Logistics: “Cuộc chiến vương quyền” 3PL

Dù đã triển khai được dịch vụ 3PL, chủ tịch Bùi Tuấn Ngọc của Transimex vẫn đánh giá doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia vào logistics ở mức sơ cấp.

Ngày 12.8 vừa qua, công ty Transimex Sài Gòn chính thức khởi công xây dựng “kho ngoại quan và trung tâm logistics khu công nghệ cao” sau hơn nửa năm nhận giấy phép đầu tư. Đây là dự án có diện tích 10 ha với nhiều loại kho, đạt tiêu chuẩn quốc tế và dự kiến sẽ đi vào khai thác vào đầu năm 2016. Ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch Transimex Sài Gòn, bày tỏ hy vọng dự án sẽ tạo thêm cơ sở để Công ty tập trung phát triển cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng và cung cấp logistics trọn gói bên thứ 3 (3PL).

Ngoại – nội song toàn

Không chỉ riêng Transimex mong muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics toàn diện, mà cũng chính là đích ngắm của rất nhiều công ty khi tham gia vào ngành này. Sự tác động từ các hiệp định tự do thương mại cùng những hoạt động mang tính bành trướng về thị trường là bàn đẩy cho doanh nghiệp logistics tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Có đến 40-50% công ty ở các nước phát triển sử dụng “dịch vụ logistic thuê ngoài trọn gói” để luân chuyển hàng hóa của họ. Ở Việt Nam, các công ty lớn như Masan, Vinaphone đã đi đầu trong xu hướng này.

Thực tế ngành cho thấy, các tập đoàn logistics có doanh thu cao nhất thế giới cũng là những đơn vị dẫn đầu về cung cấp hợp đồng logistics trọn gói toàn diện. Có thể kể đến những cái tên như DHL, Kuehne + Nagel hay DB Schenker.

Tại Việt Nam, tổ chức Amstrong & Associates công bố rằng thị trường cung cấp dịch vụ logistics tổng hợp 3PL trong năm 2014 mới chỉ đạt giá trị khoảng 1,2 tỉ USD, còn rất thấp so với thế giới và đang nằm trong tay các ông lớn nước ngoài như DHL Logistics, Damco, FedEx, APL. Tuy nhiên, phía Việt Nam đã nổi lên những cái tên như Gemadept, Vinafco hay Transimex cũng rất nỗ lực để trở thành nhà cung cấp dịch vụ 3PL.

Hãy xem những “con số biết nói” mà các doanh nghiệp logistics của Việt Nam đã đạt được kể từ khi tham gia cung cấp dịch vụ trọn gói này.

Đầu tiên là Gemadept. Năm 2014, mảng dịch vụ logistics tổng hợp 3PL của công ty này đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 28% và lợi nhuận trước thuế tăng 175% so với năm 2013. Họ có 8 trung tâm phân phối logistics từ Nam ra Bắc và đang phục vụ cho hơn 40 khách hàng lớn, cả đa quốc gia (Samsung) lẫn trong nước (Vinamilk, Masan, Kinh Đô).

Tiếp theo là Transimex Sài Gòn. Sau khi nâng cấp cảng ICD (cảng thông quan nội địa) vào năm 2011 và đầu tư thêm trung tâm phân phối hồi năm 2013, doanh thu năm 2014 của Transimex Sài Gòn là 480,8 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt 138 tỉ đồng. Ðây là mức tăng gấp 2,7 lần doanh thu và gấp 3,7 lần lãi sau thuế so với 5 năm về trước.

Và không thể không nhắc đến “ngôi sao” khác là Vinafco. Từ khả năng cung cấp trọn gói dịch vụ logistics 3PL, Vinafco cũng đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành những hợp đồng quốc tế lớn như Akzo Nobel (Sơn Dulux), Kimberly-Clark (Kotex). Vinafco đang có khả năng cung cấp dịch vụ 3PL tại các vị trí kinh tế chiến lược như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Hậu Giang. Công ty này cũng triển khai phần mềm quản lý kho tiên tiến, giúp giảm 50% thời gian làm việc, phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường.

Nhưng dù đã triển khai được dịch vụ 3PL, ông Bùi Tuấn Ngọc, Transimex, vẫn đánh giá rằng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào logistics mới chỉ ở mức sơ cấp. Bài toán không dễ trong ngành này là các công ty buộc phải ứng dụng trình độ công nghệ thông tin, thuật toán ở mức độ cao liên tục. Bên cạnh đó, các công ty cũng phải có những mở rộng lớn về cơ sở hạ tầng để tận dụng “lợi thế quy mô” trong quá trình vận tải, lưu kho, lưu bãi. Từ đó mới tối ưu hóa hoạt động, loại bỏ các chi phí vô ích.

Sự tự thân vận động sẽ không hoàn hảo nếu không nhận được tác động từ các yếu tố khách quan. Với ngành này, ai cũng có thể hiểu rằng cơ sở hạ tầng gồm cầu đường, bến cảng phải phát triển thì tần suất lưu thông hàng hóa mới gia tăng; hoặc quy trình thủ tục thông quan, các giấy tờ phải nhanh chóng, tinh gọn. Song điều này ở Việt Nam vẫn còn là một câu chuyện dài.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước lân cận. Tỉ lệ này ở Thái Lan là 19%, Trung Quốc 18%, Nhật 11%, Singapore 8%. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam, dù xét chỉ số đo lường hiệu quả logistics (LPI) thì Việt Nam đạt 3,5/5 điểm vào năm 2014, tăng 5 bậc so với năm 2013.

Đi tìm vùng trũng

Dù còn nhiều bất cập, các công ty kinh doanh logistics của Việt Nam vẫn liên tục mở rộng quy mô. Điều này không khó hiểu khi logistics là ngành có quy mô 20-22 tỉ USD, có tốc độ tăng trưởng trung bình 16-20%/năm. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Viện Nomura (Nhật), các doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường logistics và đang dừng ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ khổng lồ này. Doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào logistics còn để đón đầu các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đi sâu vào các mảng tạo chuỗi giá trị của logistics, thì giao nhận hàng hóa qua khai thác cảng (biển và hàng không) và vận tải (nội địa và quốc tế) là lĩnh vực có nhiều cơ hội, bên cạnh 2 dịch vụ khác là quản lý chuỗi cung ứng và kho bãi. 90% hàng hóa xuất nhập khẩu vào Việt Nam vận chuyển qua đường biển với khoảng 500-600 triệu tấn/năm. Dự kiến đến năm 2020, hàng hóa qua các cảng biển sẽ đạt 1,1 tỉ tấn. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Gemadept, tiết lộ doanh thu từ khai thác cảng ở Gemadept ước góp khoảng 60% tổng doanh thu năm 2015 của công ty này. Đó là vì Gemadept đã đưa vào khai thác 4 trong 6 cảng mà họ đầu tư. Trong đó, cảng Nam Hải Đình Vũ tuy chỉ mới đưa vào khai thác từ tháng 5.2014, nhưng ngay năm đầu tiên đã đạt công suất khai thác 60% và ghi nhận lợi nhuận.

Điều mà Gemadept đạt được là rất đáng nói, bởi các cảng biển thường phải chịu lỗ 2-3 năm đầu tiên và hoàn vốn trong một thời gian không ngắn, khoảng hơn 10 năm. Nam Hải Đình Vũ là trọng điểm chiến lược trong chuỗi cảng biển toàn quốc của Gemadept. Cho nên, ông lớn này sẽ khai thác triệt để 2 cảng Nam Hải và Nam Hải Đình Vũ ở mức 100% công suất trong năm 2015.

