Lúc đó, Nhà nước trở thành Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ, Nhà nước không quản lý trực tiếp doanh nghiệp. Mô hình Nhà nước của chúng ta sẽ linh hoạt hơn, nhường quyền quyết định về kinh tế vi mô cho doanh nghiệp để có những phản ứng kịp thời, hợp lý hơn với những diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, chứ không phải bằng các quyết định hành chính”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Comments Off on Ngành dệt may Việt Nam: Giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh
Hiện nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam đang phải chịu chi phí đầu vào cao hơn một số nước trong khu vực, với nhiều lý do khác nhau. Song chi phí logistics trong ngành cũng là nguyên nhân đẩy giá sản phẩm của ngành lên cao..
Dần được chú trọng trong quản lý
Ngành dệt may của Việt Nam nằm trong nhóm có giá trị xuất nhập khẩu (XNK) rất lớn. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2017 sản phẩm XNK hàng dệt may đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm trước. Trong đó, chi phí cho hoạt động logistics chiếm 9,1% ước tính khoảng 2,7 tỷ USD, cao hơn các nước trong khu vực có cùng ngành nghề. Với mức chi phí cho logistics cao đã làm giảm giá trị cạnh tranh ngành dệt may của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Trong khuôn khổ triển lãm SaigonTex 2018 về ngành dệt may vào giữa tháng 4 vừa qua. tại TP.HCM, các doanh nghiệp (DN) lo ngại rằng một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của ngành dệt may chính là chi phí logistics. Có thể thấy logistics đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí cho DN. Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã tăng lên rất nhiều. Ngoài việc, mở rộng quy mô sản xuất bằng các công nghệ tiên tiến, các DN dệt may, bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng dịch vụ logistics trọn gói như các “đại gia lớn” khác. Với sự phát triển nhanh của công nghệ trong sản xuất, sự đòi hỏi đáp ứng nhanh của thị trường, cùng với sự cạnh tranh ngày một gay gắt, DN nào làm chủ được công nghệ chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Do đó, việc các DN chủ động trong quản lý cung ứng nguồn nguyên liệu, kiểm soát được thời gian giao nhận hàng thì sẽ làm chủ được thị trường và tăng sức cạnh tranh cho DN.
Hiện nay, theo đà phát triển của ngành, Hiệp hội dệt may Việt Nam dự đoán đến năm 2025 kim ngạch XNK của ngành lên đến khoảng 100 tỷ USD. Như vậy, ngoài việc các DN cần phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng các cơ chế quản lý mở rộng kinh doanh, thì việc quản lý chi phí logistics vận chuyển cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Thay vì sử dụng nhiều nhà cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, các DN nên thay đổi bằng nhà cung cấp dịch vụ lớn, giao nhận trọn gói cũng làm giảm chi phí cho các DN.
Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh
Hiện nay, ngoài những nỗ lực tự thân của các DN thay đổi theo xu hướng cải tiến công nghệ cùng với phương thức sản xuất, việc làm thế nào để giảm chi phí logistics cũng đang được các DN quan tâm và cải thiện. Ở những tập đoàn lớn công nghệ 4.0 đã và đang được đưa vào sử dụng và đem lại hiệu quả tích cực, hướng sản xuất đến những phân khúc sản phẩm giá trị cao như ODM (tự thiết kế, tự chủ nguyên phụ liệu, sản xuất, vận chuyển), OBM (tự thiết kế và bán sản phẩm bằng thương hiệu riêng). Ngoài ra, các DN cũng đã lựa chọn nhà cung cấp tích hợp từ đầu vào nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng và hoạt động xuất khẩu. Việc này đã góp phần tăng sức cạnh tranh của DN Việt đối với các đối thủ trong khu vực.
Năm 2018 được dự đoán sẽ là năm khởi sắc của ngành dệt may Việt Nam. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các doanh nghiệp và chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ của Chính phủ đã tạo động lực lớn để ngành dệt may phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, sức cạnh tranh sẽ tăng cao hơn nữa nếu chi phí logistics được giảm xuống. Điều đó phụ thuộc vào hệ thống quản lý của từng DN.