FTA và nguồn cung hàng hóa tại Việt Nam

Tính tới tháng 12.2017, Việt Nam (VN) đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 FTA. Các FTA thế hệ mới luôn đặt ra áp lực về lộ trình cắt giảm thuế đới với hàng hóa và mở cửa tự do các lĩnh vực, đặc biệt là ngành bán lẻ, gây nguy cơ lớn cho các doanh nghiệp (DN) nội địa phải chia sẻ thị phần với nguồn hàng ngoại nhập có mức giá bán rất cạnh tranh.

Tỷ trọng giữa hàng nội địa với hàng nhập khẩu

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. HCM, năm 2016, trong số 7 nguồn cung phổ biến với ngành bán lẻ, nguồn hàng mua trực tiếp từ nhà sản xuất nội địa chiếm vị trí lớn nhất, trung bình chiếm tới 46% tổng nguồn hàng của các DN. Nguồn hàng từ chính DN vừa là nhà sản xuất đồng thời có các cơ sở bán lẻ sản phẩm do họ sản xuất lại khiêm tốn hơn, khoảng 12%. Trung bình có khoảng 4% nguồn hàng được mua từ các nhà sản xuất nhưng thông qua các kênh trung gian. Số nhà bán lẻ bán hàng mang thương hiệu riêng của mình rất ít, chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng nguồn hàng, họ là những nhà bán lẻ đặt hàng các đơn vị sản xuất để gia công hàng hóa mang thương hiệu của mình. Nhìn chung, trừ các nguồn khác không xác định (khoảng 5%), nguồn hàng nội địa hiện chiếm khoảng 60% tổng nguồn hàng của các DN. Số DN bán hàng hóa mang thương hiệu riêng của mình (thuê các đơn vị sản xuất gia công) chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đầy 1%.

Về hàng NK, tỷ trọng hàng hóa DN NK trực tiếp từ nước ngoài chiếm 19% tổng nguồn hàng, số NK gián tiếp thông qua các khâu trung gian chiếm 13% nguồn hàng. Tổng cộng hàng NK chiếm khoảng 31% nguồn hàng. Có thể thấy hàng nội địa vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn hàng của DN bán lẻ, cao gấp đôi so với nguồn hàng NK. Trên thực tế, các lo ngại về việc hàng NK sẽ chiếm lĩnh hoàn toàn nguồn hàng của các cơ sở bán lẻ, thậm chí đánh bật hàng nội địa ra khỏi chính thị trường của các cơ sở bán lẻ trong tương lai không thật sự có căn cứ.

Hàng nội địa vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn hàng của DN bán lẻ, cao gấp đôi so với nguồn hàng NK.

Từ góc độ chủ thể kinh doanh, việc các nhà bán lẻ nước ngoài có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn hàng hóa NK từ nước mình là một thực tế. Càng nhiều nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường thì khả năng này càng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do việc NK hàng hóa từ nguồn quen thuộc sẽ thuận tiện hơn, do đó có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Quan trọng nhất trong ngành bán lẻ là việc bắt kịp và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng muốn sử dụng hàng NK và việc bán hàng NK mang lại lợi nhuận tốt hơn thì DN bán lẻ VN cũng chắc chắn sẽ lựa chọn tăng nguồn hàng NK trong tổng nguồn hàng của mình.

Song cần chú ý rằng, các nhà bán lẻ nước ngoài hiện nay chỉ đang cạnh tranh thị phần với bán lẻ nội địa ở các mô hình bán lẻ hiện đại như trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và phần lớn là bán lẻ tổng hợp. Theo thống kê, những mô hình bán lẻ hiện đại này chỉ chiếm khoảng 25%30% thị phần bán lẻ VN, 70%-75% thị phần vẫn thuộc về các mô hình bán lẻ truyền thống như cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa mà hiện vẫn chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà bán lẻ nội địa. Nguồn hàng của nhóm chủ thể này vẫn tiếp tục là hàng VN với các lợi thế nhất định như chi phí logistics thấp hơn do không phải di chuyển quá xa, tiết kiệm được các thủ tục NK, ưu thế thực phẩm tươi sống, chất lượng trong một số trường hợp là tốt hơn so với hàng hóa NK.

Vì vậy, khả năng hàng NK theo chân các nhà bán lẻ nước ngoài chi phối hay thống lĩnh toàn bộ thị trường bán lẻ VN trong thời gian tới rất ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, nếu hàng VN không được cải thiện về chất lượng, không tận dụng được các lợi thế về khoảng cách, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không thu hút được người tiêu dùng VN thì bị hàng NK chiếm mất thị phần là có, nhưng đó là do người tiêu dùng quyết định, hoàn toàn không phải vì số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường cũng như hành động của họ.

