Lâu lắm tôi mới ra Hà Nội, lại gặp ngay đợt lạnh đầu mùa. Trời chỉ se se lạnh, không khí khô mát thật dễ chịu… Buổi sáng, ngồi uống cà phê ngoài vỉa hè đầu phố Bảo Khánh nhìn ra Hồ Gươm, cảnh trông thật đẹp. Nước hồ xanh biếc gợn sóng lăn tăn soi bóng Tháp Rùa một bên và Cầu Thê Húc cùng đền Ngọc Sơn một bên. Hàng cây ven bờ che khuất cảnh xe cộ quanh hồ chỉ nhìn rõ cảnh người đi dạo, tập thể dục ven hồ. Thật thanh bình.
Tôi rủ ông Quang, một người bạn cũ ra cùng uống cà phê. Ông Quang cũng trạc tuổi tôi, nghĩa là cũng thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, là người gốc Hà Nội. Hồi còn đi học ông rất đẹp trai, trông như tây, nên bạn bè gọi ông là Quang Vante. Gặp nhau thật vui, ông trách tôi sao lâu thế không ra Hà Nội? Tôi rời Hà Nội vào sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã hơn 30 năm. Trước kia khi còn đi làm tôi vẫn thường xuyên ra Hà Nội, từ ngày nghỉ hưu cũng ít đi lại, nên bạn bè cũng lâu chưa gặp nhau. Ông Quang thuộc loại người “sống mãi với thủ đô”, không rời Hà Nội, nên gần 70 năm qua ông chứng kiến bao thay đổi ở Hà Nội. Tôi thú thực là nhiều nơi quen thuộc đã thay đổi khó nhận ra, thí dụ như ngay ngã tư Khâm Thiên trở nên nhỏ hẹp khi các nhà mới xây cao tầng che khuất, chứ chưa nói tới ngã tư Sở hay các vùng đô thị mới mới thì tôi chịu, hoàn toàn không nhận ra. Ông Quang cũng thú thực là các khu mới ông cũng không nhận biết được.
Ông Quang nguyên là cán bộ giao nhận ngoại thương cũng đã nghỉ hưu gần chục năm nay. Trước kia khi còn ở Hà Nội chúng tôi hay nói chuyện với nhau về chuyên môn. Ông Quang là người ham hiểu biết và khá uyên bác trong lĩnh vực chuyên môn, nên trao đổi với ông tôi thường nhận được nhiều điều mới và lý thú.
Sau một hồi nhắc lại bạn bè cũ hồi ấu thơ và thuở cắp sách đến trường chúng tôi thấy thời gian trôi thật nhanh, và cũng mừng là còn khỏe mạnh và gặp nhau thế này.
Ông hỏi tôi còn làm gì không hay nghỉ ngơi hoàn toàn rồi. Tôi thành thật bảo có tham gia một vài việc với một số trường. Ông Quang tỏ ra vui và bảo: “Tuổi anh em mình cũng phải hoạt động chứ không làm gì thì hỏng hết”. Và ông chợt hỏi tôi: “Vậy chắc là ông có quan tâm tới logistics?” Tôi nhận là có quan tâm và cũng thường xuyên cập nhật sự phát triển của ngành này. Ông hào hứng hẳn lên và sôi nổi nói: “Thế là chúng mình có thêm một mối quan tâm chung”. Là cán bộ quản lý ngành kho vận ngoại thương nhiều năm cho đến lúc về hưu, và thật ra ông gắn bó với logistics từ lâu rồi, chắc ông có nhiều suy nghĩ trăn trở về lĩnh vực này. Tôi bèn gợi chuyện để ông nói.
“Hồi đầu những năm 1990 ở nước ta bỗng sôi nổi về logistics. Ông Quang nói, khi đó mình còn đang làm việc nên phải tìm hiểu kỹ xem logistics là gì. Thoạt đầu mình thấy nó vẫn chỉ là chuyện giao nhận vận chuyển mà mình làm bao năm nay rồi. Nhưng mình thắc mắc thế tại sao bây giờ lại ồn ào thế?”