Nam Hải và Nam Hải Đình Vũ đều là cảng nằm trong khu vực Hải Phòng. Báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán BIDV cho thấy đây là khu vực mà hàng hóa xuất nhập khẩu đi qua đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 14,6%/năm trong giai đoạn 2009-2014. Các cảng hoạt động tại đây như Đình Vũ, Hải An, Greenport đều có vị trí thuận lợi khi gần các khu công nghiệp lớn, có khả năng đón tàu trọng tải lớn nên đạt hiệu quả khai thác tối ưu.

Cần cái bắt tay

Nhưng tham gia vào khai thác cảng biển là một cuộc chơi của tiền và tiền, cần sự bắt tay qua lại. Một dẫn chứng là cảng Nam Hải Đình Vũ có quy mô vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng và Gemadept nắm 84,66% vốn điều lệ. Tương tự, Transimex góp vốn liên doanh vào Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Transimex còn liên doanh với Công ty Nippon Express và Vinafreight. Ngoài hỗ trợ cho tham vọng chuyên sâu vào cung cấp dịch vụ 3PL của Transimex, tất cả các khoản góp vốn này đang góp hơn 50% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho Công ty.

Về vận tải, nhờ sự bảo hộ mà Việt Nam chiếm phần lớn các tuyến vận tải thủy bộ nội địa. Còn trên quốc tế, Việt Nam chỉ mới tham gia các tuyến ngắn và trong khu vực lận cận như Việt Nam-Phnom Penh. Phạm vi hoạt động của các công ty Việt Nam chưa đủ khả năng mở rộng như các “siêu trùm logistics quốc tế” là APL (gần 100 quốc gia) hay Maersk (60 quốc gia). Ngoài ra, do các công ty xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp FDI hoặc là công ty làm gia công, nên khâu giao nhận thường giao cho các công ty quốc tế triển khai. Hiếm có cơ hội để các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi logistics toàn cầu.

Tuy nhiên, cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong mảng vận tải lại nằm ở năng lực đưa ra các gói vận tải hàng hóa với mức cước tối ưu. Hiểu nôm na là triển khai gói hợp đồng vận tải đa phương thức gồm chọn lựa hãng tàu vận tải nội địa thủy bộ, đưa hàng đến cảng, sau đó lựa chọn hãng tàu, hãng hàng không vận tải quốc tế với mức cước rất cạnh tranh. Các công ty Việt Nam như Gemadept, Transimex, Vinafco đều đủ mạnh để triển khai các chiến lược này. Đặc biệt, theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam, khi vận tải chiếm từ 40-60% chi phí logistics và doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 18% tổng nhu cầu vận tải biển hàng hóa xuất nhập khẩu, tiềm năng thị trường dịch vụ vận tải của Việt Nam là rất hứa hẹn.

Mấu chốt trong triển khai vận tải là công ty phải xây dựng được các cảng thông quan nội địa (ICD). ICD là nơi tập kết hàng hóa xuất từ các chủ hàng, đóng thành container rồi sau đó chuyển ra cảng. Hoặc theo chiều ngược lại là nhận hàng nhập từ cảng, dỡ hàng khỏi container và vận chuyển đến người nhận.

Thực tế, trong triển khai dịch vụ kho bãi, mô hình “trung tâm phân phối (DC)” mới là bước phát triển tân tiến. Các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử như Samsung, Unilever, P&G, Vinamilk đều có nhu cầu sử dụng DC vì mô hình này cho phép truy xuất thông tin, hàng hóa nhanh và chính xác.

Vì thế, trong đầu tư cho logistics, hầu hết các công ty lớn đều ưu tiên mở rộng diện tích DC. Năm 2015, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Gemadept sẽ “Bắc tiến”. Gemadept dự kiến đầu tư mạnh vào các trung tâm logistics, kho, cảng tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương. Ngoài ra, Gemadept cũng vừa mở rộng hoạt động logistics xuống Đồng bằng Sông Cửu Long khi bắt tay với Công ty Thủy sản Minh Phú đầu tư Trung tâm logistics và Kho lạnh tại Hậu Giang.

Trong khi đó, với Transimex Sài Gòn, một khi đưa vào hoạt động Trung tâm logistics tại Đà Nẵng và Kho ngoại quan – Trung tâm Dịch vụ hậu cần Logistics ở Khu công nghệ cao (TP.HCM), công ty này có thể phát triển dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng cho các mặt hàng thiết bị, linh kiện điện tử từ dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đây là bước đầu tư giúp Transimex đẩy mạnh hơn nữa hoạt động cung cấp 3PL.

Nhìn ở tầm vĩ mô, dịch vụ logistics sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất nhập khẩu. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa mới ban hành quyết định về quy hoạch phát triển logistics trong cả nước đến năm 2020, với mục tiêu đạt tăng trưởng ở tầm 20-25% năm, góp 10% GDP của quốc gia. Trong đó, hình thức dịch vụ 3PL, thương mại điện tử và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ là những mũi nhọn.

Theo NCĐT.

Không trễ hẹn hồ sơ hải quan

Trước việc nhiều doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu phản ánh về các phiền hà, cũng như việc trễ hẹn trong thực hiện thủ tục hải quan, PV báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nghiệp – Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM để làm rõ những vấn đề này.

PV: Là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải cách TTHC, hiện đại hóa hải quan, giảm bớt phiền hà về chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp (DN), xin ông chia sẻ về một số kinh nghiệm của hải quan TP HCM thời gian qua?

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp: Cục Hải quan TP HCM từ năm 2000 đã tiến hành các giải pháp cải cách TTHC, hiện đại hóa ngành hải quan. Với khối lượng hàng hóa mỗi ngày mỗi nhiều hơn, chúng tôi nhận ra nếu không chủ động cải cách TTHC thì không thể nào quản lý xuể được. Đầu tiên, chúng tôi bắt tay vào thực hiện tốt “Đối thoại DN”. Thông qua giải pháp này, lãnh đạo Cục Hải quan TP trực tiếp lắng nghe các ý kiến bức xúc, cũng như những vấn đề mà DN phản ánh.

Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện cung cấp công khai số điện thoại đường dây nóng. Nghĩa là cung cấp từ số điện thoại của đồng chí Cục trưởng cho đến các đồng chí Đội trưởng. Việc này nhằm trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan thì các DN có những vấn đề gì đó không rõ, hoặc những vấn đề chưa xử lý được; hoặc giữa hải quan và DN có nhiều vấn đề thì họ có thể gọi cho số điện thoại đường dây nóng.

Từ năm 2006, Cục Hải quan TP HCM tiếp tục thí điểm mô hình hải quan điện tử. Trong đó có sự kiện thành lập Chi cục Hải quan điện tử. Suốt quá trình thí điểm này thì chúng tôi đã xây dựng được một nề nếp trong chính các cơ quan hải quan, cũng như DN về thực hiện các dữ liệu điện tử. Trong đó, có nhiều bước như là khai báo từ xa; vừa làm điện tử vừa làm thủ công;… đã đáp ứng được nhu cầu của DN. Mới đây nhất vào tháng 6-2014 thì chúng tôi tiếp tục tiếp cận hệ thống thông quan điện tử do Nhật Bản tài trợ. Hệ thống này khi triển khai đã được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP HCM. Qua đó, chúng tôi đã khắc phục được nhiều hồ sơ hải quan trễ hẹn cho cá nhân, tổ chức, DN.

Về mô hình thông quan điện tử thì Chính phủ đã cấp kinh phí cho ngành hải quan đầu tư máy soi container. Tác động của chủ trương này cho đến nay đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

– Đúng là từ khi Chính phủ đầu tư máy soi container cho ngành Hải quan thành phố đã có tác động rất lớn, đặc biệt là giảm thời gian chờ đợi cho DN. Chúng tôi đánh giá đây là thiết bị rất quan trọng và với máy soi container thì cơ quan Hải quan có thể không cần can thiệp bằng khâu xâm nhập, có nghĩa là có thể kiểm tra, kiểm soát hàng hóa mà không phải mở container ra.

