Chiều 09.11.2016 tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung” (VKTTĐMT) do UBND thành phố Đà Nẵng và Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phối hợp tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây” (HLKTĐT). Cả hai hội nghị đã thu hút hơn 300 đại biểu từ các ngành, địa phương có liên quan trong nước và các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông tham dự.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm
VKTTĐMT được thành lập theo Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 12.8.2008 của Thủ tướng Chính phủ gồm có 5 đơn vị hành chính là Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Toàn vùng có 4 Khu Kinh tế lớn là Chân Mây – Lăng Cô (TT-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định); 01 Khu Công nghệ cao tại Đà Nẵng; 24 Khu Công nghiệp (CN) và rất nhiều Cụm CN với hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư xây dựng đồng bộ; có 7 đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi và Quy Nhơn; có 4 Cảng Hàng không, trong đó 2 cảng HK quốc tế là Đà Nẵng và Phú Bài; hệ thống cảng biển gồm Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn. Trong thời gan tới còn có thêm Cảng Liên Chiểu. Cùng với các Quốc lộ 14B, 24 và 19, các cảng biển trong vùng kinh tế sẽ kết nối với Tây nguyên và các nước Lào, Thái lan, Myanmar tới Thái Bình Dương, kết nối với các nước trong khu vực và thế giới.
Tuyến HLKTĐT có chiều dài 1.450km đi qua 4 quốc gia là Myanmar, Thái Lan, Lào, vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và kết thúc tại Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).
Tại hai hội nghị với hơn chục tham luận đã được các đại biểu trình bày. Hầu hết các ý kiến tập trung nêu bật lợi thế và tiềm năng phát triển của VKTTĐMT; ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến HLKTĐT. Bên cạnh đó còn nêu bật nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế, thủ tục, cơ sở hạ tầng… làm ảnh hưởng đến vận tải hàng hóa xuyên biên giới và các hoạt động dịch vụ logistics.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, là cửa ngõ của tuyến HLKTĐT, khu vực miền Trung phải là điểm trung chuyển hàng hóa lý tưởng cho khu vực và quốc tế. So với khoảng cách thì các cảng biển miền Trung có lợi thế hơn Thái Lan trong việc vận chuyển hàng quá cảnh. Ví dụ, hàng vận chuyển từ Pakse (Lào) tới Đà Nẵng qua QL14B chỉ 360km, trong khi đó qua Thái Lan là 747km. “Tuy nhiên, bài toán logistics về hiệu quả chi phí – thời gian không thuần túy đến từ vấn đề khoảng cách địa lý. “Phát triên logistics của VKTTĐMT cần hội tụ 3 điều kiện tiên quyết đó là, cần có một “nhạc trưởng” (Nhà nước giữ vai trò), các nhạc công chuyên nghiệp (DN cung cấp dịch vụ logistics) và quan trọng nhất là cần đảm bảo liên tục thu hút được những bản nhạc hay (chủ hàng)”, ông Hiệp nói.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2015 – 2016 cho rằng, logistics là chất keo của sản xuất gắn kết nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho các chuỗi cung ứng nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện năng lực cạnh tranh. Do đó, việc nâng cao nhận thức không chỉ cho bộ phận quản lý Nhà nước mà còn cho các bộ phận phận DN trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ logistics VKTTĐMT. Cần nghiên cứu đưa ra những chính sách huy động và sử dụng quản lý có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, viện trợ, vốn vay của các tổ chức trong và ngoài nước cùng với các chính sách đầu tư phù hợp để xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển; xây dựng các trung âm logistics, các trung tâm phân phối hàng hóa trong khu vực, phấn đấu đưa VKTTĐMT trở thành một cụm logistics lớn của cả nước.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, chủ trương của Bộ Giao thông vận tải là xây dựng 4 tuyến hành lang (HL), thứ nhất là HL Đà Nẵng – QL1A – Q19 đi biên giới Việt Lào, HL thứ hai là Đà Nẵng – QL14B, – QL14D – đường Hồ Chí Minh – Tây nguyên, HL thứ ba là Dung Quất – QL24 – Tây Nguyên, HL thứ tư là Quy Nhơn – QL19 – Tây Nguyên. Thông qua 4 HL này sẽ “gom” hàng hóa từ Tây nguyên và các nước trên tuyến HLKTĐT về các cảng biển tạo nên một chuỗi logistics với chi phí thấp nhất. “Bộ Giao thông vận tải sẽ ghi nhận các ý kiến của các đại biểu trong hội thảo và tọa đàm này để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các chiến lược đầu tư phù hợp, góp phần xây dựng các trung tâm logistics ngày càng phát triển”, ông Công nói.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công phát biểu tại Hội thảo
Theo: Vietnam Logistics Review.