Thị trường EU: Kỳ vọng sau FTA

(Vietnam Logistics Review) Với việc VN – EU ra Tuyên bố chung về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do VN – EU sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN VN thâm nhập và đứng vững ở thị trường đầy tiềm năng này trong tương lai rất gần.

TỪ TIỀM NĂNG EU

 

   

Khối EU có 27 nước với diện tích khoảng 4 triệu km2 và gần 500 triệu dân, tuy nhiên đây là thị trường lớn, tiềm năng cho tất cả các quốc gia, trong đó có VN. Thống kê cho thấy, GDP của khối đạt gần 14.960 tỷ USD, chiếm 27% thế giới. Tổng kim ngạch XNK đạt khoảng 2.800 tỷ USD, chiếm gần 25% giá trị thương mại toàn cầu. Nếu tính cả mậu dịch nội khối thì tổng kim ngạch mậu dịch đạt 5.092 tỷ chiếm 45% thị phần thế giới. EU cũng là khối đứng đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ chiếm 43,8% thị phần thế giới và chiếm 42,7% nhập khẩu dịch vụ thế giới. Đầu tư ra nước ngoài chiếm 47% FDI toàn cầu và nhận 20% đầu tư từ bên ngoài.

Theo ông Bùi Vương Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Tham tán thương mại VN tại Italia thì EU là một trong những đối tác thương mại chủ chốt, đồng thời là nguồn đầu tư quan trọng vào VN. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại VN – EU tăng trưởng không ngừng trong thời gian qua. Chỉ tính riêng năm 2013, trao đổi này đã lên đến 26,6 tỷ Euro, trong đó VN xuất sang EU là 21,3 tỷ Euro, và nhập từ EU 5,3 tỷ Euro. Đến cuối năm 2013, EU đã có 1.402 dự án đầu tư trực tiếp vào VN còn hiệu lực, với tổng số vốn lũy kế đăng ký là 18.024 tỷ USD. Số vốn FDI cam kết của EU tại VN là 656 triệu USD, đứng thứ 6 trong danh sách các đối tác đầu tư nước ngoài vào VN.

Mặc dù có chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, một số nước trong EU gặp khó khăn về tài chính, tuy nhiên xét về tổng thể kinh tế thương mại của khối này vẫn giữ ổn định. Quan hệ  thương mại với VN vẫn tiếp tục phát triển. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong vòng 12 năm từ 2001-2013, kim ngạch quan hệ thương mại VN – EU đã tăng hơn 7 lần, từ mức 4,5 tỷ USD năm 2001 lên 33,7 tỷ USD năm 2013. Trong đó xuất khẩu của VN vào EU tăng 8 lần và nhập khẩu của VN từ EU tăng
6,2 lần.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường XNK hàng hóa giữa hai bên mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh
tranh. Bởi lẽ, VN nhập khẩu chủ yếu các nhóm hàng máy móc thiết bị, sắt thép, nguyên phụ liệu sản xuất như dệt may, da, hóa chất, phân bón và các sản phẩm hoá chất, dược phẩm.

Ngược lại, EU nhập khẩu từ VN các sản phẩm tiêu dùng như hàng dệt may, giày dép các loại, hải sản, máy vi tính, điện thoại và linh kiện cũng như nhiều mặt hàng thủ công, nông sản như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm gỗ và sản phẩm từ
chất dẻo.

ĐẾN CƠ HỘi FTA

Công bằng mà nói, cả một thời gian dài, quan hệ VN – EU mang tính quan hệ hỗ trợ nhiều hơn với việc EU đơn phương dành ưu đãi thuế quan cho VN và có thể loại bỏ ưu đãi này theo quy chế riêng mà không cần tham vấn với VN. Thế nhưng nếu FTA được ký thì quan hệ này đã chuyển lên một bước mới bình đẳng, công bằng hơn trong các quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư.

Ông Tạ Hoàng Linh – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hiện chỉ có khoảng 42% mặt hàng của VN được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU. Việc ký kết thành công FTA với EU, sẽ có ít nhất 90% mặt hàng VN xuất khẩu sang EU được hưởng mức thuế 0%. Đây là cơ hội lớn cho các DN VN tham gia xuất khẩu sang thị trường EU.

Bà Maylis Labayle, Giám đốc Chính sách phát triển của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EUROCHAM) chia sẻ: “Nếu được ký kết, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) VN – EU sẽ giúp GDP của VN tăng 15%. FTA sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của VN xuất khẩu sang EU nhiều hơn. Dự tính, hiệp định này sẽ giúp xuất khẩu của VN sang EU tăng 30-40% và nhập khẩu của VN từ thị trường này tăng 25-35%”.

Còn ông Martin Buckle, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển cho biết, giữa các nước trong khối EU đều có thuế quan giống nhau và các tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng như nhau. Do đó, khi VN đã hoàn tất thủ tục yêu cầu xuất khẩu sang một quốc gia nào của EU cũng có thể xuất khẩu sang 27 quốc gia khác thuộc khối này.

Ngoài lợi ích gia tăng xuất khẩu, Hiệp định FTA VN – EU sẽ giúp DN VN mở rộng quy mô sản xuất và thu hút đầu tư từ EU, đồng thời sẽ nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định FTA ASEAN – EU và ký kết Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, không phải không có những thách thức đối với các DN, vì thị trường EU đòi hỏi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải có chất lượng cao chứ không phải lợi thế về giá. Mặt khác các sản phẩm còn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, sự an toàn… Ngoài ra các DN xuất khẩu vào EU đều phải tuân thủ tính minh bạch, cũng như những chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong khi đó đa số các DN VN vẫn còn loay hoay với chất lượng thương hiệu, chiến lược quảng bá, sự cạnh tranh với nhiều quốc gia khác.

Theo ông Linh, để tận dụng cơ hội từ FTA VN – EU, ngay từ bây giờ các DN VN phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đầu tư cải tiến công nghệ, năng lực quản lý, nhân sự, sản xuất sản phẩm phải tuân theo các quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của thị trường; xây dựng và tham gia các chuỗi cung ứng hiện đại. Có như vậy mới tận dụng được cơ hội xuất khẩu ngay sau khi kết thúc đàm phán.

Bookmark the permalink.

Comments are closed.