Ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics Việt Nam

CNTT là một thành phần quan trọng trong hạ tầng mềm của logistics với nhiều giá trị gia tăng (GTGT) cho khách hàng từ các dịch vụ sử dụng ứng dụng CNTT trực tiếp đến gián tiếp. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong logistics của các công ty Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Trong cuộc khảo sát vào đầu năm 2014, WB đã tăng số quốc gia khảo sát lên 160, và Logistics Performance Index (LPI) của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc từ vị trí 53/155 (không thay đổi trong giai đoạn 2007-2012) lên vị trí 48/160 quốc gia (2014). Trong 6 chỉ số đánh giá, đáng chú ý là hai chỉ số “Khả năng kết nối thông tin – Tracking & tracing” và “Thời gian – Timeliness” của Việt Nam có sự thay đổi chưa khả quan. Từ một cuộc khảo sát vào năm 2014 cho thấy chỉ 6.7% LSPs cho rằng CNTT là một trong những yếu tố cạnh tranh chính của họ. Vì vậy, để cải thiện hai chỉ số trên trong hoạt động logistics của Việt Nam, cần chú trọng công tác đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT trong logistics một cách cụ thể để tìm ra giải pháp dài hạn nhằm đầu tư đúng hướng và phát triển ứng dụng CNTT hiệu quả.

Ứng dụng CNTT của LSPs Việt Nam

Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học GTVT TP.HCM đã thực hiện dự án 6 tháng (từ tháng 12.2014) mang tên “Hợp tác nghiên cứu giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về CNTT và truyền thông nhằm duy trì và đổi mới các dịch vụ logistics ở Việt Nam” với sự tài trợ của Hội đồng Anh và sự hợp tác với Trường Đại học Liverpool John Moores (Anh), Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số DN logistics (trong đó có Tập đoàn Nippon Express) thông qua một cuộc khảo sát các DN logistics ở các tỉnh thành lớn.

Trong số 97 LSPs khảo sát, phần lớn là các công ty TNHH (40.2%) và công ty cổ phần (38.1%), còn lại là công ty liên doanh (8.3%), công ty nhà nước (6.2%), 5.2% công ty FDI và 2.1% công ty tư nhân. Dù chiếm số lượng ít nhưng các LSPs nước ngoài lại chiếm thị phần chính trong thị trường logistics Việt Nam. Các dịch vụ logistics được cung cấp chủ yếu tập trung ở mảng hoạt động giao nhận (47.4%), vận tải đường bộ (26.8%), thủ tục hải quan (19.6%) và vận tải biển (17.5%) trong khi những hoạt động tạo GTGT nhiều như kho hàng hay dịch vụ phân phối chiếm tỷ trọng khiêm tốn (20.6%).

Nhân lực CNTT trong logistics

Do các dịch vụ logistics được cung cấp ở mức độ đơn giản và tính tích hợp chưa cao nên hầu hết LSPs là DN nhỏ và vừa (SMEs) có nhân lực dưới 50 người (60.2%). Trong đó, có đến 86% công ty có số nhân viên chuyên trách CNTT dưới 5 người (44.3% công ty có dưới 2 người). Chính vì vậy, phần lớn (40.2%) sử dụng kết hợp nhân viên CNTT trong nội bộ và thuê ngoài cho hoạt động logistics của mình, cho thấy mức độ chuyên sâu về CNTT của các LSPs còn khá thấp cũng như vấn đề nhân lực CNTT chưa thực sự được chú trọng đầu tư và phát triển.

Tín hiệu tích cực là việc bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên được chú trọng, 80.4% công ty có kế hoạch nâng cao kỹ năng và kiến thức CNTT. Tuy vậy chỉ có 56.3% công ty thực hiện huấn luyện hàng năm, việc đào tạo nhân lực CNTT phụ thuộc phần lớn vào các nhà cung cấp giải pháp phần mềm (73.2%) trong khi đó những khóa bồi dưỡng chuyên môn dành cho nhân viên CNTT ở nước ngoài chỉ được thực hiện tại 8.2% công ty.

