Vận tải xanh trong dịch vụ logistics Việt Nam

Sáng 26.01.2018, tại TP.HCM Tổng Cục đường bộ Việt Nam phối hợp với các hiệp hội, tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo “Vận tải xanh và góp ý quy định về tiêu chí doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ xanh”

Hội thảo được Tổ chức Không khí sạch Châu Á (CAA) và Tổng Cục đường bộ Việt Nam, cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam phối hợp thực hiện.

Hội thảo lấy ý kiến của đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm đánh giá thực trạng và định hướng phát triển vận tải hàng hóa, tập trung đối với phương thức vận tải bằng xe tải. Từ đó khuyến nghị hướng tới phát triển chương trình vận tải hàng hóa xanh ở Việt Nam.

Theo đó, đánh giá chung về việc thực hiện chương trình vận tải xanh ở Việt Nam có nhiều thuận lợi như:  Chính phủ đã quan tâm và đưa ra các định hướng phát triển và giải pháp để thực hiện phát triển xanh. Bộ GTVT cũng đã triển khai xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy, phát triển vận tải xanh. Đây là cơ sở cho việc phát triển và xây dựng các chính sách về vận tải xanh tiếp theo.

Toàn cảnh Hội thảo

Các doanh nghiệp đã dần nhận thức, tiếp cận và ứng dụng các công nghệ vận tải xanh và phương thức quản lý tiến tiến vào quản trị đoàn xe giúp giảm giá thành vận tải và tăng khả năng cạnh tranh trong xu hướng hội nhập quốc tế. Ngoài ra, nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế như ADB, WB, GIZ và CAA quan tâm, hỗ trợ cho ngành giao thông vận tải trong xây dựng chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể để phát triển nền vận tải xanh, tiên tiến tiếp cận với trình độ của khu vực.

Tuy nhiên, Hội thảo cũng đưa ra những khó khăn cần giải quyết như:

Còn thiếu các chính sách khuyến khích áp dụng, đầu tư phát triển các công nghệ vận tải xanh trong lĩnh vực vận tải

Quy mô các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế, trong khi đó chưa xây dựng được cơ chế tín dụng/quỹ tín dụng cho các doanh nghiệp để nâng cấp, đổi mới đoàn xe. Bên cạnh đó, còn số lượng lớn hộ kinh doanh vận tải chưa được quản lý giám sát chặt chẽ.

Đại biểu chụp hình lưu niệm

Sàn giao dịch vận tải trực tuyến đầu tiên đã đi vào hoạt động, tuy nhiên, các chủ hàng – đặc biệt là các doanh nghiệp FDI vẫn chưa thực sự tham gia. Do vậy, hiệu quả giao dịch chưa đạt được như kỳ vọng

Nguồn nhân lực còn thiếu và chưa bắt kịp với trình độ phát triển của khu vực.

Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu các Chiến lược và Đề án phát triển giao thông cần một nguồn lực tài chính lớn, đây sẽ là một khó khăn đáng kể trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy nội địa và đường sắt.

Theo: Vietnam Logistics Review

Bookmark the permalink.

Comments are closed.