Thời gian qua, các DN cũng phản ánh nhiều về sự chưa đồng bộ trong nhiều hồ sơ, thủ tục giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác. Vấn đề này là thế nào, thưa ông?

– Như chúng ta đều biết thì từ năm 2014, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cùng với cơ quan Hải quan tiến hành thực hiện Nghị định 19 của Chính phủ liên quan đến giảm thời gian thông quan. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải phóng hàng hóa thì cũng thấy rõ ràng là thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% trong thời gian làm thủ tục thôi, còn lại đến 72% lại là do chính sách của các Bộ, ngành. Đây cũng vấn đề mà chúng tôi rất băn khoăn và giải pháp chắc chắn là đề nghị các Bộ ngành, nhất là Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT phải tiếp tục có những quan tâm, để cùng với ngành Hải quan giải quyết được thống nhất, giảm bớt thời gian làm thủ tục cho DN.

Còn những thủ tục đang thực sự “vênh” giữa ngành hải quan và các cơ quan liên quan tại thành phố đang làm khó DN thì giải pháp như thế nào, thưa ông?

– Hiện nay đúng là thực hiện thông quan điện tử thì cơ quan hải quan lưu giữ toàn bộ hồ sơ theo hệ thống dữ liệu điện tử, tuy nhiên một số cơ quan khác thì có thể họ lại đòi văn bản giấy. Chẳng hạn, một lô hàng được thông quan điện tử khi DN mang hàng ra cảng thì đòi hỏi có tờ khai hải quan, trong khi dữ liệu này là dữ liệu điện tử. Vậy thì, Quản lý thị trường hay là cơ quan công an khi kiểm tra, kiểm soát trong quá trình lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu thì họ có đòi hỏi DN phải xuất trình tờ khai. Rõ ràng việc này thì bắt buộc DN phải quay lại yêu cầu cơ quan hải quan cấp tờ khai này cho họ. Do đó mất thời gian thông quan hàng hóa.

Để khắc phục tình trạng này thì trước mắt trong quá trình triển khai thực hiện thì nếu yêu cầu của DN cần in tờ khai hải quan thì Cục Hải quan TP sẽ cung cấp đóng dấu cho DN. Trong tương lai thì nếu tất cả các cơ quan liên quan thực hiện hoàn toàn dữ liệu điện tử và kết nối hệ thống với nhau thì không cần tờ khai này nữa.

Thời gian qua trong khi Cục Hải quan đã áp dụng cấp chữ ký số, tuy nhiên nhiều DN vẫn còn chưa mặn mà về mô hình mới này. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Hiện nay theo quy định thì chữ ký số thì được triển khai trên hệ thống thông quan điện tử tự động. Về cơ bản, việc thực hiện chữ ký số thay cho hình thức truyền thống là ký tên đóng dấu trên văn bản giấy đã giúp cải thiện nhiều vấn đề vốn tồn tại trước đây. Tuy nhiên, ngành hải quan vẫn còn băn khoăn đối với chữ ký số, bởi vì như hiện nay thì có 5 cơ quan cùng có chức năng cung ứng chữ ký số, gồm: Viettel, FPT, Bưu chính viễn thông,… Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là khi các cơ quan này cấp chữ ký số cung ứng cho DN thì nảy sinh việc chưa tương thích được với các phần mềm mà cơ quan hải quan đang thực hiện.

Chúng tôi cho rằng, cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính bảo mật cho chữ ký số khi cấp cho DN. Thứ hai là phải xác định người được cấp CKS phải đủ thẩm quyền về pháp lý, tránh nảy sinh vướng mắc.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo: Đại Đoàn Kết

Thêm một mốc son cho ngành Logistics Việt Nam

(Vietnam Logistics Review) Đến dự Lễ khánh thành Kho 5 – TBS Logistics có ông Trần Văn Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Dĩ An, cùng các Sở ban ngành của tỉnh Bình Dương; lãnh đạo APL Logistics, lãnh đạo TBS Group, TBS Logistics và đông đảo các đối tác, khách hàng của TBS Logistics.

Kho 5 có diện tích 47,500m2, với các trang thiết bị tiêu chuẩn, hiện đại như: Camera CCTV HD; hệ Thống báo cháy (fire alarm) và chữa cháy tự động (sprinkler); tôn lấy sáng, tiết kiệm năng lượng; phần mềm quản lý kho CFS; với 58 cửa nhập/xuất hàng và 174 cont cùng một lúc; sản lượng bình quân 8.000 khối/ ngày – tương đương 160 cont. Kho 5 là kho hàng hóa nằm trong hệ thống của TBS Logistics, tọa lạc tại địa chỉ số 09, đường DT 743, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Chủ tịch tập toàn TBS’s Group trao quà lưu niệm cho Mr. Komol – Lãnh đạo khu vực ĐNÁ

TBS Logistics được định vị nằm trong vùng trung tâm giáp ranh giữa Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM – một vị trí rất thuận lợi về giao thông vận tải bằng đường thủy, đường bộ có khả năng kết nối linh hoạt trong lưu thông hàng hóa với toàn vùng và hệ thống các cảng nước sâu quốc tế thuộc nhóm cảng biển Cái Mép – Thị Vải, giảm chi phí vận tải – logistics và gia tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó nhu cầu tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, bằng khát vọng tạo nên giá trị cho khách hàng, nâng cao năng suất và hoàn thiện chức năng ngành logistics, TBS Logistics không ngừng hoàn thiện các giải pháp logistics một cách hiệu quả, cung cấp chất lượng dịch vụ cạnh tranh trên thị trường, tối ưu các giá trị cốt lõi trong từng hoạt động một cách linh hoạt, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ và dịch vụ khách hàng vượt trội.

“Đây là một bước tiến lớn và tiến sâu của tập đoàn TBS trong lĩnh vực logistics, ngoài ra kho 5 đưa vào hoạt động cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện hệ thống logistics cho khách hàng trong khu vực tỉnh Bình Dương….” – Ông Trần Văn Nam – Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Dương.

Có thể nói rằng, hiện tại kho của TBS Logistics là nhà kho hiện đại với các thiết bị xếp dỡ, quản lý lưu trữ, an ninh hàng hóa, dịch vụ khai thuê hải quan, đóng gói, nhãn mác… với mong muốn trở thành trung tâm trọng điểm logistics đáng tin cậy tại Việt Nam và là đối tác logistics chiến lược của khách hàng trong nước và quốc tế. TBS Logistics hy vọng đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – nơi mà lượng hàng container xuất nhập khẩu đến 80% của cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng quan khách tham quan Kho 5 – TBS Logistics

Mỹ Duyên
Theo: Vietnam Logistics Review.

Khởi công dự án “Kho ngoại quan và Trung tâm Logistcis Khu Công nghệ cao”

Đây là dự án có tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 10 ha bao gồm kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho CFS, kho thường, kho lạnh, và bãi chứa Container (chức năng là một ICD). Cùng với các tiêu chuẩn trang thiết bị tiên tiến như hệ thống camera 24/7, hệ thống khung kệ chứa hàng 7 tầng, hệ thống PCCC đạt tiêu chuẩn, phần mềm quản lý hiện đại…

Với vị trí nằm gần đường vành đai, kết nối với tam giác phát triển quanh Tp.HCM là Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với hệ thống cụm cảng số 5 trong đó có khu cảng chính của Tp.HCM. Trung tâm này sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình logistics bên thứ 3 (3PL) trên cơ sở phát triển quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Như vậy, đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Lễ khởi công Kho ngoại quan và trung tâm logistics tại khu công  nghệ cao thật sự là một bước tiến quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển hơn 30 năm của Công ty Cổ phần Transimex-Saigon. Khi đi vào hoạt động vào tháng 3.2016, trung tâm logistics tại đây sẽ trở thành đơn vị nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hoá, phục vụ đắc lực cho sản xuất cho khu vực phía Nam.

