17 chuyên gia Nhật Bản vừa hoàn thành phiên làm việc với Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Kỹ thuật “Tăng cường tính hiệu quả của Hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam (VNACCS/VCIS)”.
Một cán bộ Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) trực tiếp tham gia vào quá trình làm việc với các chuyên gia đến Nhật Bản cho biết: Trong phiên làm việc vừa qua (cuối tháng 2-2016), hai bên thảo luận nhiều nội dung quan trọng, thiết thực liên quan đến việc hoàn thiện quy trình thủ tục, hệ thống CNTT, kiểm tra sau thông quan…
Hai bên cũng đưa ra ý kiến liên quan đến việc kết nối Hệ thống VNACCS/VCIS và Cơ chế một cửa quốc gia.
Vị cán bộ trên cho biết: Đến nay, trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Kỹ thuật “Tăng cường tính hiệu quả của Hệ thống Thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam (VNACCS/VCIS)”, các chuyên gia Nhật Bản và Hải quan Việt Nam đã tổ chức 2 phiên làm việc (thời gian khoảng 1 tuần/phiên).
Theo ông Makoto Kato- Cố vấn trưởng Dự án JICA Nhật Bản tại Việt Nam, để triển khai Dự án, phía Nhật Bản sẽ cử nhiều đoàn chuyên gia sang làm việc trực tiếp để hỗ trợ Hải quan Việt Nam (có 6 đoàn). Dự kiến, cứ 3 tháng sẽ có một đoàn chuyên gia từ Nhật Bản sang làm việc trực tiếp tại Việt Nam.
Được biết, Dự án Hợp tác Kỹ thuật “Tăng cường tính hiệu quả của VNACCS/VCIS” tập trung thực hiện 3 mục tiêu:
Thứ nhất, xây dựng phương hướng nhằm nâng cao sử dụng hiệu quả Hệ thống VNACCS/VCIS. Các chức năng của Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ được rà soát, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả của các chức năng chưa được khai thác và tổng hợp các yêu cầu của người sử dụng cả phía Hải quan và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS.
Thứ hai, tăng cường quản lý, nâng cao năng lực công tác kiểm tra sau thông quan. Sự phù hợp của các hoạt động kiểm tra sau thông quan sẽ nâng cao hiệu quả tạo thuận lợi thương mại của Hệ thống VNACCS/VCIS bằng cách cắt giảm và rút ngắn thời gian kiểm tra trước khi hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan đồng thời đảm bảo được việc tuân thủ của doanh nghiệp trước pháp luật và các quy định về thương mại quốc tế.
Thứ ba, nâng cao năng lực của cán bộ Hải quan về quản lý rủi ro. Quá trình xử lý tờ khai hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ hiệu quả hơn với việc áp dụng các kỹ thuật quản lý rủi ro.
Theo báo Hải Quan.