Những ngày đầu Xuân Đinh Dậu này, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đón một tin vui là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2016/NĐ-CP, ngày 29.11.2016 về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01.7.2017 và thay thế cho Nghị định số 30/2014/NĐ-CP, ngày 14.4.2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
Mục đích của Nghị định số 160/2016/NĐ-CP ra đời nhằm quy định chi tiết những điều khoản có liên quan của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, 2015, có hiệu lực từ ngày 01.7.2017. Luật Đầu tư, 2014, có hiệu lực từ ngày 01.7.2015 quy định vận tải biển là một ngành kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, Nghị định đã quy định rõ ràng hơn các điều kiện kinh doanh về tổ chức bộ máy, về tài chính và về nhân lực so với Nghị định 30/2014/NĐ-CP và phù hợp với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta khi thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam về dịch vụ vận tải biển trong ASEAN và WTO, tiến tới thực hiện các cam kết trong TPP và các FTA thế hệ mới. Từ đây, sẽ tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ vận tải biển trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam (VN).
1. Về điều kiện kinh doanh vận tải biển:
Nghị định nêu rõ điều kiện đối với DN VN kinh doanh vận tải biển quốc tế và kinh doanh vận tải nội địa, điều kiện đối với tổ chức nước ngoài tham gia vận chuyển nội địa bằng tàu thuyền mang cờ quốc tịch VN.
Các điều kiện về tổ chức bộ máy đối với DN VN kinh doanh vận tải biển quốc tế phải có bộ phận quản lý an toàn và an ninh hàng hải theo ISM Code và bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển, bộ phận thực hiện công tác pháp chế. Điều kiện về tài chính phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đảm bảo nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên với mức bảo lãnh tối thiểu là 5 tỷ đồng VN. Điều kiện này tạo thuận lợi hơn cho DN so với điều kiện quy định trong Nghị định 30/2014/NĐ-CP đòi hỏi “Có vốn hoặc tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ đồng nếu kinh doanh vận tải biển quốc tế và 5 tỷ đồng nếu kinh doanh vận tải biển nội địa”. Điều kiện về tàu thuyền phải có tối thiểu một tàu biển phù hợp về quy chuẩn kỹ thuật. Qua đó nâng cao chất lượng kinh doanh và phục vụ của DN. Điều kiện về nhân lực cũng được quy định rõ hơn về yêu cầu cho mỗi bộ phận quản lý, kinh doanh của DN và thuyền viên hoạt động trên tàu biển.
Điều kiện đối với DN kinh doanh vận tải biển nội địa yêu cầu phải có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển. Điều kiện về tài chính phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đảm bảo nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên với mức bảo lãnh tối thiểu là 500 triệu VNĐ. Điều kiện tàu thuyền phải có tối thiểu một tàu biển phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Nghị định cũng quy định rõ ràng điều kiện về nhân lực làm việc trên bờ và thuyền viên.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển, cấp lại Giấy chứng nhận, thu hồi Giấy chứng nhận cũng được nêu rõ và đơn giản hơn theo hướng tạo thuận lợi cho DN.
2. Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển:
Nghị định vẫn giữ quy định trường hợp DN có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của DN. Nghị định quy định nhân viên đại lý tàu biển phải là công dân VN và được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ chuyên môn về đại lý tàu biển. Đây là điểm cần được chú ý.
3. Về điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại VN:
Trường hợp DN có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của DN. DN kinh doanh phải có tối thiểu một tàu lai dắt và thuyền viên làm việc trên tàu phải là thuyền viên VN. Nghị định lần này quy định rõ điều kiện cho phép tổ chức nước ngoài sử dụng tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài để kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại VN khi tàu lai dắt mang quốc tịch VN không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Nghị định cũng quy định về điều kiện an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường, thuyền viên phải có chứng chỉ chuyên môn, phải ký hợp đồng lai dắt và tổ chức nước ngoài phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoặc DN lai dắt VN được ủy quyền tại VN.
Nghị định lần này có quy định rõ điều kiện đối với tổ chức nước ngoài tham gia vận chuyển nội địa bằng tàu thuyền mang cờ quốc tịch VN. Đây là điểm mới. Tổ chức nước ngoài tham gia vận tải nội địa (cabotage) bằng tàu biển mang cờ VN phải thành lập DN liên doanh theo quy định, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của DN. Thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu không vượt quá 1/3 định biên, thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất phải là công dân VN… |
Rõ ràng là các DN kinh doanh dịch vụ vận tải biển trong nước, các DN kinh doanh dịch vụ logistics và các nhà đầu tư nước ngoài rất phấn khởi đón nhận Nghị định này của Chính phủ VN.