Hải quan Bắc Ninh lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp

Ngày 20/7, tại Bắc Giang, đoàn công tác của Cục Hải quan Bắc Ninh do Cục trưởng Trần Đức Hùng làm trưởng đoàn đã đến làm việc với Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea Việt Nam và Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet.

Hải quan Bắc Ninh lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp
Đoàn công tác Cục Hải quan Bắc Ninh làm việc với đại diện Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea Việt Nam. Ảnh: Q.H

Đây là một trong những hoạt động triển khai Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp năm 2023 của Cục Hải quan Bắc Ninh.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Cục Hải quan Bắc Ninh đã lắng nghe các doanh nghiệp chia sẻ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, giới thiệu khái quát mô hình và mục tiêu đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được cơ quan Hải quan hỗ trợ khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, giải đáp về chính sách ưu đãi thuế đối với nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất…

Tại các buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng ghi nhận những kết quả ấn tượng mà các doanh nghiệp đã đạt được, đóng góp vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Hùng cho biết, Cục Hải quan Bắc Ninh sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam. Hi vọng các doanh nghiệp tiếp tục chủ động trao đổi với cơ quan Hải quan về những thắc mắc của doanh nghiệp để có những tư vấn, hỗ trợ kịp thời về thủ tục hải quan, chính sách thuế mà doanh nghiệp quan tâm.

Được biết, đến hết tháng 6/2023, có 5.075 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn Cục Hải quan Bắc Ninh quản lý.

Loại hình xuất nhập khẩu chủ yếu gồm hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của các doanh nghiệp chế xuất; miễn thuế (nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công, sản xuất xuất khẩu; xuất khẩu sản phẩm gia công…) và một số loại hình có thuế như nhập khẩu máy móc thiết bị; nhập khẩu kinh doanh sản xuất; nhập khẩu kinh doanh tiêu dùng…

Ngay sau các buổi làm việc với các doanh nghiệp, đoàn công tác của Cục Hải quan Bắc Ninh đã thăm quan dây chuyền sản xuất.

Hải quan Bắc Ninh lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp
Đoàn công tác Cục Hải quan Bắc Ninh thăm quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet. Ảnh: Q.H

Nhận định tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh đã đề ra một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, đơn vị luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, đẩy mạnh cải cách hiện đại hoá, tiến tới triển khai hải quan thông minh.

Cục Hải quan Bắc Ninh coi việc xây dựng, phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan là yếu tố quan trọng tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Hàng năm, Cục Hải quan Bắc Ninh và các chi cục hải quan trực thuộc tổ chức các cuộc đối thoại doanh nghiệp trên các địa bàn quản lý, đây là diễn đàn quan trọng và thiết thực để cơ quan Hải quan trực tiếp đối thoại cùng các doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong công tác quản lý nhà nước về Hải quan.

Đồng thời, là diễn đàn để cơ quan Hải quan tuyên truyền, phổ biến những cơ chế, chính sách và quy định mới liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn để hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp được thuận lợi, nhanh chóng.

Cục Hải quan Bắc Ninh đã ký Biên bản ghi nhớ và Chương trình hành động với 12 Doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan theo Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022. Mục tiêu của “Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan” hướng đến là 80% doanh nghiệp tham gia được tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ cao. Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Haiquanonline

Tăng thu 13 tỷ đồng từ trực ban trực tuyến

Qua công tác trực ban trực tuyến, cơ quan Hải quan các cấp đã xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế tổng số tiền 13 tỷ đồng.

Tăng thu 13 tỷ đồng từ trực ban trực tuyến
Hoạt động trực ban trực tuyến tại trụ sở Tổng cục Hải quan. Ảnh: T.Bình.

Để đảm bảo hoạt động quản lý hải quan, không bỏ lọt các hành vi vi phạm, bảo vệ môi trường kinh doanh chân chính, Tổng cục Hải quan đã tăng cường kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành Hải quan và hệ thống camera giám sát.

