Logistics VN có thời gian tương đối dài hình thành và phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2020, thời điểm VN xác định hoàn thành công nghiệp hóa – hiện đại hóa thì logistics cần nỗ lực vượt bậc.
Có nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng ba trụ cột quan trọng nhất là nhu cầu, khả năng cung ứng và cơ sở hạ tầng logistics cần được phát triển và hoàn thiện.
Các xu hướng của logistics thế giới
Hình thành DN logistics chuyên môn hóa, tập đoàn chuyên kinh doanh dịch vụ logistics
Do nhu cầu lưu chuyển hàng hóa phục vụ người tiêu dùng ngày càng lớn nên nhu cầu về dịch vụ logistics rất lớn. Nhiều công ty, tập đoàn quy mô lớn và đa quốc gia đã xuất hiện, phát triển nhanh chóng.
Đa dạng hóa trong cung ứng dịch vụ logistics cho khách hàng
Nhà cung cấp dịch vụ logistics hiện không đơn thuần cung cấp dịch vụ giao nhận, vận tải mà còn tổ chức và thực hiện các dịch vụ khác: quản lý kho, bảo quản hàng, tạo thêm giá trị gia tăng cho hàng hóa bằng cách lắp ráp, kiểm tra chất lượng trước khi gửi hàng, đóng gói bao bì, dán nhãn, làm thủ tục xuất nhập khẩu…
Các công ty dịch vụ logistics còn có thể tư vấn một số vấn đề như hợp lý hóa dây chuyền vận tải, loại bỏ các khâu và công đoạn không hiệu quả, thiết kế hệ thống phân phối…
Ứng dụng CNTT và thương mại điện tử trong quá trình cung cấp dịch vụ logistics
Nhiều nội dung của dịch vụ logistics như xử lí đơn hàng, thực hiện đơn hàng, giao hàng, thanh toán, thu hồi hàng hóa… được thực hiện trong môi trường thương mại điện tử. Các nội dung khác của dịch vụ logistics như hệ thống quản trị dây chuyền cung ứng toàn cầu hay công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến điện… cũng được hỗ trợ rất thiết thực bởi công nghệ thông tin.
“Kéo” thay “đẩy”.
Quản lí logistics đẩy là cơ chế được điều khiển bởi cung và theo kế hoạch. Trong hệ thống này, các thiết bị và sản phẩm được đẩy vào quá trình sản xuất, phân phối và nhà kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đây là cơ chế không phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến việc có thể thừa hoặc thiếu hàng hóa.
Thay vào đó, cơ chế logistics kéo khiến cho quá trình sản xuất được điều khiển và tác động bởi hoạt động mua bán và trao đổi thực tế. Cơ chế này liên kết các quá trình, các khâu của hoạt động sản xuất kinh doanh thành một chuỗi thống nhất hướng đến việc thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Quan điểm và mục tiêu phát triển logistics Việt Nam
Quan điểm
Phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều lợi thế cạnh tranh với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Coi logistics là động lực, cơ sở hạ tầng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trong việc nâng cao sản xuất hàng hóa, nâng cao mức hưởng thụ hàng hóa của người tiêu dùng.
Logistics cần được ưu tiên đầu tư phát triển đi trước với tốc độ nhanh và bền vững, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phát triển bền vững và hiệu quả các loại hình dịch vụ logistics trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Phát huy tối đa lợi thế về điều kiện địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, phát triển các hệ thống GTVT hợp lí, tiết kiệm chi phí xã hội và nâng cao sức cạnh tranh. Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia một cách đồng bộ, hợp lý. Vừa có những bước đi vững chắc, vừa có những bước đi đột phá để nhanh chóng tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, kết nối các phương thức giao GTVT. “Xã hội hóa” đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước, phát triển kết cấu hạ tầng logistics dựa trên sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm mục tiêu phát triển logistics bền vững.
Mục tiêu
Hình thành dịch vụ trọn gói 3PL; Phát triển logistics điện tử (e-logistics) cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả thân thiện; Cơ cấu lại các DN dịch vụ logistics: giảm số lượng, tăng chất lượng đến năm 2020 tương đương các nước trong khu vực hiện nay (Thái Lan, Singapore).
Đến năm 2015 chỉ số LPI của VN do WB báo cáo nằm trong top 35 hoặc 40 các nền kinh tế trên thế giới; Phấn đấu giảm chi phí logistics ở mức 20% GDP; Giữ vững tốc độ tăng trưởng trung bình thị trường dịch vụ logistics là 20-25%/năm, tổng giá trị thị trường dự đoán chiếm 10% GDP vào năm 2020; Tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đến năm 2020 là 40%.
Theo: Vietnam Logistics Review.