Ý nghĩa của việc ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau
Thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư của VN với các nước thành viên TPP
Năm 2015, các nước thành viên Hiệp định TPP đã ký kết 10 thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên với sự tham gia của 7 quốc gia. Các quốc gia này đều là những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của VN trong TPP. Theo Tổng Cục Hải quan VN, năm 2014, tổng kim ngạch XK của VN trên thị trường thế giới đạt trên 150 tỷ USD, trong đó, các nước thành viên TPP là 58 tỷ USD chiếm gần 39%. Xét trong khối TPP, Mỹ và Nhật Bản là 02 thị trường XK lớn nhất với tỷ trọng tương ứng là 19% và 9,7% so với tổng kim ngạch XK trên toàn thế giới. Thời gian tới, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, kim ngạch XK sang 02 thị trường này được dự báo tăng lên nhiều khi Mỹ cam kết giảm thuế suất xuống 0% đối với hàng dệt may và da giày. Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ thuế NK đối với 86% số dòng thuế, chiếm 93,6% kim ngạch XK, tương đương 10,5 tỷ USD. Thành công trong việc đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên (MRA AEO) sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư của các DN ưu tiên nước đối tác tại VN.
Tăng cường sự tham gia của các công ty logistics VN trong chuỗi cung ứng quốc tế
Ví dụ về hợp đồng XK hàng dệt may bằng đường biển của DN ưu tiên VN và DN ưu tiên Mỹ. Phần lớn hợp đồng XK bằng đường biển của VN lựa chọn điều kiện vận tải nhóm F (như FOB). Trường hợp này, Mỹ sẽ lựa chọn hãng tàu, công ty logistics hiện là DN ưu tiên của Mỹ để hưởng cơ chế ưu đãi về thuận lợi hóa thương mại của cơ quan hải quan Mỹ theo sáng kiến “chuỗi cung ứng ưu tiên” với sự tham gia của tất cả các chủ thể đều là DN ưu tiên. Nếu không thì DN Mỹ sẽ lựa chọn hãng tàu, công ty cung ứng dịch vụ logistics của Singapore, Nhật Bản là những nước thành viên TPP có ngành logistics phát triển và là đối tác DN ưu tiên của Mỹ.
Ngay cả khi phía người XK là VN giành được quyền thuê tàu, mua bảo hiểm hay tổ chức hoạt động chuỗi cung ứng thì hiện nay vì chưa có công ty logistics của VN được công nhận là DN ưu tiên nên xét về lợi ích kinh tế, DN XK VN sẽ trực tiếp thực hiện thủ tục hải quan tại VN bởi họ được hưởng cơ chế ưu đãi đối với DN ưu tiên. Cũng như vậy, các DN XK VN sẽ lựa chọn các hãng tàu, công ty logistics của Mỹ hay Nhật Bản, Singapore hay bất kể nước nào đã có thỏa thuận DN ưu tiên với Mỹ để tiết kiệm chi phí và thời gian logistics trong toàn chuỗi. Kết quả là các công ty logistics VN rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế của các DN XNK VN và thế giới.
Đề xuất giải pháp thực hiện
Biện pháp kỹ thuật
Hiện nay, chương trình DN ưu tiên của VN còn nhiều điểm chưa tương thích với bộ tiêu chuẩn SAFE cũng như tiêu chí quốc gia của các nước thành viên TPP. Báo cáo rà soát mức độ tương thích của chương trình DN ưu tiên VN với khung tiêu chuẩn SAFE của Tổ chức hải quan thế giới, có một điểm rất quan trọng là: VN chưa quy định về điều kiện an ninh bao gồm hệ thống kiểm soát an ninh nội bộ, an ninh hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh chuỗi cung ứng trong quy trình đăng ký, xét duyệt, thẩm định và công nhận DN ưu tiên. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản tồn tại trong mục tiêu, lợi ích, quy trình công nhận chương trình DN ưu tiên của VN so với một số nước thành viên TPP quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Singapore.
Ngoài ra, tiến trình đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau của VN đang gặp một số khó khăn đáng kể như:
– Sự khác biệt về phần mềm tin học, giá trị pháp lý và định dạng chứng từ điện tử, ngôn ngữ lập trình.
– Cơ chế trao đổi thông tin XNK hàng hóa của hải quan VN với cơ quan hải quan các nước chưa thông suốt và hiệu quả.
– Tính kết nối và hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hải quan trong công tác quản lý xuất NK còn thấp.
– Hạn chế nguồn nhân lực để đảm bảo vận hành liên tục và thông suốt hệ thống thông tin hải quan và thông quan hàng hóa tự động nhằm khắc phục việc lệch múi giờ làm việc giữa VN và các nước trên thế giới.
Thời gian tới, VN cần khẩn trương khắc phục những điểm hạn chế trên nhằm phát triển chương trình DN
ưu tiên cũng như thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau trên phạm vi TPP và toàn cầu. Sự tương thích về chương trình DN ưu tiên với các nước đối tác quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ là điều kiện đảm bảo thành công trong đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau của VN.
Về lộ trình đàm phán
Tổng Cục Hải quan VN đang trong quá trình đàm phán ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên đối với Hàn Quốc. Đây là một sự lựa chọn đúng đắn vì Hàn Quốc là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của VN. So với các nước thành viên TPP thì Hàn Quốc là thị trường XK lớn chỉ xếp sau Mỹ và Nhật Bản. Hơn nữa, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA AEO) nhiều nhất trên thế giới và là đối tác của 6 thành viên TPP về thỏa thuận MRA AEO. Thành công trong đàm phàn ký kết thỏa thuận MRA AEO với Hàn Quốc sẽ là bước đệm và cầu nối vững vàng để VN triển khai đàm phán tiếp với các nước thành viên quan trọng trong TPP.
Trong bản đồ ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau của các nước thành viên TPP thì VN nên chọn Nhật Bản hoặc Mỹ là đối tác ưu tiên hàng đầu trong tiến trình đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, Nhật Bản là sự lựa chọn tối ưu hơn vì hiện nay, Hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS của VN đang vận hành tốt với sự hỗ trợ về công nghệ và trợ giúp kỹ thuật của Hải quan Nhật Bản. Điều này đảm bảo tính tương thích trong thực thi thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên. Hơn nữa, Nhật Bản cùng với Mỹ là hai nước dẫn đầu về thỏa thuận công nhận lẫn nhau đã ký với các nước thành viên trong Hiệp định TPP.
Nếu đạt được thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Mỹ và Nhật Bản sẽ góp phần cắt giảm chi phí và thời gian vận hành chuỗi cung ứng, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của VN tại hai thị trường này.