Qua công tác trực ban đã phát hiện các doanh nghiệp thường lợi dụng các phương thức để buôn lậu, gian lận thương mại như: không khai báo để nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; khai báo sai tính chất (cũ/mới) của hàng hóa; khai sai tính chất, hàm lượng hàng hóa để xuất khẩu hàng hóa có điều kiện; khai báo sai hoặc không khai báo rõ tính chất hàng hóa để áp mã sai nhằm giảm số thuế phải nộp; khai báo giảm trị giá tính thuế; khai báo chung chung không rõ nhãn hiệu, xuất xứ để lẫn hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu; vi phạm chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hồ sơ vụ việc vi phạm, trực ban Tổng cục đã tăng cường giám sát đối với hành lý của hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023…

6 tháng đầu năm 2023, trực ban toàn Ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện 1.584 tin báo, phát hiện 286 vụ việc vi phạm, đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hải Phòng) kiến nghị khởi tố 1 vụ việc.

Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền gần 3,1 tỷ đồng, truy thu thuế tổng số tiền hơn 9,91 tỷ đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhiều lô hàng vi phạm, tịch thu hàng hóa vi phạm, tiêu hủy tang vật vi phạm, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm nhiều lô hàng…

Theo: Haiquanonline

Tăng cường thu thập thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro

Đối với doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin, bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể phá sản, tạm ngừng hoạt động…, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Thuế tiến hành xác minh để đảm bảo việc đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro phù hợp.

Tăng cường thu thập thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh (Cục Hải quan Bắc Ninh). Ảnh: Quang Hùng

78,53% doanh nghiệp hợp tác cung cấp thông tin

Thống kê sơ bộ và rà soát trên Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (Hệ thống CRMS) của Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho thấy, năm 2022, toàn Ngành đã chủ động thu thập thông tin đối với 25.670 doanh nghiệp, trong đó có 16.030 doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan phân bổ.

Trên cơ sở Kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2022 của Tổng cục Hải quan, 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và phân bổ chỉ tiêu cho các chi cục thu thập, cập nhật thông tin doanh nghiệp vào hệ thống. Trong đó có 12.588 doanh nghiệp hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan (chiếm 78,53%). Ngoài ra, các đơn vị cũng ghi nhận có 3.442 doanh nghiệp (chiếm 21,47%) không hợp tác cung cấp thông tin, bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể phá sản, tạm ngừng hoạt động. Đối với số doanh nghiệp này, các đơn vị đã và đang phối hợp với cơ quan Thuế tiến hành xác minh để đảm bảo việc đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro phù hợp. Ngoài số doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan phân bổ, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động tiến hành thu thập, cập nhật 9.640 hồ sơ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý tại đơn vị.

Bên cạnh đó, căn cứ vào thực tế phát sinh trên địa bàn, đối với các thông tin liên quan đến đại lý làm thủ tục hải quan (gồm quyết định cấp mới/thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải qua, quyết định chấm dứt/tạm dừng hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan, quyết định thành lập kho, bãi…); thông tin về phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; thông tin doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và thông tin doanh nghiệp kinh doanh giám định… đã được các đơn vị chủ động thu thập, lưu giữ trên hệ thống exel để đảm bảo yêu cầu quản lý, phục vụ triển khai việc số hóa.

Theo đại diện Cục Quản lý rủi ro, thời gian qua, công tác thu thập xử lý thông tin doanh nghiệp đã đảm bảo cơ bản về số lượng, chất lượng chỉ tiêu phân bổ. Ngoài ra, các đơn vị đã chủ động, cũng như kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị trong quá trình thực hiện cho Cục để có phương án phối hợp giải quyết, đảm bảo công tác thu thập, xử lý thông tin đạt hiệu quả.

