Đó là một trong khẳng định của Bộ Tài chính trước đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI).
Chênh lệch lớn
Giữa tháng 3-2016, trong kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính, VAMI cho biết, hiện nay thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc (nhập CBU), xe sơ mi rơ-moóc còn rất thấp so với nhập linh kiện (nhập CKD). Cụ thể: Thuế nhập khẩu của xe đầu kéo nguyên chiếc cả mới và đã qua sử dụng đều thấp hơn 2,5%- 7,5% so với nhập linh kiện; xe sơ mi rơ-moóc thấp hơn 12,5% – 20%.
Điều này dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng giữa doanh nghiệp kinh doanh nhập nguyên chiếc và doanh nghiệp kinh doanh nhập linh kiện lắp ráp.
Để tránh thất thu nguồn thuế cho Nhà nước, tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong nước, VAMI kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu.
Trong đó: Tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc mới lên 20%; giảm thuế nhập khẩu linh kiện xe đầu kéo về mức 0% vì hiện nay xe đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc và các nước ASEAN đều áp dụng thuế suất 0%.
Đối với xe đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc đã qua sử dụng, VAMI kiến nghị điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với xe đầu kéo đã qua sử dụng lên 50% đồng thời quy định rõ chất lượng còn lại nhằm hạn chế sử dụng xe kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự, thuế nhập khẩu đối với xe sơ mi rơ-moóc nguyên chiếc cũng được đề nghị tăng lên 50% vì hiện nay thuế nhập khẩu của chủng loại xe này từ các nước ASEAN, Trung Quốc và các nước khác thuế suất ưu đãi đặc biết là 0%.
Kim ngạch nhập khẩu 2014 đối với mặt hàng xe đầu kéo thuộc mã hàng 8701.90.90 là 322 triệu USD (bao gồm cả xe mới và xe cũ), trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 236 triệu USD (chiếm 73% tổng lượng nhập khẩu).
Kim ngạch nhập khẩu năm 2015 đạt 675 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 427 triệu USD (chiếm 63% tổng lượng nhập khẩu). Trong đó lượng xe ô tô đầu kéo cũ nhập khẩu đạt khoảng 157 triệu USD (chiếm 23% tổng lượng nhập khẩu), chủ yếu từ các nước Mexico, Mỹ, Hàn Quốc. Kim ngạch nhập khẩu năm 2015 của mặt hàng xe sơ mi rơ-mooc là 269 triệu USD, trong đó 261 triệu USD nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm 97% tổng lượng nhập khẩu). (Nguồn: Thống kê của Tổng cục Hải quan) |
Giảm thuế có kèm điều kiện
Trước những kiến nghị trên, Bộ Tài chính đã soạn thảo Thông tư sửa đổi một số nội dung theo kiến nghị của để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Nêu ra ý kiến trong văn bản gửi đến các đơn vị, Bộ Tài chính cho biết: Thuế nhập khẩu hiện được quy định đối với mặt hàng xe đầu kéo nguyên chiếc (mã 8716.39.99) là 5%, bằng cam kết WTO; đối với mặt hàng xe sơ mi rơ-moóc (mã 8716.39.99) là 20%, bằng cam kết WTO. Do vậy, kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc từ 5% lên 20% và xe sơ mi rơ-moóc từ 20% lên 50% không phù hợp với cam kết WTO.
Về kiến nghị tăng thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng lên 50%, Bộ Tài chính cho hay: WTO không cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế suất lên mức 50% là không vi phạm cam kết, tuy nhiên mức tăng phải phù hợp với khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, tức là 0-30%.
Do đó, Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế suất của mặt hàng xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng từ 5% lên 30%, bằng với mức trần của khung thuế suất nhằm hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc đồng ý tăng thuế đối với xe đầu kéo đã qua sử dụng, Bộ Tài chính cũng thể hiện sự đồng tình trước kiến nghị giảm thuế linh kiện lắp ráp về 0% để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, kiến nghị giảm linh kiện, phụ tùng lắp ráp, sản xuất xe ô tô đầu kéo và sơ mi rơ-moóc.
Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất chính sách, đồng thời đảm bảo chính sách ưu đãi đúng đối tượng, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung tại một số điều kiện để áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với các linh kiện này.
Đó là: Hàng hóa nhập khẩu là linh kiện dưới hình thức bộ linh kiện rời động bộ và không đồng bộ của ô tô đầu kéo và rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc để sản xuất, lắp ráp ô tô đầu kéo và sơ mi rơ-moóc thuộc nhóm 98.46.
Linh kiện phải do các doanh nghiệp đảm bảo Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương trực tiếp nhập khẩu để sản xuất, ủy quyền nhập khẩu, uỷ thác nhập khẩu hoặc nhập khẩu kinh doanh. Trường hợp ủy thác nhập khẩu thì phải có hợp đồng ủy thác, trường hợp nhập khẩu kinh doanh thì phải có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có đủ điều kiện lắp ráp xe ô tô theo quy định của Bộ Công Thương khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu.
Ý kiến đóng góp với dự thảo Thông tư này sẽ được Bộ Tài chính thu thập đến hết tháng 5-2016 trước khi chính thức ký ban hành.
Theo báo Hải Quan.