Đây là cách nói nôm na mà các tiểu thương bàn về đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương TP.HCM đề xuất sẽ thực hiện vào tháng 11.2016.
Kiểm soát từ “đầu đến đuôi”
Đề án có thể hiểu đơn giản: ngay khi con heo chào đời sẽ được gắn một con tem điện tử; toàn bộ chu trình từ lúc chào đời đến khi giết mổ, chủ trại là ai, heo ăn loại cám của công ty nào, được tiêm phòng dịch bệnh ra sao, có đủ tiêu chuẩn đảm bảo để giết mổ không, giết mổ tại lò nào… sẽ được lưu lại như một hồ sơ trong con tem.
Con tem (giá trị gần 10.000 đ) này được tích hợp dưới dạng vòng đeo ở chân heo hoặc bấm trên tai dưới dạng mã số điện tử.
Tiểu thương bán lẻ khi tham gia phân phối nguồn thịt được kiểm soát theo cách này sẽ được cung cấp các con tem cuối (tem này được tích hợp dữ liệu với con tem đầu gắn trên vòng đeo chân của heo) để dán lên sản phẩm bán cho người mua.
Người tiêu dùng khi đi mua thịt heo, muốn biết thông tin về miếng thịt mình mua được chăn nuôi ra sao, có được kiểm soát an toàn thực phẩm hay không… chỉ cần bật điện thoại di động thông minh (smartphone) được kết nối internet, khởi động ứng dụng (apps) được cài đặt trước đó, soi vào mã con tem (hình thức như ứng dụng quét mã vạch), thông tin sản phẩm (toàn bộ dữ liệu về con heo cho ra miếng thịt đó) sẽ được phản hồi đầy đủ.
Nhờ thông tin nhận được, người tiêu dùng sẽ biết miếng thịt mình muốn mua có được chăn nuôi, giết mổ theo quy trình an toàn hay không, có chứa các chất cấm hay không, có chứng nhận của cán bộ thú y hay không… để đưa ra quyết định mua hay không mua.
Kết nối toàn bộ chuỗi cung ứng bằng công nghệ
VLR trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.
VLR : Xuất phát từ điều gì mà Sở Công Thương đặt ra đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa : Thứ nhất, đặc thù của thịt heo là không được đóng gói riêng rẽ, không thể dán từng con tem lên từng miếng thịt sau khi xẻ thịt. Người mua tới đâu, người bán cắt xẻ tới đó, rất khó để có tem nhãn nhận diện.
Thứ hai, toàn bộ chuỗi thịt heo này trải qua 4 công đoạn : thứ nhất là chăn nuôi ở trang trại, thứ hai là lò giết mổ, thứ 3 là chợ đầu mối, đến khâu thứ tư là siêu thị, chợ bán lẻ. Tất cả các khâu này hiện đều có cơ quan quản lý tuy nhiên quá trình này không kết nối liền mạch mà lại bị cắt khúc. Công đoạn nào làm chỉ biết công đoạn đó rồi thôi.
Ví dụ, thú ý khi kiểm tra con heo trước khi xuất chuồng, người ta chứng nhận con heo đó không bị bệnh gì cả, đủ điều kiện xuất chuồng. Khi con heo xuất ra khỏi cổng chuồng trại, nó như thế nào thì người thú ý không tiếp tục theo dõi nữa.
Nếu chúng ta kết nối 4 khâu này với phương pháp thủ công, tức là chuyển giao toàn bộ chứng từ, giấy tờ, sổ sách từ khâu trước cho khâu sau, sẽ không đảm bảo thời gian, nhiều sai sót và quan trọng là chi phí rất lớn. Thế nên, bắt buộc phải tìm phương thức ứng dụng công nghệ thông tin. Mỗi khâu thay vì chuyển giao chứng từ thì phải cập nhật thông tin và 1 cơ sở dữ liệu tập trung.
Thứ ba, một số người vì lợi nhuận trước mắt không trung thực trong làm ăn, nuôi heo bằng chất cấm, chất tạo nạc, bơm nước vào heo….Chính bộ phận này làm xấu đi hình ảnh của cộng đồng đang nỗ lực để xây dựng sản phẩm thịt an toàn, chất lượng.