“Qua theo dõi tình hình vi phạm pháp luật của doanh nghiệp XNK trong năm 2022, tình trạng doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp thành lập mới rồi giải thể để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại giảm rõ rệt so với những năm trước. Một phần nguyên nhân là do sự chủ động, tích cực của các cục hải quan tỉnh, thành phố trong việc phối hợp với cơ quan Thuế để xác minh làm rõ tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh… đảm bảo theo dõi, quản lý chặt chẽ doanh nghiệp trên địa bàn”, đại diện Cục Quản lý rủi ro chia sẻ thêm.

Thu thập thông tin theo loại hình XNK

Tiếp tục công tác phân loại doanh nghiệp mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2023, nêu rõ các nội dung về cách thức, biện pháp thực hiện, đồng thời phân bổ chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp cần thu thập thông tin cho các đơn vị và hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Tổng cục Hải quan đặt ra yêu cầu đối với các cục hải quan tỉnh, phố phải nắm rõ thông tin, tình hình hoạt động doanh nghiệp XNK trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp gia công sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất… Đồng thời, các đơn vị phải chủ động và có trách nhiệm trong công tác thu thập thông tin, việc phân bố chỉ tiêu thu thập thông tin doanh nghiệp năm 2023.

Ngoài ra, cách thức phân bổ đảm bảo việc thu thập thông tin doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn theo loại hình như doanh nghiệp gia công sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Đối với doanh nghiệp hoạt động XNK trên địa bàn, giao các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động lập kế hoạch thu thập, cập nhật vào hệ thống, đảm bảo từ 5 đến 10% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, việc thu thập thông tin tập trung vào các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh hàng tiêu dùng, doanh nghiệp xin mang hàng về bảo quản, doanh nghiệp không có trụ sở đóng trên địa bàn nhưng mới hoạt động, doanh nghiệp hoạt động không thường xuyên, doanh nghiệp có thay đối về thông tin doanh nghiệp trong khai báo hải quan…

Tới đây, Cục Quản lý rủi ro tiếp tục thực hiện vai trò đầu mối trong công tác trao đổi thông tin với cơ quan Thuế, đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin của hai cơ quan trong môi trường điện tử. Đồng thời, tập trung sửa đổi các biểu mẫu và xây dựng bài toán phục vụ thu thập xử lý thông tin đáp ứng kế hoạch hàng năm và đáp ứng Hải quan số, Hải quan thông minh đối với một số đối tượng đặc thù như đại lý làm thủ tục hải quan; kho, bãi, cảng.

Theo Haiquanonline.

Buôn lậu qua biên giới phía Nam lại “nóng” với hàng tiêu dùng – Bài cuối: Chặn bắt nhiều vụ xuất lậu ngoại tệ

Sau thời gian dài yên ắng, gần đây, tình trạng vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ qua biên giới gia tăng trở lại. Nhiều vụ vi phạm đã bị lực lượng Hải quan phát hiện, bắt quả tang ngay tại cửa khẩu.

Tang vật USD nhuộm đen do Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thu giữ ngày 15/9/2022.
Tang vật USD nhuộm đen do Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thu giữ ngày 15/9/2022.

Ngoại tệ xuất lậu qua đường hàng không

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không và bưu chính quốc tế có chiều hướng giảm do các chuyến bay quốc tế tiếp tục bị gián đoạn, ngưng trệ bởi dịch bệnh Covid-19. Sau khi mở cửa du lịch một số tuyến với các nước, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại. Các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu như sản phẩm từ động vật hoang dã, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, điện thoại di động và ngoại tệ…

Điển hình ngày 15/9, Đội thủ tục hành lý xuất – Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM), qua kiểm tra hành lý của khách XNK đã phát hiện và bắt giữ 2 hành khách đi chuyến bay VJ803 khởi hành từ Tân Sơn Nhất đi Bangkok – Thái Lan xuất trái phép 1 triệu USD đã nhuộm đen. Theo Chi cục trưởng Chị cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Bùi Lê Hùng, đây là thủ đoạn vận chuyển ngoại tệ hết sức tinh vi của nhóm đối tượng. Thủ đoạn này đã từng xảy ra trong nhiều vụ án rửa tiền, nhưng đây là vụ đầu tiên cơ quan Hải quan phát hiện với số lượng ngoại tệ rất lớn.