Nhấp một ngụm cà phê ông nói tiếp: “Thế là mình tìm các tài liệu để đọc, những tài liệu như Contemporary Logistics, và kể cả các giáo trình khác về logistics mình tìm và đọc hết. Khi đó mình mới ngộ ra rằng hệ thống lưu thông phân phối đã thay đổi do quan niệm về dự trữ sản phẩm hàng hóa đã thay đổi từ chỗ phải có sẵn dự trữ sang khi nào cần thì có ngay, tiếng Anh là Just in Time (JIT). Mặt khác là người ta xem xét toàn hệ thống, thể hiện là phải xét giá thành toàn bộ, chứ không xem xét từng khúc nữa. Thế là hệ thống buôn bán thay đổi theo nhằm đáp ứng yêu cầu mới kéo theo anh kho vận ngoại thương phải thay đổi theo. Ban đầu mình cũng nghĩ đơn giản là thế thì bây giờ kho vận đổi thành logistics và làm theo yêu cầu mới là đủ. Và khi đó hàng loạt các công ty kho vận, kiểm đếm,… trong thời gian ngắn biến thành các công ty logistics theo kiểu bình mới rượu cũ. Và tình hình đến giờ cũng chưa thay đổi, trừ việc áp dụng một số phương tiện thiết bị mới vào mà thôi.”
Nghe đến đây tôi chỉ nghĩ chắc ông bạn tôi đang buồn nhớ lại thời mình còn làm, nên tôi an ủi ông: “Ngành của anh giờ cũng thay đổi nhiều lắm rồi, nhất là bây giờ chủ yếu vận chuyển bằng container nên khác trước nhiều đấy chứ.”
Nghe vậy ông Quang bỗng nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ, và hỏi: “Ông cũng nghĩ thế à?”
Biết là có điều gì mới từ ông bạn, nên tôi hỏi một câu có tính gợi chuyện: “Sao, ý anh là thế nào?”
“Việc các công ty giao nhận, kho vận đổi tên thành các công ty logistics là không sai. Vì chính các công ty này cung cấp các dịch vụ logistics mà. Nhưng cái cốt lõi của cuộc cách mạng này là quản trị logistics, Logistics Management, đó là cái mới mà chưa ai ở ta làm.” |
Ông nói tiếp: “Người ta giải quyết vấn đề lưu thông theo quan điểm hệ thống, quản trị logistics giúp cho quá trình này đáp ứng yêu cầu của chủ hàng. Chủ hàng sẽ chỉ quan tâm tới kết quả toàn bộ, mà không phải từng khúc một. Quản trị logistics phải làm việc này.”
“Cuối thế kỉ XX nhiều hội đồng logistics cấp quốc gia được thành lập, nổi tiếng như CLM (Council of Logistics Management) của Mỹ, hay CALM (Canadian Association of Logistics Management) của Canada,…
“Logistics mô tả toàn bộ quá trình vật tư, hàng hóa dịch chuyển từ đầu vào (inbound logistics), đi qua tới đầu ra (outbound logistics) của một công ty, nhà máy…
“Chắc ông còn nhớ khi mới ra đời lý thuyết quản trị logistics có nói bên cạnh dòng hàng hóa vật chất còn dòng thông tin và dòng giá trị đi kèm.”
“Đến đầu thế kỉ XXI Hội đồng Quản trị Logistics của Mỹ đã đổi thành Hội đồng Quản trị Chuỗi cung ứng chuyên nghiệp CSCMP (Council of Supply Chain Management Professionals). Và các nhà kinh tế đã khẳng định quản trị chuỗi cung ứng là bước phát triển tiếp theo của quản trị logistics. Như vậy là về lý thuyết có một bước chuyển mới rồi.”
