Phát triển logistics giải bài toán kết nối hạ tầng

Chính sách chưa đồng bộ, hạ tầng thiếu và yếu, chi phí cao, giá thành tăng, giảm năng lực cạnh tranh… đang là “khoảng trống” của ngành logistics Việt Nam. Một trong những giải pháp cấp bách là đồng bộ chính sách và tăng cường kết nối hạ tầng.

Bất cập từ ngành logistics Hà Nội   

Hà Nội có vị trí trung tâm đầu mối của mọi tuyến đường huyết mạch ở phía Bắc, đồng thời là cánh cửa nối với thế giới bên ngoài một cách toàn diện. Với những điều kiện thuận lợi đó, cùng sự ưu tiên đầu tư cho thủ đô, Hà Nội có thể phát triển kinh tế – xã hội một cách vượt bậc, trong đó có ngành logistics. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.

Theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội đối với nhiều doanh nghiệp (DN) đánh giá về chất lượng cơ sở hạ tầng vận tải của Hà Nội (kho, bãi, cảng, sân bay…), năm 2017 với thang điểm từ 1-5 thì các DN chỉ đạt 2,965 điểm.  Cũng theo báo cáo này, số lượng DN đang hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn là 5.445 DN, trong đó, DN tư nhân chiếm khoảng 80%. Đa phần các DN này là các DN nhỏ, số lượng các DN có khả năng cung cấp đầy đủ và trọn gói các loại hình dịch vụ logistics là rất ít.

Đặc biệt, dù có điều kiện hạ tầng tốt hơn nhiều địa phương khác nhưng chi phí logistics vẫn còn khá cao, nhất là chi phí vận tải. Chiếm từ 40% – 60% chi phí logistics, phí vận tải quá cao hiện nay là nút thắt lớn ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, chi phí chuỗi giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, Yên Lạc (Vĩnh Phúc) là vùng sản xuất rau an toàn, với khoảng cách địa lý 38km, bình quân 1kg rau sạch từ Yên Lạc về đến khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) mất chi phí 2.500 đồng/kg nhưng nếu vận chuyển sang Gia Lâm thì chi phí vận chuyển sẽ đội thêm khoảng 1.200 đồng/kg.

Cần có cơ chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt chú trọng huy động nguồn vốn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các công trình cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi,… theo hướng công khai minh bạch.

Sở dĩ còn tồn tại nêu trên, các chuyên gia chỉ ra rằng, hầu như toàn bộ năng lực vận chuyển bằng đường sông và đường sắt của Hà Nội không tham gia vào giá trị bài toán logistics mà phần lớn là vận chuyển bằng đường bộ. Trong khi đó, ùn tắc giao thông, khổ đường hẹp, giới hạn tải trọng phương tiện… là một trong những cản trở lớn đối với phát triển logistics và làm gia tăng các chi phí của DN để vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa đến nơi tiêu thụ.

Theo ông Hoàng Trọng Thủy, toàn bộ hệ thống giao thông của Hà Nội mới chỉ là hệ thống giao thông hướng tâm, chứ chưa phát triển hệ thống giao thông bàn cờ, khiến việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Hay một vấn đề hạ tầng khác là kho bãi tập kết hàng hóa. Hầu hết các kho bãi đều có quy mô hạn chế, thiếu trang thiết bị, chưa áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, chưa có sự liên kết với nhau. Ngay cả đến các cảng cạn ICD cũng chỉ dùng một loại hình vận tải là đường bộ, chưa có kết nối với đường sắt, đường sông.

Có thể khẳng định rằng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của hoạt động logistics dẫn đến sự phát triển của hệ thống phân phối, lưu thông hàng hóa bị cản trở, chi phí logistics bị đẩy  lên cao.

Cần chính sách  đồng bộ và tăng cường liên kết

Tình trạng nêu trên của Hà Nội cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Mặc dù logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong hoạt động thương mại, góp phần tích cực làm tăng tính cạnh tranh hàng hóa của quốc gia, phát triển kinh tế… Tuy nhiên hệ thống cơ chế, chính sách, hạ tầng vẫn chưa được quan tâm đúng mức khiến nó manh mún và thiếu định hướng. Thêm vào đó là thiếu sự kết nối giữa các khu vực, vùng miền và địa phương.

Đại diện Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, các tỉnh, thành có cảng biển thì hạ tầng đều chưa đáp ứng được nhu cầu, kho lưu giữ thường xuyên quá tải, dẫn đến quá trình vận chuyển hàng hóa còn chậm. Chi phí hạ tầng còn cao. Trong khi đó, các DN logistics hầu hết là công ty nhỏ, vốn đầu tư ít không đủ để đầu tư kho hàng, xe đầu kéo container để hoạt động… Chính những nhân tố này đang làm cản trở sự phát triển của ngành dịch vụ logistics của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, hàng hóa về đến cảng Hải Phòng, tỷ lệ hàng chở bằng đường sắt và đường thủy là rất thấp mà chủ yếu chở bằng đường ô tô. Chi phí vận chuyển, chi phí BOT, bốc xếp, kho bãi, cảng và các loại phí khác là rất lớn, điều này làm tăng chi phí của các DN, tăng giá thành sản phẩm và làm giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 21% GDP, trong khi của các nước phát triển trung bình chỉ khoảng 10% – 14%. Đặc biệt, phí vận tải cao chiếm từ 40% – 60% chi phí logistics đang là nút thắt, ảnh hưởng đến giá thành, chi phí chuỗi giá trị, cũng như năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Điều này còn là yếu tố cản trở phát triển của cả nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh phát triển logistics nói chung và từng địa phương nói riêng, cần có một cơ chế chính sách, đồng bộ, thống nhất. Trước hết cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong các văn bản hoặc ban hành mới nhằm tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có căn cứ thực hiện nhưng phải đơn giản hóa thủ tục hành chính; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, trong đó đưa ra cơ chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt chú trọng huy động nguồn vốn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các công trình cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi,… nhưng theo hướng công khai minh bạch, có sự giám sát và có sự cạnh tranh bình đẳng, tránh lợi  ích nhóm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa các địa phương, khai thác cơ sở hạ tầng sẵn có của các loại hình vận tải với nhau nhằm giảm các chi phí cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Theo: Vietnam Logistics Review

Bookmark the permalink.

Comments are closed.