Mỹ Duyên
Theo: Vietnam Logistics review.

Thái Lan đề nghị mở tuyến xe buýt kết nối ba nước Việt Nam-Lào-Thái Lan

Phía Việt Nam đề nghị phía Thái Lan tạo điều kiện và giảm thiểu thủ tục hành chính cho tầu, hàng hóa, thuyền viên khi vào cảng Thái Lan; giảm các phí, lệ phí thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu ở mức hợp lý.

Bên lề cuộc họp nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3 vừa diễn ra giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Thái Lan Prayut Chan Ocha, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan xung quanh các nội dung triển khai hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải mà hai nước đã trao đổi.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Giao thông Vận tải) xung quanh những nội dung làm việc tại cuộc họp này.

– Là thành viên trong đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam sang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan, ông có thể chia sẻ những nội dung chính mà hai bên đã trao đổi trong vấn đề hợp tác về giao thông vận tải? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Thái Lan vừa qua, đoàn đại biểu Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan Prachin Chantong để tiếp tục triển khai các nội dung mà trước đó Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan đã làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng hồi tháng Năm vừa qua tại Hà Nội.

Tại cuộc họp lần này, Bộ Giao thông Vận tải hai nước đã trao đổi nhiều vấn đề lớn.

Về các vấn đề liên quan đến thúc đẩy vận tải đường bộ, đặc biệt là vận tải đường bộ qua trục Đông-Tây kết nối Việt Nam-Lào với Thái Lan, trước hết, phía Thái Lan đề nghị thống nhất mở tuyến xe buýt kết nối giữa ba nước Việt Nam-Lào-Thái Lan. 

Việc mở tuyến xe buýt này theo đánh giá không những đáp ứng nhu cầu chung của hai nước, nhưng trước hết là mong mỏi tha thiết của tỉnh Hà Tĩnh khi có tuyến xe buýt nối với các tỉnh Đông Bắc của Thái Lan.

Về mở tuyến xe buýt này, hai bên đã thống nhất sẽ có cuộc họp ba bên gồm Việt Nam, Lào và Thái Lan để họp bàn cụ thể, đặc biệt là kế hoạch triển khai chi tiết.

Trong cuộc họp cuộc họp ba bên đầu tiên này, phía Thái Lan đề nghị Việt Nam đứng ra chủ trì. Qua làm việc với Bộ Giao thông Công chính của Lào, phía Lào cũng đã thống nhất trong nửa cuối tháng Tám tới sẽ tổ chức cuộc họp này tại Hà Nội.

Để thúc đẩy hợp tác có hiệu quả kết nối giao thông giữa hai nước, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đề nghị bổ sung tuyến Nong Khai (Thái Lan)-Vientiane (Lào)-Hà Nội (Việt Nam). Lựa chọn một trong năm tuyến vận tải hành khách giữa Việt Nam-Lào-Thái Lan để thí điểm tổ chức mời các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước giữa các bên cùng nhau tham gia khảo sát về hành trình, tuyến đường, nhu cầu vận chuyển hành khách, biển báo, cơ sở hạ tầng đường bộ giữa các bên…

Tại cuộc họp, hai bên nhất trí thành lập nhóm đặc trách chung để thực hiện nghiên cứu về phát triển vận tải ven bờ kết nối giữa Việt Nam-Campuchia-Thái Lan. Phía Thái Lan đã mời Campuchia tham gia nhóm công tác ba bên và đã đưa ra tại cuộc họp đề xuất chương trình hành động, nội dung bao gồm việc tổ chức ba cuộc họp nhóm công tác do các nước liên quan chủ trì và một chuyến khảo sát tuyến vận tải thương mại ven biển.

Cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác sẽ do Thái Lan tổ chức và sẽ mời Việt Nam và Campuchia tham dự, dự kiến vào tháng Tám để xem xét dự thảo, điều khoản tham chiếu của nhóm công tác và trao đổi thông tin về các các cảng và hạ tầng hỗ trợ phát triển vận tải ven bờ.

Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng hải, phía Việt Nam cũng đã đề nghị Thái Lan công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo Công ước STCW (Công ước Quốc tế về các tiêu chuẩn huấn luyện cấp bằng và trực ca cho thuyền viên) để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của các thuyền viên hai nước.

Phía Việt Nam đề nghị phía Thái Lan tạo điều kiện và giảm thiểu thủ tục hành chính cho tầu, hàng hóa, thuyền viên khi vào cảng Thái Lan; giảm các phí, lệ phí thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu ở mức hợp lý.

Hai bên sớm thành lập nhóm nghiên cứu về tuyến vận tải ven bờ từ bờ biển phía Đông của Thái Lan tới bờ phía Nam của Việt Nam để thúc đẩy việc mở tuyến (nghiên cứu chủng loại hàng hóa, loại tàu, cảng biển kết nối…). Hai bên cũng thống nhất tạo thuận lợi cho hoạt động của các hãng hàng không hai nước.

Đối với các hãng hàng không liên doanh Việt-Thái, hai bên thống nhất Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan sẽ hỗ trợ cho hoạt động của liên doanh, bao gồm chính sách ưu đãi và các hỗ trợ khác.

Liên doanh hàng không Thai-Vietjet đã chính thức được thành lập tại Thái Lan. Thai-Vietjet đang gấp rút hoàn tất các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đi vào khai thác các chuyến bay thường lệ nội địa và quốc tế đến/đi từ Thái Lan vào tháng 9/2015.

Để tạo thuận lợi cho sự phát triển của liên doanh hàng không Thai-Vietjet, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan xem xét hỗ trợ sớm cấp phép khai thác thương lệ (AOL) cho liên doanh này. Đại diện của Cục Hàng không Thái Lan cũng đã trả lời trong tháng Tám này sẽ cấp phép cho liên doanh Thai-Vietjet thực hiện các chuyến bay trong nước và quốc tế.

– Để hiện thực hóa các nội dung hợp tác về giao thông vận tải đường bộ giữa hai nước, công tác chuẩn bị sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Về công tác chuẩn bị để hiện thực hóa các cam kết trên, trước tiên chúng tôi phải xem xét, bàn bạc cùng nhau các nội dung liên quan đến việc mở các tuyến vận tải như trên. Việc mở các tuyến này bao gồm những yếu tố để tạo thuận lợi cho các bên tham gia, bởi một trong những yếu tố để mở tuyến vận tải là nhu cầu, phải có nhu cầu thì mới mở tuyến được.

Như vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị, tiến hành khảo sát và có báo cáo đánh giá về nhu cầu hành khách vận chuyển từ Việt Nam thông qua các tuyến đường 9, đường 8, đường 12 sang Lào và Thái Lan với số lượng cụ thể. Ngược lại chúng ta cũng phải đề nghị với Thái Lan, Lào cũng phải chuẩn bị những thông số tương tự như vậy.

Vấn đề tiếp theo cũng phải bàn bạc và chuẩn bị đó là sẽ có những trở ngại như thế nào khi thực hiện những chuyến vận tải này; trong đó phải nêu rõ và chi tiết các điểm nghỉ, điểm dừng chân, thời gian cụ thể cho hợp lý và việc tổ chức tuyến, cũng phải thống nhất với nước bạn là khi trên tuyến đi qua các cửa khẩu hiện tại có vướng mắc gì không về thủ tục giấy tờ, kiểm soát an ninh, hải quan…. Tiếp theo là bàn về các vấn đề kỹ thuật, chủng loại xe là bao nhiêu, số lượng xe, tần xuất…

Nói tóm lại, tất cả các vấn đề liên quan cần phải chuẩn bị và trao đổi cụ thể. Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã giao cho Tổng cục đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm nghiên cứu để đưa ra đề cương trao đổi, thảo luận giữa các bên và tiến tới thỏa thuận này sẽ được ký kết giữa ba Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan.