“Quản trị chuỗi cung ứng là một quan niệm rộng hơn logistics vì nó giải quyết việc quản trị cả dòng vật chất và các quan hệ giữa các dòng liên quan đi kèm từ điểm đầu là các nguyên vật liệu, xuyên suốt đến tận điểm cuối là người tiêu dùng cuối cùng.”
Dừng lại châm điếu thuốc, hút một lúc và chầm chậm nhả khói, ông Quang như cố gắng tập trung vào mạch suy nghĩ. Tôi bảo ông: “Đúng là quản trị logistics là quản trị dòng hàng hóa, vật chất, nhưng đi kèm với nó là biết bao vấn đề liên quan, bao mối quan hệ quanh nó. Nếu chỉ dừng ở dòng logistics hạn chế trong một đơn vị thì thật chưa đủ.”
Như được nhắc, ông Quang dụi điếu thuốc và nói tiếp: “Xã hội phát triển, bây giờ biết bao vấn đề được đặt ra như môi trường, an toàn vệ sinh, bảo hộ người lao động,… khiến hàng hóa lưu thông cần xử lý nhiều vấn đề. Các nhà kinh doanh bây giờ không chỉ dừng ở việc được cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa, mà còn phải truy xét đến nguồn gốc hàng hóa được làm thế nào, có đảm bảo các tiêu chuẩn ngày càng rộng không. Thí dụ ngay con cá đem xuất khẩu, khách hàng còn yêu cầu được biết cá nuôi thế nào, có đảm bảo vệ sinh không, cho cá ăn thức ăn gì,… Nghĩa là chuỗi đã dài ra, không chỉ dừng ở mức quan hệ người mua – người bán thông thường. Nó không chỉ dừng ở trong phạm vi một công ty, mà có thể là một chuỗi các công ty, tổ chức và phải chi tiết hơn các quan hệ kẻ mua – người bán truyền thống”.
“Thực ra là một loạt các kênh khác đi cùng, tương tác với nhau, chứ không chỉ một kênh logistics. Có người gọi các kênh khác này là các kênh marketing.
“Nói đến quản trị chuỗi cung ứng phải xét toàn bộ các kênh trong chuỗi, trong đó có kênh logistics và tương tác, quan hệ của các kênh đó. Có thể kể một vài kênh, ngoài kênh logistics trong chuỗi cung ứng như kênh tài chính, kênh đàm phán, kênh chủ sở hữu,… Các kênh này quan hệ, tương tác với nhau mới thúc đẩy dòng vật chất lưu thông.
“Có thể nói một cách tổng quát thế này: Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động lên kế hoạch và quản trị liên quan đến nguồn cung ứng, thầu, chuyển đổi và các hoạt động quản trị logistics. Một điều rất quan trọng là nó bao gồm sự phối hợp, liên kết các kênh đối tác như bên cung cấp, bên trung gian, nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba và khách hàng.”
Tôi cố gặng hỏi ông Quang về băn khoăn của ông về thực trạng logistics ở nước ta?
Ông trả lời ngay: “Ta mới chỉ cố gắng để trở thành người cung cấp dịch vụ logistics tốt mà thôi. Chúng ta chưa làm được việc quản trị logistics và bây giờ nó là quản trị chuỗi cung ứng. Đây mới là việc làm đem lại giá trị gia tăng cao. Việc này vẫn nằm trong tay các công ty nước ngoài.”
Nắng bắt đầu lên. Cái nắng hanh vàng như mật ong bắt đầu phủ lên hàng cây ven hồ khiến lá cây sáng lấp lánh. Gió hanh se se lạnh.
Ông Quang bảo tôi: “Thôi xếp chuyện này lại. Tôi với ông rủ mấy đứa bạn cũ lên Hồ Tây uống bia. Đầu đường Văn Cao mới có quán bia ngồi được lắm!”…
Theo: Vietnam Logistics Review.