Ngoài vụ việc nêu trên, theo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, từ đầu năm 2022 đến nay, Đội thủ tục hành lý xuất – Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện bắt giữ tổng 9 vụ vận chuyển trái phép ngoại tệ qua cửa khẩu hàng không, với số ngoại tệ thu giữ là 10.000 USD, 36.500 SGD và số tiền ngoại tệ từ các nước khác quy đổi thành tiền Việt Nam tương đương gần 1,1 tỷ đồng.

Dự báo hành khách XNC sẽ tăng cao trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán 2023 sắp tới. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã xây dựng kế hoạch cụ thể vừa đảm bảo tạo thuận lợi làm thủ tục cho hàng hóa, hành lý của hành khách, vừa thực hiện kiểm soát, chống buôn lậu hiệu quả. Theo đó, sẽ tăng cường công tác thu thập, phân tích, xử lý thông tin, nắm chắc các tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm; xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế, nhất là ma tuý, vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, rượu, thuốc lá điếu, xì gà, điện thoại, vàng, ngoại tệ…

Ngoại tệ “len lỏi” qua biên giới

Theo Cục Hải quan Đồng Tháp, liên tục trong thời gian gần đây, trên tuyến biên giới Đồng Tháp, lực lượng Hải quan đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển trái phép ngoại tệ, tiền Việt Nam qua lại Campuchia. Ngày 15/11, Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà phối hợp với lực lượng Biên phòng phát hiện ông Phan Ngọc Tiến (sinh năm 1978, địa chỉ ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 66K1-105.20 cất giấu 200.000 USD trong cốp xe, không khai báo làm thủ tục hải quan khi xuất cảnh qua cửa khẩu theo quy định. Vụ việc đã được cơ quan Hải quan chuyển hồ sơ cho Công an huyện Tân Hồng và cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với ông Phan Ngọc Tiến về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Theo ông Đào Hữu Cần, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà, không chỉ vận chuyển ngoại tệ trái phép, đối tượng còn lợi dụng việc qua lại biên giới để vận chuyển trái phép tiền Việt Nam, không khai báo hải quan. Trước đó, vào tháng 9/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) để tiếp tục điều tra theo quy định. Theo hồ sơ vụ việc, ngày 13/8/2022, tại cổng nhập Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, công chức trực kiểm soát của Hải quan và Biên phòng phát hiện ông Trịnh Linh Em, sinh năm 1996, cư trú tai xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 66N1-332.28 đi từ hướng Campuchia về Việt Nam, cất giấu trong cốp xe 330 triệu đồng tiền Việt Nam, không khai báo hải quan.

Trên tuyến cửa khẩu biên giới đường bộ, tình trạng vận chuyển tiền tệ qua biên giới cũng xuất hiện trở lại trong thời gian gần đây. Ngày 11/11/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh) đã phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) thuộc Tổng cục Hải quan, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh bắt giữ đối tượng Đinh Tuấn Anh, sinh năm 1994, ngụ tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An nhập cảnh cùng bạn gái từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài mang theo gần 500 triệu đồng tiền Việt Nam và 10.400 USD, nhưng không khai báo hải quan. Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục xử lý theo quy định.

Theo dự báo của các đơn vị Hải quan biên giới Tây Nam, tình hình vận chuyển trái phép ngoại tiền tệ qua biên giới sẽ diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các đơn vị đang triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó sẽ tập trung nhiều giải pháp ngăn chặn hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Ngày 22/11/2022, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Kế hoạch được thực hiện từ ngày 1/12/2022 đến hết ngày 1/12/2025. Kế hoạch nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp lực lượng, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế…

Theo HaiQuanOnline

Hải quan TPHCM tăng thu cho ngân sách trên 374 tỷ đồng qua tham vấn giá

Qua công tác tham vấn giá đối với hàng hóa nhập khẩu trong gần 1 năm qua, Cục Hải quan TPHCM đã tăng thu cho ngân sách Nhà nước trên 374 tỷ đồng.