Bên cạnh đó, cũng liên quan đến hành lang Đông-Tây, Việt Nam và Thái Lan tiếp tục trao đổi, bàn bạc các vấn đề liên quan đến phát triển vận tải du lịch như các thỏa thuận đã ký trước đó.

– Ông có thể đánh giá những khó khăn sẽ gặp phải khi thực hiện sự hợp tác vận tải đường bộ giữa hai nước? 

Ông Phạm Thanh Tùng: Có thể nói khi thực hiện các tuyến vận tải xuyên Quốc gia chúng ta phải lường trước rất nhiều những khó khăn. Ở đây, cụ thể khó khăn chính là cách thức tổ chức tuyến vận tải, vấn đề quảng bá, quảng cáo như thế nào…, việc tạo thuận lợi cho hành khách đi trên đường ra sao thì mới có thể duy trì được các tuyến vận tải đó một cách lâu dài, bền vững.

Nếu như chúng ta mở tuyến vận tải nhưng chi phí đi lại cao, dịch vụ kém thì sớm muốn sẽ thất bại, hành khách sẽ không đi nữa. Mặt khác, đây là tuyến vận tải xuyên quốc gia vì thế sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi công vụ về kiểm tra, kiếm sát tại các cửa khẩu cũng rất phức tạp.

Để có sự thống nhất giữa các cơ quan này, đòi hỏi các cơ quan cửa khẩu của Việt Nam với Lào và giữa Lào với Thái Lan cần duy trì thông tin thông suốt giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trên tuyến một cách nhanh nhất, qua đó tạo thuận lợi cho hành khách đi lại…

Theo: TTXVN/Vietnam+

Acmecs-6: đẩy mạnh hợp tác tiểu vùng Mê Kông – tiến đến AEC

(Vietnam Logistics Review) Với nỗ lực hợp tác khu vực cùng việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó có Chiến lược Hợp tác kinh tế 3 dòng sông (ACMECS). VN sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, bao gồm tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Nhật Bản, Trung Quốc.

KHU VỰC TIỂU VÙNG MÊ KÔNG

Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông bao gồm Thái Lan, VN, Lào, Campuchia và Myanmar được đánh giá là khu vực quan trọng ở vùng Đông Nam Á, tập trung các nước nằm ở hạ lưu sông Mê Kông chạy từ vùng núi cao ở Trung Quốc và đổ ra Biển Đông. Với tổng diện tích 2,3 triệu km2, đông dân cư (320 triệu người), đa sắc tộc và có các nền văn hóa rất phong phú, lưu vực sông Mê Kông giàu tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Các nước Mê Kông duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá, trung bình khoảng 6-7%/năm. Hiện có hơn 10 cơ chế hợp tác Mê Kông đang hoạt động và bổ trợ hữu hiệu cho hợp tác song phương giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến khuôn khổ Chiến lược Hợp tác kinh tế 3 dòng sông (ACMECS) và Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).

Chiến lược ACMECS

ACMECS (lấy tên 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mê Kông) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và VN nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. ACMECS hình thành dựa trên sáng kiến của Thái Lan vào năm 2003 trong bối cảnh đã khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính năm 1997, muốn tranh thủ mở rộng thị trường, tận dụng tài nguyên, lao động của các nước láng giềng. Đến nay ACMECS được xác định với 8 lĩnh vực ưu tiên: tạo thuận lợi thương mại và đầu tư; nông nghiệp; hợp tác công nghiệp và năng lượng; kết nối giao thông du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế và hợp tác về môi trường. VN chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ 1 tại Thái Lan, tháng 11.2004.

Sau hơn 10 năm, sự hợp tác chiến lược mà các nước thành viên ACMECS đã có những tiến triển tích cực. Nền kinh tế 5 nước đều đang khởi sắc, tăng trưởng tích cực và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Đông Nam Á. Sự hợp tác mạnh mẽ và gần gũi giữa các nước thành viên ACMECS sẽ có lợi cho khối ASEAN trên con đường xây dựng AEC, cũng như nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị thế trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nhất là cùng nằm trên giao lộ kết nối giữa Đông Nam Á và các thị trường rộng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả hợp tác ACMECS, nhất là trong liên kết giao thông thông qua phát triển các tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây và Hành lang phía Nam đã góp phần cắt giảm chi phí giao thông, nâng cao tính cạnh tranh của khu vực.

Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 6 diễn ra tại Myanmar vào ngày 23.6.2015 đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các nước thành viên, đặc biệt là các chương trình hợp tác vì sự phồn thịnh của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực. Đánh giá về kế hoạch hành động giai đoạn 2013-2015, các nhà lãnh đạo cho rằng kế hoạch đã đạt tiến bộ nhất định, đặc biệt trong kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa 5 nước, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông – Tây, Hành lang kinh tế phía Nam, phát triển du lịch xanh và hợp tác nông nghiệp.

Hội nghị cũng thông qua kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế, đưa ACMECS thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực ACMECS, đặc biệt ở các khu vực biên giới. Để khai thác triệt để tiềm năng hợp tác giữa các nước thành viên ACMECS, trong thời gian tới cần đặt trọng tâm vào các nội dung:

– Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp – lĩnh vực có tiềm năng và là ngành sản xuất chiếm tỷ lệ lao động lớn nhất tại các nước ACMECS. Mục tiêu chính là hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng suất lao động thông qua thu hút đầu tư, tạo quy mô kinh tế lớn hơn và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại; phát triển ngành công nghiệp chế biến để tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng, từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Từ những kinh nghiệm của Thái Lan trong nỗ lực phát triển ngành chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp, các nước thành viên ACMECS có thể học hỏi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong việc xây dựng thương hiệu trong khu vực nông sản, nâng cấp các chương trình hợp tác với các đối tác và thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, hợp tác lúa gạo giữa các thành viên ACMECS cần tập trung vào lĩnh vực sản xuất và chuyển giao công nghệ trước và sau thu hoạch.

– Thứ hai, tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại biên giới, đặc biệt là dọc các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng; thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết; phối hợp xây dựng các chính sách mới thúc đẩy thương mại, đầu tư và hình thành các tuyến vận tải mới kết nối năm nước. Các nước cần sớm triển khai mô hình kiểm tra một lần dừng tại các cặp cửa khẩu dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây và Hành lang kinh tế phía Nam.

– Thứ ba, hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; phối hợp thực hiện đánh giá chung về tác động môi trường xuyên biên giới. Bên cạnh nguồn nội lực, các nước ACMECS cần phối hợp cùng vận động hỗ trợ từ các đối tác trong triển khai các dự án hợp tác.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với hội nhập ASEAN chính là khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN, đặc biệt là giữa các nước Campuchia – Lào – Myanmar – VN với các nước ASEAN. Do đó, các nỗ lực hợp tác tiểu vùng Mê Kông có ý nghĩa lớn lao trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước Campuchia – Lào – Myanmar – VN vào tiến trình phát triển chung của khu vực. Các hợp tác này một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của các nước này, mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển.