Lợi ích của CNTT được các LSPs nhìn nhận ở mức độ khác nhau, nhưng đều có điểm chung là cải thiện tình hình kiểm soát và lên kế hoạch dễ dàng hơn (70.1% công ty), nâng cao năng lực cạnh tranh (70.1%), giảm thiểu lỗi do con người gây ra (67%), giảm chi phí nhân lực trong quản lý (61.9%), cải thiện quan hệ khách hàng (60.8%) và giảm thiểu chi phí (57.7%). Tuy nhiên, có đến 44% công ty không đánh giá cao vai trò quan trọng của CNTT đối với sự phát triển của DN. Chỉ 61.9% công ty chú trọng đến phát triển chiến lược CNTT. 43.3% LSPs cho rằng CNTT chưa phải là một yếu tố then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đây thực sự là những tín hiệu cần lưu ý khi Việt Nam gia nhập AEC.

Chi phí dành cho CNTT trong tổng chi phí logistics: Vai trò của CNTT chưa được đánh giá cao do đó có đến 70.8% công ty trả lời họ sử dụng dưới 3% tổng ngân sách logistics cho CNTT. Thậm chí 32.3% công ty sử dụng ít hơn 0.5% cho CNTT. Một trong những nguyên nhân là do hầu hết các LSPs là vừa và nhỏ, vấn đề thiếu vốn đã dẫn đến việc các công ty này thường chú trọng tập trung ngân sách cho các hoạt động kinh doanh trực tiếp và coi nhẹ đầu tư CNTT. Khi CNTT chỉ được xem như là yếu tố thứ yếu thì những lợi ích mang lại từ CNTT đối với hoạt động logistics sẽ càng trở nên mờ nhạt.

Ứng dụng CNTT đang và dự tính sẽ được sử dụng

Các công ty tham gia khảo sát có nhiều nỗ lực về ứng dụng CNTT trong logistics. Tuy nhiên, chỉ có một số ứng dụng đã phổ biến trên thế giới như thương mại điện tử/ kinh doanh qua internet (59.8%), hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử. EDI (59.8%), hệ thống quản lý giao nhận (49.5%), hệ thống quản lý vận tải (45.4%), hệ thống định vị toàn cầu (45.4%), phần mềm quản lý đặt hàng (43.3%) và quản lý mối quan hệ khách hàng (42.3%). Trong khi đó, việc ứng dụng CNTT hiện đại tại các công ty rất hạn chế chẳng hạn như phần mềm quản lý kho hàng (27.8%), công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến – RFID (14.4%), và logistics đám mây (4.1%). Thực tế này xuất phát từ lý do phần lớn các LSPs Việt Nam chủ yếu cung cấp các dịch vụ logistics ở cấp độ đơn giản.

Khảo sát cho thấy phần lớn các LSPs còn rất thận trọng trong việc dự tính đầu tư cho các ứng dụng CNTT trong tương lai. Phần mềm quản lý kho hàng được dự tính đầu tư nhiều nhất cũng chỉ có 36.1%, logistics đám mây (29.9%), hoạch định nguồn lực (29.9%), hệ thống quét mã vạch (Barcode) (25.8%) và Kanban (18.6%).
Rào cản đầu tư vào CNTT của các LSPs bao gồm chuẩn EDI khác biệt giữa các công ty (54.6%), chi phí đầu tư và vận hành cao (50.5%). Hầu hết các công ty cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam chủ yếu là SMEs, tiềm năng vốn chưa đủ mạnh, họ cảm thấy khá khó khăn trong ra quyết định có nên đầu tư vào phần mềm khi chưa có sự đảm bảo trong việc thu hồi vốn. Một rào cản nữa là việc thiếu kỹ năng vận hành kỹ thuật (41.2%) và thiếu nhân viên được huấn luyện bài bản (37.1%), quá nhiều giải pháp phần mềm để lựa chọn (35.1%). Do đó nếu ra quyết định đầu tư có thể dẫn đến không hiệu quả khi tiếp nhận những ứng dụng không phù hợp với đặc thù của công ty.