Hải quan Hiệp phước. ảnh: T.H
Hải quan Hiệp Phước kiểm tra xe ô tô nhập khẩu. Ảnh: T.H

Theo Cục Hải quan TPHCM, trong thời gian qua, bên cạnh công tác tạo thuận lợi, các đơn vị hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu chú trọng công tác chống thất thu qua trị giá tính thuế.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 20/12/2022, toàn Cục đã thực hiện tham vấn giá đối với 34.759 tờ khai hải quan. Trong đó, có trên 22.000 tờ khai được chấp nhận trị giá khai báo; 12.693 tờ khai đã bị bác bỏ trị giá khai báo.

Với việc bác bỏ trị giá khai báo, điều chỉnh giá tính thuế phù hợp với hàng thực nhập, Cục Hải quan TPHCM đã tăng thu cho ngân sách Nhà nước tổng số thuế trên 374 tỷ đồng. Trong đó, trên 56% số thu phát sinh tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1, với trên 213 tỷ đồng; 36,84% số thu phát sinh tại Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư, với hơn 140 tỷ đồng.

Theo HaiQuanOnline

Giá xuất khẩu cao tới hết năm, gạo Việt khả quan thu về 3,3 tỷ USD

Nguồn cung gạo thế giới thiếu hụt, nhu cầu NK tại nhiều thị trường lớn tăng cao là điều kiện thuận lợi giúp ngành lúa gạo Việt Nam thu về kết quả XK khả quan khoảng 3,2-3,3 tỷ USD trong năm nay. Đáng chú ý, dự báo giá gạo XK sẽ duy trì ở mức cao đến hết năm.

Sản lượng thóc của Việt Nam năm 2022 đạt trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho XK đạt khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn. 	Ảnh: ST
Sản lượng thóc của Việt Nam năm 2022 đạt trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho XK đạt khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn. Ảnh: ST

Xuất khẩu tăng cả lượng và trị giá

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo XK tháng 10/2022 ước đạt 700 nghìn tấn với trị giá đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá XK gạo 10 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 9 tháng năm 2022, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. XK gạo sang thị trường này đạt 2,47 triệu tấn với trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị trường có trị giá XK gạo tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (tăng 71,2%). Ngược lại, thị trường có trị giá XK gạo giảm mạnh nhất là Gana (giảm 32,8%).

Đặt lên bàn cân so sánh, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 10/2022, giá gạo XK Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng Baht yếu và nhu cầu giảm. Trong khi đó, giá gạo tại Việt Nam và Ấn Độ ổn định gần mức cao nhất trong nhiều tháng do lo ngại về nguồn cung.

Cụ thể, tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022. Các thương nhân cho rằng giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm ở cả thị trường trong nước và XK trong bối cảnh không có sự gián đoạn nguồn cung do lũ lụt. Đồng Baht của Thái Lan đã được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD bởi những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm trong tháng 10/2022 giảm nhẹ 2 USD/tấn, từ mức 376 – 384 USD/tấn xuống 374 – 382 USD/tấn. Giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm và chất lượng gạo bị ảnh hưởng do mưa lớn. Mưa lớn diễn ra nhiều ngày ở Ấn Độ đã gây thiệt hại đến các ruộng lúa ngay trước kỳ thu hoạch ở các bang trồng lúa chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không đổi ở mức 425 – 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Bà Đoàn Xuân Khánh Quyên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) chia sẻ: giá lúa gạo tại thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực ĐBSCL trong những ngày đầu tháng 11/2022 liên tục tăng. Hiện ở nhiều vùng, lúa mới khoảng 50 – 60 ngày tuổi đã có thương lái đến đặt vấn đề giá cả và đặt cọc. “So với mức giá đỉnh hồi tháng 10/2022, giá gạo XK hiện tiếp tục tăng bình quân từ 10 – 20 USD/tấn”, bà Quyên nói.