Dương Ngọc

Theo: Vietnam Logistics Review

Xuất khẩu tiểu ngạch vẫn ùn ứ tại cửa khẩu

(Vietnam Logistics Review) Xuất khẩu tiểu ngạch thường tiềm ẩn nhiều bất ổn cũng như rủi ro từ việc thay đổi chính sách trong kiểm dịch, tiêu thụ… không được thông báo trước, hoặc do năng lực giao nhận, hạ tầng tại những lối mở không phát triển kịp làm giảm năng lực thông quan dẫn đến ùn tắc.

GIAN NAN XUẤT KHẨU THEO ĐƯỜNG TIỂU NGẠCH

VN là đất nước có nền sản xuất nông nghiệp rất lớn, do vậy việc tiêu thụ nông sản cho nông dân là hoạt động trọng tâm ưu tiên của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đặc thù của nông sản khác với các mặt hàng công nghiệp là có độ hư hỏng nhanh, việc bảo quản phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sản xuất nông nghiệp vẫn phải theo thời vụ gieo trồng, không chủ động được đơn hàng đặt trước, khâu tìm thị trường dẫn đến bị ảnh hưởng.

Hiện nay xuất khẩu nông sản của VN về cơ bản vẫn được tiến hành thông qua con đường chính ngạch với số lượng hợp đồng lớn, giao hàng qua qua đường biển chiếm 2/3 sản lượng xuất khẩu, chỉ có 1/3 hàng hóa nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Ngoài ra, đặc thù của VN với các nước bạn có chung đường biên giới nên hoạt động thương mại qua biên giới sẽ là thành phần tất yếu trong giao dịch, giao thương giữa các nước. Vì vậy, những giao dịch này cũng có những quy luật khác, không giống thương mại quốc tế thông thường, do những chính sách của hai bên, có nước bạn hoạt động thương mại vùng biên do chính quyền địa phương điều tiết, không phụ thuộc vào chính sách quản lý thương mại của Trung ương, từ đó dẫn đến nhiều sự phụ thuộc, các xe chở gạo, nông sản cần phải có thời gian nhập kho bảo quản chờ
xuất khẩu.

Việc ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu còn có nhiều nguyên nhân, điển hình là do thuế quan không đồng nhất. Như ở Lào Cai, hàng nông sản của TQ xuất sang thì thuế suất bằng 0%, trong khi hàng VN xuất sang lại bị đánh thuế cao như gạo là 17%, đường 60%, ngô có thời điểm lên tới 80%, nên bản thân DN bên họ nếu đi cửa khẩu chính cũng không còn lãi để mà đón hàng.

CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC GIẢI QUYẾT

Những tháng đầu năm, liên tục xảy ra hàng nông sản VN ùn ứ tại các cửa khẩu, Bộ Công Thương đã kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục xem xét, bàn với địa phương có biện pháp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thông quan tại khu vực cửa khẩu biên giới với sự tham gia của lực lượng chức năng hai nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN đầu mối của hai bên.

“Chính phủ cần có biện pháp mang tính chiến lược, bắt buộc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp để gắn kết giữa khâu tiêu thụ, lưu thông và xuất khẩu với khâu sản xuất của người nông dân. Trong đó, đặc biệt tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao trình độ và chất lượng canh tác thông qua mô hình sản xuất mới có quy mô lớn hơn, có điều kiện tiếp cận với DN, tạo liên kết với vùng nguyên liệu, hướng sản phẩm nông sản đạt đến những quy chuẩn chất lượng sản phẩm bền vững, từ đó tiến vào những thị trường lớn của thế giới với những yêu cầu khắt khe” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Thực tế này đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Mặc dù giải quyết được khâu tiêu thụ nông sản cho người dân nhưng trong suốt thời gian qua, xuất khẩu tiểu ngạch luôn tiềm ẩn rủi ro nên đã có nhiều cơ quan đề xuất siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên, thương mại tiểu ngạch là thương mại truyền thống đã, đang và sẽ tồn tại giữa nhiều quốc gia có chung đường bộ, đường thủy. VN có đường biên giới dài nên thương mại tiểu ngạch là do nhu cầu có thật của thương nhân các nước với nhau. Xuất phát từ nhu cầu nên về khía cạnh nào đó, xuất khẩu tiểu ngạch đáp ứng được nhu cầu của DN, nhanh chóng, đàm phán đơn giản, giá cả, lợi nhuận có thể cao hơn, chất lượng mặt hàng không đòi hỏi cao, nhãn mác, sản phẩm, sở hữu trí tuệ cũng
không cần…

Đã có ý kiến cho rằng nên loại bỏ xuất khẩu theo đường tiểu ngạnh. Nhưng nhu cầu của người dân như vậy thì không thể hạn chế tiểu ngạch ngay được. Mà vấn đề được đặt ra là tìm được phương hướng lâu dài để giải quyết vấn đề.

Phương Duy
Theo: Vietnam Logistics Review

Ngày hội an toàn giao thông đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Chương trình được tổ chức với sự đồng hành của “Quỹ an toàn giao thông và phát triển cộng đồng”. Đến dự ngày hội có lãnh đạo Bộ GTVT; Ủy ban ATGT Quốc gia cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên.

Ngày hội ATGT đồng bào các dân tộc Tây Nguyên năm 2015 được tổ chức với mục đích phát động các hoạt động nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là những người dân sinh sống nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua.

Đây cũng là dịp vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tích cực tham gia vào công tác đảm bảo trật tự ATGT, bảo vệ các công trình giao thông, xây dựng hành vi có văn hoá khi tham gia giao thông.

Ngày hội đã thu hút trên 2.000 đoàn viên thanh niên cùng đồng bào các dân tộc tham gia và hưởng ứng. Nhiều hoạt động thiết thực đã được hưởng ứng như Lễ phát động kêu gọi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Lễ ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT của các Ban ATGT các tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài ra, nhiều phần quà, học bổng có ý nghĩa cũng đã được trao tặng cho các 15 đội Thanh niên xung kích tham gia bảo đảm trật tư an toàn giao thông; 1.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cũng đã được trao cho Ban ATGT Tỉnh Đắk Lắk.

Cũng trong sáng 27/6, Bộ GTVT; Ủy ban ATGT Quốc gia cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên đã tổ chức hội nghị “triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Tây Nguyên” để đưa ra những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là sau khi  đưa vào khai thác dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến Quốc lộ trọng điểm trên địa bàn.

Theo: Vietnam Logistics Review.

Cuộc đua trong chuỗi cung ứng dược phẩm

Những quy định mới bảo đảm tính liên tục, toàn vẹn cho chuỗi cung ứng dược phẩm đang chuẩn bị được hoàn thành. Trong khi một số công ty đã chuẩn bị mọi bước để đáp ứng những quy định đó, số còn lại đang ở giai đoạn chuẩn bị.

Việc theo dõi đường vận chuyển của một sản phẩm dược phẩm bắt đầu tư nguyên liệu cho đến sản phẩm vào tay người tiêu dùng thật sự rất phức tạp và rủi ro cao. Khi được thực hiện hoàn hảo, những chiến lược của chuỗi hành trình có thể giúp cải thiện danh tiếng của một thương hiệu. Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều sai sót trong quá trình theo dõi – kiểm soát không chặt, hư hỏng, quá hạn sử dụng hoặc thuốc giả – có thể dẫn đến hàng loạt những kết quả xấu hơn cả việc mất uy tín. Vận chuyển kém chất lượng có thể quyết định ranh giới giữa sự sống và cái chết của một con người.

Nhiều công ty dược phẩm dễ dàng vấp phải thất bại nghiệt ngã khi các điểm yếu của họ đều tập trung vào những chuỗi hành trình này. Một trong những thất bại này gần đây đã gây ra một số vụ kiện khá lớn, với kết quả bị ghép vào tội hình sự liên bang.