Ứng dụng CNTT trong logistics Việt Nam

Đề xuất đối với các LSPs Việt Nam

– Các công ty cần nhìn nhận vai trò của CNTT như là một trong những yếu tố tạo nên sự hài lòng của khách hàng và góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ logistics. Cần chú trọng xây dựng chiến lược CNTT như là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của DN.

– Hạ tầng CNTT cần được cải thiện và xây dựng mới, đặc biệt là hệ thống EDI, nhằm từng bước chuyển giao dữ liệu và số hóa dữ liệu. Một phần ngân sách cho hoạt động kinh doanh cần được sử dụng để đầu tư vào CNTT nhằm ứng dụng hiệu quả những phần mềm mới cần thiết cho hoạt động logistics như RFID, Barcode, đám mây logistics,… Đặc biệt, các LSPs có thể hướng đến sự hợp tác với các công ty phần mềm để đặt hàng những ứng dụng chuyên biệt với công ty để tận dụng hiệu quả từng ứng dụng.

– Các công ty cần coi trọng công tác tuyển dụng, đào tạo và huấn luyện nhân sự chuyên môn CNTT. Kết hợp với các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực hoặc các trường đại học để đào tạo đội ngũ cán bộ CNTT có kiến thức về logistics. Có thể sử dụng các khóa đào tạo tại chỗ theo yêu cầu của DN (tailor-made) để đảm bảo nhân viên CNTT được huấn luyện theo đúng đặc thù của công việc.

Đề xuất đối với cơ quan quản lý

– Nhà nước cần chú trọng đầu tư hạ tầng CNTT và có chính sách khuyến khích cũng như hỗ trợ tài chính để các LSPs nhỏ và vừa có thể đầu tư vào CNTT.

– Thúc đẩy thực hiện quá trình khai báo hải quan điện tử VNACCS/ VCIS, tạo động lực để LSPs chủ động nâng cấp hạ tầng và ứng dụng CNTT phù hợp.

– Chiến lược phát triển CNTT cho toàn ngành: có tính dài hạn song hành cùng với chiến lược phát triển logistics đến 2020, định hướng 2030. Chủ trương của các nhà lãnh đạo AEC là hướng tới: “Cửa sổ chung ASEAN” nhằm đảm bảo sự tương thích của mạng lưới CNTT từng quốc gia với tiêu chuẩn chung của quốc tế từ đó kết nối và tích hợp tất cả “Cửa sổ từng quốc gia ASEAN” vì mục tiêu chuyển giao dữ liệu điện tử an toàn, tin cậy, rút ngắn thời gian xử lý hàng hóa và tạo sự minh bạch đặc biệt với thủ tục hải quan. Vì vậy, việc xây dựng mạng lưới CNTT thông suốt toàn diện kết nối từ các cơ quan quản lý nhà nước, hải quan, tới các DN logistics và chủ hàng là vấn đề vô cùng cấp thiết.

– Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ và khuyến khích các công ty phần mềm đầu tư nghiên cứu CNTT theo chuẩn quốc tế. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các LSPs trong nước tiếp cận ứng dụng CNTT phù hợp với khả năng tài chính.

– Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao các ứng dụng CNTT phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN logistics, đặc biệt là SMEs.

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông qua ngày 4.10.2015 và sự hình thành AEC vào cuối năm 2015 mở ra nhiều cơ hội cho logistics Việt Nam nhưng cũng tạo ra thách thức to lớn. Các LSPs Việt Nam cần vững vàng đối mặt trước những đối thủ trong khu vực có những lợi thế cạnh tranh nổi bật về tiềm lực tài chính, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực và đặc biệt là CNTT hiện đại. Do vậy, ứng dụng CNTT phù hợp, hiệu quả không chỉ là bài toán của riêng các LSPs mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhằm xây dựng chính sách phù hợp, thúc đẩy CNTT trong logistics phát triển bền vững.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Bookmark the permalink.

Comments are closed.