Xung quanh câu chuyện giá gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá: những năm gần đây đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá xuất khẩu cao đến hết năm 2022

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Nhờ đó, XK gạo sang các thị trường “khó tính” ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.

Lãnh đạo Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin thêm: các thị trường “khó tính” như châu Âu, Hàn Quốc rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Các đơn hàng liên tục được ký mới. Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An vừa trúng gói thầu XK 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc với trị giá hơn 9 triệu USD, dự kiến sẽ XK vào đầu năm 2023.

Đại diện một số DN XK gạo cho rằng, xu hướng tăng giá gạo XK sẽ tiếp tục kéo dài tới cuối tháng 12/2022. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á (nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu) và tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc (thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới) đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ đánh thuế 20% gạo XK cũng là cơ hội cho ngành XK gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Trong giai đoạn 2017 – 2018, Ấn Độ chỉ XK khoảng 8 – 9 triệu tấn gạo/năm, khi đó giá gạo XK của Việt Nam khá tốt. Tuy nhiên, vào năm 2021 khi Ấn Độ đưa sản lượng gạo XK lên trên 21 triệu tấn, giá gạo trên thị trường bị sụt giảm mạnh. Có thể nói, Ấn Độ là đối thủ rất “nặng ký” trong cạnh tranh XK gạo ở phân khúc phẩm cấp trung bình với Việt Nam. Bởi vậy, việc cường quốc XK gạo này áp thuế 20% đối với các loại gạo XK sẽ làm cho giá gạo Ấn Độ đắt hơn gạo của nhiều quốc gia XK khác, tạo cơ hội để gạo Việt Nam lấy lại thị trường trước đây bị gạo Ấn Độ lấn áp.

Về mục tiêu XK gạo cả năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Năm 2022, diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7,2 triệu ha như kế hoạch, sản lượng thóc cả năm trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho XK đạt khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn. Kim ngạch XK gạo cả năm có khả năng đạt khoảng 3,2 – 3,3 tỷ USD”.

Theo HQ Online

Hải quan TPHCM tăng thu gần 30 tỷ đồng qua công tác thanh tra

Qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và thực hiện các quyết định thanh tra của cấp trên, Cục Hải quan TPHCM đã truy thu và kiến nghị truy thu gần 30 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Hải quan TPHCM kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: T.H
Công chức Hải quan TPHCM kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: T.H

Theo Cục Hải quan TPHCM, từ đầu năm 2022 đến ngày 15/11/2022, Phòng Thanh tra – Kiểm tra Cục Hải quan TPHCM đã ban hành 20 công văn đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận thanh tra. Mới đây, Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư đã thực hiện Kết luận Thanh tra của Tổng cục Hải quan, ban hành quyết định ấn định thuế đối với doanh nghiệp vi phạm, với tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước gần 500 triệu đồng.

Luỹ kế đến ngày 15/11/2022, Cục Hải quan TPHCM đã hoàn thành xử lý 12 kết luận kiểm tra, thanh tra, với tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 19 tỷ đồng.

Đối với công tác thanh tra chuyên ngành, Phòng Thanh tra – Kiểm tra đã triển khai tổ chức thanh tra chuyên ngành tại trụ sở 5 trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

Tính đến ngày 15/11/2022, Phòng Thanh tra – Kiểm tra đã hoàn thành thực hiện và ban hành kết luận thanh tra 1 cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và 3 cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2022. Tổng số tiền thuế kiến nghị truy thu của 4 kết luận trên 11 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm 2022, Cục Hải quan TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thành các cuộc thnh tra chuyên ngành và thực hiện 8 kết luận thanh tra của Tổng cục Hải quan.

Theo HQ Online

Dừng làm thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp nợ thuế hơn 4,8 tỷ đồng

Cục Hải quan Hà Nội vừa quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với một doanh nghiệp nợ thuế hơn 4,8 tỷ đồng.