Một ví dụ nổi tiếng về vấn đề trên đã xảy ra vào tháng 3.2015 vừa qua, khi McNeil-PPC Inc., một công ty con thuộc Johnson & Johnson, đã bị xử có tội tại tòa án Liên bang khi liên quan đến vụ thuốc dạng lỏng cho trẻ em pha quá liều. Phán quyết này được tuyên bố sau 5 năm nhà sản xuất công bố thu hồi hàng loạt sản phẩm thuốc dạng lỏng nhãn hiệu Tylenol và Motrin. Trước báo chí vào năm 2010, McNeil đã công bố số lượng dược phẩm thu hồi có thể đã chứa “rất ít” liều dư thừa. Các nhà nghiên cứu nước ngoài sau đó đã xác định chất trong đó là bao thể kim loại niken/crom liều lượng cao mà không có trong thành phần của thuốc.

CHUẨN BỊ CHO HÀNG LOẠT THAY ĐỔI

Quản lý chuỗi hành trình ổn định là điều không thể thiếu trong tất cả các yếu tố của Luật Bảo hộ chuỗi cung ứng dược phẩm (DSCSA), trong lúc các yêu cầu khác sẽ được thực hiện trong thập kỷ tới. Yếu tố chiến lược – và dễ dàng là bước đi sai lầm – có thể vừa giúp hoặc gián đoạn công việc của mọi bên liên quan, hợp tác trong suốt quá trình của chuỗi hành trình.

Những công ty tốt đôi khi vẫn đưa ra các quyết định sai lầm khi cố gắng phát triển chuỗi hành trình sản phẩm. “Tất cả DN đều phải đối mặt cùng một thời điểm khi mọi thứ nên hoạt động dưới những quyết định dứt khoát, nhưng với quá trình khá phức tạp như chuỗi hành trình lại không thể hoạt động như vậy”, ông Tom Wengrowski, Phó chủ tịch điều hành TRIOSE cho biết. Công ty TRIOSE là một nhánh của Wyomissing, một công ty quản lý logistics đặc biệt về những giải pháp cho ngành kinh tế chăm sóc sức khỏe.

Từ kinh nghiệm làm việc của mình với các công ty chăm sóc sức khỏe, Wengrowski chỉ ra hai nguồn gây hại lớn nhất cho quá trình của chuỗi hành trình: lập kế hoạch và nguồn lực kém. Ông ví dụ rằng: “Những công ty đều biết họ phải làm một bản báo cáo thông tin vào một ngày nhất định trong hai năm. Nhưng thay vì lập một bản kế hoạch từ trước, nhiều công ty khác lại trì hoãn do thiếu nhân lực, từ đây dẫn đến việc dồn nén công việc nghiêm trọng”.

Những công ty này cũng phải dành thời gian để hiểu rõ về thông tin và yêu cầu của các dự án họ nhận. “Ngay cả những công ty nổi tiếng đôi lúc vẫn không bỏ ra thời gian để áp dụng nguồn nhân lực đủ để xác định yêu cầu công việc. Tự suy đoán ra một giải pháp là một lỗi thường gặp nhất”, ông cho biết thêm.

TĂNG CƯỜNG TÍNh HIỆU QUẢ CỦA CHUỖI

“Vận chuyển dược phẩm bằng đường hàng không khá phức tạp bởi có vài nhà quản lý sân bay nội địa có một hệ thống khép kín, làm hạn chế việc theo dõi kiện hàng”, ông Jon Edgcombe giải thích. Jon Edgcombe hiện đang là trưởng nhóm phần mềm tại nhóm Tư vấn Cambridge – trụ sở tại Boston, một công ty thiết kế và phát triển sản phẩm cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng lạnh cho ngành kinh doanh chăm sóc sức khỏe. Ông cho biết thêm rằng quá trình này không thể tránh khỏi – bao gồm việc truyền qua tay, khi thuốc men rời khỏi một môi trường hoàn hảo từ máy bay, chờ trên đường băng để rồi lại được đặt vào môi trường hoàn hảo cho chuyến đi còn lại. Đây cũng là thời điểm việc giám sát đến điểm kết thúc tiếp tục làm việc.

Edgcombe cũng lưu ý rằng các chuỗi hiện tại của hệ thống chuỗi hành trình – đặc biệt liên quan đến giai đoạn vận chuyển cuối – thường khá vô trách nhiệm, không có trách nhiệm giải trình.

“Một cách để tăng cường quá trình chuỗi hành trình cho các tổ chức mà cuối cùng có trách nhiệm và rủi ro để triển khai một hệ thống theo dõi sát bằng một hệ thống cốt lõi duy nhất quản lý sản phẩm từ nhà sản xuất đến điểm giao hàng”, ông nhận định. Hệ thống này có thể kết hợp với GS1 và chương trình theo dõi – dánh dấu logistics để phối hợp hạn sử dụng kiện hàng cùng hệ thống mã vạch để việc thay đổi hệ thống ít nhất.

TOP 10 VẤN ĐỀ CHUỖI CUNG ỨNG Y TẾ

Những nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Khoa học về hoạt động nghiên cứu y học đã đưa ra Top 10 vấn đề trong chuỗi cung ứng y tế, trình bày những khó khăn hàng đầu trong lĩnh vực này. Qua nhiều cuộc khảo sát và phỏng vấn 22 tập đoàn lớn trong ngành có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng y tế và dược phẩm trên thế giới – từ hãng sản xuất lớn đến các cơ sở cá nhân, các nhà nghiên cứu đã tổng kết được các thử thách chính trong việc vận chuyển dược phẩm theo danh sách dưới đây:

1. Thiếu sự phối hợp; 2. Quản lý hàng tồn kho; 3. Thiếu thông tin yêu cầu từ khách hàng; 4. Phụ thuộc vào nguồn nhân lực; 5. Quản lý đơn hàng; 6. Thiếu sự từ chối đơn hàng; 7. Sản phẩm hết hạn sử dụng; 8. Quản lý kho bãi; 9. Quản lý nhiệt độ lý tưởng; 10. Theo dõi kiện hàng.

Các tác giả này đã cố ý giới hạn các khảo sát chỉ về những sản phẩm dược phẩm trong những khu vực đang phát triển thay vì “các dịch vụ giao hàng dịch vụ y tế và các sản phẩm trên toàn cầu”, đưa ra kết luận về sự mong đợi của họ về những phát hiện này “sẽ giúp thúc đẩy các hành động trong tương lai, các chính sách và nghiên cứu có thể giúp cải thiện việc vận chuyển dược phẩm trong các khu vực đang phát triển, từ đó cứu được nhiều người hơn”.

 Theo inboundlogistics.com

Phát triển chuỗi cung ứng rau quả

(Vietnam Logistics Review) 2014 là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của ngành rau quả VN khi lần đầu tiên lọt vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD (cụ thể là 1,47 tỷ USD). Tuy nhiên, chuỗi cung ứng rau quả VN hiện vẫn còn nhiều hạn chế nên giá trị gia tăng thấp và chưa bền vững.

CHUỖI CUNG ỨNG RAU QUẢ VN

Chuỗi cung ứng rau quả VN có sự tham gia của các thành viên cơ bản như nông dân trồng rau quả, thương lái thu gom, người bán buôn, DN chế biến, người xuất khẩu, người bán lẻ, khách hàng nội địa và quốc tế.

Sản xuất rau quả

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2014, diện tích rau quả cả nước đạt khoảng 1.650 nghìn ha; trong đó diện tích rau khoảng 850.000 ha, sản lượng 14,5 triệu tấn và diện tích cây ăn quả trên 800.000 ha, sản lượng trên 7,5 triệu tấn. Diện tích và sản lượng rau quả phân bố chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, Đông Nam bộ và Bắc Trung bộ. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất rau lớn nhất, còn khu vực ĐBSCL là vùng sản xuất quả chủ yếu của cả nước.

