Đột phá đưa kinh tế Việt Nam phát triển: Mở các nút thắt

Năm 2016 tăng trưởng GDP của Việt Nam (VN) chỉ cán mức 6,21%, không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua mục tiêu tăng trưởng là 6,7%. Để đạt được kết quả này, Chính phủ (CP) cần có những cơ chế, chính sách vận hành linh hoạt, tạo cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN tư nhân đột phá, mạnh dạn đầu tư, không sợ rủi ro, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

DN vẫn còn nhiều rào cản

VN bước vào năm 2017 với tâm thế tiếp tục nỗ lực đổi mới, tạo động lực để bứt phá. Cơ hội có nhiều, nhưng cũng không ít thách thức, do ảnh hưởng từ các biến động kinh tế thế giới có khả năng tác động tiêu cực đến kinh tế VN. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế VN dựa trên các chỉ số môi trường kinh doanh trong năm 2016 cũng như sự cam kết của CP sẽ cải cách hơn nữa nền kinh tế trong năm 2017. Cụ thể là VN đã ban hành hướng dẫn về sở hữu nhà nước (SHNN), điều này mở ra bước ngoặt về sự cải tổ nhanh chóng các DN SHNN trong năm nay. Việc cải tổ các DN thuộc SHNN đóng vai trò quan trọng đối với tình hình tài chính của VN, bởi nó làm tăng hiệu quả của chi tiêu công. Theo đó, nguồn tiền thu được từ cổ phần hóa DNNN, có thể được sử dụng để giảm nợ công. Với nguồn vốn nước ngoài, VN có thể đạt được những bước tiến lớn trong việc tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu. Từ những kế hoạch cải tổ để nâng cao tiềm lực tăng trưởng trong dài hạn, cùng với sự khôi phục bền vững của nông nghiệp và xuất khẩu, VN được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng GDP 6,4% trong năm 2017.

Tuy nhiên, vừa bước vào quí I/2017, VN đã gặp phải những khó khăn từ bên ngoài do các vấn đề xuất khẩu, tỷ giá và chính sách vĩ mô. Việc Australia cấm nhập tôm, siêu thị châu Âu ngưng bán cá tra, Hàn Quốc yêu cầu kiểm dịch với tôm… là những rào cản mới nhất mà ngành thủy sản gặp phải trong đầu năm nay. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng tuyên bố tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với tôm của VN trong ít nhất năm năm nữa. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD của VN vào năm 2025 đang gặp rất nhiều thách thức không chỉ với điều kiện nuôi trồng trong nước, mà còn ở những hàng rào do các quốc gia nhập khẩu dựng lên. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu năm 2017 vẫn sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt là tình hình xuất khẩu gạo của VN sẽ gặp khó khăn hơn trong năm 2017 khi vùng sản xuất lúa gạo chính của VN là ĐBSCL đang đối mặt với biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn của nước biển. Ngành dịch vụ có thể cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng tiêu dùng trong nền kinh tế không có nhiều khởi sắc, điều này làm GDP ước tính thực hiện ở nhóm ngành thương mại dịch vụ sẽ khó đạt như mong muốn.

Vấn đề hy vọng có thể làm khởi sắc nền kinh tế trong năm 2017 vẫn phải trông chờ vào hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của VN với những cải thiện khi phát huy được các hiệp định thương mại, lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng hơn cùng nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VN. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu và xuất khẩu của VN. Cụ thể là đầu tháng 3.2017 giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục giảm do Mỹ tăng xuất khẩu, dù trước đó các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1.2017. Theo dự báo là giá dầu khó vượt mốc 55 USD/ thùng. Thêm vào đó là ngày 15.3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 % lên mức 0,75%-1%, mở ra khả năng sẽ có thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2017. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, đồng VN hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.

Ngành lúa gạo VN cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo VN đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nông dân trồng lúa ở VN cũng như các DN làm lúa gạo.

Ngoài ra, những thách thức từ các chính sách bên trong cũng làm kìm hãm sự phát triển của DN. Chẳng hạn như việc Hải Phòng mới đây đề xuất tăng phí dịch vụ cảng biển. Hiện Cảng Hải Phòng đang chiếm 1/3 lượng hàng XNK của cả nước, nhưng có năng lực cạnh tranh kém với các cảng khác. Chi phí vận chuyển từ Hải Phòng sang Nhật Bản mất 1.000 USD/1 container 40 feet, trong khi, đi từ TP.HCM chỉ mất 300 USD, từ Cái Mép – Thị Vải chỉ mất 270 USD.