Từ điều này, chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có một phương thức quản lý khoa học, giúp dễ dàng truy “đến nơi, đến chốn” từng giai đoạn để truy cứu trách nhiệm ở khâu nào, sẽ giúp bảo vệ người làm ăn chân chính và đưa ra ánh sáng những nơi cố tình trà trộn, đưa thịt heo không an toàn vào chuỗi cung cấp chung.
VLR : Đề án lần này có bắt buộc các chủ thể: trang trại nuôi, địa điểm giết mổ, đơn vị kinh doanh, phân phối tham gia?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa : Việc tham gia trên cơ sở tự nguyện, không bắt buộc! Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là mục tiêu của đề án.
Nếu anh tham gia chương trình tức anh được Nhà nước hỗ trợ môi trường, công cụ, kĩ thuật để anh có cơ hội khẳng định nguồn gốc, tránh bị trà trộn với thịt heo trôi nổi, kém chất lượng. Còn nếu anh không tham gia chương trình thì anh phải chứng minh nguồn gốc sản phẩm mà anh cung ứng ra thị trường. Rõ ràng giữa việc anh tự đầu tư công cụ để chứng minh với việc Nhà nước đầu tư sẵn cho anh tham gia thì tôi nghĩ các chủ thể sẽ tự hiểu để quyết định.
VLR : Chúng tôi đã có một khảo sát nhỏ, phía chợ đầu mối cho rằng tại chợ họ tự tin kiểm soát được chất lượng thịt nhưng khi phân về chợ lẻ thì không an tâm. Vậy về mặt kĩ thuật, vòng nhận diện trên con tem sẽ được bảo đảm thế nào để tránh bị giả mạo. Thứ hai, người tiêu dùng không có điện thoại thông minh smatphone thì truy xuất bằng cách nào ?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa : Chúng tôi biết rằng không có một đề án nào hoàn hảo ngay từ đầu. Tôi cũng không dám khẳng định ngay khi chạy đề án, nó sẽ không có 1 trục trặc nào. Tuy nhiên với thực trạng mà tôi đã nêu ở trên, nếu chúng ta không làm gì cả, việc quản lý thịt heo sẽ bị cắt khúc và biết bao giờ mới siết được nguồn gốc sản phẩm thịt này.
Chúng ta vừa làm vừa điều chỉnh thôi. Thiếu sót ở đâu, chúng ta chỉnh sửa, miễn là có quyết tâm làm bằng được.
Đơn vị tư vấn là Hội công nghệ cao TP đã trình bày 1 thuật toán để quản lý và tem vòng nhận diện được nhập từ Malaysia có khả năng chịu nhiệt cao, rất khó để giả mạo. Công nghệ mã vạch soi nguồn gốc thịt heo do Hội Công nghệ cao TPHCM nghiên cứu.
Heo khi xuất chuồng được đeo 2 vòng nhận diện có khắc mã QR, tức mã vạch hai chiều in trên dây niêm phong bằng thép. Mã vạch trên dây niêm phong chứa thông tin về nơi nuôi, khi thịt heo đến tay người mua sẽ mang đầy đủ thông tin từ trại nuôi, kết quả kiểm dịch… qua con tem điện tử lên sản phẩm, khách hàng chỉ việc kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng ứng dụng TE-FOOD qua smartphone.
Đại diện Hội Công nghệ cao TP.HCM đánh giá, vòng nhận diện và con tem dán trên thịt heo không thể cấp trùng hay giả mạo, chi phí 9.800 đồng cho một con heo và sẽ được áp dụng tại chợ Bình Điền, Hóc Môn và 5 chợ lẻ (Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông).
Người dân không có smartphone, chúng tôi cũng đã tính tới. Đề án sẽ có máy scan đặt ở các chợ nhỏ lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm để người tiêu dùng có thể kiểm tra. Chúng tôi muốn qua việc truy xuất này, người tiêu dùng sử dụng quyền lực mềm của mình tôn vinh những nơi làm ăn chân chính và loại bỏ dần những đơn vị sản xuất gian dối, coi thường sức khỏe người tiêu dùng.
Theo: Vietnam Logistics Review.