Các lo ngại về việc hàng NK sẽ chiếm lĩnh hoàn toàn nguồn hàng của các cơ sở bán lẻ, thậm chí đánh bật hàng nội địa ra khỏi chính thị trường của các cơ sở bán lẻ trong tương lai không thật sự có căn cứ.

Tác động từ các FTA thế hệ mới

Nhìn chung nguồn cung hàng hóa của các DN bán lẻ VN nói chung sẽ thay đổi chưa đáng kể vì các lý do chủ yếu như sau:

Một là, lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết của VN trong các FTA thể hiện rõ mục tiêu duy trì mức độ bảo hộ đáng kể đối với các mặt hàng mà nền sản xuất trong nước có sức cạnh tranh chưa cao so với nền sản xuất của các quốc gia thành viên khác. Các mặt hàng như rượu bia, thịt gà, thịt lợn, ngô, thực phẩm chế biến từ thịt, thực phẩm chế biến từ thủy sản, đường, trứng, muối và thuốc lá điếu đều có lộ trình cắt giảm thuế kéo dài từ thấp nhất là 5 năm đến cao nhất là 11 năm kể từ khi FTA có hiệu lực. Khi rào cản về thuế quan NK vẫn còn hiện diện đáng kể thì hàng hóa từ các nước thành viên của FTA vẫn chưa thể tiếp cận thị trường VN với số lượng lớn và chủng loại đa dạng.

Hai là, các DN bán lẻ tại VN trong thời gian qua đã xây dựng được mạng lưới nguồn cung hàng hóa khá chặt chẽ. Các DN cũng đã thực hiện tích cực cuộc vận động “Người VN dùng hàng VN” và có các chiến lược liên kết, tạo nguồn cung ứng đối với các DN trong nước tương đối ổn định. Do đó, hàng VN đã trở thành nguồn hàng chủ yếu tại các siêu thị nhất là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, hàng hóa VN chiếm từ 80% – 90% số lượng hàng hóa được bày bán tại các siêu thị trên đại bàn  thành phố.

Không chỉ các DN bán lẻ VN, các siêu thị của nước ngoài cũng thực hiện chính sách gắn kết với nhà sản xuất trong nước để cung ứng nguồn hàng hóa đa dạng, phù hợp với xu hướng và thị hiếu tiêu dùng của người VN. Với hệ thống nguồn cung ổn định và hệ thống logistics đã được thiết lập trong thời gian dài, nếu mức thuế đối với hàng hóa NK được cắt giảm chưa đáng kể trong những năm đầu Hiệp định có hiệu lực thì động lực để các DN bán lẻ thay đổi cơ cấu nguồn cung là chưa thật sự rõ ràng.

Ba là, các DN bán lẻ cũng là nhà sản xuất đối với nhiều sản phẩm hoặc đang có chiến lược liên kết với các nhà sản xuất trong nước để sản xuất nhãn hàng riêng. Hàng nhãn riêng là xu hướng phát triển tất yếu của các DN bán lẻ trên thế giới để tận dụng được tối đa lợi thế của khâu bán lẻ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Kết quả khảo sát thị trường của AC Nielsen cho thấy, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang mua hàng nhãn riêng nhiều hơn để tiết kiệm chi phí vì hàng nhãn riêng của siêu thị có giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất riêng biệt. Vì vậy, các DN bán lẻ tại VN đã đầu tư phát triển hệ thống hàng nhãn riêng khá đa dạng phong phú và các DN trong nước cũng đã hợp tác tích cực trong chiến lược phát triển này.

Bốn là, sự khác biệt về cơ cấu hàng hóa là một trong những lợi thế cạnh tranh. Sự thâm nhập thị trường của các DN bán lẻ nước ngoài cùng với sự hiện diện của các DN nước ngoài hiện đã có hệ thống bán lẻ VN sẽ làm gia tăng số lượng và chủng loại hàng hóa NK trên thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, nếu giá cả hàng NK chưa thật sự thấp đáng kể do tác động của lộ trình cắt giảm thuế quan còn dài thì cơ cấu hàng hóa hiện tại của các DN bán lẻ VN là sự khác biệt để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài. Các đối thủ nước ngoài có thể NK hàng hóa từ nước họ với chi phí rẻ hơn, cơ cấu hàng hóa phong phú hơn vì họ am hiểu nguồn hàng, tập quán kinh doanh và có mối quan hệ tốt hơn với các nhà cung ứng nước ngoài. Trong khi đó, các DN bán lẻ VN lại có lợi thế là am hiểu thị trường nội địa, có hệ thống cung ứng và mối quan hệ vững chắc với các DN trong nước nên có được hàng hóa phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước với chi phí  hợp lý.

Theo: Vietnam Logistics Review

Bookmark the permalink.

Comments are closed.