Doanh nghiệp dịch vụ vận tải (Logistics) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nói riêng. Khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, ngành logistics nước ta không chỉ có cơ hội phát triển mạnh mà còn tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải của thế giới. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội thì ngành logistics đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.Hội nhập là cơ hội lớn để ngành logistic nước ta phát triển, tuy nhiên thị phần của ngành này chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo thống kê của Hiệp hội Logistics, hiện cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là ngành kinh tế non trẻ và chỉ thực sự phát triển sôi động từ khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Quy mô của ngành logistics ước tính vào khoảng 20 – 22 tỷ USD với mức tăng trưởng bình quân từ 16-20%/năm.
Mặc dù ngành logistics tăng trưởng nhanh trong thời gian qua nhưng mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, mạnh về số lượng nhưng yếu về thị phần. Đa số các doanh nghiệp dịch vụ logistics là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất như kho tàng, bến bãi, công nghệ thông tin, phương tiện vận chuyển nên chỉ hoạt động trong một phân khúc nhỏ của ngành như dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan… Sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics.. đã phần nào cản trở sự phát triển của toàn ngành.
“Việc này đến từ phương thức hoạt động và mô hình tổ chức, bộ máy tổ chức còn hơi cồng kềnh về thủ tục. Nếu muốn tăng mức độ cạnh tranh với các công ty logistic khác trên thế giới thì cần phải tối ưu hóa được các hoạt động. Thứ 2 là có thể mở rộng thêm các sản phẩm dịch vụ, các chuỗi cung ứng trong lĩnh vực logistic”, ông Chung cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hội nhập là cơ hội lớn để ngành logistic nước ta phát triển, tuy nhiên thị phần chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài, với khoảng 75%. Bên cạnh đó, hiệu suất thấp cùng với quy trình hải quan kéo dài và cơ sở hạ tầng kém phát triển dẫn tới chi phí vận tải chiếm gần 25% GDP cả nước, cao hơn nhiều so với các nước như Mỹ, Trung Quốc hay Thái Lan.
Một trong những yếu tố gây cản trở sự phát triển của ngành logistics, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đó là sự bất hợp lý trong việc vận hành hệ thống cảng tại Việt Nam, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng lên nhiều lần. Cùng với đó là sự bất cập về cơ sở hạ tầng, vận chuyển quốc tế và phụ phí vận chuyển quốc tế trong mùa cao điểm thường bị các hãng tàu tăng cao.
Ông Bùi Hồng Minh, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển đang tạo ra sự tắc nghẽn dòng dịch chuyển logistics, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành logistics toàn diện trên phạm vi cả nước. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải.
Ông Minh cho rằng, để ngành vận tải phát triển mạnh trong thời gian tới, cần cải cách thể chế ở tầm vĩ mô, tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và tạo cạnh tranh với các quốc gia khác.
“Cần có một số doanh nghiệp đầu đàn, đầu tàu để kéo sự phát triển của các doanh nghiệp logistic, có thể có sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới mà hiện nay chúng ta đang rất thiếu. Trước mắt các doanh nghiệp cần phải có mô hình hoạt động phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay. Thứ 2 là cần phải có tiềm lực tài chính mạnh để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới”, ông Minh nói.
Theo báo cáo cập nhật về ngành logistics của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt mới đây, ngành logistics hiện đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%/năm và được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong khoảng từ 5 – 10 năm tới. Đặc biệt, khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương chính thức được ký kết với nhiều dòng thuế về 0%, các hoạt động xuất nhập khẩu phát triển sôi động, sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics bùng nổ. Việt Nam hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Để có thể tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do mang lại, ông Nguyễn Tương, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, cần phải liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp cung cấp logistic. Đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp tốt hơn, tăng năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải.
“Logistics là ngành rất quan trọng trong đời sống, kinh tế và đặc biệt quan trọng cho xuất nhập khẩu vì nó là ngành làm tăng giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xuất nhập khẩu. Từ đây bản thân ngành dịch vụ logistic phải nâng cao được năng lực của mình về mọi mặt, trước hết phải mở rộng quy mô của các doanh nghiệp, thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ, thứ 3 là đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xuất nhập khẩu và đồng thời ngành logistic phải kết hợp với các ngành công thương, kết hợp chặt chẽ với các nhà xuất nhập khẩu”, ông Tương nêu rõ.
Để có thể hội nhập sâu rộng với thế giới, các doanh nghiệp logistics cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tăng hiệu suất và chất lượng dịch vụ, hình thành các chuỗi liên kết đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài./.