Những sản phẩm rau quả mà thị trường có nhu cầu cao thì VN cũng có ưu thế cạnh tranh trong sản xuất như: mặt hàng rau quả tươi (thanh long, bưởi, xoài, vải, chôm chôm, bắp cải, cà chua, dưa chuột, các loại đậu, rau gia vị…); rau quả chế biến (dứa, vải, ngô, cà rốt, hành, gấc…); rau quả chiên giòn (mít, khoai, chuối…).

Tuy vậy, sản xuất rau quả của VN chủ yếu do nông dân tiến hành mang tính cá thể, tự phát nên có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, chưa tạo được sản phẩm hàng hóa lớn, khó khăn trong chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Diện tích rau quả được áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap,…) hoặc theo hướng an toàn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích trồng trọt. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan luôn là nguyên nhân chính dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả VN trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Chẳng hạn như, năm 2012, các lô hàng rau quả của VN nhập khẩu vào EU đã bị cảnh báo về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm: rau thơm nhiễm vi sinh vật (Salmonella, Ecoli…); Gia vị có độc tố nấm mốc (Ochratoxin A); rau và quả tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Carbendazim), nhiễm vi khuẩn (Campylobacterpp., Clostridium)… Một điểm hạn chế nữa là sự cộng tác giữa người trồng rau quả và các DN chế biến, bán buôn, bán lẻ thông qua hợp đồng tiêu thụ còn ít mà chủ yếu do người trồng tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Thu hái, bảo quản và chế biến rau quả

Hoạt động thu hái, phân loại, đóng gói và bảo quản rau quả vẫn chủ yếu được tiến hành theo phương thức thủ công. Thiết bị và công nghệ bảo quản còn thiếu và lạc hậu; cước phí vận chuyển rau quả cao. Những tồn tại đó khiến cho tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 20-25%, chất lượng rau quả thấp, giá thành cao. Thêm vào đó, việc sử dụng các hóa chất bảo quản chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ở khâu chế biến rau quả, cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 TSP/năm. Ngoài ra còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ như sấy vải, nhãn, muối dưa chuột… Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến rau quả không đủ nguyên liệu sản xuất, công suất thực tế trung bình chỉ đạt khoảng 30%. Rau quả chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 10% và chủ yếu gồm các loại như đóng hộp, đông lạnh, pure, cô đặc, nước quả, chiên sấy, muối… Trong số đó, sản phẩm đóng hộp chiếm đến 50%, tiếp theo là sản phẩm cô đặc và đông lạnh.

Tiêu thụ rau quả

Rau quả VN chủ yếu được tiêu thụ trong nước ở dạng tươi, với tỷ lệ khoảng 90%; số còn lại được dùng để chế biến và xuất khẩu. Ở thị trường trong nước, rau quả được tiêu thụ thông qua hệ thống các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng, bán rong, trong đó chợ là hình thức phổ biến và chủ yếu nhất. Mức tiêu thụ rau quả bình quân trên thị trường nội địa hiện nay là 78kg/người/năm và dự báo con số này sẽ tăng trưởng khoảng 10%/năm.

Về thị trường xuất khẩu, hiện sản phẩm rau quả VN đã có mặt trên 60 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu rau quả VN liên tục tăng, năm 2012 mới chỉ đạt 829 triệu USD nhưng đến năm 2014 đạt 1,47 tỷ USD (trong đó gần 90% là quả).

Thị trường tiêu thụ lớn nhất các loại rau quả của VN vẫn là Trung Quốc với 29,22% trong tổng kim ngạch, đạt 435,74 triệu USD, tăng 36,19% so với năm 2013. Tiếp sau là thị trường Nhật Bản với 75,03 triệu USD, chiếm 5,03%, tăng 22,55%. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 60,74 triệu USD, chiếm 4,07%, đạt mức tăng 18,05%. Ngoài những thị trường truyền thống trên, rau quả VN cũng có mặt ở nhiều thị trường mới như Hồng Kông, UAE, Hà Lan… Một tín hiệu khả quan từ thị trường hết sức khó tính là Mỹ mới đây đã chấp nhận cho phép nhập khẩu nhãn của VN. Tháng 12.2014, nhãn VN xuất khẩu sang Mỹ thành công cả bằng đường hàng không và đường biển. Sắp tới, Mỹ còn xem xét cho phép nhập khẩu vải, táo và xoài của VN.

Bên cạnh những thành công đó, xuất khẩu rau quả của VN còn bộc lộ nhiều vấn đề. Chẳng hạn, việc xuất khẩu rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc chủ yếu lại qua đường tiểu ngạch nên gặp nhiều khó khăn, rủi ro và không ổn định. Cùng với đó, 5 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực phẩm khi xuất khẩu rau quả sang EU cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu và uy tín của mặt hàng rau quả VN trên thị trường quốc tế.

ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG ỨNG RAU QUẢ VN

Chúng ta có thể nhận thấy, chuỗi cung ứng rau quả của VN tuy đã đạt được một số thành công nhất định nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập khiến cho giá trị gia tăng thấp và chưa bền vững. Do đó, các cơ quan chức năng cùng với những người sản xuất và kinh doanh rau quả cần tìm ra giải pháp phù hợp để phát triển chuỗi cung ứng rau quả VN.

Xác định các sản phẩm rau quả mà thị trường có nhu cầu cao và VN có lợi thế cạnh tranh như: rau quả tươi (thanh long, bưởi, xoài, vải, chôm chôm, bắp cải, cà chua, dưa chuột, các loại đậu rau, rau gia vị…); rau quả chế biến (đông lạnh IQF: dứa, vải, ngô, cà rốt, hành…); pure, cô đặc: gấc, lạc tiên, dứa…; chiên giòn: (mít, chuối, khoai tây…) để tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

– Rà soát và điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là đối với những loại rau quả chủ lực và có lợi thế để đảm bảo cân đối với khả năng tiêu thụ, tránh việc mở rộng tự phát và phát triển nóng vượt tầm kiểm soát. Đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa khó tưới sang trồng các loại rau quả chủ lực, có thị trường và phục vụ chế biến.

– Đánh giá giống, chất lượng giống và các cây đầu dòng; quản lý tốt cây giống, nguồn gen quý để chọn lọc, lai tạo giống tốt cung cấp cho sản xuất.

– Tổ chức sản xuất rau quả theo chuỗi với quy mô lớn; sử dụng giống mới, kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap…); gắn kết các DN chế biến, bảo quản, xuất khẩu với vùng nguyên liệu.

– Đầu tư công nghệ, thiết bị bảo quản rau quả tiên tiến (chiếu xạ, xử lý bằng nước nóng, bảo quản trong môi trường khí quyển cải biến, điều chỉnh; kho bảo quản lạnh, bảo quản bằng các loại màng an toàn…) để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính (Nhật, Mỹ, EU…).

– Xúc tiến và kêu gọi đầu tư trong nước và liên doanh, liên kết với các DN nước ngoài để xây dựng các khu công nghệ cao cho sản xuất, chế biến và bảo quản rau quả. Nâng cấp, hiện đại hóa các dây chuyền chế biến, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng rau quả chế biến.

– Áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (HACCP, ISO 22000,…) để sản phẩm rau quả đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

– Chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm rau quả chủ lực của VN; thực hiện tốt các cam kết với ASEAN, WTO, các Hiệp định Bảo vệ và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu nông sản.

– Phát triển, mở rộng thị trường nội địa, nhất là các khu du lịch, các khu đô thị, khu dân cư lớn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường lớn, truyền thống và mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Nga, Ấn Độ…

ThS. Trần Thị Thu Hương