Mạnh mẽ tháo gỡ

Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 ban hành ngày 16.5.2016 được xem là bước đột phá trong cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh, nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của DN. Từ khi ra đời, nghị quyết này được DN rất kỳ vọng cho bước chuyển mình mới của một CP kiến tạo, cởi mở và minh bạch, từng bước tháo gỡ các rào cản kìm hãm làm cho các DN không thể “lớn nổi”. Tuy nhiên, đến nay DN tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản gây khó khăn, trì trệ.

Thực tế cho thấy, hoạt động của DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn còn có những khó khăn như việc tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ… Chủ trương, chính sách của CP chưa đồng bộ, thiếu sự gắn kết giữa các bộ, ngành, địa phương, nên chưa tạo được động lực cho sự phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa đảm bảo được cho DN phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường.

Theo các DN, việc cải cách thủ tục hành chính của VN tại các bộ, ngành rồi xuống sở, ngành liên quan còn rất chậm. Cụ thể là ngành được ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Dù văn bản được CP ban hành đã hơn 5 năm, nhưng đến nay, những chương trình và chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đổi mới công nghệ, thuê đất… cho ngành CNHT chưa đến được với đa phần DN trong lĩnh vực này. Trong đó, vấn đề mặt bằng sản xuất cho DN hầu như không được chiếu cố. Không chỉ ngành CNHT, mà nhiều ngành và lĩnh vực khác cũng có những khó khăn, bức xúc cần được tháo gỡ kịp thời.

Trong báo cáo Doing Bussiness 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, DNVN phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và nhiều khoản chi phí khác… Mặc dù thuế thu nhập DN đã giảm từ 25% về 22%, nhưng theo đánh giá của WB, tổng thuế mà DN phải nộp vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực, tới gần 39,4% lợi nhuận… dù tỉ trọng thuế trên lợi nhuận mà DNVN phải nộp thấp hơn một số nước như Mỹ, Trung Quốc… nhưng cao hơn rất nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỉ lệ này tại Singapore là 18,4%, Thái Lan cũng chỉ khoảng 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%…

Thời gian qua các hệ thống siêu thị, nhất là siêu thị nước ngoài có sự thay đổi chủ, gây hoang mang và bất lợi cho cả người lao động lẫn các DN trong nước. Trong khi đó, CP phản ứng rất chậm với việc thâu tóm thị trường bán lẻ từ các công ty nước ngoài mà cũng không quan tâm đến sự phát triển của ngành bán lẻ  trong nước.

Hiện nay, dễ dàng nhận thấy trình độ quản lý của nhiều cơ quan nhà nước phát triển chậm hơn trình độ quản lý của DN. Do vậy, vấn đề bức thiết là xây dựng nền tảng quốc gia khởi nghiệp, rất cần một chính quyền minh bạch. Đó là một chính quyền đồng hành với DN, trở thành mắt xích quan trọng cùng DN tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, chứ không phải một chính quyền luôn suy nghĩ là ban cho DN như hiện nay. Muốn DN phát triển, chính quyền địa phương sớm có những cơ chế hỗ trợ DN một cách cụ thể. Các sở, ban, ngành phải tận tụy, tận tâm hơn với người dân và DN, không đùn đẩy trách nhiệm, công việc.

Đã đến lúc CP cần biến những chủ trương thành hành động cụ thể một cách nhanh nhất, để đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng DN. Ngày 15.3, tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Phải sửa đổi thể chế mạnh mẽ hơn, bãi bỏ những việc không cần thiết để áp dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo”. Theo đó, các chính sách mở rộng hạn điền, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu bền vững được Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành gấp rút vào cuộc, qua đó phải chú trọng khoa học – công nghệ, trước hết là khâu giống. Do đó, ngành lúa gạo VN cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo VN đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nông dân trồng lúa ở VN cũng như các DN làm  lúa gạo.

Hành động trên của CP, được DN xuất khẩu gạo đánh giá cao. Theo đó, các ngành khác cũng đều mong mỏi CP cần có những hành động quyết liệt như vậy, nhằm dẹp bỏ những lợi ích nhóm, những căn bệnh trì trệ, quan liêu, cửa quyền lâu nay đã bào mòn niềm tin và nghị lực của DN.

(*) Bài viết có tham khảo, sử dụng một số tài liệu từ Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 ban hành ngày 16.5.2016 và Nghị quyết số 19 ban hành ngày 6/2/2017 của Chính phủ về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Bookmark the permalink.

Comments are closed.