Trong hai ngày 22 và 23/11, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019. Tham dự có đồng chí Vương Đình Huệ, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UB Chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; lãnh đạo Hiệp hội Doanh ngiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); đại diện lãnh đạo các Bộ Công thương, NN-PTNT, GTVT, Tài chính, KH&CN; đại diện lãnh đạo Tp. Đà Nẵng, Hải Phòng và các tỉnh TTHuế, Cần Thơ, Bình Định, Quảng Ngãi. Ngoài ra còn có đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Phiên thảo luận cấp cao của Diễn đàn
Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 7 – 2019 đã diễn ra một chuỗi sự kiện bao gồm chương trình khảo sát cảng và Trung tâm Logistics Chu Lai, thăm nhà máy ô tô Trường Hải; hai hội thảo chuyên đề “Logistics kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây” và “Kinh tế chia sẻ trong logistics”
Phiên toàn thể của Diễn đàn diễn ra vào sáng 23/11 với chủ đề Logistics nâng cao giá trị nông sản với hơn 1.000 lượt đại biểu từ các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; hơn 50 chuyên gia quốc tế trên các lĩnh vực thuộc logistics.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn
Theo Báo cáo của World Bank về Chỉ số hoạt động logistics (LPI), công bố ngày 24/7/2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Word Bank thực hiện việc xếp hạng Chỉ số hoạt động logistics trong thập niên vừa qua.
Trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13% – 15%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không… Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời đã tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Với mục tiêu khơi thông dòng chảy logistics, Diễn đàn đã đề cập và bàn thảo các vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan giữa bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế trước xu hướng phát triển kỹ thuật số. Diễn đàn đã tập trung phân tích và đề xuất các giải pháp phát triển logistics trên hành lang kinh tế Đông – Tây, các mô hình kinh tế chia xẻ và đặc biêt là hiến kế các biện pháp có tính đột phá và thực tiễn nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản.
Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 cũng đặt mục tiêu tăng cường kết nối đa phương, kết nối những giá trị và nền tảng bền vững, nâng cao giá trị đóng góp của logistics trong GDP của cả nước cho những năm tới.
Diễn đàn Logistics Việt Nam được khởi xướng từ năm 2013, Bộ Công Thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan có liên quan duy trì tổ chức thường niên trong suốt hành trình 7 năm liên tiếp và đã trở thành một diễn đàn cấp quốc gia kết nối quốc tế thể hiện mạnh mẽ tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong hoạt động logistics.
Các bài phát biểu và tham luận trong Diễn đàn đều đề cập về thực trạng những vấn đề đặt ra cho việc phát triển hệ thống logistics, đáp ứng nhu cầu phát triển của chuỗi giá trị nông nghiệp; nêu các ý kiến và hiến kế của doanh nghiệp. Đặc biệt là phần thảo luận cấp cao.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, chúng tôi mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cả nước đối thoại với các Bộ ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, để logistics trở thành ngành mũi nhọn, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành kinh tế khác, trước hết là hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản Việt Nam; thúc đẩy kết nối phát triển logistics dọc các hành lanh kinh tế chính và giải pháp tận dụng hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics để tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí logistics.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA phát biểu tại Diễn đàn
Chung quanh chủ đề Logistics nâng cao giá trị nông sản, tại Diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cũng đã phát biểu nêu lên một số mặt còn yếu kém trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho nông nghiệp, nhất là hệ thống thiết bị lạnh. Với kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế và từ các diễn đàn khu vực ASEAN ông Lê Duy Hiệp cho rằng, chúng ta nên quan tâm tạo điều kiện trong việc đầu tư hoàn thiện cung ứng trong công nghệ logistics đối với chuỗi lạnh nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao giá trị cho nông sản.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới và các kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT, các ý kiến tại Diễn đàn để phát triển logistics. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ ngành cần xác định logistics ở trong thời gian tới sẽ là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế – chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động tới khu vực cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt chú trọng những nghiên cứu mang tính chiến lược tổng thể trong quan hệ với các nước ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta và quan tâm thích đáng đến các vấn đề của khu vực, từ Tiểu vùng Mê Kông, ASEAN đến thế giới; tiếp tục thực hiện và mở rộng các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước trong khu vực. Cấp thiết nghiên cứu, xây dựng một Chiến lược tổng thể đi đôi với một Quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Kiện toàn tổ chức bộ máy của Ủy ban chỉ đạo quốc gia cùng với cơ chế phân cấp quản lý linh hoạt giữa Trung ương và địa phương; tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác logistics có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ giỏi, phẩm chất đạo đức đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới trong thời gian tới. Đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải.
Theo Vietnam Logistics review.