Hoạt động nghiệp vụ của công chức Cục Hải quan Hà Nội). 	Ảnh: N.Linh
Hoạt động nghiệp vụ của công chức Cục Hải quan Hà Nội. Ảnh: N.Linh

Doanh nghiệp bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là Công ty TNHH Universal Stones, địa chỉ tại KCN Bình Xuyên, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của công ty này là do công ty nợ thuế và tiền chậm nộp thuế của quyết định ấn định thuế từ tháng 1/2022 của Cục Hải quan Hà Nội.

Thời gian áp dụng cưỡng chế 1 năm tính từ ngày 5/10/2022, quyết định cưỡng chế chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Theo Báo Hải Quan

Không được miễn thuế hàng NK nếu không thông báo Danh mục miễn thuế

Theo quy định tại Luật Thuế XK, thuế NK, nếu DN không thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế theo quy định, thì hàng hóa NK của DN cũng không đáp ứng thủ tục hải quan, thủ tục miễn thuế để áp dụng chính sách miễn thuế NK.

Trước thắc mắc của Cục Hải quan Quảng Nam liên quan đến phân loại máy chính và miễn thuế hàng hóa NK tạo tài sản cố định, theo Tổng cục Hải quan, về phân loại theo máy chính, tại Điều 7 Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định trường hợp người khai hải quan NK máy liên hợp (gồm hai hay nhiều máy) hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, Chương 85 và Chương 90 của Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam thực hiện phân loại theo quy định tại Chú giải 3, 4, 5 phần 16 của Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, không phân biệt các máy đó được NK từ nhiều nguồn, về cùng chuyến hay nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau thì người khai hải quan, cơ quan Hải quan thực hiện đăng ký Danh mục máy móc, thiết bị, kèm theo 1 phiếu theo dõi trừ lùi trước khi NK lô hàng đầu tiên.

Công chức Cục Hải quan Quảng Nam kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. 	Ảnh: T.H
Công chức Cục Hải quan Quảng Nam kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: T.H

Trường hợp DN NK máy liên hợp hoặc tổ hợp máy theo quy định tại Chú giải 3, 4, 5 phần 16 của Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam không đăng ký Danh mục máy móc, thiết bị trước khi NK lô hàng đầu tiên nhưng thực hiện phân loại áp dụng mã số theo máy chính là không đúng quy định tại Điều 7 Thông tư 14/2015/TT-BTC.

Liên quan đến việc xử lý thuế NK, tại khoản 11 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK và Điều 14 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định về miễn thuế hàng hóa NK tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Tại phụ lục 2, Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư; khoản 1 Điều 17 Luật Thuế XK, thuế NK;khoản 1 Điều 30 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định về các trường hợp phải thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế; điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định về thời điểm thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế; điểm g khoản 2 Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy địnhDanh mục miễn thuế đã được cơ quan Hải quan tiếp nhận là một trong các giấy tờ thuộc hồ sơ miễn thuế khi làm thủ tục hải quan; khoản 3 Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục miễn thuế…

Theo đó, dự án của DN nếu thuộc dự án ưu đãi đầu tư và được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế NK hàng hóa tạo tài sản cố định phục vụ cho hoạt động dự án theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK DN phải thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế trước khi NK hàng hóa theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 134/2016/ND-CP.

Tuy nhiên, DN đã không thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế theo quy định, vì vậy, hàng hóa NK của DN không đáp ứng thủ tục hải quan, thủ tục miễn thuế để áp dụng chính sách miễn thuế NK theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK.

Theo Báo Hải Quan

Nền tảng quản trị tốt giúp doanh nghiệp tạo năng lực cạnh tranh, ứng phó với bất ổn

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), Chuyên gia tư vấn quản trị công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nên bắt đầu củng cố từ nền tảng quản trị doanh nghiệp, sau đó mới có thể đề ra chiến lược kinh doanh hợp lý.

