Sửa đổi chính sách để tiếp cận mô hình hải quan thông minh

Tiếp cận mô hình hải quan thông minh, hải quan số gắn với triển khai Đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể ngành Hải quan và khung Chiến lược phát triển hải quan, đây là mục tiêu khi Tổng cục Hải quan xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Yêu cầu từ thực tiễn

Trước những thực tế quá trình triển khai, cũng như định hướng mới trong việc phát triển Hải quan Việt Nam giai đoạn mới, theo Tổng cục Hải quan việc sửa đổi Nghị định là cần thiết.

Đánh giá về quá trình triển khai Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan cho biết qua thời gian thực hiện, Nghị định đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu quả của hoạt động hải quan và đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan.

Tuy nhiên, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế công tác quản lý hiện nay hoặc chồng chéo với các quy định mới được ban hành. Đặc biệt, hiện nay, thực hiện Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện Hải quan số, Tổng cục Hải quan đang xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh, hải quan số gắn với triển khai Đề án tái thiết kế hệ thống CNTT tổng thể ngành Hải quan và khung Chiến lược phát triển hải quan trên cơ sở quản lý tập trung, ứng dụng những thành tựu công nghệ mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, tạo thuận lợi thương mại, khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu hải quan với các bên liên quan. Do vậy, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định nhằm thống nhất các nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Quản lý thuế; Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ Quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Việc sửa đổi nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải. Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia liên quan đến lĩnh vực hải quan.

Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung quy định để tiếp cận mô hình hải quan thông minh, hải quan số gắn với triển khai Đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể ngành Hải quan và khung Chiến lược phát triển hải quan trên cơ sở quản lý tập trung, ứng dụng thành tựu công nghệ mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, tạo thuận lợi thương mại, khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu hải quan với các bên liên quan.

Mô hình quản lý hải quan thông minh được tích hợp dựa trên các hệ thống nghiệp vụ hiện có, kết hợp với ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp 4.0 để phục vụ cho công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, quản lý dữ liệu, tự động phân tích dữ liệu, hình ảnh và quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng. Do vậy, Nghị định sẽ quy định các nguyên tắc đảm bảo có giá trị thực hiện khi Hệ thống quản lý hải quan thông minh đưa vào vận hành, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện được khi chưa có hệ thống này như: quy định về số hóa các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; thông báo kết quả phân luồng sau khi hàng đến cửa khẩu; tự động thông quan sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, việc sử dụng hình ảnh máy soi container, chặn khai trùng thông tin vận đơn…

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về hồ sơ hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa; tờ khai giấy… tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP nhằm cải cách, tạo thuận lợi thương mại. Về kiểm tra chuyên ngành cơ quan Hải quan tiến hành rà soát các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo không chồng chéo với Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ và dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tế cũng được nghiên cứu sửa đổi như về vấn đề quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh; địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa TNTX để phục vụ công việc trong thời gian nhất định (gồm trường hợp để thi đấu thể thao); nhóm vấn đề liên quan đến chính sách thuế; nhóm vấn đề cần bổ sung mới theo quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP; nhóm nội dung liên quan đến trị giá hải quan…

Theo Báo Hải quan

Bookmark the permalink.

Comments are closed.