Lênh đênh như vận tải biển

Các hãng tàu vận tải biển của Việt Nam không cứu vãn được bức tranh kinh doanh thua lỗ triền miên trong nhiều năm liền. Với những hạn chế đó, các doanh nghiệp trong ngành này đang chìm sâu trong biển “nợ”.

Các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển dường như đang chia thành hai phe: “đỏ” và “đen”. Các đội tàu biển ở “phe đen” đang phải gồng mình gánh mức chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu rất cao, phần lớn sử dụng vốn vay ngân hàng, trong khi thị trường ế ẩm nên đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh.

Kẻ chìm…

Nếu nhìn vào hoạt động kinh doanh của Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) có thể thấy phần nào sự khó khăn không lối thoát của ngành vận tải biển Việt Nam. Theo báo cáo quý III/2015, VST đã kết thúc với con số lỗ hơn 68 tỷ đồng. Đây đã là quý thứ 15 liên tiếp VST báo lỗ. Nhiều năm qua, các khoản lỗ được hấp thụ một phần nhờ vào việc bán tàu hơn là cải thiện hoạt động kinh doanh. Trong quý IV/2015, VST đang nỗ lực chấm dứt những ngày kinh doanh lận đận bằng việc đưa ra kế hoạch lợi nhuận khoảng 60 tỷ đồng, nhờ vào việc trả lại tàu cho ngân hàng để cấn trừ nợ. Nhưng điều này cũng không giúp kết quả kinh doanh cả năm của VST thoát cảnh lỗ nặng mà chỉ nhằm đưa mức lỗ về đúng kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 106 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 hiện nay của VST là 165 tỷ đồng. Cổ phiếu VST cũng vừa bị bắt buộc chuyển từ sàn HOSE sang sàn UPCoM do thua lỗ ba năm liên tiếp từ năm 2012-2014.

Các đội tàu biển Việt Nam ở trong tình cảnh ế ẩm nên kết quả kinh doanh đều không khả quan

Trên thực tế, VST không phải là doanh nghiệp duy nhất chịu tình cảnh lỗ triền miên. Công ty Vận tải biển Vinaship (VNA) kết thúc quý III/2015 cũng lỗ hơn 20 tỷ đồng, khoản lỗ có giảm nhẹ so với cùng kỳ 2014 là 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm lỗ cũng là nhờ vào thanh lý tàu. Với kết quả của quý III/2015 thì VNA đã ghi nhận 10 quý liên tiếp chưa tìm thấy khoản lợi nhuận nào, mặc dù năm nào VNA cũng bán tàu bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại các khoản vay dài hạn tại các tổ chức tín dụng để giảm bớt áp lực trả nợ ngắn hạn. Nguy hiểm hơn, đội tàu của VNA đã giảm từ trên 20 chiếc đến nay chỉ còn 10 chiếc. Câu chuyện lỗ của VNA cũng không nằm ngoài lý do nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường biển vẫn chưa tăng, ngành vận tải biển ở trong tình trạng cung vượt quá cầu, giá cước chở thuê thấp. Mặc dù giá nhiên liệu giảm, nhưng cũng không đủ bù đắp các chi phí phát sinh, đặc biệt là chi phí lãi vay cao làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của đội tàu.

Tương tự, Công ty Vận tải biển Việt Nam Vosco (VOS) sau khi có lợi nhuận vào năm 2014 là 70 tỷ đồng (trước đó vào năm 2012 và 2013 lần lượt lỗ 34 và 193 tỷ đồng) đã lại quay trở lại tình cảnh lỗ liên tiếp 3 quý trong năm 2015 và lỗ lũy kế 9 tháng năm 2015 đã là 275 tỷ đồng. Vosco giải thích, việc thua lỗ nằm ở nguyên nhân phân khúc tàu công ty đang khai thác hầu như không có sự biến động nên doanh thu không được cải thiện nhiều. Mặc dù VOS có tổng doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2015 là 1.230 tỷ đồng, nhưng giá vốn cũng đã lên đến mức 1.219 tỷ đồng, ngoài ra còn gánh chi phí lãi vay 107 tỷ đồng nên việc thua lỗ là khó tránh khỏi. Hay nói cách khác, đội tàu biển Việt Nam gánh chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu cao, lại sử dụng phần lớn vốn vay ngân hàng lớn, trong khi thị trường ế ẩm nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Nối dài danh sách thua lỗ còn có Công ty cổ phần Container Phía Nam (UPCoM: VSG). Đây là doanh nghiệp đã báo lỗ 5 năm liền kể từ 2010-2014. VSG tiếp tục báo lỗ hơn 8 tỷ đồng vào quý I/2015. Hay trường hợp của Công ty cổ phần Vận tải biển Bắc (NOS) từ năm 2012-2014 liên tục báo lỗ và lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2015 là 300 tỷ đồng.

…Người nổi

Hầu hết các công ty vận tải biển thua lỗ đều khai thác phân khúc vận tải hàng rời, khô, xá. Trong khi ở cùng lĩnh vực này, các doanh nghiệp chọn những mặt hàng khác để kinh doanh lại sống khỏe. Chuyên kinh doanh vận tải mặt hàng xăng dầu, Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco (VIP) đã thu lãi đều đặn ngay cả trong những thời điểm giá cước tàu suy giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, VIP lãi ròng 30 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VIP có lợi thế khi 60% năng lực vận tải là chuyên chở hàng hóa cho khách hàng quen thuộc của công ty là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Đây là lĩnh vực hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất với doanh thu bình quân chiếm khoảng 50% tổng doanh thu cho VIP.

Tương tự, đội tàu của Tổng công ty Vận tải dầu khí (PVT) đảm nhận chuyên chở chính dầu thô, xăng dầu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như vận chuyển dầu thô từ Mỏ Chim Sáo, Mỏ Đại Hùng hay các sản phẩm đầu ra của Nhà máy Dung Quất, phân đạm cho Nhà máy Phú Mỹ. Với đặc quyền vận tải cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên không có gì quá khó hiểu, PVT vẫn duy trì lãi đều đặn qua từng năm. Tính trong 9 tháng đầu năm 2015, lãi ròng lũy kế của PVT là 196 tỷ đồng.

Mặc dù Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO) không có lợi thế đặc quyền như VIP và PVT, nhưng chọn chuyên chở cùng mặt hàng xăng dầu tương tự hai đơn vị trên, từ khi thành lập vào năm 2005 đến nay, VTO chưa bao giờ rơi vào tình trạng thua lỗ. Tính đến tháng 9/2015, VTO có lãi ròng lũy kế là 30 tỷ đồng.

Nổi bật nhất phải kể đến Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG), chuyên vận chuyển hành khách tuyến Kiên Giang – Phú Quốc. Doanh nghiệp này đã duy trì mức lãi hàng năm khá tốt. Đặc biệt, năm 2014 SKG đã có sự gia tăng lãi ròng một cách mạnh mẽ, đạt 103 tỷ đồng so với năm 2012 và 2013 lần lượt là 55 và 58 tỷ đồng. Hiện mức lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 của SKG đã đạt hơn 137 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.

 

Bookmark the permalink.

Comments are closed.