Nền tảng quản trị tốt giúp doanh nghiệp tạo năng lực cạnh tranh, ứng phó với bất ổn
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), Chuyên gia tư vấn quản trị công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam.

Xin bà cho biết vai trò của việc xây dựng quản trị doanh nghiệp với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam?

Tại Việt Nam trong rất nhiều năm trước, khi nói đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thì yếu tố rất quan trọng là quản trị doanh nghiệp lại ít khi được nhắc tới. Nên sau khi đối mặt với khủng hoảng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều đã nhận thấy rất rõ một trong ba giá trị quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó linh hoạt, phục hồi nhanh chóng là việc phải có nền quản trị tốt, bên cạnh nguồn lực về tài chính và con người.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm năng lực về thị trường sản phẩm dịch vụ, con người gồm lãnh đạo, đội ngũ nhân viên, văn hóa doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp. Khi gắn quản trị công ty với năng lực cạnh tranh thì đây chính là một trong những điểm kết nối các nguồn lực và gia tăng các nguồn lực. Quản trị doanh nghiệp tốt còn giúp gia tăng về hình ảnh, thương hiệu, qua đó giúp doanh nghiệp thu hút những khoản đầu tư mới. Bởi hiện nay, những nhà đầu tư trực tiếp hay gián tiếp đều rất coi trọng vấn đề quản trị doanh nghiệp, để thấy được sự minh bạch và công khai trong hoạt động doanh nghiệp mới quyết định đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp quản trị tốt sẽ là lực đỡ giữ chân người lao động, gia tăng nguồn lực lao động mới.

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh khóc liệt, các doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững theo xu hướng ESG. ESG cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.

Làm tốt những vấn đề trên, các doanh nghiệp sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh, ứng phó với những bất ổn của kinh doanh bây giờ, không chỉ do đại dịch, mà còn cả những bất ổn từ chuỗi cung ứng. Nên hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách phải hiểu được vai trò của quản trị doanh nghiệp để đưa vào đánh giá năng lực cạnh tranh và đưa vào chiến lược kinh doanh.

Đi cùng quản trị doanh nghiệp là văn hóa doanh nghiệp, theo bà, các doanh nghiệp cần cải thiện vấn đề này như thế nào?

Dù nắm bắt xu thế mới, văn hóa vẫn là điều cần được xây dựng và bồi đắp. Bởi lẽ, văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp. Trong hơn hai năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó, đối phó và “sống sót” vượt qua cơn bão của Covid-19. Một trong những yếu tố rất quan trọng giúp họ làm được điều này, đó chính là nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp như lực đỡ và cũng là lực đẩy để khi doanh nghiệp có bị khủng hoảng thì không bị rơi xuống.

Vì thế, văn hóa doanh nghiệp từ các lãnh đạo cấp cao cần được định danh, định vị và định hướng để trở thành “ngọn đèn hải đăng” dẫn dắt và xây dựng văn hóa công ty, hướng đến phát triển bền vững.

Với riêng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần những hành động gì để nâng cao năng lực cạnh tranh khối này, thưa bà?

Sau đại dịch Covid-19, tất cả năng lực hiện có của doanh nghiệp đều được thể hiện ra hết. Các doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động dưới mức độ áp lực ngày càng tăng cao và lớn chưa từng có so với trước đây.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi quy mô chưa lớn, nguồn lực chưa mạnh thì nên cải thiện năng lực cạnh tranh bằng việc thực hiện quản trị doanh nghiệp theo mức tối thiểu đó là tuân thủ, để đảm bảo không phát sinh chi phí do việc không tuân thủ đưa ra. Cùng với đó, giải pháp làm được ngay là các doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển nguồn lực con người bằng các chính sách phù hợp để khuyến khích, phát triển và giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp phải luôn coi người lao động là nguồn lực phát triển doanh nghiệp, không phải đối tượng để đi thuê.

Theo HQ Online